TTCT - Một lần nữa, sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô vào tháng 8-1957 và vụ phóng thành công vệ tinh Sputnik tháng 10 cùng năm, thế giới lại sắp chứng kiến một cuộc chạy đua tên lửa khác, lần này có thêm Trung Quốc như một “kẻ thứ ba” với tiềm lực hùng hậu. “Vụ thử tên lửa của Trung Quốc khiến giới chức cấp cao hoảng hồn”, báo Stuff của New Zealand hôm 6-11 chạy tít. Làm thế nào mà báo chí một nước 5 triệu dân, xa tít mù khơi ở châu Đại Dương lại phải bận tâm chuyện tên lửa đạn đạo của Trung Quốc bay bao xa? Tình hình hiện giờ gợi nhớ tới những năm cuối thập niên 1950 sau khi Liên Xô vượt lên dẫn đầu về công nghệ tên lửa. Tấm họa đồ “Các mối đe dọa khu vực của tên lửa Trung Quốc” của Tổ chức nghiên cứu CSIS (xem trong bài) là một câu trả lời: Tên lửa liên lục địa DF-26 của nước này với tầm bắn 4.000km thừa sức vươn tới New Zealand từ 80 dàn phóng! Ảnh: CSIS Xuất hiện đột ngộtMột ngày sau, tới lượt tờ New Zealand Herald “la làng”, bởi một chi tiết mới hoàn toàn: “Bắc Kinh vốn đã có một số vật thể lượn đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên vào tháng 8, Trung Quốc thử nghiệm một loại vũ khí mới có thể “ở yên” trên quỹ đạo, chờ lệnh quay trở lại bầu khí quyển, rồi mới phóng xuống mục tiêu”.Tờ Financial Times (ft) 17-10-2021 có lẽ là báo đầu tiên loan tin này, dẫn những nguồn “có hiểu biết” về cuộc thử nghiệm mà theo đó, quân đội Trung Quốc đã phóng tên lửa mang theo phương tiện lướt siêu âm bay qua không gian ở quỹ đạo thấp, trước khi lao xuống mục tiêu. Tên lửa này cuối cùng đã chệch mục tiêu khoảng 30 cây số, theo FT. Cũng theo báo này, “vật thể lượn” nói trên bao gồm một phân mảng bắn phá quỹ đạo (FOBS) và một phương tiện lướt siêu thanh (HGV). Cả FOBS và HGV đều không mới nhưng sự kết hợp cả hai trong cùng một tên lửa là hoàn toàn mới. Đó là lý do khiến nhiều người trong các cộng đồng quân sự đã ví các vụ thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc với vụ Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957 từng làm Mỹ choáng váng.Cũng theo FT, cuộc thử nghiệm cho thấy Trung Quốc đã tiến bộ đáng kinh ngạc về vũ khí siêu thanh, tiên tiến hơn nhiều so với những gì giới chức Mỹ vẫn tưởng: một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lượn vòng quanh địa cầu trước khi tăng tốc tới mục tiêu. Điều này tình báo Mỹ cũng phải bất ngờ, như FT kết luận: “Cuộc thử nghiệm trên đã đặt ra những câu hỏi mới về việc tại sao Mỹ thường đánh giá thấp quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc”.Hiện trạng phòng thủ tên lửa của MỹNếu theo dõi thường xuyên các nguồn tin mở của Mỹ, có thể cho rằng trong vụ này có vẻ Mỹ bị bất ngờ thật. Bằng cớ là trong cuộc tiếp xúc tại CSIS về đề tài “Vai trò của phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp với chiến lược răn đe” mới hôm 21-5-2021 với sự tham gia của tướng chỉ huy Bộ Tư lệnh phòng thủ tên lửa và không gian lục quân Hoa Kỳ Daniel Karbler, cả phía trình bày và phía đặt câu hỏi đều không đề cập đến các tên lửa Trung Quốc sẽ thử nghiệm vào tháng 8.Cuộc phỏng vấn tướng Karbler hồi tháng 5 cũng cho thấy bức tranh phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện ra sao. Trả lời câu hỏi đâu là các mối đe dọa phòng thủ tên lửa và phòng không mà nước Mỹ đang đối mặt, ông tỏ ra rất ư coi thường: “Tôi không ngại cho dù đó là tên lửa phóng từ trên không, từ mặt đất, từ dưới mặt đất hay trên bộ, dù là cơ động, đạn đạo - bất kể là gì, đang phát triển và đang tăng về khả năng và số lượng”.Vậy Mỹ có đang phát triển một loại tên lửa gì mới, kiểu tên lửa siêu âm? Ông Karbler long trọng báo tin: “Tôi cũng rất vui mừng thông báo rằng vào năm 2023, chúng tôi sẽ có một dàn tên lửa siêu âm. Chà, đó là nền tảng tấn công tuyệt vời cần thiết để chống lại mọi tên lửa đạn đạo của đối phương trước khi nó ra khỏi hầm ngầm [silo], rời đường băng, hay ra khỏi dàn phóng. Diệt nó ngay trên mặt đất, nơi dễ dàng nhất để đánh bại loại mục tiêu đó. Vì vậy, hãy tấn công”.Vấn đề là ở thời điểm: tướng Karbler loan báo dàn tên lửa siêu âm đầu tiên của Mỹ sẽ được triển khai là vào năm 2023, trong khi Nga và Trung Quốc đang thử nghiệm trên nhiều nền tảng tên lửa siêu thanh rồi, từ silo ngầm dưới lòng đất tới tàu ngầm, và hầu hết đều thành công. Có thể thấy vào thời điểm tháng 5 đó, tướng Karbler còn có thể mạnh miệng, bởi Nga và Trung Quốc chưa “trình diễn” những tên lửa siêu âm của họ.Cũng FT cho biết trước đó, giới chức quân đội Mỹ đã cảnh báo về khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây dựng hơn 200 hầm chứa tên lửa liên lục địa. Điều khiến phía Mỹ quan ngại là Trung Quốc không chịu ràng buộc bởi bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào và không sẵn lòng đàm phán với Mỹ về kho vũ khí hạt nhân và chính sách của họ.Chi tiết trên vô hình trung cho thấy bài bản phòng thủ tên lửa của Mỹ vẫn còn quá gắn bó với Chiến tranh lạnh. Thời đó, nguy cơ từ các tên lửa liên lục địa là quả bom nguyên tử chở theo. Cho nên, các phe thi nhau vừa sản xuất tên lửa, bom nguyên tử vừa đào hầm ngầm cất giấu tên lửa đề phòng bị tấn công: càng nhiều hầm tại nhiều địa điểm thường là sâu trong núi càng tốt! Ngay cả nước Pháp từ năm 1971 cũng lui cui xây silo tại khu vực cao nguyên Albion ở vùng đông nam do sợ tên lửa... Đông Đức!Trung Quốc nay tiếp tục bài bản đào silo giấu tên lửa liên lục địa cũng là chuyện thường tình. Một báo cáo của Hiệp hội Khoa học gia Mỹ (FAS) cho biết phần lớn tập trung ở ba hầm chứa tên lửa lớn: ảnh chụp vệ tinh có sẵn trên thị trường cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng 300 hầm chứa tên lửa ngầm và bọc thép mới ở các tỉnh xa xôi nhất của nước này.Phản đònSong, Trung Quốc không khư khư ưu tiên cho tên lửa liên lục địa và silo, mà nhằm vào một sách lược đa dạng hóa. Báo cáo của FAS ghi chép: “CHND Trung Hoa đang đầu tư và mở rộng số lượng các nền tảng phân phối hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ sự mở rộng lớn lực lượng hạt nhân”. Bên cạnh việc xây silo, Trung Quốc còn sẵn sàng một đội ngũ gồm 100 dàn phóng tên lửa liên lục địa di động.Sách lược đó dựa trên tên lửa phóng đi từ nhiều nền tảng khác nhau. Ngoài các tên lửa liên lục địa, còn những tên lửa chủ yếu nhắm vào khả năng diệt hạm, nhất là tàu sân bay, đặc biệt có thể phóng đi từ tàu ngầm. Đây cũng là điều Nga đang đeo đuổi khi mới đây, họ lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình siêu âm Zircon từ một tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen tên là Severodvinsk từ độ sâu 40m. Trước đó một ngày, tên lửa này cũng được phóng đi từ cùng tàu ngầm, song trong tư thế nổi.Cho tới nay, các tên lửa hành trình như Tomahawk của Mỹ nổi tiếng vô song do đã đè bẹp quân đội của Saddam Hussein trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Lúc đó, quân đội Iraq, sử dụng vũ khí của các thập niên 1970, 1980, làm sao chọi nổi những vũ khí đỉnh cao của Mỹ đầu thập niên 1990 như Tomahawk, vốn bay cách mặt đất chỉ 30-90m nhờ hệ thống radar dẫn đường thích ứng địa hình TERCOM, lại có thể vừa bay vừa đổi hướng (nên mới gọi là “hành trình”), chớ không bay lên khí quyển rồi trở xuống như các tên lửa đạn đạo dễ bị radar “bắt”!Tomahawk làm mưa làm gió ở Iraq xong, qua Bosnia (1995), Libya (1996 và 2011), Sudan (1998), Yemen (2009), và Afghanistan (1998 cho tới sau này) vẫn không có đối thủ. Nhưng Tomahawk hiện giờ đã khác, bởi chỉ bay với tốc độ tối đa 885km/giờ, so sánh với Zircon là gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6.000km/giờ, theo Naval Technology 5-10, quả là lỗi thời!Đó cũng là lý do khiến các tướng lĩnh Mỹ, theo FT, ú ớ khi hay tin Trung Quốc phóng tên lửa siêu thanh mới. Càng ú ớ khi Nga cũng đã đưa vào sử dụng tên lửa Avangard, cũng siêu thanh và còn chở được tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat ICBM hạng nặng có thể tải trọng cả bom hạt nhân lẫn bom thông thường. Không thể nào quên thập niên 1950 khi Liên Xô dẫn đầu từ năm 1957 với tên lửa đạn đạo R-7 Semiorka, nặng 280 tấn, tầm bắn xa tới 8.000km, còn tên lửa SM-65A Atlas của Mỹ được phóng lên sau đó không được cho biết các thông số thiết yếu là sức nặng và tầm xa. Mãi đến năm 1959, Mỹ mới bắt kịp với SM-65D Atlas, nặng 121 tấn, tầm xa 14.000km, và tên lửa Titan 1, nặng 105 tấn, tầm xa 11.300km. Nga năm đó cũng phóng thành công tên lửa R-16 Mod-1, nặng 105 tấn, tầm xa 11.000km. (Tầm bắn trên 10.000km là dư để từ lục địa này bay qua lục địa khác, nên mới gọi là tên lửa liên lục địa). Cuộc chạy đua càng tăng cả về cường độ lẫn trương độ qua các cuộc khủng hoảng Cuba mà phía Liên Xô muốn đáp trả việc Mỹ cắm tên lửa Atlas ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran sát bên Liên Xô. Tags: Trung QuốcThái Bình DươngTên lửaTên lửa hành trìnhTên lửa đạn đạoChạy đua tên lửaTên lửa siêu thanh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.