Cuộc chiến thương mại trong phong trào Olympic

HUY ĐĂNG 28/05/2023 11:32 GMT+7

TTCT - Ở Olympic, sau khi chiến thắng, VĐV có thể lên mạng xã hội lời cảm ơn nhà tài trợ cá nhân của họ. Nhưng nếu cảm ơn vì "đã giúp tôi đoạt huy chương Olympic", họ có thể bị cấm thi đấu hoặc tước huy chương!

Kình ngư Ryan Lochte lách luật để quảng cáo cho nhà tài trợ riêng ở Olympic. Ảnh: Getty Images

Kình ngư Ryan Lochte lách luật để quảng cáo cho nhà tài trợ riêng ở Olympic. Ảnh: Getty Images

Chuyện nghe tưởng vô lý này lại là quy định đã tồn tại hơn 30 năm qua ở Olympic, phản ánh cuộc chiến khốc liệt về vấn đề thương mại trên sân chơi thể thao đỉnh cao.

Khi IOC siết VĐV

Năm 1991, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chính thức ban hành "điều lệ 40" quy định VĐV không được phép quảng cáo cho bất kỳ nhãn hàng nào trong suốt thời gian diễn ra Olympic. Các quy định này liên tục được củng cố khi thế giới thương mại ngày càng đa dạng hóa. 

Những kỳ Olympic gần đây, VĐV còn bị hạn chế cả trong bài đăng trên mạng xã hội. Ngoài ra, VĐV không được phép để tên xuất hiện trên bất kỳ quảng cáo nào xuyên suốt Olympic. Thời gian "xuyên suốt Olympic" được quy định chặt chẽ: 9 ngày trước lễ khai mạc, và 3 ngày sau lễ bế mạc.

Khi "điều lệ 40" ra đời, IOC giải thích họ muốn bảo vệ tính nghiệp dư của kỳ Thế vận hội. Về lý thuyết, các VĐV dự Olympic được xem là nghiệp dư, đồng nghĩa họ không nhận tài trợ. 

Nhưng theo dòng phát triển của thể thao, lý do này bị xem là sáo rỗng bởi trên thực tế, VĐV Olympic ngày nay tuyệt đại đa số đều là dân chuyên nghiệp, thậm chí là hàng đầu thế giới. "Điều lệ 40" thực tế chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi cho đối tác của IOC: VĐV sẽ không bị phạt gì hết nếu quảng cáo cho nhãn hàng là nhà tài trợ chính thức của Thế vận hội.

Tất nhiên, với thế giới thương mại muôn hình vạn trạng, chuyện cấm đoán chẳng hề dễ dàng. Một ví dụ là kình ngư người Mỹ Ryan Lochte. Lochte vốn nổi tiếng với từ ăn mừng chiến thắng thương hiệu của anh: "jeah", cách điệu của "yeah". 

Nụ cười và động tác cắn huy chương của Lochte cũng rất dễ nhận ra, đến mức một hãng mắt kính bơi không cần phải in hình và nêu tên anh cũng có thể khiến người hâm mộ lập tức liên tưởng đến Lochte qua những hình ảnh cách điệu này.

Nhưng đó là với một kình ngư hàng đầu thế giới. Không phải VĐV Olympic nào cũng có thể tạo ra thương hiệu cá nhân cách điệu rõ như Lochte để lách luật. Hầu hết gặp khó vì "điều lệ 40", và tranh cãi là bất tận.

Olympic có quy định rất ngặt nghèo về sự xuất hiện của các thương hiệu tài trợ. Ảnh: Nikkei Asia

Olympic có quy định rất ngặt nghèo về sự xuất hiện của các thương hiệu tài trợ. Ảnh: Nikkei Asia

IOC minh bạch nguồn thu

Olympic 2012 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong cuộc chiến này, khi Instagram ra đời và văn hóa hashtag xuất hiện. VĐV không cần đăng quảng cáo dài dòng, mà chỉ cần đưa tên nhà tài trợ vào hashtag. Khi IOC tìm cách nới rộng lệnh cấm, họ đã động chạm tới quyền tự do ngôn luận.

Mỗi bên đều có lý của mình. Phía IOC cho rằng nếu VĐV cứ đăng hình ảnh quảng cáo thoải mái, quyền lợi của các nhà tài trợ chính thức cho Olympic sẽ bị tổn hại. IOC cam kết hằng năm phân bổ 90% thu nhập cho phong trào phát triển thể thao toàn thế giới, gồm hỗ trợ các ủy ban Olympic quốc gia, và chỉ giữ lại 10% cho kinh phí tổ chức sự kiện. Khoản chi này tương đương 3,5 triệu USD mỗi ngày, tức gần 1,3 tỉ USD mỗi năm.

Phía VĐV có lý của họ. Hầu hết VĐV hàng đầu thế giới đều có thu nhập chính từ nhà tài trợ. Tạp chí Swimming World tính toán nếu không có tài trợ, mỗi VĐV bơi lội top đầu sẽ chỉ kiếm được 10.000 - 30.000 USD một năm, còn chưa đủ cho họ ăn uống theo chuẩn dinh dưỡng VĐV đỉnh cao. Và Olympic là cơ hội lớn để VĐV tăng nguồn thu nhập từ quảng cáo.

Đầu năm 2015, IOC tỏ ra nhượng bộ khi cho phép VĐV được quảng cáo "chung chung" với những thương hiệu không phải nhà tài trợ chính thức của Olympic. 

Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) thì ban hành văn bản bao gồm các từ "cấm sử dụng" khi VĐV đăng bài quảng cáo (hoặc nhà tài trợ đăng hình VĐV), bao gồm 2016 Rio, Rio de Janeiro, HCV, HCB, HCĐ, Thế vận hội, mùa hè, chiến thắng, Olympic, Olympiad, màn trình diễn, thách thức, nỗ lực...

Từ lệnh cấm đến xâm phạm quyền tự do ngôn luận là một ranh giới mong manh: VĐV đã phản đối dữ dội thông báo của USOC, và họ không hề đơn độc.

Năm 2019, Văn phòng Quản lý cạnh tranh liên bang Đức (FCO) tuyên bố điều lệ 40 của IOC vi phạm pháp luật về chống độc quyền và hạn chế cơ hội kiếm sống của VĐV. FCO lý giải: 

"Các VĐV tạo ra được tên tuổi, thương hiệu và nguồn doanh thu lớn hơn nhiều so với chính các ủy ban Olympic quốc gia của họ". Tức phong trào thể thao sẽ có lợi hơn nếu VĐV thoải mái quảng cáo trong mùa Olympic.

Phản ứng của FCO khiến IOC chùn bước. Hơn nửa năm sau, IOC nới lỏng điều lệ 40. Ở Olympic Tokyo, nhà tài trợ cá nhân chỉ cần đăng ký với IOC, tuân theo một số luật lệ là có thể đưa hình ảnh, tên tuổi VĐV vào bài đăng chúc mừng họ khi VĐV đoạt huy chương. 

Về phía VĐV, họ được "cấp phép" tối đa 7 bài đăng có tên nhà tài trợ trong kỳ Olympic. Đây có thể xem là bước nhượng bộ đáng kể của IOC với VĐV và các nhà tài trợ.■

Ở Việt Nam chưa rõ ràng

Ở chiều ngược lại, IOC hay các ủy ban Olympic quốc gia cũng phải tuân theo quy tắc bản quyền hình ảnh cá nhân khi ký hợp đồng với nhà tài trợ.

Tiến sĩ ngành quản lý thể thao Nguyễn Trà Giang (Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM) cho biết khi hình ảnh cá nhân VĐV được sử dụng với mục đích thương mại, cần có sự đồng ý của VĐV đó:

"Dù vậy ở các nước như VN, vấn đề này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bản thân các VĐV cũng không có nhiều hiểu biết về vấn đề này, nên đôi lúc dễ bị thiệt thòi. VĐV cần được trang bị thêm kiến thức để tự đấu tranh cho chính mình".

Một người hành nghề đại diện cầu thủ bóng đá cũng cho biết thêm: "Trừ một số bài đăng với mục đích thuần túy là cổ vũ cho đội tuyển quốc gia, khi phía liên đoàn bóng đá đăng tải hình ảnh cá nhân của cầu thủ gắn với nhà tài trợ thì họ phải có thỏa thuận với phía cầu thủ. Chỉ trong những tấm ảnh có trên 3 cầu thủ thì mới được tự do đăng tải".

Những ngày qua, hình ảnh VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh và nhiều VĐV khác của đoàn thể thao Việt Nam xuất hiện dày đặc trên các nền tảng truyền thông, quảng cáo của các nhãn hàng lớn.

Nhiều người băn khoăn liệu các VĐV này đã sớm ký hợp đồng quảng cáo, đại diện thương hiệu, hay các đơn vị tự ý lấy hình ảnh VĐV giành thành tích tại SEA Games 32 để phục vụ mục đích marketing?

Ảnh: VFF

Ảnh: VFF

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhiều năm qua các nhãn hàng này đã là những đơn vị tài trợ đồng hành với rất nhiều hoạt động của thể thao VN.

Ví dụ, tháng 10-2022, thương hiệu Bia Sài Gòn ký hợp đồng với Tổng cục TDTT tài trợ 5 tỉ đồng cho VĐV luyện tập và chuẩn bị cho Đại hội Thể thao châu Á (Asiad 19 năm 2023 tại Trung Quốc) và Thế vận hội mùa hè (Olympic Paris 2024).

Khoản tài trợ của Bia Sài Gòn được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp hằng tháng cho VĐV tài năng, hỗ trợ kinh phí tham gia thi đấu quốc tế và một phần để bổ sung trang thiết bị cho hai môn bắn cung, cầu lông.

50 VĐV đặc biệt tài năng ở các môn bắn cung, cầu lông, thể dục dụng cụ, karatedo, bơi, cử tạ, wushu, điền kinh... được Tổng cục TDTT chọn lựa sẽ nhận tài trợ theo chương trình này.

Tại SEA Games 32, Bia Sài Gòn và một số đơn vị khác cũng là nhà tài trợ tiền thưởng nóng cho VĐV, với mức thưởng nóng lần lượt là 10, 5, và 3 triệu đồng cho HCV, HCB và HCĐ.

Một ví dụ khác, Jogarbola - thương hiệu của Tập đoàn thể thao Động Lực - là nhà tài trợ trang phục chính thức cho đoàn thể thao Việt Nam nhiều năm nay, gồm ở SEA Games 32.

Riêng nhãn hàng Li-Ning là nhà tài trợ trang phục chính thức của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Tại SEA Games 32, tất cả VĐV điền kinh Việt Nam đều mặc trang phục thi đấu của Li-Ning, gồm Nguyễn Thị Oanh.

Việc kêu gọi tài trợ cho thể thao những năm qua gặp nhiều khó khăn. Vì vậy ngành thể thao rất coi trọng các nhà tài trợ và cũng tìm cách để làm truyền thông, trả quyền lợi cho những đơn vị tài trợ đã đồng hành với ngành.

Ông Trần Văn Mạnh, tổng thư ký Ủy ban Olympic VN, cho biết:

"Việc kêu gọi tài trợ cho thể thao VN do cả Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic VN thực hiện. Quyền lợi của hai bên đều có trong thỏa thuận của ngành thể thao với các doanh nghiệp tài trợ. Tại SEA Games 32, đoàn thể thao VN có quy chế để đảm bảo hình ảnh cho đoàn và quyền lợi truyền thông của nhà tài trợ. Một người vì mọi người và đều vì lợi ích chung của thể thao VN".

Tuy nhiên, ông Trương Trọng Hiểu, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng:

"Tôi không biết được chi tiết hợp đồng của các nhà tài trợ với Ủy ban Olympic quốc gia thế nào, nhưng để thể thao ngày càng chuyên nghiệp hơn, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội về thể thao cần quan tâm hơn đến quyền của VĐV, cần cho họ biết cụ thể nghĩa vụ lẫn quyền lợi với các nhà tài trợ, và cũng cần thương thảo cụ thể với những VĐV đặc biệt nổi bật. Vì nếu không, họ có khả năng thiệt thòi khi hình ảnh bị sử dụng quá mức so với quyền lợi họ nhận được. Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, mà trong tương lai thể thao VN phải đối mặt, như thế giới đã từng trong nhiều năm qua".

K.XUÂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận