TTCT - Chỉ sau khi trận dịch mới nhất bùng phát, việc phát triển văcxin và thuốc trị Ebola mới được đẩy nhanh hơn. Ông Peter Piot, một trong những nhà khoa học phát hiện virút Ebola năm 1976, kêu gọi thử nghiệm thuốc và văcxin cho người nhiễm bệnh ở Tây Phi - Ảnh: AFPMột trong những hình thái siêu cấu trúc của virút Ebola - Ảnh: ReutersCác thành viên của UNICEF tuần hành tuyên truyền thông tin về triệu chứng của bệnh do virút Ebola và cách phòng ngừa lây lan tại Freetown, Sierra Leone ngày 6-8 - Ảnh: ReutersCuối tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết những thử nghiệm trên người có tính chất quyết định để sản xuất đại trà văcxin chống virút Ebola sẽ được tiến hành sớm, dù phải đến năm 2015 loại văcxin này mới có thể được đưa vào sử dụng hàng loạt.“Tôi cho rằng có cơ hội thực tế (để sản xuất văcxin đại trà)” - bà Marie-Paule Kieny, trợ lý tổng giám đốc WHO, nói với AFP. Đồng nghiệp của bà Kieny, Jean-Marie Okwo Bele, trưởng bộ phận văcxin ở WHO, nói với Đài phát thanh Pháp RFI ngày 9-8 rằng Hãng dược khổng lồ của Anh GlaxoSmithKline sẽ thử nghiệm giai đoạn cuối với văcxin ngay từ tháng tới.ZMapp vào cuộcCơ chế hoạt động của ZMapp dựa trên các kháng thể tự sản sinh của cơ thể con người. Các kháng thể này do hệ miễn dịch tự sinh ra để phá hủy các phần tử ngoại lai có hại cho cơ thể. Một kháng thể đơn dòng làm nhiệm vụ tương tự, chỉ có điều nó được tạo ra từ phòng thí nghiệm để nhắm vào các phần cụ thể của một tế bào nguy hiểm, bắt chước hệ miễn dịch của con người.Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria đang vật lộn với dịch bệnh. Virút Ebola đã khiến gần 1.000 người thiệt mạng, theo WHO. Virút này gây sốt xuất huyết và ảnh hưởng tới nhiều hệ thống nội tạng, với các triệu chứng ban đầu gồm mệt mỏi, đau cơ bắp, đau đầu và đau rát cổ họng.Ở giai đoạn sau, người bệnh sẽ nôn mửa, tiêu chảy, suy thận và gan, đôi khi xuất huyết nội và ngoại. Ebola lây truyền qua tiếp xúc với nội tạng hoặc chất dịch cơ thể người nhiễm bệnh như máu, nước bọt, nước tiểu và các chất bài tiết khác.Bệnh chưa có thuốc chữa hay văcxin nên cách chữa trị phổ biến nhất là hỗ trợ các bộ phận chức năng của cơ thể đủ lâu để cơ thể người bệnh tự chống chọi và vượt qua. WHO gọi đây là đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ qua, kể từ khi loại virút tử thần này bắt đầu được theo dõi.Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi tuần trước, hai người Mỹ là bác sĩ Kent Brantly và y tá Nancy Writebol được xác nhận đã nhiễm virút Ebola khi đang hỗ trợ các bệnh nhân ở Liberia. Họ được đưa về Mỹ điều trị ở Bệnh viện Đại học Emory và hiện tình hình sức khỏe cả hai đã cải thiện nhiều. Brantly và Writebol cho tới giờ có lẽ là những bệnh nhân Ebola may mắn nhất: họ là những người bệnh đầu tiên được dùng thử loại thuốc ZMapp của Công ty dược phẩm Mapp, trụ sở ở San Diego, Mỹ.Theo CNN, loại thuốc sử dụng cho Brantly và Writebol là kháng thể đơn dòng thu được từ loài chuột, có nghĩa là chuột được tiêm virút Ebola và những kháng thể sản sinh trong máu chúng sẽ được thu lại để chế tạo thuốc.Nhiều người đặt câu hỏi tại sao hai người Mỹ được điều trị bằng loại thuốc này, trong khi khoảng 1.600 người ở Tây Phi thì không? WHO giải thích họ không liên quan tới các quyết định chữa trị cho Brantly và Writebol bằng ZMapp vì để dùng loại thuốc này, các bệnh nhân phải tình nguyện, biết rõ nó chưa bao giờ được sử dụng cho người. Cấp bách nhưng không vộiTekmira, một công ty đóng trụ sở ở Vancouver, Canada, có hợp đồng trị giá 140 triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ nghiên cứu thuốc trị Ebola và đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 hồi tháng 1-2014.Ngày 8-8, sau khi Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng thuốc TKM-Ebola để chữa trị những người nhiễm bệnh, ngay lập tức cổ phiếu của Tekmira đã tăng 45%.Theo lời Thomas Geisbert của khoa y Đại học Texas, ít nhất một loại văcxin Ebola đã được thử nghiệm trên người là các tình nguyện viên. Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng công bố một chương trình năm năm trị giá 28 triệu USD với sự tham gia của 15 tổ chức nhằm chiến đấu chống lại bệnh Ebola.Tuy nhiên, bác sĩ Anthony Fauci của Viện Các bệnh dị ứng và lây nhiễm Mỹ (NIAID) lưu ý các nhà khoa học phải thận trọng trong việc giả định ZMapp có thể hiệu quả với tất cả bệnh nhân. Thêm vào đó, chi phí cũng là một vấn đề khi cho tới giờ các hãng sản xuất chưa thể công bố chính xác giá thành loại thuốc này.Trong một tuyên bố của mình, hãng dược Mapp nói họ hiện có “rất ít thuốc này” vì hành trình thương mại hóa nó còn quá xa do chưa được thử nghiệm trên người, dù cuối cùng hãng đã quyết định gửi toàn bộ số liều thuốc hiện có sang các nước có dịch bệnh.Bà Kieny cũng cảnh báo bất kỳ loại văcxin Ebola nào được đưa vào thị trường có thể chưa được thử nghiệm đầy đủ như các loại văcxin và thuốc khác. Do tính chất cấp bách của việc khống chế dịch bệnh, các tiêu chuẩn có thể sẽ được hạ xuống để loại văcxin này sớm lưu hành.Từng là người đứng đầu bộ phận văcxin của WHO trong đại dịch cúm heo H1N1 năm 2009, bà Kieny biết rõ hơn ai hết việc đưa một loại văcxin vội vàng ra thị trường có thể gây tranh cãi ra sao.Năm 2009, WHO từng bị cáo buộc, vô tình hoặc cố ý, giúp các hãng dược khổng lồ bỏ túi những khoản lợi nhuận béo bở từ văcxin cúm heo với các cảnh báo bị cho là thổi phồng và vội vàng của tổ chức này.“Mọi người có thể chỉ trích chúng tôi đang qua lại với ngành công nghiệp (dược phẩm) nhưng xét tổng thể, tôi thà bị chỉ trích là có mâu thuẫn lợi ích, mà tôi khẳng định là không có, hơn là bị chỉ trích vì ngồi yên không làm gì” - bà Kieny nói.Một đại dịch lẽ ra tránh được?Theo Hãng tin Ả Rập Al-Jazeera, cuộc chiến chống bệnh Ebola lẽ ra có thể không khó khăn như hiện giờ. Bốn năm trước, một nhóm nhà khoa học Mỹ đã phát triển một loại văcxin thử nghiệm thành công trên khỉ, giúp những con khỉ thí nghiệm miễn nhiễm với hàng loạt chủng virút Ebola, như công bố của NIH.Tuy nhiên, những văcxin này không bao giờ được thử nghiệm trên người, dù thử nghiệm trên khỉ đạt tỉ lệ thành công lên tới 100%.Điều ngăn cản việc thử nghiệm văcxin ở người là chi phí, theo lời bác sĩ Daniel Bausch - giáo sư về các bệnh nhiệt đới ở khoa y tế công cộng Đại học Tulane, hiện đang tham gia một nhóm nghiên cứu các bệnh nhiệt đới của hải quân Hoa Kỳ tại Lima, Peru.Giáo sư Bausch giải thích trong khi NIH và Chính phủ Mỹ thường bỏ tiền thử nghiệm mức độ an toàn và hiệu quả của các loại văcxin và thuốc mới ở những bước đầu, trên động vật, các công ty dược sẽ bỏ tiền cho giai đoạn thử nghiệm trên người để đưa loại thuốc hay văcxin đó ra thị trường.Đó là một kiểu “phân công lao động” gần như đã trở thành nguyên tắc với nghiên cứu khoa học nói chung và y tế nói riêng ở Mỹ: chính phủ chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng thuộc về các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.“Với một bệnh dịch chỉ bùng phát từng đợt như Ebola và lại xảy ra ở vùng nghèo nhất thế giới, bệnh đó không phải là ứng cử viên về mặt lợi nhuận cho các hãng dược nghiên cứu. Chúng ta đã có nhiều loại văcxin thử nghiệm tốt và cả một số loại thuốc đầy triển vọng được thử nghiệm với virút Ebola, ít nhất là giúp làm giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở khỉ” - giáo sư Bausch nói với Al-Jazeera.Chỉ sau khi trận dịch mới nhất bùng phát, việc phát triển văcxin và thuốc trị Ebola mới được đẩy nhanh hơn. Theo bác sĩ Fauci, lẽ ra Ebola đã có thể khống chế được nhiều năm rồi. Một khó khăn khác là về mặt đạo đức: các nhà nghiên cứu không dễ thử nghiệm một loại virút chết người như Ebola lên đồng loại, theo lời Nancy Sullivan - trưởng bộ phận nghiên cứu phòng ngừa hóa sinh của Trung tâm nghiên cứu văcxin thuộc NIAID, cũng là người đứng đầu chương trình nghiên cứu văcxin Ebola thử nghiệm trên loài khỉ năm 2010.“Rõ ràng chúng ta không thể tiêm virút Ebola cho người khỏe mạnh chỉ để tìm hiểu xem văcxin có hiệu quả hay không” - Sullivan nói.Việc dịch Ebola diễn ra rải rác và rất khó đoán cũng khiến việc thử nghiệm văcxin rất khó khăn. Các nhà khoa học vì thế đành phải sử dụng “luật thử nghiệm trên động vật” của FDA, tức cho phép sử dụng thuốc đã xét nghiệm ở động vật trên người, với các dữ liệu ủng hộ phải đủ vững chắc. Mãi tới tuần trước, ba chuyên gia hàng đầu về bệnh Ebola, bao gồm Peter Piot, một trong những nhà khoa học đã phát hiện virút này năm 1976, mới lên tiếng kêu gọi thử nghiệm thuốc và văcxin cho người nhiễm bệnh ở Tây Phi.Trên trang chủ của khoa vệ sinh dịch tễ và các bệnh nhiệt đới London ở Đại học Oxford, Piot, hiện là trưởng khoa, viết: “Các chính phủ ở châu Phi nên được quyết định liệu họ có sử dụng loại thuốc này không, chẳng hạn như để bảo vệ và điều trị cho các nhân viên y tế có rủi ro bị nhiễm bệnh cao”. WHO cho biết sẽ thành lập một ủy ban các chuyên gia về đạo đức y tế để cân nhắc việc điều trị thử nghiệm bệnh Ebola ở Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria. Ngoài Brantly và Writebol, giáo sư Bausch nói các loại thuốc chưa được thử nghiệm trên người hiếm khi nào được dùng cho việc điều trị ở Mỹ.Trước đây FDA chỉ cho phép rất hiếm hoi các ngoại lệ, chẳng hạn cho phép sử dụng ciprofloxacin hydrochloride, hay cipro, cho các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh than khi có đe dọa tấn công khủng bố sinh học. Năm 2001, thuốc này từng được kê toa cho những nhân viên làm việc ở các cơ quan công quyền nhận được các thư điện tử có khuẩn bệnh than sau vụ 11-9.Tương tự, văcxin bệnh than được tiêm cho khoảng 150.000 lính Mỹ tham gia chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất do lo sợ họ có thể bị nhiễm khuẩn bệnh than từ kho vũ khí hóa học của Saddam Hussein.Jonathan Moreno, giáo sư khoa y Perelman của Đại học Pennsylvania và là một chuyên gia về đạo đức y tế, kết luận: “Rốt cuộc bạn sẽ phải tới tận nơi mà căn bệnh xảy ra, và thường thì đây là những vùng nghèo khó. Sẽ không thể có liều thuốc tiên cho một vấn đề như thế”. Tags: EbolaDịch EbolaVirút Ebola
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Lào Cai 'chốt' địa điểm xây khu tái định cư Làng Nủ, ngày mai bắt đầu triển khai THÀNH CHUNG 15/09/2024 Khu tái định cư mới được chọn xây dựng tại khu vực đồi sim, cách Nhà văn hóa thôn Làng Nủ (Lào Cai) khoảng 2km.
Giá bán lẻ cao, doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu lãi lớn? NGUYỄN TRÍ 15/09/2024 Phản hồi về quan điểm "bán bánh trung thu lãi đậm", nhiều công ty sản xuất khẳng định "không thơm" như nhiều người nghĩ.
VAR không có 'cơ hội' trên sân Thống Nhất NGUYÊN KHÔI 15/09/2024 Lần đầu tiên có công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), nhưng sân Thống Nhất không có dịp dùng đến vì trận đấu giữa CLB TP.HCM và Thể Công - Viettel hòa 0-0 khá tẻ nhạt.
Lộ diện doanh nhân kín tiếng nắm vốn Ngân hàng ACB BÌNH KHÁNH 15/09/2024 Toàn bộ nhóm cổ đông liên quan tới Công ty Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB. Ước tính theo thị giá hiện tại, cổ phần này trị giá hơn 4.000 tỉ đồng.