COVID kéo dài, cuộc chiến giải mã cũng dài

PHẠM HẰNG 05/09/2024 04:12 GMT+7

TTCT - Thuật ngữ "COVID kéo dài" để chỉ các di chứng dai dẳng của người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 được đưa ra vào tháng 5-2020. Chữ "kéo dài" đã vận cả vào các nghiên cứu giải mã tình trạng mạn tính này.

COVID kéo dài, Cuộc chiến Giải mã cũng dài - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Theo một báo cáo trên Natura Medicine hồi tháng rồi, đến cuối năm 2023 ước tính khoảng 400 triệu người trên thế giới đã mắc COVID kéo dài; hội chứng hậu COVID-19 gây thiệt hại kinh tế hằng năm khoảng 1.000 tỉ USD - tương đương khoảng 1% nền kinh tế toàn cầu.

Tìm ra phương pháp điều trị COVID kéo dài hiệu quả là nhu cầu cấp bách, song các nghiên cứu mấy năm qua dường như chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Vẫn còn mơ hồ

"Thách thức của chúng tôi là phát hiện ra các dấu ấn sinh học có thể giúp chẩn đoán nhanh chóng và chính xác COVID kéo dài để đảm bảo những người đang phải vật lộn với căn bệnh này nhận được sự chăm sóc phù hợp nhất càng sớm càng tốt" - tiến sĩ David Goff đến từ Phân viện tim, phổi và máu quốc gia thuộc Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nói với tờ The Guardian ngày 14-8.

Trong một công trình quy mô nhằm phát triển xét nghiệm trong phòng lab để phát hiện COVID kéo dài, NIH đã xem xét hơn 10.000 người lớn ở 83 cơ sở lâm sàng tại Mỹ trong giai đoạn

2021-2023. Khoảng 1.800 người đáp ứng các tiêu chí COVID kéo dài để tham gia nghiên cứu. Những người này phải được thực hiện một loạt 25 xét nghiệm máu và nước tiểu tiêu chuẩn và được theo dõi trong bốn năm.

Kết quả, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine ngày 13-8, các nhà khoa học tìm thấy ít sự khác biệt giữa những người được chẩn đoán mắc COVID kéo dài và những người không gặp di chứng. Ví dụ, họ tìm thấy mối liên hệ khiêm tốn với HbA1c, một chỉ số đo lượng đường trong máu trung bình trong hai đến ba tháng, nhưng mối liên hệ này biến mất khi người bệnh kiểm soát bệnh tiểu đường từ trước. Do vậy, không có xét nghiệm thường quy nào trong số 25 giá trị được kiểm tra có thể đóng vai trò là dấu ấn sinh học hữu ích về mặt lâm sàng.

COVID kéo dài, Cuộc chiến Giải mã cũng dài - Ảnh 2.

Theo tiến sĩ Paul G. Auwaerter - giáo sư y khoa và giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Johns Hopkins, một phần nguyên do thách thức là các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ các cơ chế gây ra các hội chứng mệt mỏi mãn tính nói chung.

Ví dụ, cục máu đông tái phát, mệt mỏi, giảm khả năng chịu đựng khi tập thể dục và chức năng phổi suy giảm đều có thể phát sinh từ tình trạng viêm mạn tính. Ngoài ra, biểu hiện của COVID kéo dài có sự tương đồng với hội chứng mệt mỏi mạn tính sau một số bệnh nhiễm trùng do vi rút (Ebola, bại liệt, cúm…) và vi khuẩn khác.

Cuộc săn tìm xét nghiệm phát hiện Covid kéo dài, vì thế "vẫn phải tiếp diễn", Auwaerter nói với The Guardian.

Nghiên cứu còn nhiều vấn đề

Mặc dù các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu trong nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đây là điều đáng tiếc nhưng cũng có nguyên nhân cả: thiếu vắng nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao và thiếu nguồn tài trợ.

Sáng kiến RECOVER ra mắt năm 2021 trị giá 1,15 tỉ USD được xem là một trong những nghiên cứu lớn nhất và đa dạng nhất về bệnh nhân mắc COVID kéo dài trên thế giới. Tuy nhiên gần đây RECOVER đã bị chỉ trích vì một số kế hoạch thử nghiệm được cho là giá trị thấp. 

Ví dụ, thử nghiệm hiệu quả của một trò chơi máy tính trong việc giảm tình trạng "sương mù não" hay kế hoạch thử nghiệm tập thể dục, bởi nhiều nghiên cứu sâu rộng đã chỉ ra tập thể dục có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Theo dữ liệu trên trang ClinicalTrials.gov, tính đến tháng 3-2024 có 485 thử nghiệm liên quan đến COVID kéo dài, trong đó 194 nghiên cứu quan sát, 291 nghiên cứu can thiệp. Đáng chú ý, chỉ có 100 nghiên cứu liên quan đến phương pháp điều trị bằng dược phẩm. Các nghiên cứu can thiệp có xu hướng thiên về can thiệp hành vi, thay đổi lối sống hay đào tạo nhận thức. Giá trị mang lại được cho là thấp.

Mặt khác, có sự lo ngại về thiết kế nghiên cứu. Nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên mù đôi mang lại giá trị cao song thống kê cho thấy có 113 thử nghiệm COVID kéo dài không có chế độ mù (người tham gia biết mình thuộc nhóm điều trị hay nhóm dùng giả dược) và 55 thử nghiệm mù một phần (các nhà nghiên cứu biết ai thuộc nhóm nào), tức kết quả có thể sai lệch.

Các nghiên cứu trên được cho là dễ tiếp cận nhưng chỉ khẳng định lại những gì người bệnh đã biết, trong khi cái cần là các nghiên cứu về loại thuốc mới hoặc phương pháp điều trị mới, giúp cải thiện các triệu chứng nghiêm trọng mà họ đang phải đối mặt.

Thiếu kinh phí cũng là nguyên nhân. RECOVER hiện đang tiến hành một loạt các nghiên cứu đầy tham vọng và quy mô lớn gồm nghiên cứu hồ sơ sức khỏe điện tử, khám nghiệm tử thi và các nghiên cứu quan sát quy mô lớn, tất cả đều cần tiền.

Những hướng thay đổi

COVID kéo dài có hơn 200 triệu chứng và các nghiên cứu còn hạn chế. Một bước đột phá trong cách tiếp cận, theo bài viết trên Nature hồi tháng 4, là đi từ bệnh nhân: lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của họ và xem họ là trung tâm nghiên cứu.

Ví dụ, Tổ chức phi lợi nhuận Patient-Led Research Collaborative, do những người mắc COVID kéo dài thành lập, đã khảo sát gần 3.800 người ở 56 quốc gia. Kết quả cho thấy các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (87%), khó thở sau khi gắng sức (86%) và rối loạn chức năng nhận thức (88%). 

Từ kết quả này và những nỗ lực tương tự, các nhà khoa học có thể định hình các chương trình nghiên cứu mới, khởi động một số thử nghiệm lâm sàng về các liệu pháp mới, đôi khi có giá trị thực tiễn cao hơn các nghiên cứu do RECOVER tài trợ.

Khi chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, việc người bệnh trao đổi kinh nghiệm cùng nhau cũng làm vỡ ra nhiều điều. Xuất phát từ trải nghiệm bản thân, Martha Eckey, một dược sĩ ở Minneapolis (Mỹ), đã thiết kế một cuộc khảo sát có tên TREAT ME, trong đó hỏi những người mắc bệnh về kinh nghiệm sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng. Hơn 4.000 người đã trả lời. Kết quả bất ngờ phát hiện ra sự chồng chéo trong việc dùng thuốc hay khi dùng naltrexone liều thấp, một loại thuốc để điều trị lạm dụng chất gây nghiện, mang lại cảm giác dễ chịu cho một số người. 

COVID kéo dài, Cuộc chiến Giải mã cũng dài - Ảnh 3.

Ảnh: chn.org

Các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu đã nghiêm túc xem xét những thông tin gợi mở này và đang tìm kiếm bằng chứng vững chắc về hiệu quả sử dụng thuốc cũng như giúp người bệnh được công ty bảo hiểm thanh toán.

Hợp tác giữa người bệnh, nhà khoa học và nhà tài trợ trong việc thiết kế nghiên cứu cũng tỏ ra hiệu quả. Điển hình là nghiên cứu về thử nghiệm thuốc Baricitinib, một loại thuốc điều hòa miễn dịch để điều trị viêm khớp dạng thấp và rụng tóc từng vùng, nhằm cải thiện rối loạn chức năng não. Thử nghiệm này hiện đã được NIH tài trợ và sẽ bắt đầu tuyển bệnh nhân vào cuối năm nay.

Sự hợp tác hiệu quả giữa bệnh nhân và nhà khoa học có thể giúp ích cho cả hai bên. Những trải nghiệm thực tế của bệnh nhân giúp định hình các ưu tiên trong nghiên cứu. Điều này có thể dẫn đến những đột phá trong chẩn đoán và điều trị COVID kéo dài. 

COVID kéo dài tác gồm các triệu chứng dai dẳng như đau đầu, mệt mỏi quá mức, rối loạn chức năng nhận thức (sương mù não) hay khó thở khi hoạt động gắng sức. Người mắc COVID kéo dài giảm khả năng làm việc, chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động cộng đồng… khiến họ dễ bị cô lập, trầm cảm và thất nghiệp. Năm 2022, Viện Brookings (Mỹ) ước tính có từ 2 - 4 triệu người đã mất việc làm vì COVID kéo dài.

Hệ thống y tế cũng chịu nguy cơ quá tải do người bệnh cần tái khám nhiều lần và tăng chi phí điều trị. Ngoài ra, có sự gia tăng của các bệnh lý tiểu đường, tim mạch, bệnh tự miễn… do hậu quả của nhiễm SARS-CoV-2. Tất cả đều là gánh nặng kinh tế cho cá nhân người bệnh lẫn toàn cầu.

Ngày 22-8, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt hai loại vắc xin COVID-19 cập nhật, dùng để chích liều tăng cường của Pfizer và Moderna. Đây là lần thứ ba hai hãng trên cập nhật vắc xin để phù hợp với các biến thể đang lưu hành.

Các mũi tiêm mới từ Pfizer và Moderna được thiết kế để nhắm vào biến thể KP.2, dòng phụ của biến thể JN.1 có khả năng lây nhiễm cao, đã bắt đầu lan rộng ở Mỹ vào mùa đông năm ngoái.

Theo NBC News, phần lớn nước Mỹ vẫn trải qua làn sóng COVID trong mùa hè. Tính đến ngày 11-5, chỉ có 22,5% người trưởng thành đã tiêm vắc xin được cập nhật năm ngoái, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Chỉ có 14,4% trẻ em từ 6 tháng đến 17 tuổi đã chích ngừa. Mùa thu năm nay, CDC khuyến nghị tất cả người Mỹ từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm các mũi tiêm mới.

Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa y tế công cộng Đại học Brown và cựu điều phối viên phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết COVID rất có thể là bệnh lưu hành ở Mỹ, với việc vi rút tuân theo "một mô hình tương đối có thể dự đoán và sẽ kéo dài rất lâu". Điều đó có nghĩa vắc xin Covid sẽ được cập nhật hằng năm để bảo vệ chống lại các đột biến và sự suy giảm miễn dịch, như cách làm với vắc xin cúm.

Các nghiên cứu mới cho thấy tiêm vắc xin COVID-19 thực sự mang lại lợi ích lâu dài. Trong một phân tích chuyên sâu về phản ứng miễn dịch thực hiện trên khoảng 500 người trong ba năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy mặc dù kháng thể do vắc xin kích thích tạo ra ban đầu có giảm, nhưng sau vài tháng sẽ ổn định và mang lại lợi ích miễn dịch lâu dài. Kết quả công bố trên tập san Immunity vào tháng 3-2024.

YÊN LAM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận