Cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát vào giữa tháng 7 vì vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh đã lần đầu tiên chứng kiến lực lượng máy bay không người lái (drone) được sử dụng ở quy mô hàng loạt, điều khiến nhiều chuyên gia quân sự dự báo sẽ làm thay đổi hoàn toàn các hình thái chiến tranh trong tương lai. “Thời khắc Trân Châu Cảng”?Trên trang diễn đàn Medium ngày 29-10, tác giả Glenn Rocess, tự giới thiệu là “cựu hải quân Hoa Kỳ”, phân tích rằng trong lịch sử chiến tranh, những gì đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh có thể so sánh với “thời khắc Trân Châu Cảng”, khi quân đội đế quốc Nhật Bản mở cuộc tấn công bất ngờ vào căn cứ hải quân Hoa Kỳ, mở ra mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II.Ít được biết đến hơn so với biến cố Trân Châu Cảng, một năm trước đó, trong trận Taranto tháng 11-1940, hải quân Anh đã mở cuộc tấn công trên biển hoàn toàn sử dụng máy bay và tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến gần như toàn bộ hạm đội của Ý. Lấy cảm hứng từ trận đánh đó, ngày 7-12-1941, đô đốc Nhật Isoroku Yamamoto chỉ thị cho 6 tàu sân bay Nhật không kích căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, đánh đắm 6 tàu Mỹ và làm hư hại nhiều tàu khác, trong khi quân Nhật chỉ mất tất cả 29 máy bay. Quy ra giá trị kinh tế, đó là trận đánh “có lãi” nhất trong lịch sử chiến tranh.Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ tại triển lãm Paris Airshow 2019.“Trong khi khói thuốc súng còn chưa tan, thế giới đã nhận ra rằng thời đại thống trị của những tàu chiến khổng lồ đã chấm dứt - Rocess viết - Cốt lõi của chiến tranh trên biển sẽ không bao giờ còn là việc một hải đội tìm cách “cắt mặt hình chữ T” hạm đội địch nữa. Từ thời khắc đó trở đi, tàu chiến về cơ bản chỉ còn là những ụ pháo nổi hỗ trợ các cuộc tấn công phối hợp thủy lục quân ven bờ biển, không hơn không kém”.Sự dịch chuyển các hình thái chiến tranh tất nhiên không chỉ diễn ra ở Trân Châu Cảng. Lịch sử giết chóc lẫn nhau của con người đầy rẫy những sự thay đổi như vậy. Có thể kể ra rất nhiều ví dụ. Đã có vô số sách vở viết về sự thống trị của đế quốc Mông Cổ hồi thế kỷ 13, nhưng điều ít người biết là cách tân quyết định dẫn tới sức mạnh quân sự gần như bất khả chiến bại của các kỵ binh dưới trướng Thành Cát Tư Hãn không có gì to tát: bàn đạp yên ngựa bằng kim loại. Những bàn đạp đấy giúp các đạo kỵ binh Mông Cổ có được sự cơ động, ổn định và cân bằng vô song, khiến cả cung thủ lẫn đao thủ kỵ mã của họ giành ưu thế tuyệt đối trong chiến trận địa hình thảo nguyên.Từ cung dài của đội cung thủ Anh trong trận Agincourt (1415) tới chiếc tàu chiến đầu tiên bị đánh đắm bằng tên lửa hành trình trong chiến tranh Falklands (1982) và những chiếc drone ở Nagorno-Karabakh năm 2020 này, lịch sử thật sự là một sự lặp lại của chính nó.Drone, drone, và droneKhoảng một thế kỷ qua, xe tăng là những cỗ máy ngự trị các chiến trường trên bộ, từ những trận đánh lớn cuối cùng của Thế chiến I tới tận đầu thế kỷ 21, nhưng sẽ không hơn thế. Lục quân Hoa Kỳ chẳng hạn, hiện chỉ sở hữu không tới 6.300 xe tăng, tất cả đều đã lỗi thời. Vấn đề then chốt ở đây, giống như trận Trân Châu Cảng, là quy đổi giá trị kinh tế. Chi phí cho một chiếc drone Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất sử dụng trong chiến tranh Nagorno-Karabakh là vào khoảng 5 triệu đôla, trong khi phiên bản mới nhất của loại xe tăng chủ lực của Mỹ - M1 Abrams - tiêu tốn tới 20 triệu đôla một chiếc, chưa kể sinh mạng những người lính vận hành. Thống kê sơ bộ từ cuộc chiến Armenia - Azerbaijan cho thấy một chiếc drone như vậy có thể tiêu diệt 2 chiếc xe tăng mỗi lần xuất kích. Bài toán quả là rõ ràng.Một nghiên cứu của Forbes công bố tháng 10 vừa rồi thấy rằng trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh, Armenia đã mất gần 200 phương tiện bọc thép và hơn 300 phương tiện bán bọc thép các loại, tất cả đều là “con mồi” của các drone Azerbaijan. Công bằng mà nói, các xe tăng Armenia bị drone tiêu diệt chủ yếu là loại T-72 cổ lỗ sản xuất từ thời Liên Xô, nhưng về cơ bản, khác biệt không phải là quá lớn. Forbes ước tính nhờ những drone cực kỳ hiệu quả đó, Azerbaijan hiện chiếm đóng gần 10% vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh trước đó do quân đội Armenia nắm giữ, so với khoảng 3% khi cuộc chiến mới bắt đầu. Drone càng là những sát thủ kinh hoàng khi phe phòng thủ, tức quân Armenia dưới mặt đất, phải chiến đấu trong địa hình đồi núi, vốn gây nhiều khó khăn cho tổ chức hậu cần, rút lui, và phản công.Forbes nhận định nếu Azerbaijan kiểm soát thành công hành lang Lachin kết nối Stepanakert, thủ phủ Nagorno-Karabakh, với Armenia, thì vùng chiến địa sẽ bị cô lập hoàn toàn khỏi sự hỗ trợ trên bộ từ Armenia. Đồng thời, các đơn vị hỗ trợ và thông tin liên lạc của Armenia còn hứng chịu các đợt không kích drone liên tiếp “ở quy mô chưa có tiền lệ”. Hàng trăm đoạn video được công bố chiếu cảnh các drone Azerbaijan tiêu diệt những vũ khí hạng nặng của Armenia, tấn công các đoàn tiếp tế và viện quân. Chính quyền Azerbaijan còn dựng các màn hình lớn chiếu cảnh những cuộc tấn công này cho công chúng trong nước xem.Không ai biết chính xác số lượng, nhưng phi đội drone của Azerbaijan hiện bao gồm chủ yếu các drone Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có thể tấn công với độ chính xác cao từ cao độ tương đối an toàn bằng những tên lửa siêu nhỏ được laser dẫn đường, hoặc đóng vai trò hoa tiêu cho các đợt pháo kích. Ngoài ra, Azerbaijan còn sử dụng phi đội drone thí mạng Harop và Orbiter-1K do Israel sản xuất, với nhiệm vụ kép thăm dò mục tiêu và tấn công kamikaze, không khác gì một tên lửa. Nhóm hỗ trợ là các drone do Azerbaijan tự sản xuất, bao gồm máy bay điều khiển từ xa đời cũ An-2 Colt, với vai trò chính là thu hút bớt hỏa lực phòng không của Armenia, dù một số chiếc cũng mang bom để đánh cảm tử. Trong khi đó, phía Armenia không hề sử dụng drone.Hình thái mới, kết cục mới?Trước đó, trong cuộc chiến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng lực lượng drone cực kỳ hữu hiệu. Trang Global Defense Corp ngày 27-3 cho biết chỉ trong 3 ngày, các vụ tấn công bằng drone và pháo kích do drone dẫn đường của Thổ Nhĩ Kỳ đã loại khỏi vòng chiến hơn 100 xe bọc thép, hàng chục hệ thống pháo và hàng trăm binh sĩ lực lượng chính phủ Syria.Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Trung Quốc, đang là những nhà sản xuất drone bọc thép và thiết bị bay chiến đấu không người lái (unmanned combat air vehicle, hay UCAV) hàng đầu thế giới. Dù hầu hết các drone của Thổ Nhĩ Kỳ có phạm vi hoạt động giới hạn trong hơn 160km, khá khiêm tốn so với các UCAV hiện đại nhất của Mỹ (vài trăm, thậm chí cả nghìn kilômet), chúng vẫn đủ để tạo ra ưu thế lớn trong bối cảnh ở khu vực, ngay cả Nga cũng chưa sở hữu những UCAV năng lực tương tự.Chiến cuộc giữa Armenia và Azerbaijan hiện giờ thực ra chỉ là sự tiếp nối cuộc xung đột đã kéo dài suốt từ cuối những năm 1980, nhưng điều mới mẻ là công nghệ được sử dụng trong lần đụng độ này. Hình thái chiến tranh mới đang thực sự thay đổi cục diện và kết quả. Armenia là một đồng minh của Nga (dù Nga bán vũ khí cho cả hai phía) và Azerbaijan trông cậy vào mối quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ. Lịch sử khu vực đã cho thấy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần như luôn là kình địch của nhau. Cho tới rất gần đây, sự nhất trí chung là nếu một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nổ ra, dù là ở đâu, phía được Nga ủng hộ sẽ chiếm ưu thế áp đảo. Nhưng thành công quân sự liên tiếp của Azerbaijan và những gì diễn ra ở Syria trong thời gian qua cho thấy nhờ máy bay drone, hệ thức chiến tranh dịch chuyển có thể gây ra những thay đổi thực sự đảo lộn. ■Chống droneNhững cố gắng đối phó drone có quy mô đáng kể nhất cho tới nay có lẽ là diễn ra tại Syria. Lực lượng chính phủ ở đây sở hữu nhiều hệ thống phòng không tầm ngắn thích hợp cho việc này. Các hệ thống Pantsir và Tor do Nga sản xuất đã cho thấy thành công ít nhiều trong việc đối phó drone của phe nổi dậy, nhưng ít thành công hơn khi gặp phải drone thí mạng của Israel. Lực lượng phòng không Syria từng bắn rơi ít nhất là 3 drone Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 năm nay. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã sử dụng hệ thống gây nhiễu Koral nội địa sản xuất để vô hiệu hóa radar phòng không của Syria. Hệ thống này có phạm vi hoạt động 200km và các cảm ứng phát hiện rồi gây nhiễu điện tử, gây quá tải với những mạng lưới radar của địch.“Sức hủy diệt từ các cuộc tấn công drone của Thổ Nhĩ Kỳ là một minh chứng hùng hồn nữa cho thấy các quân đội ngày nay cần sở hữu năng lực chiến tranh điện tử và hệ thống phòng không tầm ngắn mạnh mẽ thì mới đối phó được với drone hiệu quả trên các chiến trường của thế kỷ 21” - Global Defense Corp kết luận. Tags: Chiến tranhDroneArmeniaAzerbaijanMáy bay không người lái
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.