Dạo bước nơi thành phố - vườn

LƯU ĐÌNH TRIỀU 11/11/2015 02:11 GMT+7

TTCT - Almaty! Alma - Ata cũ! Đã xa rồi cái thời là thủ đô nhưng thành phố này vẫn là một đô thị, một trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất của Kazakhstan. Nó được thiên hạ trìu mến gọi tên là “thành phố vườn”.

Bình yên trước nhà thờ Zenkov-Lưu Đình Triều
Bình yên trước nhà thờ Zenkov-Lưu Đình Triều

1 Con đường tơ lụa nổi tiếng thời xưa đã đi qua Almaty. Còn nay, từ sân bay quốc tế Almaty vào nội đô, xe đưa du khách lướt qua khá nhiều hãng ôtô nổi tiếng như: Mercedes, BMW, Volvo, Audi, Toyota...

Vào khu vực trung tâm, chưa đến quảng trường Cộng Hòa rộng lớn, chưa kịp nhìn thấy tòa tháp đôi 48 tầng bề thế, chưa kịp đặt chân vào khu thương mại sang trọng, khách đã sớm nhận ra sự náo nhiệt của xe trên đường và người trên phố. May mắn là điều đó chỉ xảy ra ở trung tâm chính của thành phố thôi.

Đêm se lạnh, đi bộ hay lướt ôtô trên những con đường rộng thênh thang ở Almaty đều thật thong dong, khoáng đạt. Hai bên đường, những hàng cây san sát nhau, chỉ thấp thoáng các mái nhà lúc ẩn lúc hiện qua ánh đèn.

Ngày nắng lung linh, phóng xe ra ngoại thành, hướng tầm mắt ra xa du khách sẽ nhìn thấy những vườn táo, vườn anh đào... trải dài trên các cánh đồng mênh mông. Almaty, tiếng Kazak có nghĩa là xứ sở của những quả táo. Hèn gì khi ghé vào các chợ xanh, quầy hàng nông trại, táo nhiều vô kể, đủ loại.

Anh Từ Minh Tuấn, người Hà Nội, gắn bó ở Almaty đã 21 năm, nhận xét: cả thành phố ngập tràn cây xanh, nhất là trong các công viên, cây nhiều, đủ loại - phong, sồi, bạch dương, topen... Thành phố đang vào thu. “Cây phong non trùm khăn đỏ” của nhà văn Chingiz Aitmatov xuất hiện khá nhiều.

Có cây còn “trùm khăn vàng” để hòa cùng các sắc màu khác của thiên nhiên, tạo nên bức tranh rực rỡ... Đặt chân đến công viên Panfilov tọa lạc ngay trung tâm, chất “vườn” của thành phố như được nâng cấp. Ngoại trừ khu vực đặt đài tưởng niệm 28 người con Almaty anh hùng cùng thánh đường Zenkov được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ (kể cả móng), còn lại bước vào trong không xa, cây ken dày rậm rạp như một vạt rừng.

Sắc màu rực rỡ của cây lá trên đường lên dãy núi Thiên Sơn
Sắc màu rực rỡ của cây lá trên đường lên dãy núi Thiên Sơn

2 Alona, da trắng hồng, tóc vàng, là hướng dẫn viên của Công ty du lịch Sadmol (Kazakhstan). Gulia, da ngăm, tóc đen, là nhân viên của một cửa hàng bán thịt cừu nướng và bia tươi. Tạm xem hai cô là đại diện cho hai cộng đồng lớn nhất xứ này - người Kazak và người Nga, tôi cảm nhận tính cách hai cô khá giống nhau: rất vui vẻ, tự nhiên với khách phương xa.

Từng du học tại đất nước này từ lúc còn thuộc Liên bang Xô viết, anh Vương Quốc Kỳ (chuyên hướng dẫn các tour Kazakhstan của Vietravel) cho biết thêm: người ở đây vốn có trái tim rộng mở, hiền hòa và hào phóng như thảo nguyên. Mặt khác, dù sống ở thành phố nhưng văn hóa du mục truyền thống vẫn không mất đi.

Ngày lễ, ngày nghỉ là dân Almaty kéo nhau ra vùng ngoại ô trồng rau củ sạch hoặc tìm nơi dựng lều, cắm trại hòa nhập với thảo nguyên...

Một góc hồ Issyk -Lưu Đình Triều
Một góc hồ Issyk -Lưu Đình Triều

Ngồi ôtô, vượt qua những con đường dốc ngoằn ngoèo trên núi Alatay, đi sâu vào khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia (rộng khoảng 80.000ha) chừng chục kilômet, đoàn chúng tôi đã giáp mặt với hồ Issyk. Một “sân nước” xanh màu ngọc phách làm nền cho những rặng cây, dáng núi thêm hùng vĩ. Trên một số đỉnh núi đã lốm đốm tuyết trắng...

Khung cảnh thiên nhiên lộng lẫy trong nắng thu vàng này không chỉ dành cho du khách, mà cho rất nhiều người dân Kazak dường như đang hoài niệm đời sống du mục.

Gần ven hồ, dưới một mái nhà nhỏ lợp tôn không có vách, đại gia đình ông Valentin đang tụ họp. Dù 75 tuổi rồi nhưng như ông nói, theo thói quen, cứ cuối tuần là rủ con cháu đi dã ngoại. Trong nhà, cánh phụ nữ đang lui cui chuẩn bị bữa trưa mà liếc nhìn tôi đã nhận ra món truyền thống: thịt cừu nướng ăn cùng các loại rau quả.

Bên ngoài, người con trai cả Victor vừa đun nước, vừa chống lạnh bên một chiếc ấm hơi lạ. Nó như một chiếc nồi áp suất nhưng có vòi rót nước và đặc biệt có một “ống khói” cắm từ trên xuống. “Đây là samovar, ấm đun nước di động ngoài trời - Victor nói - Ấm được đun bằng củi nhưng không hề có lửa để tránh gây cháy”.

Rồi anh biểu diễn bỏ từng mảnh củi vào trong “ống khói” và cười thật tươi... (Mấy ngày sau, tình cờ tôi nhìn thấy trong một cửa hàng lưu niệm những chiếc samovar có kiểu dáng hiện đại, rất đẹp chứ không giản đơn như ấm du mục của Victor).

Ông Victor đang nấu nước pha chè bằng ấm samovar dã chiến -Lưu Đình Triều
Ông Victor đang nấu nước pha chè bằng ấm samovar dã chiến -Lưu Đình Triều

3 Sau những ngày đi - leo mệt nhoài, một sáng đoàn chúng tôi được đưa đến thư giãn tại Arasan Spa tiêu chuẩn 4 sao (được quảng bá là nhà tắm tốt nhất tại Trung Á). Đứng nhận phiếu - có ghi tên họ, kiểu matxa mà khách đăng ký, tôi nhìn thấy một người nữ Kazak khá phốp pháp trong bộ váy trắng với đôi tay lực lưỡng, hứa hẹn sẽ tẩn mấy anh ra trò. Tôi lầm. “Nữ võ sĩ” chỉ dành cho phái nữ.

Đội chiếc mũ nhỏ trùm đầu, tôi lần lượt thử qua các loại phòng xông hơi Kazak, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga xem có khác gì ở ta. Té ra cũng như xông khô, xông ướt, có điều phòng bằng đá, thiết kế kiểu Trung Á với nội thất rất bề thế và hương thơm trong hơi bốc lên đậm đà mùi cây lá. Trong phòng matxa sắp sẵn những chiếc giường đá nằm cách quãng. Một gương mặt Kazak có bộ râu khá ngầu mời tôi phơi mình trên đá.

Nước ấm giội xuống. Những hóa chất thảo mộc được bôi trét, xoa đi xoa lại trên khắp người tôi, rồi “chàng võ sĩ” bắt đầu ra tay. Từ chân lên đến đầu, nơi nào cũng được đôi tay quá mạnh mẽ và điêu luyện của anh thăm hỏi rất tận tình. Có lúc anh day huyệt mạnh quá chịu không nổi, như nhà đô vật đang thi đấu, tôi phải đập tay xuống mặt đá liên tục ra dấu... chịu thua.

Hai cô gái Kazak múa bài truyền thống để “giã bạn” -Lưu Đình Triều
Hai cô gái Kazak múa bài truyền thống để “giã bạn” -Lưu Đình Triều

Lạ! Lúc làm đau thế nhưng xong rồi toàn thân nhẹ nhõm, những mệt mỏi, rã rời của thân xác tan biến. Chúng tôi như được chắp cánh bay tiếp cuộc hành trình. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận