Đàn áp nữ giới và sự thành bại của quốc gia

HẠNH NGUYÊN 20/10/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Có những bằng chứng rõ ràng cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa các quốc gia hay chế độ đàn áp nữ giới, không cổ xúy cho sự tiến bộ, phát triển, tham gia vào vận hành xã hội của nữ giới và sự thất bại của quốc gia đó.

 
 Một phụ nữ Congo với khăn trùm mang thông điệp thúc đẩy quyền phụ nữ (Mẹ cũng quan trọng như bố). Ảnh năm 2015. Nguồn: Wikimedia Commons

Theo tạp chí The Economist, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những xã hội đàn áp phụ nữ, nhắm mắt làm ngơ, hay luật pháp không nghiêm với những hành vi đàn áp phụ nữ, nhiều khả năng trở thành xã hội bạo lực và bất ổn. 

Đúng như Hillary Clinton từng tuyên bố cách nay một thập niên: “Tình trạng nô dịch hóa phụ nữ là mối đe dọa cho an ninh chung của thế giới chúng ta”.

Bạo loạn, bất ổn từ mất cân bằng giới tính

Có một số lý do cho mối liên hệ này. Lựa chọn giới tính khi sinh dẫn tới tỉ lệ giới tính mất cân bằng nghiêm trọng, hàng triệu đàn ông phải ở độc thân suốt đời. Họ nhiều khả năng sẽ tham gia các nhóm tội phạm bạo lực hay các nhóm vũ trang nổi dậy. Đa thê cũng góp phần khiến đàn ông phải sống độc thân nhiều hơn. Nếu 10% nam giới giàu có nhất có 4 vợ mỗi người, 30% nam giới ở dưới đáy xã hội sẽ không có vợ.

Không phải ngẫu nhiên mà Kashmir là một trong những vùng mất cân bằng về giới nhất tại Ấn Độ, còn bản thân nước này - nơi có thực hành đa thê - nằm trong tốp 20 quốc gia bất ổn nhất theo chỉ số Các quốc gia dễ đổ vỡ nhất của Quỹ vì hòa bình tại Washington. Tại Guinea, nơi xảy ra cuộc đảo chính vào ngày 5-9-2021, 42% phụ nữ có gia đình ở độ tuổi 15 - 49 nằm trong các gia đình đa thê.

Nhiều tổ chức anh em nam giới vẫn là tế bào cơ bản của nhiều xã hội hiện nay tại các quốc gia đang hay kém phát triển. Các nhóm này nổi lên chủ yếu vì mục đích tự vệ, nhưng giờ đây, họ tạo ra nhiều vấn đề rắc rối. Những cuộc đối đầu giữa các nhóm, các dòng tộc đã gây máu đổ ở khắp Trung Đông và khu vực châu Phi. Chính quyền dễ tham nhũng và rối loạn hoạt động, xa cách với người dân, và ủng hộ các nhóm thánh chiến vì họ hứa sẽ điều hành xã hội công bằng hơn.

Các xã hội dựa trên mối quan hệ anh em/chiến hữu/họ hàng cùng là nam giới có xu hướng đàn áp và thuần phục phụ nữ. Những ông bố sẽ cho mình quyền chọn chồng cho con gái, ra giá nếu nhà trai muốn cưới con mình với số tiền lớn, thúc con gái lấy chồng sớm. “Hồi môn bạc tỉ” là chuyện phổ biến ở một nửa các quốc gia trên thế giới. 1/5 nữ giới trên thế giới lấy chồng trước năm 18 tuổi; 20% lấy trước năm 15 tuổi. Cô dâu trẻ con có xu hướng nghỉ học, không thể lên tiếng trước những người chồng bạo hành và họ cũng ít có khả năng nuôi dạy con cái khỏe mạnh, học hành tốt.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Texas A&M và ĐH Brigham Young đã công bố chỉ số toàn cầu về các quan niệm tiền hiện đại đối với phụ nữ, gồm các quy định gia đình liên quan tới giới, các quyền tài sản bất bình đẳng, tảo hôn, hôn nhân dòng tộc, tục lệ đa thê, hồi môn, thích con trai hơn con gái, bạo lực chống lại nữ và được luật pháp khoan hồng. Hóa ra, mọi quan điểm nói trên đều liên quan tới sự bất ổn bạo lực của một quốc gia.

Địa chính trị và giới

Có nhiều bài học rút ra từ chỉ số tập tục liên quan tới giới của nhóm nghiên cứu ĐH Texas A&M và ĐH Brigham Young. Nếu chỉ số này có từ 20 năm trước, nó đã có thể là lời cảnh báo rằng việc xây dựng một quốc gia có thể khó khăn như thế nào ở Afghanistan và Iraq. Giờ đây, chỉ số này cho thấy Saudi Arabia, Pakistan hay thậm chí Ấn Độ cũng không dễ dàng có sự ổn định.

Ngoài việc sử dụng các công cụ phân tích thông thường, các nhà hoạch định chính sách nên nghiên cứu địa chính trị thông qua lăng kính giới. Nhìn rộng ra, các chính phủ cần nói đi đôi với làm khi họ nói họ muốn giải phóng một nửa nhân loại. Cung cấp dịch vụ giáo dục cho bé gái là điều thiết yếu trong bối cảnh nhiều bé gái đã bỏ học đi làm hay cưới chồng khi COVID-19 làm kiệt quệ gia đình họ. Cần cấm các tập tục như tảo hôn và cắt âm đạo bé gái; không công nhận chế độ đa thê; dạy bé trai không được đánh con gái...

Dù chính quyền trung ương phải thực hiện những nhiệm vụ này thì các quốc gia tài trợ cũng có những tác động đáng kể. Ví dụ, khi các nhà tài trợ phương Tây nghiêm túc hơn về việc giáo dục bé gái, nhiều bé gái đã có thể đến trường (tỉ lệ nhập học cấp I đã tăng từ 64% năm 1970 lên gần 90% hiện nay). Những tổ chức chống tảo hôn đã khiến hơn 50 quốc gia tăng tuổi kết hôn tối thiểu lên từ năm 2000.

Mỗi quốc gia đều có những lợi ích thiết thân của mình và đều cần chống lại kẻ thù. Không nên đánh giá địa chính trị chỉ bằng lăng kính giới, hoặc chỉ xét về mặt kinh tế hay chuyện không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng những nhà chính sách không xem xét đúng lợi ích của một nửa dân số thế giới thì không thể hy vọng hiểu được thế giới.

“Dường như cách chắc chắn nhất để nguyền rủa một quốc gia nào đó là đàn áp phụ nữ tại nơi đó.

- Nhóm tác giả ĐH Texas A&M và ĐH Brigham Young

Đàn áp nữ giới = làm hại nam giới

“Phụ nữ lái xe sẽ bị giết” - tộc trưởng Hazim Muhammad al-Manshad nói thản nhiên. Trong bộ lạc của mình ở vùng al-Ghazi phía nam Iraq, al-Manshad áp dụng những quy tắc hà khắc với mục đích kiểm soát việc sinh sản của người phụ nữ. Phụ nữ phải lấy người chồng mà cha mình lựa chọn; nếu không, họ hàng nam giới của cô sẽ giết cả cô và người cô yêu vì danh dự.

Đàn áp phụ nữ không chỉ gây tình trạng tồi tệ cho những người phụ nữ, mà còn tác động rất tiêu cực tới nam giới, bởi nó khiến các xã hội nghèo đói hơn, mất ổn định hơn, theo nhận định của GS Valerie Hudson của ĐH Texas A&M và Donna Lee Bowen và Perpetua Lynne Nielsen thuộc ĐH Brigham Young.

Một số thành phố Iraq khá tự do theo tiêu chuẩn của Trung Đông, nhưng hầu hết vẫn là những nơi gia trưởng theo nghĩa nghiêm khắc nhất của từ này. Trật tự xã hội vẫn được xây dựng xung quanh những người đàn ông: Lãnh đạo là nam; ở nhà, phụ nữ được kỳ vọng là phục tùng chồng, cha và anh em trai. Tại các cuộc hội họp, phụ nữ không có mặt. “Tôi nói rõ thế này: theo tập tục của bộ tộc, phụ nữ không có quyền tự do ngôn luận” - Hazim Muhammad al-Manshad nói.

Trong cuốn The First Political Order: How Sex Shapes Governance and National Security Worldwide (Trật tự chính trị đầu tiên: Cách giới tính định hình quản trị và an ninh quốc gia trên thế giới), Hudson, Bowen và Nielsen xếp hạng 176 quốc gia từ 0 - 16 theo định nghĩa gọi là “hội chứng phụ hệ/huynh đệ”. Hội chứng này tính trên các biến số gồm sự đối xử bất bình đẳng với phụ nữ trong luật lệ gia đình và quyền tài sản, tảo hôn với nữ, hôn nhân dòng tộc, đa thê, hồi môn lớn, thích con trai hơn con gái, bạo lực chống lại phụ nữ và quan điểm của xã hội về việc này.

Các nền dân chủ giàu có xếp thứ hạng rất tốt - Úc, Thụy Điển, Thụy Sĩ đều ở vị trí 0; Iraq ở vị trí 15, cùng với Nigeria, Yemen và Afghanistan trước thời Taliban. Vị trí thấp đa số là các nước nghèo (Saudi Arabia và Qatar xếp hạng rất thấp, Nam Sudan xếp sau cùng) và các nước Hồi giáo (Ấn Độ và hầu hết các nước ở hạ Sahara). Tựu trung, các tác giả ước tính 120 nước vẫn còn bị hội chứng này ở một mức nào đó.

Các nhà nghiên cứu không chứng minh là hội chứng này tạo ra bất ổn, vì cần có dữ liệu dài hơi hơn. Nhưng họ nhận thấy sự liên quan về dữ liệu rất mạnh. Hội chứng giải thích 3/4 biến số trong điểm số của một quốc gia về chỉ số Các quốc gia dễ đổ vỡ nhất. Do đó, đây là công cụ dự báo tốt hơn về bất ổn bạo lực hơn là mức thu nhập, hay tình hình đô thị hóa hay đo lường về quản trị của Ngân hàng Thế giới. Các tác giả Hudson, Bowen và Nielsen nhận thấy có bằng chứng cho thấy chế độ phụ hệ và nghèo đói đi liền nhau.

Tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh và bỏ mặc con gái phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khu vực Caucasus khiến ít nhất 130 triệu bé gái không có cơ hội sống. Nghĩa là rất nhiều đàn ông phải sống độc thân; và đàn ông độc thân bất mãn có thể trở nên nguy hiểm. Lena Edlund (ĐH Columbia) và các đồng nghiên cứu chỉ ra tại Trung Quốc, tỉ lệ nam nữ cứ tăng 1% thì bạo lực và tội phạm cướp bóc sẽ tăng 3,7%.

Tại những nơi bất ổn nhất, đa thê rất phổ biến. Ở các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Mali, Burkina Faso và Nam Sudan, con số là hơn 1/3. Ở phía đông bắc Nigeria, nơi lực lượng thánh chiến kiểm soát phần lớn lãnh thổ, 44% phụ nữ tuổi từ 15 - 49 trong các gia đình đa thê. 

Từ 1992 - 2019, chỉ 13% nhà thương lượng và 6% những người đặt bút ký các thỏa thuận hòa bình là phụ nữ. Nhưng dù thế, hòa bình có xu hướng kéo dài hơn khi phụ nữ ngồi trên bàn đàm phán. Điều này có thể vì họ sẵn sàng thỏa hiệp, hay có thể vì căn phòng không có nữ thì sẽ chỉ có sự căng thẳng giữa những người đàn ông với súng ống. Liberia đã làm đúng và kết thúc cuộc nội chiến khủng khiếp. Chính quyền mới của Afghanistan chưa làm được điều này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận