Công nghệ và đời sống mới

TUẤN SƠN 27/01/2021 21:05 GMT+7

TTCT - Mỗi lần bước sang năm mới là lại sôi động các dự đoán xu hướng công nghệ nào sẽ “thay đổi thế giới”. Riêng với năm nay, điều ngược lại mới đúng: chính thế giới đầy biến động vì đại dịch trong năm 2020 đang thay đổi bộ mặt của ngành công nghệ một cách chóng mặt.

Ảnh: WSJ

“Công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc (giúp thế giới) chống lại đại dịch kể từ đầu năm ngoái và nó sẽ tiếp tục tái định hình xã hội và các ngành công nghiệp của chúng ta thông qua các mô hình sản xuất sáng tạo và dịch vụ thông minh” - trang Mashabledẫn lời Jeff Zhang, chủ tịch mảng trí tuệ đám mây của Alibaba.

Công nghệ “vị nhân sinh”

Zhang đồng thời là giám đốc Học viện DAMO sáng kiến nghiên cứu toàn cầu của Alibaba. DAMO vừa công bố danh sách các xu hướng công nghệ định hình năm 2021; các công nghệ này có thể tóm lược trong một câu: thêm việc cho máy tính, giảm việc cho con người.

Hầu như dự đoán công nghệ đáng chờ đợi trong năm lúc nào cũng gọi tên trí tuệ nhân tạo (AI). Dù công nghệ này bị gọi tên nhiều đến ngán ngược ngán xuôi, Alibaba dự báo AI vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực y tế, sức khỏe.

Các quy trình như sàng lọc hợp chất, mô hình hóa bệnh tật và tối ưu hóa thuốc là một số lĩnh vực mà AI sẽ là trợ thủ đắc lực. Chúng ta cũng sẽ ghi nhận đóng góp của AI trong xử lý dữ liệu, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và nhân lực để cung cấp sản phẩm nhanh hơn, rẻ hơn.

Ảnh: MZSHB

Bị dồn vào chân tường vì đại dịch COVID-19 và áp lực đuổi kịp đối thủ cạnh tranh, nhiều ngành nghề và lĩnh vực đã phải triển khai ứng dụng trí tuệ công nghiệp (industrial intelligence) ở tốc độ và quy mô chưa từng thấy, thay vì áp dụng nhỏ giọt, manh mún để khắc phục các khiếm khuyết đơn lẻ như trước đây. 

Nói một cách đơn giản, các công ty sản xuất sẽ buộc phải nâng cấp hạ tầng để phù hợp với công nghệ mới, giúp giảm chi phí và thời gian cần thiết để tạo ra hàng hóa - một tín hiệu tốt cho người tiêu dùng.

Thông minh từ nhà ra phố

Thành phố thông minh là một từ khóa hot của năm 2020, và khái niệm này có thể tiến gần đến thực tế hơn bao giờ hết và đi sâu vào đời sống của các thị dân thông minh trong năm nay. Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, hàng loạt thành phố trên thế giới đã phải vật lộn để đối phó với các đợt bùng phát, và nhiều nơi đã chịu thất bại trong nỗ lực phân bổ vật lực và nhân lực một cách hiệu quả.

Trong tương lai gần, nhiều thành phố trên thế giới sẽ bắt đầu hướng tới khái niệm trung tâm vận hành thông minh - các trung tâm đầu não được vận hành bởi AI, 5G, dữ liệu lớn và Internet vạn vật (IoT), cung cấp năng lực quản lý và phân bổ hiệu quả các nguồn lực của thành phố mà sức người còn lâu mới sánh bằng.

Với sự giúp sức của AI, các trung tâm này có thể học hỏi liên tục và thích nghi với bản chất vận động và phát triển đi lên không ngừng của một đô thị sống. Một khi các tiến bộ công nghệ dành cho dịch vụ công được phát huy, nhu cầu về một trung tâm có thể quản lý suôn sẻ mọi mặt của một thành phố thật sự thông minh sẽ lớn hơn bao giờ hết.

Ảnh: Inc.com

Không hào nhoáng nhưng cần thiết

Trong khi đó, nhà quan sát công nghệ Brian Chen viết trên báo The New York Times rằng những công nghệ mà chúng ta sẽ nghe nhắc đến nhiều trong năm 2021 nhiều khả năng “sẽ không phải là những thiết bị hào nhoáng như điện thoại thông minh hay tivi màn hình lớn, mà là những thứ chúng ta thường không để mắt đến: các phần mềm và sản phẩm Internet làm việc thầm lặng đang tìm thấy chỗ đứng ở thời điểm hiện tại”.

Sự chuyển biến này có thể được cảm nhận rõ rệt ở trải nghiệm mua sắm online. Facebook đã cung cấp các công cụ để người bán tạo chatbot tương tác với người mua, và các nhà bán lẻ như Amazon cũng sử dụng chatbot để trả lời câu hỏi của khách hàng. 

Khi việc ghé thăm một cửa hàng trở nên kém an toàn trong đại dịch, ta có thể mong đợi những công nghệ như vậy “thừa thắng xông lên” - theo Julie Ask, nhà phân tích công nghệ của Forrester Research. “Khái niệm lên mạng, tìm kiếm, nhấp chuột và sử dụng cửa sổ điều hướng đã rất lỗi thời. Tiếp theo là gì? Phần lớn sẽ là hội thoại, bằng cả văn bản và giọng nói” - cô phân tích.

Nhiều công ty cũng đang sử dụng thực tế tăng cường (AR) để hỗ trợ quá trình mua sắm trực tuyến của khách hàng, từ ướm thử quần áo phụ kiện lên người đến đồ nội thất vào không gian nhà cửa. Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, khoảng 2,4 tỉ USD toàn cầu sẽ được chi cho quảng cáo có sử dụng AR trong năm nay, tăng 71% so với năm 2020.

Jins Eyewear, một thương hiệu chuyên về kính thuốc, cho phép bạn chụp ảnh khuôn mặt của mình để thử kính trước khi quyết định có mua hay không. Snap, công ty mẹ của mạng xã hội Snapchat, thì hợp tác với các thương hiệu thời trang cao cấp như Gucci và Dior để cung cấp dịch vụ phòng thử đồ ảo. 

Thử giày bằng công nghệ AR. Ảnh: borndigital.com

Một trong những vấn đề nhiều người than phiền khi làm việc từ xa trong mùa dịch là tình trạng mạng Internet chậm như rùa bò do quá nhiều thành viên trong gia đình truy cập cùng lúc. Năm 2021, tình trạng này được dự báo sẽ cải thiện với sự phổ biến của chuẩn không dây WiFi 6, với những cải tiến mạnh mẽ không chỉ ở tốc độ mà còn ở khả năng chia sẻ băng thông hiệu quả giữa một số lượng lớn thiết bị. 

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng thiết bị có kết nối Internet trung bình mà một người sở hữu được dự báo sẽ tăng lên 4 thiết bị/người vào năm 2023, gấp đôi so với con số thống kê năm 2018, theo một khảo sát của Cisco.

Không chạm sẽ bùng nổ

Năm 2020 cũng là cột mốc đáng nhớ của thanh toán di động. Khoảng 67% cửa hàng bán lẻ ở Mỹ đã chấp nhận thanh toán không chạm, tăng lên so với 40% vào năm 2019, theo Forrester. Trong số những người được khảo sát, 19% cho biết họ thanh toán bằng thiết bị di động lần đầu tiên vào tháng 5-2020.

Trong năm 2021, công nghệ thanh toán không chạm sẽ không chỉ dừng lại ở ví điện tử. Công nghệ băng thông siêu rộng (ultra-wideband - UWB) sử dụng sóng radio để phát hiện vật thể ở cự ly gần với độ chính xác cực kỳ cao, được giới thiệu ở iPhone 11 cách đây 2 năm, có thể sẽ có bước đột phá trong năm nay khi nhu cầu không chạm tăng cao, theo công ty nghiên cứu thị trường Creative Strategies. 

Cụ thể, giả sử bạn có điện thoại thông minh và quán cà phê được trang bị máy tính bảng đều được tích hợp công nghệ UWB, bạn có thể chỉ cần đứng trước quầy gọi món và máy tính bảng của quán có thể giao tiếp với điện thoại của bạn và xử lý thanh toán (mà đảm bảo không bị trừ nhầm tiền của người đứng sau). Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cho phép nhân viên ra vào các tòa nhà và khởi động ôtô mà không cần chìa khóa vật lý.

Ảnh: The Information

 Triển lãm công nghệ CES 2021: 

Từ khẩu trang thông minh đến toilet không chạm

CES, triển lãm điện tử tiêu dùng tổ chức thường niên ở Las Vegas (Mỹ), thường là dịp các công ty trình bày những sản phẩm của tương lai gần. 

Sự kiện năm nay (diễn ra từ 11 đến 14-1) không đi theo truyền thống đó, khi chỉ trình diễn toàn những sản phẩm, công nghệ sát sườn với thực tế thế giới vẫn còn phải chống chọi với dịch bệnh.

Bản thân CES phải tổ chức trực tuyến thay vì hội hè trong đời thật cũng là lời nhắc nhở giới công nghệ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề cấp bách nhất cho những người tiêu dùng đang phải sống trong phong tỏa hay đau khổ đại dịch. 

Xu hướng chủ đạo của sự kiện năm nay, không có gì ngạc nhiên, là khẩu trang, thiết bị khử khuẩn, lọc không khí và công nghệ không chạm.

Từ trái qua: máy lọc không khí cầm tay, khẩu trang thông minh và chuông cửa có thể đo thân nhiệt. Ảnh cắt từ video WSJ

Đầu tiên là có rất nhiều khẩu trang. Từ MaskFone, khẩu trang có micro gắn trong để người đeo có thể nói chuyện điện thoại dễ dàng khi đang che miệng, đến AirPop Active+, khẩu trang thông minh có cảm biến để theo dõi hơi thở người đeo và so sánh với dữ liệu chất luợng không khí địa phương theo thời gian thực để cảnh báo khi nào nên thay màng lọc. 

Hay như khẩu trang trong suốt Amazfit, sử dụng đèn phát tia UV gắn trong để khử khuẩn tự động sau mỗi 10 phút. Khẩu trang ngầu nhất CES năm nay đến từ nhà sản xuất game Razer, với chiếc Hazel, khẩu trang trong suốt có micro, đèn và loa để người đối diện không chỉ nghe rõ hơn mà còn thấy được khẩu hình của ta khi giao tiếp.

Hãng LG còn biến khẩu trang thành một món đồ điện tử chính hiệu: PuriCare Mask có bộ lọc chuẩn HEPA, quạt để điều hòa không khí, và nhiều cảm biến khác nhau. Sản phẩm chạy bằng pin, có thể sạc bằng cổng USB-C, mỗi lần sạc dùng được 8 giờ. Khẩu trang của Razer và LG đều có kèm hộp đựng kiêm khử trùng bằng UV sau mỗi lần đeo.

Sau khẩu trang là các sản phẩm điện tử tiêu dùng được thiết kế để phù hợp với tình hình mới: giúp người suốt ngày ở nhà, nhưng hạn chế dùng tay chạm. 

Samsung ra mắt Bot Handy, robot có kích thước gần bằng con người, có thể bỏ chén dĩa vào máy rửa chén, trải bàn, đặt hoa và rót rượu. Hãng điện tử Hàn Quốc gọi đây là tầm nhìn cho “sự bình thường mới tốt đẹp hơn”, khi nhiều người sẽ làm việc, nấu nướng, ăn uống và vì thế phải rửa chén dĩa nhiều hơn trong thời đại dịch.

Bot Handy vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa có ngày tung ra chính thức cũng như giá bán dự kiến. Samsung khẳng định sản phẩm này là một phần của chiến lược dùng công nghệ để giúp cuộc sống ở nhà của chúng ta tốt đẹp hơn.

“Công nghệ gia dụng phải tốt hơn để giúp quý vị thích ứng với điều bình thường mới” - Samsung viết trong phần giới thiệu công ty trên trang web của CES.

Robot rửa chén Bot Handy. Ảnh: Samsung

Cũng với tinh thần đó, Hãng Kohler giới thiệu bồn cầu điều khiển bằng giọng nói, để ta không phải chạm tay vào toilet khi cần trút bầu tâm sự. Công ty startup Handsteco (Anh) quảng bá các bồn rửa tay với trí tuệ nhân tạo, dùng giọng nói hướng dẫn người dùng rửa tay từng bước đúng chuẩn, phù hợp lắp đặt tại bệnh viện, văn phòng và nơi công cộng. 

Các nhà sản xuất cũng trình làng nhiều công nghệ lọc không khí, diệt khuẩn mới, dành cho cả nhà riêng lẫn văn phòng.

Những sản phẩm ngoại thất cũng được phát triển để thích ứng với đại dịch. Hãng Plott sản xuất chuông cửa Ettie, có khả năng đo thân nhiệt trước khi ai đó vào nhà, còn Alarm.com ra mắt chuông cửa không chạm Touchless Video Doorbell, cho phép khách đến và bấm chuông, giao tiếp qua video với gia chủ mà không phải chạm tay vào bất cứ thứ gì.

Nhưng ngay cả những sản phẩm có vẻ không liên quan gì đến đại dịch cũng được cải tiến để phù hợp với “bình thường mới”. 

Đáng kể nhất là chiếc máy sấy tóc “tự dao động” của Panasonic. Máy sấy sẽ tự chuyển động lên xuống, qua lại, người dùng không cần phải đưa tay ra trước rồi lại vòng xung quanh như sản phẩm thông thường. Đây là cách Panasonic khiến việc chăm sóc tóc tại gia thú vị hơn, vì nhiều người ngại đến tiệm vì sợ nhiễm virus corona.■ (YÊN LAM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận