Khi cô giáo khóc...

SƠN PHẠM 16/04/2013 00:04 GMT+7

TTCT - 1. Con trai tôi 11 tuổi, học lớp 5, hôm nào đi học về cũng tíu tít kể chuyện trường lớp. Vậy mà hôm nay cu cậu đi học về với tâm trạng không vui.

Gạn hỏi mãi cu cậu mới chịu thổ lộ: “Ba biết không, hôm nay ba của bạn Q.B. đến lớp la cô giáo”. Chuyện ở lớp của con, bạn Q.B. lười làm bài tập về nhà, học lơ mơ không chú ý nghe cô giảng thì biết rồi, nhưng chuyện ba của bạn lên tận lớp la cô giáo thì đúng là... chuyện lạ!

Hỏi, cu cậu tường thuật: “Hôm qua, cô giáo gửi giấy mời phụ huynh của bạn Q.B. lên lớp gặp cô giáo để bàn việc học của bạn. Hôm nay, lúc gần trưa, lớp chuẩn bị về thì ba của bạn Q.B. lên. Bước vào lớp, ba của bạn Q.B. la lớn: “Cô dạy không được nó thì nghỉ dạy đi. Đừng có gọi tui lên. Mệt lắm!”. Nói xong, ba bạn thả tờ giấy mời lên bàn cô giáo rồi bỏ đi”.

Nghe kể, tôi hình dung được ánh mắt sững sờ của cô và trò lúc đó: “Thế cô giáo nói sao?”. “Cô khóc chứ nói sao nữa ba?... Lúc đó cô cho lớp ra về. Ra khỏi lớp nhưng bọn con vẫn thấy cô ngồi khóc nên quay lại bảo: “Cô ơi, đừng khóc”. Cô bảo bọn con về đi, cô không sao đâu. Nhưng cô vẫn ngồi khóc, ba à! Không biết bây giờ cô đã về nhà ăn cơm chưa”.

2. Còn nhớ hôm họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới, cô chủ nhiệm đã giới thiệu với phụ huynh sơ qua về bản thân, tuổi đời và thời gian công tác. Chính vì có kinh nghiệm nên mười mấy năm liền cô được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 5, lớp cuối cấp tiểu học.

Cô bảo nhà trường rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình. Cô nói rõ với phụ huynh về phương pháp dạy của mình, cách ra bài tập, cách để các em dễ tiếp cận, hiểu bài, cách phụ huynh cần hướng dẫn, kiểm tra bài vở của con em mình ở nhà trước khi đến lớp. Điều quan trọng là cả nhà trường và gia đình chung một định hướng để các em tập dần tính tự lập vì các em đang tuổi lớn.

Quả thật, hằng ngày tôi chỉ cần căn cứ vào vở “Dặn dò” là có thể chỉ con học và kiểm tra bài vở trước khi con đến lớp. Cách làm này hiệu quả và thiết thực, giúp học trò hiểu được bài, chuẩn bị bài mới tốt hơn và phụ huynh cũng không phải “đánh vật” khi giúp con học ở nhà.

3. Do con trai đi học về thường tíu tít kể chuyện học hành, bạn bè nên tôi cũng biết gần như tường tận mọi chuyện trên lớp của con. Trong lớp cũng có một vài bạn “cá biệt”. “Cá biệt” ở đây là “cá biệt” về hoàn cảnh chứ không phải ở nghĩa “học sinh cá biệt”.

Chuyện của bạn N. chẳng hạn. Có hôm, cha con chở nhau đi dạo. Trên đường đi, con phát hiện bạn N. đang đi bộ trên vỉa hè. 9g đêm, bạn vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục, mang cặp đi bộ trên phố. Điều này có nghĩa là tan học buổi chiều bạn vẫn chưa về nhà. Tôi nói với con trai ý định hỏi xem bạn cần chở về nhà hay không và quay xe lại thì thấy bạn đi vào khu chợ đêm. Lúc ấy con mới bảo: “Đúng rồi ba. Mẹ bạn bán hàng ở chợ đêm. Chắc bạn đang chờ mẹ”.

Hoàn cảnh bạn cũng tội. Ba đi làm ăn xa cả năm mới về nhà. Mẹ buôn bán quần áo ở Sài Gòn, ba ngày mới về nhà một lần. Mọi chuyện bạn đều tự lo. Hết đồ ăn mẹ làm sẵn thì bạn ăn mì gói. Tôi nghĩ tự lo thế nào được với một đứa trẻ lớp 5? Vậy nên chuyện con kể cô giáo mua và giúp bạn bao tập vở, cho bạn cây bút, thước... cũng là điều dễ hiểu.

Với bạn Q.B. cũng vậy. Chắc chắn cô cũng hiểu rõ về hoàn cảnh của bạn, muốn gia đình bạn quan tâm hơn đến việc học của con mình. Việc gửi giấy mời phụ huynh lên gặp cô giáo cũng là để bàn bạc, tìm ra giải pháp...

Thế nhưng chưa tìm ra được giải pháp tốt hơn cho học trò của mình thì cô giáo đã gặp phải sự phản ứng như “trút nợ” từ phía phụ huynh.

Chuyện này cô giáo chỉ biết khóc. Và cô đã khóc!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận