Hãy cười dù kim sát kề da

TRÚC ANH 14/12/2020 20:00 GMT+7

TTCT - Một nụ cười thực thụ có thể giảm cảm giác đau khi chích ngừa được 40%, cũng như làm giảm nhịp tim, từ đó xoa dịu tâm lý căng thẳng khi kim sắp chích vào da.

Ảnh: uofmhealth.org

Smile though your heart is aching. Smile even though it's breaking” (Hãy cười dù tim đang đau nhói. Hãy cười cả khi tim đang nát tan). Những câu hát trong ca khúc Smile của Nat King Cole hóa ra lại là lời khuyên của các nhà khoa học cho những ai sợ đau khi tiêm vaccine.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, Irving (UCI), một nụ cười thực thụ có thể giảm cảm giác đau khi chích ngừa được 40%, cũng như làm giảm nhịp tim, từ đó xoa dịu tâm lý căng thẳng khi kim sắp chích vào da. Tuy nhiên, cần phải “cười thiệt tình”, tức là cười toe toét để các cơ mặt giãn hết cỡ, xuất hiện dấu chân chim nơi khóe mắt, thì mới có tác dụng, theo báo cáo công bố đầu tháng này trên tập san về tâm lý học Emotion.

Nhưng nếu cảm thấy khó có thể toe toét cười thì cũng đừng nên cố tỏ ra lòng mình ổn hay làm mặt vô cảm; trái lại, thí nghiệm của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy nhăn mặt - vốn cũng làm cơ mặt chuyển động và xuất hiện dấu chân chim - cũng có tác dụng giảm đau tương tự. “Khi đối mặt với phiền muộn hay vui sướng, con người thuờng có biểu cảm gương mặt tương tự nhau, bao gồm kích hoạt các cơ mắt, má nhô cao và răng nhe ra. Chúng tôi nhận thấy những chuyển động này, trái với biểu cảm trung dung, có lợi cho việc giảm căng thẳng và muộn phiền” - Sarah Pressman, giáo sư khoa học tâm lý thuộc UCI, lý giải.

Nghiên cứu được tiến hành với 231 tình nguyện viên. Họ được tiêm dung dịch muối với bộ bơm kim tiêm dùng trong tiêm chủng thông thường và được chia thành các nhóm với biểu cảm gương mặt khác nhau: cười thiệt tình, nhăn nhó, cười gượng gạo và làm mặt “vô cảm”, sau đó tự đánh giá mức độ đau khi tiêm. Kết quả là đánh giá mức độ đau của mũi tiêm từ những người cười thực thụ và nhăn nhó chỉ bằng 1/2 so với nhóm “cười giả” và mặt lạnh lùng.

Theo The Science Times, trước đây đã có các nghiên cứu chỉ ra “điều kỳ diệu từ nụ cười” củng cố kết quả của UCI: khi cười tươi hết cỡ, các tế bào trong não và hệ thần kinh sẽ tiết ra neuropeptide, một loại hormone chống căng thẳng và kích thích các chất truyền dẫn thần kinh gây cảm giác dễ chịu như dopamine, endorphin và serotonin. Ngoài ra, việc cười cũng làm cả cơ thể thư giãn, giảm nhịp tim và huyết áp.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một phương pháp đơn giản, không tốn chi phí và có ý nghĩa về mặt lâm sàng để làm cho việc chích ngừa bớt đáng sợ” - Pressman khẳng định. Nghiên cứu này có ý nghĩa là bởi chứng sợ tiêm chủng (trypanophobia) hay sợ mũi kim nói chung (belonephobia) là các hiện tượng có thật, và tìm hiểu tác dụng của việc cười hay nhăn mặt khi chích ngừa có thể “giúp ích cho việc tìm ra cách giảm đau hiệu quả cho người được tiêm” - Pressman nói thêm.

Kathryn Birnie, nhà tâm lý học và là phó giáo sư Đại học Calgary, cho rằng trừ khi phát minh ra phương pháp tiêm chủng không cần kim, việc giải quyết được “nỗi sợ kim” có ý nghĩa quan trọng với thành công của vaccine, nhất là nhân loại đang chờ đón vaccine ngừa COVID-19. Nói cách khác, chứng sợ kim hay sợ chích ngừa cũng là một thách thức với quá trình bào chế và triển khai vaccine, vì “những người mắc các chứng này thường có xu hướng không đi tiêm ngừa bệnh cúm hoặc cho con cái đi tiêm, cũng như tránh việc chăm sóc y tế nói chung” - theo BBC.

BBC tường thuật lại những gì thật sự diễn ra khi mũi kim đến gần tay một người sợ kim tiêm, qua lời kể của cô Raelene Goody, 31 tuổi: “Tim tôi bắt đầu đập tán loạn. Tâm trí bảo “bình tĩnh nào, sẽ ổn thôi”, nhưng nó cũng nói “đáng sợ quá, sẽ đau lắm đấy”. Và rồi “này, mi đâu có quen [người cầm kim tiêm] này, vì thế không thể tin họ được”. Và tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao thoát khỏi nó”.

Các nghiên cứu cho thấy chứng sợ kim phổ biến ở trẻ nhỏ và nỗi sợ sẽ giảm dần khi trưởng thành. Chính Goody từ 4 tuổi đến tuổi thiếu niên vẫn luôn vất vả để chích ngừa cúm mỗi năm, có khi còn phải gây mê trước khi được tiêm. Thách thức kế tiếp là chích vaccine COVID-19, khi các đối tượng ưu tiên tại Anh đã bắt đầu được tiêm từ đầu tuần này. Goody lạc quan rằng cô sẽ vượt qua nỗi sợ một lần nữa, như đã từng chiến thắng chứng sợ kim tiêm ở mức cao nhất trước đây.

Theo BBC, một y tá hiền hậu sẽ đến tận nhà (Goody bị chứng u xơ) để tiêm cho cô, và cha mẹ Goody cũng có mặt để động viên con gái. Và biết đâu Goody cũng sẽ thử thực hành giải pháp “cười để kim chích bớt đau” như các nhà nghiên cứu UCI mới đề xuất.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận