"Cung thiếu nhi" cho người lớn

CẢNH CHÁNH 17/01/2024 08:58 GMT+7

TTCT - Các lớp học năng khiếu ban đêm ở Trung Quốc đang trở thành "cung thiếu nhi" cho người đã trưởng thành. Sáng đi làm là cải thiện điều kiện vật chất, tối đi học là để nâng cao đời sống tinh thần.

Một lớp học đánh trống ở Vũ Hán. Ảnh: Trường Giang Nhật Báo

Một lớp học đánh trống ở Vũ Hán. Ảnh: Trường Giang Nhật Báo

Lớp học ban đêm xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 ở Trung Quốc. Năm 1917, Trường đại học Sư phạm Hồ Nam mở lớp ban đêm đầu tiên nhằm xóa mù chữ cho công nhân. Đến những năm cải cách mở cửa, công nhân sáng đi làm tối đi học các lớp đại học tại chức. 

Năm 1999, các trường đại học mở rộng đối tượng tuyển sinh, lớp học ban đêm cho người lớn ngày càng ít dần. Sau đó một vài địa phương vẫn còn một số lớp ban đêm nhưng chủ yếu là giúp nông dân thoát nghèo.

Sau thập niên đầu của thế kỷ 21, các lớp ban đêm trở lại với nhiều điều mới mẻ. Không dạy văn hóa, thi cử như trước, các lớp học này dạy các môn năng khiếu như múa, hát, làm thủ công, trang điểm, tập võ, thư pháp, hội họa, pha trà, điêu khắc…

Lớp ban đêm nở rộ

Từ năm 2016, Trường Nghệ thuật buổi tối cho công dân Thượng Hải mở nhiều lớp học năng khiếu buổi tối cho người lớn. Kỳ tuyển sinh cho học kỳ mùa thu vào tháng 9-2023, trường mở 382 lớp với 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng có đến 650.000 người tranh nhau đăng ký trực tuyến, có 12 lớp đủ chỉ tiêu tuyển sinh trong vòng 1 phút, trang web đăng ký thậm chí bị treo do quá nhiều người đăng nhập. 

Chỉ riêng lớp học múa kiếm của đoàn kịch Hoài đã tuyển đủ chỉ tiêu trong vòng 8 giây sau khi mở link đăng ký, đa số là học viên tầm 30 tuổi.

Năm 2016 học viên chủ yếu của trường là thế hệ 7X, còn nay 80% là 8X và 9X, đa số học viên là nữ. Nội dung lớp học cũng mở rộng hơn, các môn nghệ thuật giới trẻ ưa thích như nhạc jazz, đánh trống djembe châu Phi, lớp vẽ hoạt hình chiếm đến 60%.

Các trường học buổi tối giờ đây đang nở rộ ở nhiều thành phố Trung Quốc, thu hút sự chú ý của giới trẻ. Tờ Nhân Dân Nhật Báo dẫn thống kê của nhiều nền tảng số, lượt tìm kiếm từ "lớp học ban đêm" tăng 980% so với cùng kỳ.

"Vùng đệm thành phố" - một trường dạy ban đêm ở Tây An có các lớp trang điểm, hội họa, thư pháp, võ thuật, đánh golf, thanh nhạc, pha chế nước hoa, nếm cà phê…, mức học phí trung bình tầm 500 tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) cho 6-12 tiết học (90 phút/tiết).

Thầy Thôi Siêu Ba, Trường Vùng đệm thành phố, chia sẻ trên trang cnwest.com, lúc đầu trường chỉ quảng cáo trên nền tảng Douyin, Xiaohongshu, không ngờ thu hút chú ý nhiều đến thế. Vì vậy, trường đã thành lập nhiều nhóm theo sở thích khác nhau, trong vòng 10 ngày đã tổ chức được tiết học đầu tiên. Nhóm WeChat của trường hiện có hơn 1.600 thành viên.

Tới lớp thay vì buông xuôi

Tân Hoa xã chỉ ra ba nguyên nhân khiến các lớp học ban đêm thu hút giới trẻ. Một là họ khát khao trở thành người có khiếu thẩm mỹ và thế giới tinh thần phong phú. Hai là với chi phí một ly trà sữa/buổi, họ đã có thể tiếp cận nhiều kiến thức mới. Ba là họ cần thời gian để giải tỏa áp lực.

Giới trẻ ngày càng biết nhu cầu bản thân, biết thưởng thức cái đẹp của nghệ thuật. Trong một xã hội cạnh tranh gay gắt, môi trường làm việc căng thẳng, các lớp học ban đêm mang lại không khí thoải mái, hài hòa, rất nhiều người trẻ đi học là để chữa lành tâm hồn, xả stress.

Nhân Dân Nhật Báo cho rằng giới trẻ chọn cách quay về trường học ban đêm không chỉ vì học phí mềm, nội dung phong phú, thời gian linh động, mà còn vì đáp ứng đúng nhu cầu văn hóa, tinh thần. 

Những sở thích, đam mê bị lãng quên, bị từ bỏ nay được khơi dậy, được tiếp nối. Lớp học ban đêm trở thành trạm dừng chân của tâm hồn, mà ở đó giới trẻ tìm thấy con đường thứ ba, không phải nằm thẳng (tang ping/thảng bình, chỉ lối sống buông xuôi không cần nỗ lực), không phải mắc kẹt.

Một lớp học vẽ ở Thượng Hải. Ảnh: shobserver.com

Một lớp học vẽ ở Thượng Hải. Ảnh: shobserver.com

Anna (35 tuổi) người Tây An cho biết cô làm nghề thiết kế nội thất, ngày thường về nhà là nằm dài trên sofa, đặt bữa tối qua app, sau đó cứ thế lướt video clip. Nếu không tham gia lớp học ban đêm, có lẽ cô vẫn như trước kia, lãng phí biết bao nhiêu thời gian. Đi học ban đêm vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi vừa học thêm được tri thức, cô cảm thấy rất có ý nghĩa.

Trương Chiết Hy đang theo học tiến sĩ một trường đại học ở Bắc Kinh, luôn lo lắng vì đề tài nghiên cứu không có tiến triển nhưng khi tham gia lớp Muay Thái, anh phải tập trung tinh thần luyện tập. 1 tiếng đồng hồ trên lớp giúp anh đầu óc thư thái, theo tờ inewsweek.cn.

9X Tiểu Lâm đi công tác về đã 17h30, cô không kịp về nhà mà mang luôn hành lý đến lớp học thư pháp lúc 19h cô vừa đăng ký, vì đây là tiết học đầu tiên. Khi thấy lớp học đều là nữ, không khí rất thoải mái, cô rất thích. 

Với hình thức tổ chức học nhóm, có bạn cùng luyện chữ, cô cảm thấy có động lực học hơn. Sau bốn năm đi làm cô lo lắng thấy mình ngày càng lười, về nhà chỉ muốn nằm dài ra lướt điện thoại suốt mấy tiếng đồng hồ, theo tờ Hoa Tây Đô Thị Báo.

Lớp ban đêm còn có những bà mẹ 8X như Thịnh Hiểu Linh, cô mang theo cây đàn Ukulele của con gái đến lớp học đều đặn. Đây là món quà sinh nhật cho con gái ba năm trước, không ngờ con chơi được hai tiếng rồi bỏ xó phủ bụi. 

Linh là một giáo viên ngữ văn, có mẹ già con trẻ và học sinh. Cô từng sống trong lo lắng vì mình không thể "nằm thẳng", cũng không thể "mắc kẹt". Nay mỗi tuần cô dành 90 phút đi học đàn, là thời gian cho riêng mình, giúp cô cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

9X Triệu Tử Văn mới đến Thượng Hải một năm. Với cô, đi học lớp ban đêm là nỗ lực để hòa nhập với đại đô thị. Sáng đi làm là cải thiện điều kiện vật chất, tối đi học là để nâng cao đời sống tinh thần.

Nền kinh tế xả stress

Đến lớp học ban đêm chỉ là một trong những cách người trẻ Trung Quốc cố tìm cách thoát khỏi áp lực cuộc sống. Tờ Thanh Niên Trung Quốc từng có bài viết cho rằng áp lực của giới trẻ Trung Quốc trải rộng từ vật chất đến tinh thần, trong khi ở thế hệ trước chủ yếu thấy áp lực về cuộc sống, công việc.

Mới đây, Tuần san Quốc gia trị lý (Nhân Dân Nhật Báo) điều tra về tâm lý cạnh tranh của giới trẻ trong năm 2023. Kết quả, có 80% cảm thấy thường xuyên hoặc đôi khi có áp lực cạnh tranh, trong đó áp lực tăng ở các kỳ thi công chức, biên chế, nghiên cứu sinh, tiến sĩ, tìm việc.

Ngành kinh tế xả stress đang phát triển ở Trung Quốc. Gõ cụm từ "dụng cụ xả stress" trên trang taobao.com, có hơn 100.000 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm đã bán được hàng ngàn cái. Shop Văn Kiện trên nền tảng taobao cho biết sản phẩm tô màu gấu bearbrick bán chạy nhất, bán được 2.000 sản phẩm/tháng, có 50% khách quen, giá từ 28,8 - 158 tệ.

Ngoài các món đồ chơi xả stress còn có các quán rượu xả stress, uống xong có thể ném hay đập vỡ chai; quán đo áp lực hay các phòng bắn cung, Muay Thái, các trò chơi "kịch bản sát" (TTCT số 32-2022), thoát thân mới thịnh hành gần đây thực tế đều thuộc phạm trù kinh tế xả stress.

Tờ Quang Minh Nhật Báo nhận xét kinh tế xả stress phát triển cho thấy giới trẻ có nhu cầu giải tỏa tinh thần. Nhưng cũng có người lo lắng nếu không biết kiềm chế, giới trẻ sẽ bị tiêu hao sức lực ở những liệu pháp "massage tinh thần" mà không thực sự giúp ích cho việc xả stress.

Vì là lớp học năng khiếu nên nhiều lúc học sinh không được chăm chỉ lắm, có khi khai giảng là 25 học viên, khi tốt nghiệp khóa học chỉ còn một nửa. Để quản lý học viên, Trường Nghệ thuật buổi tối cho công dân Thượng Hải quy định học viên vắng mặt ba lần thì sẽ mất tư cách đăng ký lớp học khác.

Tham gia lớp học ban đêm là 1 trong 10 nét đặc trưng của giới trẻ Trung Quốc năm 2023. Số còn lại là:

- Chạy bộ, không cần chuẩn bị nhiều, chi phí thấp, tốt cho sức khỏe.

- Du lịch kiểu binh chủng đặc công, đi thật nhiều chỗ với chi phí thấp nhất, thời gian ít nhất.

- Thưởng thức món nướng ở Truy Bác (tỉnh Sơn Đông), vừa rẻ vừa ngon.

- Xem ca nhạc, bù cho thời gian gián đoạn vì dịch.

- Chơi trò chơi đoán tính cách MBTI.

- Thưởng thức món cà phê sữa với rượu Mao Đài.

- Ăn mặc màu mè, phục cổ và có chủ đề thiếu nhi, như một cách để thu hút mọi ánh nhìn sau thời gian dài không được ra ngoài.

- Mua vàng, thói quen tiêu dùng mới, ngày thường có thể đeo, khi túng thiếu có thể bán.

- Dưỡng sinh kiểu người "da giòn" (người dễ sinh bệnh vặt hoặc bị thương).

(Theo tờ Tân Kinh Báo)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận