Đừng để điện thoại “bắt cóc” não trẻ

T.L. (*) 23/09/2020 06:09 GMT+7

TTCT - Cả phe ủng hộ việc cho trẻ em dùng điện thoại thoải mái lẫn phe phản đối đều đang ra sức cãi cọ, trong lúc ấy, các kỹ thuật thiết kế vẫn không ngừng được cải thiện để giữ chân và thao túng người dùng mạnh hơn, và “con quỷ” “trộm não” nằm trong thiết kế của smartphone, trong các app chạy trên đó cười thầm.



Giờ đây, nói đến việc cho trẻ con dùng hay không dùng điện thoại thông minh (smartphone), ai cũng có cái lý của mình. Đâu đâu cũng thấy trẻ con đầu cúi gằm, tay cầm điện thoại của bố mẹ (và thậm chí là của trẻ). 

Ở mức thô sơ nhất mà cũng hữu ích nhất đối với bố mẹ, điện thoại là một cô giữ trẻ. Còn gì lý tưởng bằng vẫn có thể vác đứa con tuổi đang lẫm chẫm đi uống nước cùng bè bạn mà nó lại chịu ngồi im phăng phắc mấy tiếng liền - ấy là nhờ mẹ đã vứt cho cái điện thoại đủ pin. Hoặc ta sai thằng con canh cửa hàng tạp hóa và nó có thể canh như vậy đến đêm, miễn là có cái điện thoại để chơi game và xem YouTube.

Rõ ràng điện thoại thông minh là rất thông minh và người đầu tiên làm ra nó hẳn chỉ nghĩ tới những khía cạnh sử dụng tươi sáng. Khi chiếc iPhone 3G đầu tiên xuất hiện vào năm 2008, kết nối với đại dương Internet một cách mượt mà và không giới hạn, Steve Jobs chắc đang tưởng tượng ra niềm vui của những người chỉ dùng chiếc điện thoại con mà được ngụp lặn thỏa thuê trong bể tri thức, mơ tới những chân trời xa. Ông nghĩ ai cũng như ông, dùng điện thoại thông minh là để làm những việc thông minh.

Thế rồi mọi thứ đảo lộn hết. Với điện thoại trong tay, mọi người dường như khôn ngoan hơn, tinh thông hơn nhưng dường như cũng ngu ngốc hơn về mặt nào đấy. Thậm chí là rất ngu.

Công nghệ gây nghiện

Trong một bài viết trên CBS News, Guy Campanile kể chuyện ở nhà ông hằng đêm đều có tranh cãi nảy lửa với cậu con trai 14 tuổi về việc cu cậu cắm mặt vào máy suốt mấy tiếng liền. Tuy nhiên cũng như nhiều phụ huynh, Campanile thấy tác hại của máy đối với con là rõ nhưng lại không tìm ra nghiên cứu thần kinh nào có cơ sở thật vững chắc để chỉ ra việc dùng máy vô tội vạ là hại cho não (hại mắt thì rõ rồi).

Mùa đông năm 2017, Campanile gặp được Tristan Harris, từng làm việc ba năm tại Google trong mảng “đạo đức của thiết kế”, tức là định ra cái khung để công nghệ lèo lái một cách đạo đức cho hành động lẫn suy nghĩ của hàng tỉ người dùng. Harris quá lý tưởng nên có lẽ phải ra đi. 

Anh chính là một trong những “tay trong” đầu tiên của Thung lũng Silicon tiết lộ rằng các app (ứng dụng) đang được các kỹ sư phần mềm thiết kế sao cho thu hút và giữ chân được sự chú ý của người dùng càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt.

Harris ví mỗi lần kiểm tra điện thoại là người dùng như đang kéo cần chiếc máy đánh bạc với tâm lý “để coi được gì nào!”. Thỉnh thoảng họ nhận được một phần thưởng, và lại là phần thưởng lý thú nữa. Thế rồi họ kéo tiếp thì lại không nhận được phần thưởng lý thú ấy nữa. 

Nhưng nói chung số lần nhận thưởng nhiều hơn là không. Như một người mua vé số cứ chốc chốc lại trúng một tờ, không phải giá trị trúng số khiến anh ta thành nghiện mua, mà chính những cơn hứng khởi và hi vọng bất ngờ mới gây nghiện. Sự phập phù hồng hào ấy gây nghiện, và kỹ thuật thiết kế ấy đã được cài cắm vào trong mọi sản phẩm loại này. Harris gọi đây chính là thủ thuật “đánh cướp” (hijack) trí não người ta.

Nhà báo Anderson Cooper của CNN hồi năm 2017 cũng nói về hiện tượng này. Anh nói việc “đánh cướp” trí não người dùng thành bại đến đâu phụ thuộc nhiều vào việc xây dựng được những phần thưởng “bất ngờ” trong app. 

Khi người dùng vô tình vớ được những món quà ẩn giấu này, sự ngạc nhiên sẽ kích thích não họ tiết ra một hóa chất có tên là dopamine, là chất khiến người ta hăng say, đói ăn và ham muốn. Nó báo cho cơ thể biết có thứ gì đó hay ho sắp diễn ra. Phản xạ được hình thành và người ta biết, chỉ cần bật màn hình điện thoại thông minh kia lên thôi là có bao nhiêu thứ thú vị xếp hàng chờ đợi, như cả một thế giới chỉ đợi ta mở cửa là ùa vào nhà: lời nhắn của bạn bè, thông tin khuyến mãi mới nhất, những video hài ngắn mà vui, một game mới ra đời… Bấm vào cái này lại hiện ra cái khác mời mọc xem. Một dòng ngồn ngộn thức ăn vô tận cho đôi mắt và bộ não luôn khát khao món mới. Tóm lại, con cái chúng ta không nghiện máy mới là lạ, một khi những người làm ra đã muốn “cháu nó” ôm máy không rời.

Con quỷ trong điện thoại

Trong việc cho trẻ con dùng điện thoại cũng có nhiều quan điểm trái chiều. Có người cười khẩy: “Ối các vị cứ hay lo! Ngày xưa có tivi cũng lo tivi làm hỏng trẻ con!”.

Trong một bài báo trên Live Science, giáo sư tâm lý học Jean Twenge nói các thiết bị cầm tay ngày nay (mà cụ thể là smartphone) về căn bản là khác hẳn cái tivi trong phòng. Các nhà nghiên cứu cũng từng lần theo hành vi xem tivi của trẻ, thấy thiếu niên Mỹ “thường” không dành quá hai tiếng rưỡi một ngày để coi tivi, trong khi mới năm 2016 (nghĩa là giờ còn nhiều hơn) một thiếu niên trung bình bỏ ra 6 tiếng vùi trong điện thoại, máy tính.

Theo bà Twenge, bỏ một lượng thời gian lớn như thế cho điện thoại, máy tính tức là đã ngốn sạch thời gian ngày trước vẫn dùng cho các hoạt động khác, thí dụ như gặp mặt người với người, đọc sách, đi dạo… Và không giống như tivi được thiết kế để mà ở yên một chỗ, trong một không gian có chức năng đã được xác định (phòng khách, tường phòng ăn…), các hãng sản xuất vẫn không ngừng nghiên cứu làm sao để các smartphone, laptop và tablet ngày càng nhẹ - như một chai nước, một dĩa bánh để có thể mang đi khắp nơi, đến những quán nước nơi các cuộc gặp mặt thành vô duyên vì người người chăm chú nhìn điện thoại, nói chuyện nhát gừng, chiếu lệ; đến trường học để làm chia trí cả thầy lẫn trò; đến bàn ăn gia đình khiến các bữa ăn kết thúc nhanh chóng để ai về phòng nấy tự do thỏa cơn nghiện máy. 

Lâu lâu được một lần đi ăn hay đi chơi tất cả thỏa thuận không dùng máy, ai nấy hỉ hả tận hưởng nhưng cái thời gian tận hưởng ấy không thể kéo quá một buổi, một ngày; hơn nữa thì lại thành ra các “khóa tu”!

Nhưng như đã nói, hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra thấu đáo việc dùng smartphone nhiều thì hỏng não, và mặc dù đã có các nghiên cứu cho rằng dùng smartphone nhiều thì hại mắt, hại giấc ngủ, giảm trí nhớ… người ta vẫn khó mà cưỡng lại được công dụng cũng như sự hấp dẫn của smartphone, đặc biệt là bọn thiếu niên không bao giờ quan tâm đến y tế - thậm chí cái gì có vẻ “hại thân hại não” thì chúng sẽ làm.

Với phe cho trẻ con dùng smartphone thoải mái, họ nói rằng đây là một công cụ không thể thiếu khi bước vào sống đời trưởng thành, khi thế giới của người lớn sẽ nằm hết trong một cái điện thoại, từ gọi xe tới chuyển tiền và liên lạc với công ty. 

Một đứa trẻ được dùng smartphone quen sẽ thành thạo việc tìm kiếm trên mạng, thực hiện được đa tác vụ cùng lúc; vào mạng xã hội thì phát triển được kỹ năng giao tiếp; chơi game thì phát triển thị giác ngoại biên (do phải thường xuyên nhìn các chi tiết ở râu ria màn hình?); ngoài ra người dùng Internet nhiều sẽ sử dụng những vùng não chuyên để quyết định và giải quyết vấn đề nhiều hơn là người ít dùng…

Nhưng bất chấp cả hai phe gân cổ cãi, con quỷ “trộm não” nằm trong thiết kế của smartphone, trong các app chạy trên đó cười thầm. Harris từng bảo YouTube có hàng trăm kỹ sư chỉ lo làm sao cho hết video này đến video khác nối nhau chạy tự động ngày càng hoàn hảo, và ta phải cưỡng lại cái hoàn hảo đó. 

Có cả một hệ thống mạnh hơn ý chí của chúng ta, và cái hệ thống ấy sẽ chỉ càng mạnh lên. Nó có một mục tiêu để theo đuổi và sinh lời là lấy được sự chú ý của người dùng, trực tiếp hay gián tiếp tập trung vào mục tiêu của nó, không phải của ta. Nó “bắt cóc” não ta.

Nếu bạn là người lớn, bạn quan tâm đến trẻ con dù trẻ con đó là của bạn hay của người khác thì bạn có nghĩa vụ chặn bớt những vụ bắt cóc ấy - trò bắt cóc đã được những người làm ra máy, làm ra các ứng dụng, các chương trình muốn trẻ con lọt vào.

"Bớt" bằng cách nào?

Ai cũng biết điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng, Internet… là giúp ta sống một đời nay bằng mấy đời cổ điển về mặt thông tin, tốc độ. Cái đó không thể phủ nhận và ta phải cảm ơn. Nhưng ai cũng biết tác hại của việc sử dụng chúng quá đà. Vấn đề là điều chỉnh.

Như kẹo hay nước ngọt có đầy rẫy ở cửa hàng, siêu thị..., bạn biết nó ngon ngọt nhưng cũng có nhiều cái hại, bạn chỉ cho cháu nó ăn hai cái kẹo và một chai nước ngọt vào ngày chủ nhật, vậy thì bạn cũng có thể áp dụng như thế với thời gian dùng điện thoại, tablet, máy tính… của con. Bạn đừng sợ nó ghét bạn, đừng sợ nó vùng vằng cục súc khi trả máy. Khi nào nó trưởng thành và thoát khỏi bạn hẵng hay, còn lúc này bạn có nghĩa vụ ngăn nó nghiện máy.

Trẻ sẽ nghiện máy nếu có sẵn một máy của cá nhân, có sẵn những khoảng thời gian không ai để mắt tới, và nhất là có một giấy thông hành hợp pháp để sử dụng máy; vì thế hãy kiểm soát và hạn chế tối đa những dịp phải dùng tới máy. Đừng tin vào cái lý lẽ rằng con cái chúng ta dù dùng điện thoại thông minh cả ngày nhưng cháu không ngu, cháu biết lựa chọn nên xem cái gì, đọc cái gì cho lợi não. 

Harris bảo người dùng bị đánh lừa khi cảm giác mình được lựa chọn xem cái này mà không xem cái kia, và cảm thấy hài lòng vì mình vẫn còn nguyên thế chủ động trước điện thoại, máy tính (“Tôi dùng nó để xem được bao nhiêu điều hay mà!”).

Nhưng thực tế não bạn đang bị “bắt cóc” bởi hàng trăm, hàng ngàn kỹ sư đang tìm cách khiến bạn phải dành thời gian nhiều hơn cho màn hình đang chạy các dịch vụ “ẩn” của họ. Bạn bảo, tôi chỉ vào xem các thứ bổ béo thôi, tôi có thèm xem quảng cáo chạy trên đó đâu! Nhưng họ chỉ cần bạn có mặt cho chợ thật đông vui, và họ bán chỗ treo biển quảng cáo ở cái chợ ấy cho các nhãn hàng.

Như đã nói, các nhà thiết kế từng phút từng giây chỉ làm sao để bạn nghiện. Bạn lớn rồi thì không nói được, nhưng bạn cần ý thức về điều đó để giúp con mình chống lại, bởi chúng vẫn nằm trong trách nhiệm bảo vệ của bạn. 

Phàm cái gì nghiện cũng là không tốt. Nghiện là “lệch”, là ăn bớt phần thời gian hoặc tiền bạc của những thứ khác để đổ vào cho cái mình quá thích. Nghiện điện thoại di động không những ăn bớt, ăn cắp cái quý nhất trên đời là thời gian, mà còn khiến đời sống thực trở thành hoang vu. Khi con người có mặt nhưng không thực sự hiện diện, cái gì cũng trở thành hoang vu.■

(*) tổng hợp và lược dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận