Cử tri Mỹ sẽ chọn con đường nào?

DANH ĐỨC 03/11/2012 21:11 GMT+7

TTCT - Trong số các lá phiếu nhất định sẽ bỏ cho ứng cử viên Barack Obama, có lẽ một trong những lá phiếu ý nghĩa nhất chính là của cựu ngoại trưởng Mỹ dưới trào tổng thống Bush “con”, Colin Powell.

Phóng to
Ông Powell (trái) ủng hộ Tổng thống Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay (ảnh chụp tại Nhà Trắng ngày 1-12-2010) - Ảnh: Reuters

Lá phiếu của cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell

Phát biểu trên CBS tuần rồi, ông Powell, người từng giúp tổng thống Bush khởi động chiến tranh Iraq bằng cách ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7-2-2003 trưng ra chiếc lọ đựng cái gọi là khuẩn bệnh than bằng chứng “vũ khí hủy diệt hàng loạt” của ông Saddam Hussein (1), đã loan báo sẽ lại bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ Obama. Ông Powell đã từng bỏ phiếu như thế cách đây bốn năm chống lại ứng viên McCain cũng của Đảng Cộng hòa (2).

Làm thế nào mà một cựu ngoại trưởng của một tổng thống Đảng Cộng hòa lại hai lần quay đầu bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ? Trong một thể chế mà mỗi đảng (trong hai đảng đang thay nhau cầm quyền như ở Mỹ) đã tự mặc định tôn chỉ gắn liền với lợi ích của một bộ phận xã hội, việc đánh giá thành tích của một tổng thống, muốn hay không muốn, cũng phải từ góc nhìn đó. Hơn ai hết, người ngoại trưởng Mỹ của cuộc chiến tranh Iraq đã sớm hiểu cuộc chiến này là chính đáng hay không và cái giá của nó với nước Mỹ như thế nào.

Những tính toán của trang web Costs of War (Chi phí chiến tranh) cho biết hóa đơn chiến tranh đã phải chi tính đến tháng 6-2011 là 3.200 tỉ USD, và còn phải chi, tính ra sẽ lên đến 4.000 tỉ USD (3), tức khoảng 1/4 tổng số công nợ của nước Mỹ hiện nay là trên 16.000 tỉ USD. Một tính toán khác cho thấy trong 20 năm qua, Đảng Dân chủ chỉ nắm quốc hội có tám năm, nên việc chi tiêu dưới trào các tổng thống Đảng Cộng hòa đã gây ra 12.000 tỉ USD công nợ, tính đến 30-9-2010 (4).

Sẽ không ngoa khi nói rằng ông Obama bốn năm qua đã (và đang) “đổ vỏ” cho ông Bush “con”, cũng như trước đó ông Clinton đã “đổ vỏ” xong cho ông Bush “bố” bằng cách quân bình ngân sách thâm thủng dưới trào ông Bush “bố” từ năm 1998, thặng dư ngân sách từ đó cho đến khi bàn giao cho ông Bush “con”, và rồi ngân sách liên bang cứ “chìm lỉm” cho tới giờ!

Giải thích lý do khiến một lần nữa dồn phiếu cho ông Obama, cựu ngoại trưởng Colin Powell phát biểu: “Nền kinh tế đang cải thiện, ông Obama đã đưa nước Mỹ ra khỏi chiến tranh Iraq và đang ra khỏi Afghanistan. Tôi không nghĩ nay là lúc thay đổi đột ngột. Ta nên tiếp tục lộ trình đang đi”.

Lộ trình đang đi đó cho dù có thâm thủng, song cũng vì bảo hiểm y tế (753 tỉ) cho mọi người và an sinh xã hội (778 tỉ) hơn là vì chi phí cho quốc phòng và chiến tranh (661 tỉ ) và ưu đãi thuế cho thiểu số giàu có... Và đó cũng chính là khác biệt cơ bản giữa hai đảng.

Đấu tranh giai cấp, theo Obama

Trên trang web cổ động cho ứng cử viên Obama “Obama for a second term” hôm 27-9 đăng bài viết tựa đề “Đấu tranh giai cấp” (5) luận về cách biệt giàu nghèo ở Mỹ, mà theo Cơ quan Điều tra dân số Mỹ, thu nhập bình quân của các hộ trên toàn nước Mỹ đã giảm 1,5%. Thế nhưng, thu nhập của 5% dân số có thu nhập cao nhất lại tăng đến 5,3%, cùng lúc thu nhập của 5% dân số có thu nhập thấp nhất vẫn đứng yên. 20% số hộ ở “nóc” có thu nhập tăng 1,6%, trong khi 80% số hộ ở “đáy” có thu nhập giảm 1,4%. Chỉ số Gini (giàu nghèo), theo cách tính của Liên Hiệp Quốc, của nước Mỹ là 48, trong khi theo Liên Hiệp Quốc 40 đã là “đáng quan ngại có dấy loạn” rồi.

Đây là hậu quả của các chính sách ưu đãi thuế cố hữu của Đảng Cộng hòa dành cho tầng lớp giàu có, mà gần đây nhất là hai đạo luật cắt giảm thuế của cựu tổng thống Bush, đặc biệt là đạo luật “hòa giải tăng trưởng kinh tế với thuế” (EGTRRA) năm 2001 ưu đãi tầng lớp giàu có, hết hạn vào cuối năm 2010. Phía Đảng Cộng hòa trong quốc hội đòi gia hạn, trong khi Đảng Dân chủ muốn kết thúc. Thế là hai bên “đánh nhau” kịch liệt trong quốc hội, vũ khí tối thượng của Đảng Cộng hòa là không thông qua ngân sách, khiến kho bạc nhà nước cứ phải “ăn đong” hằng tháng. Cuối cùng đến ngày 6-12-2010 Tổng thống Obama chấp nhận gia hạn thêm hai năm với một số ưu đãi thuế nhắm vào tầng lớp nghèo... Đến ngày 31-12-2012, hai đạo luật gia hạn này hết hạn.

Trang web cổ động này chỉ trích rằng ứng viên Romney của Đảng Cộng hòa trung thành với tôn chỉ của đảng này, muốn tiếp tục cắt giảm thêm thuế hơn nữa cho tầng lớp giàu có, với kỳ vọng tiền từ nhà giàu sẽ “vương vãi” vào túi giới trung lưu, đúng theo lý thuyết trickledown theory, theo đó “nước lên, thuyền lên”, xã hội sẽ “ăn theo” sự sung túc thừa mứa của tầng lớp giàu có. Thế nhưng trong thực tế của tám năm trào tổng thống Bush, giới trung lưu đã chẳng “ăn theo” được chút gì từ tầng lớp giàu có. Ngược lại, Tổng thống Obama muốn đi theo con đường mà cựu tổng thống Clinton (Dân chủ) đã đi là cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và ngưng cắt giảm thuế cho tầng lớp giàu có. Trang web này gọi đây là cuộc “đấu tranh giai cấp” của Tổng thống Obama.

Chương trình của Mitt Romney

Để có được một cương lĩnh kinh tế, ứng viên Romney đã nhờ đến bốn nhà kinh tế học cao cấp R. Glenn Hubbard (Đại học Columbia), N. Gregory Mankiw (Đại học Harvard), John B. Taylor (Đại học Stanford) và Kevin A. Hassett (Viện AEI) soạn ra chương trình cho mình (6).

Các nhà kinh tế học này bắt đầu bằng phân tích chỉ trích chính sách của Tổng thống Obama trong ba năm qua đã dẫn đến hậu quả là “nền kinh tế đã không mạnh hơn mà lại yếu đi”, tuy cũng thừa nhận rằng trong quý 1 năm nay GDP tăng 2%, sang quý 2 ước tăng 1,5%.

Theo bốn giáo sư này, hậu quả của các sai lầm trong chọn lựa chính sách kinh tế là tỉ lệ thất nghiệp cao, thất nghiệp dài hạn cao, người lao động mất niềm tin; cứ đà này sẽ không bao giờ quay trở lại được với tình trạng đầy đủ công ăn việc làm. Kết luận của họ như sau: “Nền kinh tế chúng ta thường nhanh chóng phục hồi sau những suy thoái. Suy thoái càng nặng, phục hồi bật dậy càng nhanh. Trong ba năm qua, nước Mỹ đã quẹo cua lộn trong chính sách kinh tế. Chính phủ đã cho thấy khả năng dự báo và chọn chính sách kém cỏi một cách đáng chê trách”.

Đến đây, các nhà kinh tế học này hứa hẹn: “Ông Romney sẽ đổi hướng chính sách kinh tế hoàn toàn. Sẽ nhấn mạnh đến những thay đổi dài hạn nhằm làm tăng GDP và việc làm, lấy tăng trưởng và khôi phục kinh tế làm đầu. Kế hoạch kinh tế Romney nhằm ba mục tiêu chính: khôi phục niềm tin vào tương lai kinh tế của nước Mỹ, biến nước Mỹ lại là một chốn để đầu tư và tăng trưởng, đồng thời tạo cơ hội cho người Mỹ cạnh tranh và thành đạt”. Để thực hiện mục tiêu đó, cơ bản sẽ cải cách thuế khóa, đặc biệt là thuế lợi tức và thu nhập cá nhân và công ty..., giảm từng bước các chế độ an sinh xã hội, chuyển một số trợ cấp y tế về cho chính quyền các tiểu bang... Một chương trình đúng “bài bản” của Đảng Cộng hòa.

Cử tri Mỹ sẽ chọn lựa con đường nào? Chỉ biết ở Mỹ có khi lá phiếu của hàng trăm triệu cử tri “dân thường” lại không nặng ký bằng lá phiếu của 538 đại cử tri, như trường hợp ứng cử viên Al Gore trước ứng cử viên George W. Bush!

____________

(1): http://archives.cafeduweb.com/lire/2756-colin-powell-a-menti-manipule-l039onu.html
(2): http://www.usatoday.com/story/theoval/2012/10/25/obama-colin-powell-endorsement/1656491/
(3): http://costsofwar.org/
(4): http://zfacts.com/p/1195.html
(5): http://www.obamaforsecondterm.com/2012/09/27/us-is-a-third-world-country/
(6): http://www.mittromney.com/sites/default/files/shared/the_romney_program_for_economic_recovery_growth_and_jobs.pdf

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận