“Heo héo” sau đại dịch: Hãy tự xem mình có mắc không

PHẠM PHONG 04/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Một tình trạng tưởng là đơn giản nhưng cần xem xét nghiêm túc.

 
 Ảnh: shutterstock.com

Corey Keyes là một nhà tâm lý học người Mỹ, chuyên về tâm lý học tích cực. Việc của ông là tìm ra phương pháp để người áp dụng có được đời sống lành mạnh, các quan hệ xã hội tích cực. Ông là cha đẻ của thuật ngữ “flourishing”, chỉ một trạng thái hân hoan như hoa nở bừng. Gốc “flos” của từ này trong tiếng Latin có nghĩa là “hoa”, ta vẫn hay nói “cuộc đời nở hoa” chính là trạng thái ấy.

Trớ trêu thay, Keyes lại cũng chính là người sinh ra thuật ngữ “languishing”, là một thứ đối lập với “hân hoan bừng nở” kia. 

Trong một bài viết trên The New York Times, tác giả Adam Grant đã miêu tả tình trạng này và khẳng định nó luôn xuất hiện ở nhiều người sau khi trải qua đại dịch COVID-19: người than kém tập trung, người tiêm vaccine rồi những vẫn thấy uể oải về một tương lai phía trước, bản thân Adam sáng ra chỉ muốn nằm mãi trong giường chơi trò ô chữ.

Tình trạng đó không phải do kiệt sức. Cũng không phải trầm cảm: Adam không hề thấy tuyệt vọng như những người trầm cảm! Đơn giản là không thấy vui, không thấy có mục đích; chỉ chìm trong một cảm giác trì trệ và trống rỗng, và theo Adam, đó là cảm xúc thống trị của năm 2021. 

Languishing là một thứ gì đó như “oải” như “ươn”, không quá rõ ràng nhưng thiếu sức sống, ta có thể gọi đó là “heo héo”. 

TỪ “HEO HÉO” ĐẾN TRẦM CẢM

Theo Adam, trong những ngày đầu tiên đầy bất định của đại dịch COVID-19, hệ thống phát hiện mối đe dọa trong não ta được kích hoạt mạnh. Ta làm mọi việc hăng hái để bảo vệ mình trước con virus nhiều gai này: xếp hàng mua cho được khẩu trang, rửa tay mỗi ngày chục lần, trong một tinh thần ngỡ dịch sẽ qua mau thôi. 

Thế rồi đại dịch như kẻ vô hình lẵng nhẵng, chặn được chỗ này lại xuất hiện chỗ nọ, trạng thái lo âu cấp kỳ nhường dần chỗ cho tình trạng uể oải, héo mòn. 

Adam ví “heo héo” là đứa con thứ bị bỏ bê trong gia đình sức khỏe tâm thần. Anh cả là “bừng nở, thăng hoa”, là đỉnh cao của vui sống - cảm thấy đời mình đầy ý nghĩa, thấy mình có ích cho người khác; Em gái út là trầm cảm, là chán sống - thấy mình vô dụng, sống chỉ là vô ích. Heo héo là “con thứ” chẳng có triệu chứng gì của bất ổn thần kinh, nhưng cũng chẳng cho được hình ảnh tinh thần nào đẹp đẽ. 

Người heo héo làm gì cũng qua quít, động cơ thì mờ mịt, thiếu tập trung, dễ “đầu voi đuôi chuột” và bỏ cuộc gấp ba người thường. 

Nguy hiểm ở chỗ, theo Adam Grant: “Khi bạn heo héo, bạn không nhận ra niềm vui dần nhợt nhạt, động lực dần teo tóp. Bạn không thấy mình đang trượt vào cô đơn. Bạn thờ ơ nhìn mình ơ thờ. Khi bạn không tự nhìn ra mình đang có vấn đề, bạn sẽ không nhờ ai cũng không làm gì để tự cứu mình”.

Và theo một bài viết trên CNN, ngay cả khi vaccine COVID-19 đã là một “chiếc vé bước vào thời hạnh phúc hơn”, nhiều người vẫn không lạc quan nổi để chuẩn bị cho một đời sống khác năng động sắp tới. Trạng thái “heo héo” đã hút mất nhựa sống của họ.


 
 Ảnh: prismic.io

BƯỚC ĐẦU ĐỂ TRỊ “HEO HÉO”: HÃY TẬP TRUNG

Phải làm sao đây? Theo Adam, một khái niệm tên là “chảy trôi” (flow) có thể dùng làm thuốc giải cho tình trạng heo héo. “Chảy trôi” là đắm chìm vào một thử thách có ý nghĩa, một mối quan tâm tạm thời, đến nỗi quên cả thời gian, không gian lẫn bản thân. 

Trong những ngày đầu của đại dịch, tiêu chuẩn tiên đoán tốt nhất cho ai sẽ sống khỏe không phải là lạc quan hay suy nghĩ tỉnh táo mà chính là ai biết “chảy trôi”. Những ai khi đại dịch tới kịp nghĩ ra việc để mà bận bịu đã tránh được trạng thái héo hon uể oải vô định, thậm chí duy trì được niềm hạnh phúc vẫn có trước khi dịch xảy ra.

Tuy nhiên trong lúc tìm kiếm một thách thức mới, công việc mới đủ thú vị để đắm chìm vào... khó khăn nhất chính là sự mất tập trung. Đây là một vấn đề đã có từ lâu trước đại dịch, khi mà người ta theo thói quen phải kiểm tra tin nhắn 74 lần một ngày và cứ mỗi 10 phút lại đổi sang làm một việc khác. 

Khi đại dịch xảy ra, con cái ở nhà, làm việc qua mạng, thời gian của chúng ta càng “nát” hơn. Sự chú ý bị phân mảnh là một kẻ thù lớn của làm việc xuất sắc và toàn tâm toàn ý. Ta cứ hay kiêu căng nghĩ mình có thể cùng lúc làm tốt nhiều việc nhưng trên thực tế, theo Adam, trong 100 người thì chỉ có 2 hoặc 3 người có thể vừa lái xe vừa ghi nhớ thông tin mà một trong hai (hoặc cả hai) việc này không bị ảnh hưởng. 

Adam dẫn thí dụ một công ty phần mềm nổi tiếng vài năm trước khi đặt ra mỗi ngày phải có khoảng thời gian im lặng bắt buộc thì hiệu suất cao lên hẳn. Theo Adam, bài học giản dị ở đây là: hãy coi những “khối” thời gian không bị chia cắt là báu vật và hãy ra sức canh giữ chúng. Khi không bị chia trí, người ta không chỉ làm cho xong một công việc mà còn có niềm vui và động lực trong quá trình làm công việc ấy.

Nhiệm vụ tiếp theo là tìm ra thứ gì đó có ý nghĩa để đắm chìm vào một cách say mê, từ ngày này sang ngày nọ: một ngoại ngữ mới, một kỹ năng mới, một môn học hoàn toàn mới. Bạn có thể tìm lại những kỹ năng mình vốn rất giỏi nhưng đã bỏ quên lâu ngày. 

Bạn cũng có thể sắp xếp ngăn nắp lại cuộc đời mình, từ những thứ hữu hình như nhà cửa, ổ cứng máy tính... đến những thứ vô hình như các quan hệ. Nhựa sống sẽ theo công việc mà chảy về, cái heo héo sẽ lùi đi, và cuộc đời sẽ từ từ nở hoa trở lại.

 
 Ảnh: Getty Images

NHỮNG CÁCH ĐƠN GIẢN

Không phải ai cũng dễ dàng tìm cho ra một thử thách có ý nghĩa, một dự án thú vị dài hơi để chìm mình trong đó. Có những người cần những cú hích tinh thần mỗi ngày để thoát khỏi trạng thái ủ rũ heo héo. Trong một bài viết khác trên The New York Times, tác giả Dani Blum rất thực tế đưa ra một số biện pháp không mất tiền, ai cũng thực hiện được và kết quả khả quan.

1. Tận hưởng và ăn mừng cả những việc tí ti

Trải qua đại dịch rồi, giờ là lúc ta cần nhận thấy cả những khoảnh khắc vui ngắn ngủi cũng rất quan trọng. Vui được lúc nào là vui. Đừng đợi có việc lớn mới ăn mừng. Hãy cố ghi nhận những việc nho nhỏ hay ho xung quanh: một cái kẹo ngon, một cuộc đi dạo... Một nghiên cứu trong giới sinh viên hồi năm 2012 giao cho các sinh viên mỗi tuần hai lần chụp ít nhất năm bức ảnh đáng yêu trong đời sống thường ngày. Kết quả, sau nhiều tuần những sinh viên này thấy lạc quan hơn. Việc ngắm lại những bức ảnh và nghĩ về những khoảnh khắc nho nhỏ ấy khiến họ thấy yêu đời, do khi chụp ảnh họ chỉ tập trung vào cái tốt trong đời sống.

2. Tập biết ơn

Trong đại dịch, một số người đã biết cách thể hiện lòng biết ơn tốt hơn: cảm ơn một nhân viên y tế, cảm ơn một đoàn cứu trợ, biết ơn vì mình vẫn còn giữ được việc làm… 

Theo Dani, người ta nên thực hiện “nghi lễ” biết ơn vào mỗi tuần để có được một thói quen. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc bỏ thời gian mà ngẫm nghĩ về những điều cần biết ơn sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Tuy nhiên, nghi thức biết ơn hằng tuần này không nên làm qua loa nhưng cũng đừng nên thành gánh nặng. Nghi thức này có thể là đãi cả gia đình một bữa ăn, tình nguyện dành một hôm tổng dọn dẹp nhà cửa... Bất kỳ hình thức nào cũng được, miễn động cơ của nó là để thể hiện lòng biết ơn.

3. Làm một lèo năm việc tốt

Nghiên cứu cho thấy làm liền tù tì 5 việc tốt trong một ngày, mỗi tuần một lần như thế sẽ có tác dụng mạnh mẽ, hơn là rải ra mỗi ngày làm một việc tốt trong cả tuần. Dĩ nhiên nghĩ ra 5 việc tốt cùng một lúc đối với một số người là rất khó nhưng hãy động não, và đó cũng là thứ kéo bạn ra khỏi trạng thái “heo héo” ủ rũ chỉ biết có mình.

4. Tìm ra mục đích trong những việc hằng ngày

Một trong những đặc điểm của trạng thái “heo héo” là không tìm thấy mục đích trong công việc hằng ngày. Chính Corey Keyes từng nói: “Có nhiều người Mỹ đáp ứng được tiêu chuẩn “cảm thấy hạnh phúc”, nhưng lại không có được cảm thức về mục đích. 

Thấy vui thôi là chưa đủ”. Mỗi người cần nhìn vào công việc mình đang làm, rằng ngoài việc có được tiền nong và chức vụ thì cái việc ấy đóng góp được gì lớn hơn cho đời? Một người làm bảo hiểm chẳng hạn, nếu nhận thức được việc của mình là giúp một người lấy lại được những gì bị mất sau một tai nạn, người ấy sẽ xử lý hồ sơ vừa đúng luật vừa nhiệt tình, thay vì cảm thấy mệt mỏi trước mớ giấy tờ và chứng cớ.

Ngay cả những việc nhỏ cũng có được một mục đích cao hơn bản thân công việc ấy. Từ dọn nhà tắm đến nấu một bữa ăn, nếu nhìn ra mục đích thì ta sẽ toàn tâm toàn ý hơn, thoát khỏi cách làm lờ đờ của những người “heo héo”.

***

Cuối cùng, đại dịch COVID-19 dĩ nhiên là một điều quá buồn; nó tước đi của ta biết bao nhiêu thứ nhưng đồng thời cũng là một cơ hội đau đớn để ta kịp chỉnh lại mình. Nếu trước kia ta là người chẳng có kỹ năng gì, thì nay phải học lấy một kỹ năng. Nếu trước kia ta hoang phí, vô kỷ luật thì nay cần tập tiết kiệm và có kỷ luật. Một biến cố lớn như thế để lại một danh sách các bài học cần học, không cho phép ta được uể oải, héo hon. Còn nếu có người biết thế mà vẫn nhất quyết để cho mình héo hon? Thì thôi đành tặc lưỡi, chấp nhận đại dịch này cũng là một bộ lọc nghiệt ngã. ■

(*): Tổng hợp và dịch

Gọi đúng tên để tìm đường thoát

Trong lúc nghiên cứu về sống tích cực, nhà tâm lý học Corey Keyes đã ngạc nhiên thấy sao mà lắm người chẳng trầm cảm mà cũng chẳng vui sống; số người như thế đông hơn nhiều so với người trầm cảm. Nghiên cứu của ông dự báo rằng đừng có coi thường, chính những người ấy - những người mà năm nay chỉ “heo héo”, không triệu chứng gì, vào mười năm tới sẽ dễ mắc rối loạn lo âu và trầm cảm nặng nề.

Rõ ràng sau đại dịch COVID-19, “heo héo” là một trạng thái tinh thần có thực, không có lợi, và lâu dài nếu không can thiệp thường nó sẽ chuyển xấu. Để can thiệp được, bước đầu tiên ta cần chấp nhận một cái tên mới cho một trạng thái tinh thần “lỡ cỡ” này để từ đó “danh có chính, thuốc mới thuận”. Corey Keyes đã làm việc ấy, đặt cho nó một cái tên. Kế tới là xác định các dấu hiệu của “heo héo” và theo giáo sư Laurie Santons tại Đại học Yale, việc xác định này cũng rất đơn giản, chỉ cần tự trả lời chính xác những câu hỏi sau: “Khi thức dậy mình có sẵn sàng cho một ngày mới không hay chỉ muốn ngủ tiếp?”. “Mình có cảm giác về sống có mục đích không? Hay chỉ thấy đã dành quá nhiều thời gian trong ngày cho những việc vô nghĩa?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận