Hung thần chiến trường ảm đạm tuổi bách niên

HOA KIM 23/09/2020 05:09 GMT+7

TTCT - Chiến tranh hiện đại ngày càng ít đất để xe tăng phô diễn, và chi phí khổng lồ để nâng cấp những cỗ pháo đài di động phù hợp với tình hình mới có thể khiến quân đội các nước suy nghĩ lại và dành ưu tiên cho những khí tài tân tiến hơn.

Ảnh: nationalinterest.org

Ngày 6-9-1915, chiếc tăng đầu tiên trên thế giới mang biệt danh Little Willie lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp ở Anh. Bản thiết kế đầu tiên là một thử nghiệm thất bại: cỗ xe cồng kềnh nặng gần 13 tấn, thường xuyên mắc kẹt trong các chiến hào và có tốc độ vượt địa hình thực tế chỉ 3,2 km/h - chậm hơn đi bộ. Phiên bản cải tiến Big Willie, hay Mark I, ra mắt một năm sau đó trở thành mẫu tăng đầu tiên tham chiến khi được Anh sử dụng trong trận Somme, một trong những trận đánh đẫm máu nhất Thế chiến I.

Mark I vẫn chưa hoàn hảo: mẫu tăng này dễ bị nóng, tạo ra nhiều tiếng ồn, khó điều khiển và thường xuyên gặp trục trặc về cơ khí trong thực chiến. Nhưng các nhà quân sự nhanh chóng nhận ra tiềm năng của loại khí tài mới, và một loạt mẫu xe được các nước chế tạo và cải tiến trong các thập kỷ sau đó đã thật sự biến tăng trở thành hung thần trên chiến địa, đóng vai trò chiến thuật quan trọng trong các cuộc xung đột quân sự của thế kỷ 20.

Nhưng ngày nay, dù tăng vẫn là một lực lượng có mặt trong biên chế gần như mọi quân đội, một số nước đã tính đến chuyện cho về hưu những đội xe cũ thay vì sửa chữa, nâng cấp do chi phí lớn mà tính hiệu quả thực chiến thì còn phải bàn lại do tính chất của chiến tranh hiện đại cùng sự ra đời của nhiều vũ khí diệt tăng hiệu quả.

Ngựa thồ cũ kỹ

Anh - quốc gia khai sinh ra xe tăng - mỉa mai thay lại là một trong những nước đầu tiên có ý định cho loại chiến xa này về vườn. Báo The Times (Anh) ngày 25-8 đưa tin các chỉ huy quân sự nước này đã vạch ra kế hoạch cho nằm kho toàn bộ xe tăng trong biên chế theo các đề xuất cấp tiến nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và dành ưu tiên các khí tài quân sự khác. Theo đó, toàn bộ 227 chiếc tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cùng mẫu xe hộ tăng bọc thép 338 Warrior của quân đội Anh sẽ bị cất vào bãi và không tiếp tục được nâng cấp. Hiện chưa có mốc thời gian cụ thể nào được đưa ra cho kế hoạch này.

Cả hai mẫu xe từng bị bà Penny Mordaunt, khi đó là bộ trưởng quốc phòng Anh, gọi thẳng là “lỗi thời” tại một hội nghị quân sự quốc tế quy tụ nhiều chỉ huy quân đội cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp quốc phòng hồi tháng 6-2019. “Dù vai trò của (tăng) thiết giáp vẫn còn, chúng phải có năng lực chiến đấu, và chúng ta phải giữ được tính cạnh tranh. Thực tế không như vậy” - bà Mordaunt nhận xét.

Đã có nhiều luồng ý kiến bên trong Bộ Quốc phòng Anh cho rằng tính chất của chiến tranh hiện đại đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào năng lực tác chiến trên không gian mạng, ngoài vũ trụ và các công nghệ tối tân khác. Trong khi đó, ngân sách trang bị cho quân đội đang bị siết chặt và chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.


Không bộ trưởng quốc phòng nào muốn ghi tên mình vào lịch sử là người chứng kiến quân đội Anh bỏ đi niềm tự hào một thời là những chiếc tăng hạng nặng từng ngang dọc khắp các trận đánh lớn nhỏ, nhưng thực tế không thể tránh khỏi là sẽ có người rồi phải làm việc này, tờ The Telegraph viết trong bài “Time is up for tanks” (tạm dịch: Giờ của tăng đã điểm). Anh đã không trình làng mẫu tăng mới từ đầu thế kỷ 21 đến nay, và dòng Challenger 2 cũ kỹ được đưa vào sử dụng từ năm 1998 cần phải được trang bị hỏa lực mới cùng ống ngắm, hệ thống phòng thủ chống lại vũ khí chống tăng và hệ thống máy tính tương thích với các khí tài hiện đại hơn trên chiến trường nếu muốn duy trì năng lực tác chiến.

Đề xuất hiện đại hóa đội tăng của hai doanh nghiệp quốc phòng BAE Systems (Anh) và Rheinmetall (Đức) từng được Bộ Quốc phòng nước này xem xét với hứa hẹn cho phép tăng Challenger 2 đủ khả năng phục vụ đến hết năm 2035. Tuy nhiên, đề xuất này đi kèm với một mức giá khá “chát” - từ 250 triệu đến 500 triệu bảng Anh (7.435 tỉ đến 14.867 tỉ đồng). Hạn chót để đưa ra quyết định đối với đề xuất này là vào năm 2021, nhưng có vẻ như Anh không mấy mặn mà.

Trên thực tế, khoản tiền này không đáng kể so với ngân sách quốc phòng 40 tỉ bảng mỗi năm của cường quốc quân sự NATO, nhất là khi được chi dàn trải qua nhiều năm theo lộ trình chứ không phải cùng một lúc. Để so sánh, riêng một chiếc máy bay tiêm kích phối hợp F-35 đã ngốn khoảng 75 triệu bảng. Nhưng người ta cũng đặt câu hỏi: liệu có đáng bỏ ra số tiền như vậy để duy trì đội tăng cồng kềnh trong khi một chiếc trực thăng tấn công Apache có giá chỉ khoảng 15 triệu bảng có thể được trang bị hỏa lực để tìm diệt nhiều xe tăng từ khoảng cách an toàn.

Đối với các nhà thầu quốc phòng lớn, cổ võ cho việc duy trì vài trăm chiếc tăng cũng không hấp dẫn bằng những bản hợp đồng béo bở hơn nhằm trang bị, nâng cấp những khí tài tân tiến.

Cuộc đua mâu - thuẫn

Hơn một thế kỷ sau khi chiếc tăng đầu tiên ra đời, ngày nay quân đội các nước đang sở hữu tổng cộng khoảng 54.000 xe tăng, riêng ở châu Âu là 5.000 chiếc, theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).

Một số trận giao tranh gần đây đã bộc lộ điểm yếu của tăng khi đương đầu với các khí tài quân sự hiện đại. Tháng 2-2020, máy bay không người lái và pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt hơn 100 xe thiết giáp của quân Syria trong cuộc pháo kích kéo dài 3 ngày, theo Forbes. Nếu như trong quá khứ các hình thức ngụy trang thô sơ có thể giúp tăng thoát khỏi tầm mắt của hầu hết máy bay thì ngày nay, các hệ thống cảm biến hiện đại có thể giúp máy bay diệt tăng bắt được nhiệt tỏa ra từ động cơ hoặc vết bánh xe để lại trên mặt đất.

Xe tăng Leopard 2. Ảnh: Wikimedia Commons

Các loại vũ khí diệt tăng cũng ngày càng gọn nhẹ và rẻ tiền, đồng nghĩa quân đội các nước sẽ đến lúc không còn cảm thấy phải “lấy kim cương cắt kim cương” - tại sao phải đầu tư nhiều tiền của xây dựng đội tăng hùng mạnh trong khi một loại khí tài rẻ tiền hơn có thể tiêu diệt xe tăng đối phương một cách hiệu quả?

Anh không phải nước duy nhất tính chuyện cắt giảm chi tiêu cho tăng. Thủy quân lục chiến Mỹ - lực lượng sở hữu nhiều xe tăng hơn hầu hết các nước châu Âu - hồi tháng 3 cho biết quân chủng này dự tính cất kho toàn bộ 120 chiếc tăng M1A1 Abrams để tập trung đầu tư tiềm lực nhằm khắc chế Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Xe tăng đã có “lịch sử lâu dài và vẻ vang trong các cuộc chiến tranh trong quá khứ” nhưng “không còn phù hợp với những thách thức thuộc ưu tiên cao nhất của chúng ta trong tương lai”, lực lượng này nhận xét trong một phát biểu.

Một quốc gia thành viên NATO khác là Hà Lan trước đó vào năm 2011 đã khai tử đội tăng hơn 60 chiếc Leopard II với lập luận rằng tương lai nằm ở các lực lượng chiến đấu nhẹ, cơ động, có thể triển khai nhanh chóng thích hợp cho các cuộc xung đột mang tính chất mới như chiến dịch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc phiến quân Taliban ở Afghanistan. Hiện nay, Quân đội hoàng gia Hà Lan chỉ còn sử dụng 18 xe tăng thuê lại từ Đức.

Phát triển vũ khí chống tăng và hệ thống phòng thủ của tăng là cuộc chạy đua chưa có hồi kết, và cứ khoảng 5 năm lại có một thế hệ vũ khí mới ra đời đe dọa sự tồn vong của những cỗ xe hạng nặng, theo Jon Hawkes - trưởng bộ phận chiến tranh trên bộ của Janes, một công ty nghiên cứu chuyên về các chủ đề quân sự, an ninh quốc gia, hàng không vũ trụ và vận tải. “Nhưng tăng hiện đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Chúng ta đang đi đến chặng cuối của cuộc đua giữa mâu và thuẫn - và thuẫn đã thua”.■

Từ “xe bồn” đến “chiến xa”

Người Anh nghiên cứu phát triển mẫu tăng đầu tiên để đối phó với chiến tranh giao thông hào phổ biến trong Thế chiến I. Năm 1914, hai sĩ quan cấp cao trong quân đội Anh đã đề xướng ý tưởng về một chiếc “thuyền trên cạn” - một chiếc xe bọc thép với các bánh xích tựa như băng chuyền giúp xuyên thủng phòng tuyến kẻ thù và vượt qua các địa hình không bằng phẳng một cách dễ dàng.

Ý tưởng nhận được cái gật đầu của Bộ trưởng Hải quân Winston Churchill - người sau này trở thành một trong những vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh. Một ủy ban được lập ra ngay sau đó để bắt đầu phát triển phiên bản đầu tiên. Để giữ bí mật về dự án, các công nhân trực tiếp tham gia sản xuất không được cho biết về thứ họ đang chế tạo. Thay vào đó, họ được bảo rằng đây là dây chuyền sản xuất xe bồn (tiếng Anh: tank, phát âm như “tăng”) để tải nước sinh hoạt ra chiến trường. Một số giả thuyết khác thì cho rằng nguồn gốc chữ “tank” là vì hình dáng của mẫu xe tăng đời đầu nhìn giống bồn chứa nước. Dù hiểu theo cách nào đi nữa, mẫu tăng đầu tiên xuất xưởng trong những chiếc thùng có đề chữ “tank”, và tên gọi này được sử dụng luôn từ đó.

Little Willie tại Bảo tàng xe tăng Bovington. Ảnh: Wikimedia Commons

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận