Báo chí thời TikTok

TỊNH ANH 21/06/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Ngày càng nhiều nhà báo, phóng viên, cả các tờ báo và cơ quan truyền thông nhìn thấy cơ hội từ một cộng đồng tưởng như xa lạ với báo chí: TikTok - mạng xã hội của những video dài một phút đổ lại và khán giả dưới đôi mươi, những người không còn tiếp nhận thông tin qua báo đài như thế hệ cha anh.


 
 Ảnh: Shutterstock

Cơ hội đó không chỉ bao gồm việc phân phối tin tức, tiếp cận một lớp độc giả, thậm chí người đặt báo dài hạn mới, mà còn có cả việc tương tác, nhận phản hồi trực tiếp và thậm chí khai thác các chất liệu báo chí mới từ sân chơi có gần 700 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng mà trong đó có 26% trong độ tuổi 18 - 24.


Theo thống kê của Hãng phân tích nội dung video Conviva, các kênh nội dung báo chí và truyền thông thuộc nhóm tăng trưởng nhanh thứ 6 trên TikTok trong vòng một năm tính từ tháng 2-2020 với mỗi kênh có thêm trung bình 306.605 người theo dõi.

 “TikTok là báo chí theo mọi nghĩa. Gần như cứ vài nội dung TikTok thì lại có cái liên quan đến tin tức và cung cấp tin tức cho người dùng. Báo chí là vậy đó - cung cấp tin tức theo mọi cách có thể và có trách nhiệm.

- Dave Jorgenson (chủ kênh TikTok của báo Washington Post)

TikTok: Cơ hội cho báo chí

Nhà báo Max Foster của CNN ban đầu lên TikTok chỉ để xem con cái anh làm gì trên đó, nhưng sớm nhìn thấy cơ hội cho các nhà báo trên nền tảng này. “Người ta nói về các xu hướng như điệu nhảy, bài hát, nhưng thật ra cái tôi thấy là các xu hướng tin tức” - một bài viết trên trang web của Trường dạy báo chí Poynter Institute dẫn lời Foster, hiện là thông tín viên tại London của CNN.

Foster đăng video đầu tiên của mình lên TikTok vào cuối năm 2019. Đến trung tuần tháng 6-2021, anh đã có hơn 306.000 người theo dõi, với tổng lượt xem các video là 10 triệu. Trong video mới nhất, Foster giải đáp thắc mắc liệu Tổng thống Mỹ Biden có phải cúi chào Nữ hoàng Anh sau khi dự hội nghị G7 ở London hay không.

Thay vì viết một bài, Foster tự quay một video chỉ dài 28 giây nhưng giải thích đầy đủ (câu trả lời là không, vì ông Biden không phải người Anh nên không bắt phải theo lễ nghi hoàng gia, và họ có cùng thứ bậc - nguyên thủ quốc gia). Chưa đầy 24h sau khi đăng, video được hơn 16.100 lượt “thả tim”.

 
 Ảnh chụp màn hình trang TikTok của nhà báo Max Foster

Một điển hình nhà báo TikTok khác là Marcus DiPaola, người cần mẫn truyền tải tin tức thời sự nóng bỏng đến khán giả thế hệ Z (sinh năm 1996 trở về sau) qua các video từ 30 đến 60 giây trên kênh TikTok có đến 2,6 triệu người theo dõi của mình.

Khác với Foster, DiPaola hiện không làm cho một tờ báo hay hãng tin, đài truyền hình nào, mà là nhà báo tự do. Anh có mặt tại Điện Capitol trong cuộc bạo loạn ngày 6-1, và đoạn video do anh đăng trên TikTok lập tức có hơn 1 triệu view và được nhiều hãng tin, tờ báo lớn dẫn lại.

Nhưng đại dịch khiến một nhà báo tự do như DiPaola không thể tiếp cận các sự kiện chính trị như trước. DiPaola rốt cuộc phải chuyển từ thủ đô Washington DC về nhà bố mẹ ở New Jersey, và TikTok cho anh cơ hội được tiếp tục làm nghề. “Tôi muốn là người diễn giải [tin tức] từ truyền thông chủ lưu cho các bạn tuổi teen” - DiPaola nói với báo Washington Post.

Đó là một lựa chọn đúng người, đúng nơi. Theo một khảo sát năm 2020 của Hãng nghiên cứu YPulse, 51% trong số những người trả lời thuộc thế hệ Z cho biết tiếp nhận tin tức thông qua TikTok, so với 26% trong nhóm thế hệ Y (sinh từ 1981 - 1996).

Người dùng thế hệ Z (anh cả, chị cả của thế hệ này năm nay mới 25 tuổi) đã và đang đưa ra các lựa chọn mua sắm từ lời khuyên, tư vấn của các influencer (người có sức ảnh hưởng) trên TikTok, việc họ chuyển sang tiếp nhận tin tức từ các “influencer báo chí” cũng là điều tất yếu, theo Marcus Messner, giám đốc Trường văn hóa và truyền thông Richard T. Robertson (Đại học Virginia Commonwealth).

“Điều này nới rộng khoảng cách thế hệ trong chuyện chọn nguồn tin tức, khi các thế hệ trước có lẽ chưa bao giờ nghe nói về những người nổi tiếng trên TikTok này, trong khi họ có hàng triệu người theo dõi thuộc thế hệ Z” - Messner nói với Washington Post.

 
 Dave Jorgenson trong một video trên TikTok của báo Washington Post

Bản thân Washington Post cũng đang tìm cách tiếp cận một thế hệ độc giả mới - những người thậm chí còn không biết đấy là một tờ báo, huống chi lịch sử hơn trăm năm của nó. Đây là thông tin do chính người cầm trịch tài khoản TikTok có dấu chính chủ và gần 950.000 người theo dõi của tờ nhật báo uy tín này chia sẻ.

“Người ta không mảy may biết Washington Post là gì, có người nghĩ chúng tôi ở bang Washington [chứ không phải thủ đô Washington DC]” - Dave Jorgenson, nhà sản xuất nội dung video và là diễn viên chính và duy nhất trên TikTok của tờ báo, nói với trang web của FIPP - nghiệp đoàn của ngành báo chí truyền thông.

Jorgenson không lấy đó làm phiền, mà còn cho rằng điều này thậm chí có lợi cho chiến lược TikTok của tờ báo. “Điều đó rất tuyệt vời vì tôi có thể nói cho họ biết rằng chúng tôi là tờ báo 143 tuổi, đó là một cách khiêm nhường và dí dỏm để giới thiệu sự tồn tại của chúng tôi với thế hệ Z” - Jorgenson lý giải.

Jorgenson được Foster của CNN và những nhà báo tham gia TikTok khác xem là “đại sư của báo chí TikTok”. Các video đầu tiên do Jorgenson đăng trên kênh của Washington Post đa số là hài hước, quay từ tòa soạn để quảng bá cách làm nghề của tờ báo. Jorgenson chỉ bắt đầu đăng các nội dung thuần tin tức hơn từ khi nổ ra các cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter sau cái chết của George Floyd.

Báo chí TikTok mang lại nhiều thứ hơn là chỉ chia sẻ thông tin một chiều từ nhà báo/tờ báo đến người tiếp nhận. Những video của Washington Post hay CNN giúp công chúng hiểu thêm cách một tòa báo hoạt động, cách một bài báo được viết. Ngược lại, người làm báo học thêm nhiều điều - chẳng hạn một góc nhìn khác về vấn đề - thông qua trao đổi trực tiếp ở phần bình luận, thậm chí có thêm đề tài nhờ người dùng báo tin thông qua tính năng “tag” trên TikTok.

“TikTok hoặc bất kỳ nền tảng xã hội nào khác không thay thế phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại. Nó không thay thế báo chí được xuất bản ở những định dạng khác. Nhưng nó mang lại cho [người làm báo] cơ hội để tìm thêm nhiều nguồn, các nguồn đa dạng mà họ có thể bỏ qua, và tiếp cận các cộng đồng đa dạng mà họ có thể không tiếp cận được [nếu không dùng TikTok]” - Robert Hernandez - phó giáo sư Trường truyền thông và báo chí (Đại học Nam California) - nói.

Làm báo TikTok cần gì?

Cái cần trước nhất dĩ nhiên là trang thiết bị, nhưng chỉ đơn giản là “một chiếc camera, ánh sáng đủ tốt và kiến thức kể chuyện”, theo Lisa Remillard - chủ kênh TikTok có 1 triệu người theo dõi và có biệt danh là “Cô gái tin tức”.

Remillard tham gia TikTok từ đầu năm 2020, sau khi nhận thấy chưa có nhiều video tin tức theo định dạng xướng ngôn viên trên nền tảng này. Tháng 3-2020, Remillard quay một video dạng thời sự nói về các lệnh hạn chế đi lại vì COVID-19 và lập tức thu được 60.000 lượt xem. “Tôi nhận ra đây là thứ mọi người cần” - Remillard nói.

Theo Remillard, TikTok giúp ai cũng có thể điều hành một studio chỉ bằng các thao tác trên điện thoại - lên kịch bản, quay, dựng và phát video, và vì thế kinh nghiệm cả trước và sau máy quay sẽ rất hữu ích cho các nhà báo TikTok.

 
 Một số trang TikTok của các hãng truyền thông, báo chí.

Yếu tố quan trọng kế tiếp trong công thức thành công của những nhà báo, cơ quan báo chí trên TikTok, theo Michael Metzler - giám đốc tiếp thị số của Hãng nghiên cứu Conviva, là khả năng giải thích các bài báo quan trọng cho một lớp độc giả trẻ tuổi. “Các tin tức trên TikTok có một giọng riêng mà không nền tảng video nào có được” - Metzler nói với trang Insider.

Nhà báo TikTok cần nắm bắt được và nói đúng chất giọng, dùng đúng ngôn ngữ của TikTok để giành được sự tin cậy và gieo được uy tín với cộng đồng TikTok, theo Robert Hernandez - phó giáo sư Trường truyền thông và báo chí (Đại học Nam California). Nếu không, những nhà báo hay cơ quan truyền thông vội vàng tham gia TikTok theo trào lưu rất dễ lâm vào cảnh như ông bố muốn ngồi chơi với con nhưng thất bại vì không hiểu chúng, Hernandez cảnh báo.

Trong khi đó, Jorgenson cho rằng một trong những lợi ích của TikTok là nó giúp “tăng độ tin cậy giữa tờ báo và những người theo dõi”. “Lúc đầu tôi hay nhận được các bình luận kiểu “Tôi không thích tờ Washington Post nhưng tôi thích kênh TikTok của mấy người”. Thật tuyệt khi chúng tôi có thể tác động đến người dùng TikTok, những người giờ nhìn tờ báo dưới một góc độ khác” - Jorgenson kể.■

 “Chơi” TikTok có tăng hiệu quả kinh doanh của ấn phẩm báo chí? Với trang web của các tờ báo, TikTok mang đến cơ hội tăng lượt truy cập nhờ đường link ở tiêu đề hay phần bình luận dưới các video. Tháng 12-2020, Washington Post từng đăng mã giảm giá khi đặt báo một năm trên tài khoản TikTok - một cách để biến khán giả thành độc giả. Tờ báo không công khai số người thực sự đặt mua báo với gói khuyến mãi đó, chỉ tiết lộ kết quả rất đáng khích lệ, theo Poynter.

“Tôi không mong đợi một bạn trẻ 14 tuổi đăng ký mua báo dài hạn nhưng kỳ vọng rằng các em sẽ có thêm thông tin và tăng hiểu biết về truyền thông; tôi có cảm giác rằng sẽ đến lúc chúng tôi có được người mua báo thông qua TikTok” - Jorgenson chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận