Cháy nhà ra... vân vân

MAN ÔNG 11/11/2015 23:11 GMT+7

TTCT - Thành ngữ cổ “Cháy nhà ra mặt chuột” dĩ nhiên không phải để chỉ cụ thể vụ việc cháy nhà nào cả. Nó chỉ có ý nói về những việc làm khuất tất khi bị đổ bể sẽ lòi ra những ai đó phải chịu trách nhiệm.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Thế còn cháy nhà thật thì sao? Ở Hà Nội có 779 tòa nhà cao tầng đưa vào sử dụng thì đã có đến 181 công trình chưa được nghiệm thu về công tác phòng cháy chữa cháy. Nghĩa là nếu xảy ra hỏa hoạn thì cảnh sát phòng cháy chữa cháy không chịu trách nhiệm về việc ấy, chỉ có trách nhiệm mang xe cứu hỏa đến phun nước cứu người mà thôi.

Sau đó sẽ có lời khuyên bổ ích cho cư dân đang hồ hởi mang tiền đến nộp cho chủ đầu tư rằng: “Hãy quan tâm đến hồ sơ phòng cháy chữa cháy của tòa nhà ấy đã được phê duyệt hay chưa?”.

Chuyện này còn khó hơn lên trời. Là bởi chính chủ đầu tư muốn tiếp cận hồ sơ nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy cũng không phải chuyện dễ. Nói gì đến người dân đa số tỉnh lẻ nhập cư lơ ngơ bước vào thang máy còn thường xuyên bị kẹp cửa.

Bất kỳ vụ cháy nhà nào rồi thì cũng tìm ra nguyên nhân. Và theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, có đến 50% nguyên nhân là do chập điện. Phần còn lại do người dân kém ý thức gây nên.

Cháy do chập điện lại chia ra làm nhiều nguyên nhân nữa. Do nơi sản xuất dây nhợ thiết bị không đạt yêu cầu. Do chủ đầu tư mua hàng xấu giá rẻ. Do thiết kế sai. Do đội ngũ thi công làm ẩu. Do nước lụt tầng hầm bất khả kháng. Do rất nhiều thứ, chỉ trừ chuột. Tìm được con chuột trong chung cư cao cấp không phải chuyện dễ.

Cháy do người dân bất cẩn còn nhiều nguyên nhân hơn gấp bội. Vội đi làm quên không rút bàn là. Thắp hương nghi ngút ngày rằm làm cho cả tầng nhà hú còi báo cháy. Đi nghỉ mát dài ngày không tắt quạt điện. Đổ gạt tàn còn điếu thuốc đang cháy vào nhà đựng rác công cộng. Hóa vàng xong đổ xuống hố tăng áp cầu thang bộ. Và đôi khi có những cuộc ghen tuông hờn dỗi nóng bỏng cỡ xăng dầu gây nên thảm họa...

Dân nghèo ở những chung cư cao tầng quanh thành phố không có nhiều lựa chọn bởi túi tiền heo hóp của mình. Cũng chính vì thế họ không được tiếp cận với lối sống văn minh công cộng của một tòa nhà hiện đại.

Đã có nhiều gia đình sống trong chung cư cao tầng ở Hà Nội mở cửa bán hàng tạp hóa, mở quán cắt tóc gội đầu, thậm chí cả quán phở trên tầng chót vót cao. Hành lang đã được dùng làm nơi kê bàn ghế cho khách. Nếu giỏi tính toán nhằm giảm giá thành bát phở hẳn là chiếc bếp than tổ ong chẳng mấy nữa mà có mặt trên cầu thang bộ!

Tìm ra nguyên nhân hỏa hoạn với khoa học bây giờ là điều không quá khó khăn. Tìm ra người chịu trách nhiệm lại càng dễ. Với người dân nghèo sống trong chung cư cao tầng lỡ gây hỏa hoạn chẳng biết phải bắt bồi thường thế nào? Đến tiền trả cho xe cứu hỏa cũng chẳng bao giờ có đủ.

Với các đại gia chủ đầu tư thì ngược lại. Cháy mất vài trăm chiếc xe máy chỉ như muỗi đốt gỗ mà thôi. Cứ bồi thường hẳn xe mới cho dân thì cũng không bao giờ mất một số tiền lớn bằng một căn hộ trong số hàng trăm căn đã bán. Nhưng chờ được đại gia “đi công tác về” có thể còn lâu hơn tự để dành tiền mua xe mới.

Vậy là nguy cơ cháy nổ vẫn còn nguyên. Cháy nhà chỉ ra vài thứ vân vân thế thôi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận