TTCT - Trong những ngày sau đó, khi phiên dịch cho Hội thảo văn học Việt - Mỹ được tổ chức từ ngày 28-5 đến 2-6-2010 tại Hà Nội và Hòa Bình, tôi dần hiểu được rằng văn học chính là liều thuốc giúp xoa dịu những vết thương của chiến tranh và hòa giải hận thù. Các nhà văn cựu binh Việt - Mỹ bên lề cuộc hội thảo văn học Việt Mỹ năm 2012 tại Huế (ảnh Quế Mai) Những nhà văn Việt Nam và những người yêu văn chương Việt không xa lạ với những hoạt động của Viện Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội William Joiner (WJ, trước kia mang tên Trung tâm William Joiner). Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của nhà thơ, giáo sư Kevin Bowen - người đã được vinh danh với giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vì những đóng góp quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn đọc Mỹ - WJ là nơi đã làm được nhiều điều đáng ghi nhận trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, bắc những cây cầu cảm thông và thấu hiểu giữa hai quốc gia Việt - Mỹ thông qua việc dịch, giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam đến công chúng Mỹ, tổ chức các hội thảo và giao lưu văn học ở hai quốc gia. Một cây cầu văn học để xóa bỏ hận thù Tôi có cơ hội làm việc với các thành viên của WJ từ năm 2010. Thời gian đó, khi đang công tác tại Hà Nội, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Bảo Ninh và nhà thơ Trần Anh Thái nhờ tôi phiên dịch cho cuộc gặp gỡ của họ với đoàn các nhà văn cựu binh Mỹ đến từ WJ. Buổi tối cuối tháng 5-2010 đó, tôi đã chứng kiến một cuộc gặp đặc biệt. Trước mặt tôi là những nhà văn nổi tiếng của hai nền văn học Việt - Mỹ: Bảo Ninh, Nguyễn Quang Sáng, Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Kevin Bowen, Larry Heinemann, Bruce Weigl... - tất cả đều là những cựu binh từng đứng ở hai đầu cuộc chiến, giờ đây ngồi lại bên nhau, chia sẻ với nhau những ước mơ và công việc cần làm vì hòa bình và hòa giải. Những câu chuyện của họ đôi lúc bị ngắt quãng bởi ký ức chiến tranh của cả hai phía, nhưng được kể không phải bởi giọng bi ai mà bởi sự thâm thúy và hóm hỉnh, để rồi những tràng cười rộ lên, những bàn tay siết chặt những bàn tay. Trong những ngày sau đó, khi phiên dịch cho Hội thảo văn học Việt - Mỹ được tổ chức từ ngày 28-5 đến 2-6-2010 tại Hà Nội và Hòa Bình, tôi dần hiểu được rằng văn học chính là liều thuốc giúp xoa dịu những vết thương của chiến tranh và hòa giải hận thù. Hận thù có lẽ vẫn còn ngổn ngang vào năm 1982, khi WJ được thành lập, với nhiều thành viên là các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ vẫn còn áp đặt lệnh cấm vận hà khắc đối với Việt Nam, WJ đã tiên phong và xông xáo mở ra những cánh cửa ẩn chứa nhiều rủi ro: tổ chức một hội nghị quốc tế về chất độc da cam nhằm vạch trần những tác hại khủng khiếp của chất độc da cam lên sức khỏe của con người. Một đoàn các nhà văn cựu binh Mỹ đã lên đường trở lại Việt Nam vào năm 1986, để rồi khi tận mắt chứng kiến những vết thương sâu hoắm mà quân đội của đất nước họ đã để lại trên dải đất hình chữ S, quyết tâm hành động để xoa dịu nỗi đau, bắc những cây cầu cảm thông và hữu nghị thông qua văn học. Một năm sau khi các cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam, WJ đã đặt viên gạch đầu tiên cho con đường trao đổi văn hóa thông qua văn học: đưa nhà văn Lê Lựu sang giao lưu với công chúng Mỹ. Hồi tưởng về chuyến đi này, nhà văn Lê Lựu đã viết: “Tôi thật may mắn là nhà văn Việt Nam đầu tiên được WJ mời đến Mỹ. Lúc đầu tôi đi là do hào hứng mà đi chứ chưa biết thế nào là trách nhiệm. Nhưng sau này nhận thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề, ngoài sức của mình. Khi dự hội thảo với các nhà văn Mỹ cùng nhiều giáo sư, sinh viên, họ đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều người hỏi về đất nước Việt Nam với cái nhìn miệt thị. Có người lại bới móc, khơi dậy hận thù. Có người đả kích để tìm hiểu thái độ của các nhà văn Việt Nam với chính phủ ta như thế nào. Khi ấy mình mới tỉnh ngộ rằng, mình không phải đến để chơi mà còn một trách nhiệm lớn lao đang đè nặng. Bởi mình đang là đại diện cho cả một đất nước...”. Trong suốt 30 năm qua, các thành viên của WJ đã bền bỉ và kiên trì lát những viên gạch tiếp theo, để giờ đây con đường giao lưu văn học và văn hóa Việt - Mỹ thênh thang hơn: gần 100 lượt các nhà văn Việt Nam - những cây bút quan trọng nhất của văn học đương đại Việt Nam đã đến Mỹ giao lưu theo chương trình của WJ tổ chức, trong đó có rất nhiều cựu binh: Lê Lựu, Bảo Ninh, Hữu Thỉnh, Tô Nhuận Vỹ, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trung Trung Đỉnh... Nhiều cây bút tên tuổi của văn đàn Mỹ cũng sang Việt Nam giao lưu theo chương trình làm việc của WJ, để rồi họ sáng tác những tác phẩm “để đời”, giúp bạn đọc Mỹ hiểu thêm về sự hiếu khách và vị tha của người Việt Nam, cũng như chiều sâu lịch sử và văn hóa của dải đất hình chữ S. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Kevin Bowen. Ảnh do Kevin Bowen cung cấp Cánh cửa cho văn học Việt Nam “xuất ngoại” Không chỉ thế, WJ đã âm thầm làm những công việc hết sức khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức: họ đã lần lượt dịch và xuất bản nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam, giới thiệu tới bạn đọc Mỹ những cây bút từ cổ điển tới đương đại: Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, thơ Thiền Lý - Trần, thơ Hồ Chí Minh, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa... Trong những tác phẩm mà WJ dịch và giới thiệu, có lẽ tuyển tập Poems from the Captured Doccument (Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ) là một quyển sách “lạ lùng” nhất. Nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl có lần chia sẻ với tôi rằng: sau khi tham chiến ở Quảng Trị và trở về Mỹ, một lần ông tình cờ nhìn thấy bản sao sổ tay ghi chép của những người lính Bắc Việt - những quyển sổ tay đó đã bị quân đội Mỹ thu giữ sau những cuộc chạm trán nảy lửa giữa hai bên. Nhìn những trang viết đó, Bruce Weigl không hiểu ý nghĩa của những câu từ tiếng Việt, nhưng mơ hồ nhận ra đó là những bài thơ, nhờ cách ngắt đoạn, xuống dòng. Ông lập tức nhờ các cộng sự Việt Nam dịch nghĩa những ghi chép đó và nhận ra rằng đó thực sự là những bài thơ. Trong lúc nhiều người Mỹ vẫn còn nhìn người Việt Nam với sự miệt thị và căm giận, Bruce Weigl đã quyết tâm đưa ánh sáng của những bài thơ trong những cuốn sổ tay ghi chép của những người lính Bắc Việt đến với họ. Ông đã dành nhiều năm miệt mài làm việc cùng tiến sĩ Thanh Nguyễn để chọn lựa và chuyển ngữ các bài thơ. Poems from the Captured Doccument do NXB University of Massachusetts Press ấn hành vào tháng 6-1994 có lẽ là quyển sách đầu tiên cho người Mỹ thấy rằng những người lính cộng sản cũng là những con người bình thường: họ yêu thơ ca, gia đình, cuộc sống. Họ đau đáu mong đợi hòa bình tung cánh trên dải đất Việt Nam. Ngoài Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ, tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu do các thành viên của WJ (Nguyễn Bá Chung, Ngô Vĩnh Hải và Kevin Bowen) chuyển ngữ (NXB University of Massachusetts Press ấn hành năm 1997) cũng là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được giới thiệu tại Mỹ sau chiến tranh và được bạn đọc nhiệt liệt đón nhận. Theo tạp chí phê bình Kirkus Review, tiểu thuyết “miêu tả chân thực về cuộc sống ở Bắc Việt từ những năm 1950 đến những năm 1980, cung cấp những chi tiết hấp dẫn về văn hóa làng xã”. “Bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn tiểu thuyết chi tiết sống động này là tác phẩm hay nhất và hấp dẫn nhất mà chúng ta đã thấy từ phía Bắc Việt Nam”. Dấu lặng buồn bã Đáng tiếc là WJ đang đứng trước một nguy cơ: Trường đại học Massachusetts Boston, đơn vị chủ quản của WJ, đã quyết định cắt giảm nguồn ngân sách cần thiết để duy trì hoạt động của WJ. Đây là một cú sốc lớn không chỉ đối với WJ mà còn đối với những ai đã từng làm việc cùng hoặc nhận được sự giúp đỡ từ WJ. Các nhà văn Mỹ vì thế đã soạn thảo một kiến nghị để kêu gọi sự chung tay của mọi người trong việc phản đối sự cắt giảm ngân sách nói trên. Kiến nghị chỉ rõ sự cần thiết trong việc duy trì hoạt động của WJ: mỗi ngày, ở Mỹ hiện có khoảng 22 cựu binh đã từng tham chiến ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan tự tử vì hội chứng tâm lý hậu chiến tranh, nhiều cựu binh khác đang gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và vẫn đang bỏ mạng mỗi ngày vì nhiễm chất độc được quân đội sử dụng trong chiến tranh. Trong bối cảnh chiến tranh và xung đột đang lan rộng ở nhiều châu lục, WJ cần phải được tăng cường hoạt động để giúp các cựu binh và các nạn nhân chiến tranh cất lên tiếng nói của mình vì mục đích hòa bình. Vừa được soạn thảo vào tuần trước, kiến nghị hiện đã nhận được hơn 2.000 chữ ký và sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới văn chương Mỹ và những người yêu hòa bình. Tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã ký vào lá thư với niềm tin vào sứ mệnh của WJ, bởi những gì mình đã được tận mắt chứng kiến về những đóng góp thiết thực của WJ trong việc xoa dịu những vết thương chiến tranh, xây dựng sự thấu hiểu, cảm thông, vì mục đích hòa bình. Thêm vào đó, WJ đã và đang là một trong những đối tác trung thành và bền bỉ nhất của văn học Việt Nam, giúp đưa tiếng nói của người Việt Nam trong nước đến với diễn đàn văn học thế giới vốn rất sôi động và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Việc WJ ngừng hoạt động cũng có nghĩa là một trong những cánh cửa rộng nhất cho việc xuất khẩu văn học Việt Nam cũng sẽ bị khép lại. Đó sẽ là một tổn thất lớn lao cho cả hai phía. ■ WJ không chỉ hoạt động cho Việt Nam và vì Việt Nam. Mục đích của viện là nghiên cứu, phát triển các chương trình giảng dạy, tổ chức các sự kiện, những chương trình trao đổi giáo dục, văn hóa và nhân đạo nhằm giảm thiểu hậu quả chiến tranh. Hiện nay WJ có nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp các cựu binh trở về từ Iraq và Afghanistan vượt qua những ám ảnh chiến tranh và tái hòa nhập với cuộc sống. Những khóa học viết văn mùa hè đã được tổ chức liên tục 31 năm nay dành cho các cựu binh, khóa đào tạo giảng dạy về văn học viết về chiến tranh cho các giáo viên trung học, những chương trình âm nhạc trị liệu cho các cựu binh, những nghiên cứu về hậu quả sức khỏe của chiến tranh Iraq, những hoạt động trao đổi văn hóa, dịch thuật văn học và việc sử dụng nghệ thuật để chữa lành những vết thương chiến tranh. Tags: Vết thương chiến tranhWilliam JoinerVăn học Việt - MỹCuộc chiến vì hòa bình
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Hàng không, dịch vụ chạy đua vào sân bay Long Thành CÔNG TRUNG 23/11/2024 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được bảo hiểm chi trả: Làm sao để hiệu quả cao nhất? THÀNH CHUNG 23/11/2024 Dự kiến cuối tháng 11 này, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT mà người dân đang rất quan tâm.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Ông Trump chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính trong nội các sắp tới của ông.