Khí hậu và những cuộc chiến nhức nhối trong đời thật

LÊ QUANG 09/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Các chương trình đối phó với biến đổi khí hậu có thể là thứ bùa phép chính trị của nhiều chính phủ nhưng chuyện thời tiết thay đổi ghê gớm theo hướng tai họa giờ đây đã biến đổi cả những ngóc ngách đời sống thường nhật lẫn khía cạnh văn hóa, pháp lý và kinh tế của hầu hết mọi xứ sở.

Trong cuộc đời làm tổng thống Mỹ của mình, ông Barack Obama được nhận khá nhiều niềm tin tạm ứng và cũng đành chịu nợ khá nhiều điểm trong các mục tiêu chính trị của mình cho đến khi rời Nhà Trắng.

Một trong những thất bại mà ông chia sẻ với chính phủ hàng loạt các cường quốc khác là không thể đưa nổi chương trình đối phó với biến đổi khí hậu lên hàng trọng yếu. Dường như đó là tâm trạng chung của hơn 7 tỉ người hạ giới, cho rằng nắng mưa là việc của trời...

CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ

Bình thường thì trang Twitter của cảnh sát Brandenburg (Đức) không nhận được mấy click chuột, vì chẳng mấy ai rỗi hơi đọc hướng dẫn cách làm đơn xin chặt cây hoặc dặn dò khóa cửa ra sân tầng trệt. Vậy mà tuần trước nó bị nghẽn vì vô số nhảy vào xem đoạn video do một cảnh sát giao thông quay bằng điện thoại. Số là anh ta và đồng nghiệp vừa đuổi chặn một xe máy vì tội “gây bức xúc nơi công cộng”: lái xe vi vu trong bộ trang phục như khi anh ta chào đời.

 

Thông thường thì Luật hình sự Đức có điều 183a để xử lý mấy vụ tương tự, thậm chí cực đoan có thể phạt tù đến 1 năm, song ở nhiệt độ xấp xỉ 38 độ trong bóng râm hôm đó thì ngay đám cảnh sát Đức được tiếng là khắc nghiệt cũng đành cười trừ và nhắc lái xe mặc quần mới được đi tiếp. Câu trả lời của đương sự hơi thừa: “Nóng quá mà!”.

Cách hành xử của cảnh sát hay cả câu chuyện thực trần trụi này tưởng chừng đủ mua vui sáu mươi giây, thực ra ẩn chứa một chút sự thật đau lòng. Nhân loại đang từ từ mà chắc chắn tiến gần đến một thảm họa môi sinh, song đa số vẫn tin rằng nó còn rất, rất xa.

Ngay cả những chính quyền được coi là có trách nhiệm nhất vẫn ung dung hoặc bất lực khi bàn đến chương trình nghị sự có dính dáng đến môi trường, đơn giản vì nó chỉ là lá nho lấy lệ cho cái chỗ đáng che chứ không phải điều để vỗ về cử tri đi bỏ phiếu.

Chỉ hai ngày sau khi Barack Obama nhậm chức, các nhà nghiên cứu dư luận Hoa Kỳ tổ chức thăm dò 20 vấn đề làm dân Mỹ lo nhất. Trong khi tranh cử, tổng thống thứ 44 tương lai của Mỹ luôn nhấn mạnh hệ quả của biến đổi khí hậu cũng như các biện pháp làm giảm nhẹ, song ông không đắc cử vì những lời hứa hẹn ấy.

Cụ thể là khi ông vào Nhà Trắng thì người Mỹ lo nhất là thất nghiệp, thứ nhì là hai cuộc chiến tranh mà Mỹ bị sa lầy, và tận cuối cùng, bậc 20, mới đến “biến đổi khí hậu”. Người ta có thể khen hoặc chê ông Obama điểm này điểm nọ, song thực tế ông không khác gì các đồng nhiệm ở mọi châu lục khác - ông về hưu với nickname “tổng thống khí hậu không dân”.

CUỘC CHIẾN VĂN HÓA

Dĩ nhiên văn hóa ở đây mang nghĩa rộng.

Việc Trái đất đang nóng lên không chỉ hiện rõ trong mùa hè này và qua nạn cháy rừng diễn ra khắp nơi, đe dọa trở thành một câu hỏi về niềm tin. 20% người Mỹ tin rằng biến đổi khí hậu là chuyện bịa, sau một năm Obama, con số đó là 28%.

Thềm lục địa Bắc Mỹ chứa đủ dầu cho vài thế hệ nữa, dân Hoa Kỳ nói, bởi họ tin rằng chính họ là những chiến binh của Chúa, ngoài Chúa ra họ tin vào sức mạnh của thị trường, chứ không tin vào chính phủ, bất kể người đứng đầu là ai. Copenhagen (thành phố đầu tiên trung tính về CO2 vào năm 2025) và các tín đồ xanh cũng như Liên Hiệp Quốc chỉ cường điệu vụ biến đổi khí hậu để làm nước Mỹ yếu đi và dựng lên một chính phủ xã hội chủ nghĩa, và Obama đã bán rẻ lợi ích Mỹ để nhận giải Nobel hòa bình như phần thưởng cho kẻ phản phúc Judas.

Lấy ngay nước Đức làm ví dụ, ngọn cờ đầu của châu Âu và thế giới trong phong trào bảo vệ môi trường. Đất nước này đang đứng trước kỳ bầu cử mang tính sống còn đối với chính phủ liên minh từ các chính đảng nặng ký nhất, hay đã từng nặng ký nhất. Chính phủ này vật vã cả nửa năm mới nắm được tay nhau và đi vào hoạt động. Và trong biên bản hiệp thương dày cộp, từ dòng thứ 6.742-6.745, họ có nhắc đến nỗ lực ban một số luật nhằm bảo đảm đạt các mục tiêu bảo vệ khí hậu, chậm nhất vào năm 2019.

Ba dòng rưỡi ấy, về lý thuyết là một sự đổi màu mang tính cách mạng. Cho đến lúc đó các chính phủ tiền nhiệm vẫn chăm chỉ đưa ra một chương trình hành động quyết liệt và hứa hẹn như đinh đóng cột, song các kết quả đạt được hầu như mang tính ngẫu nhiên hoặc phụ thuộc vào tâm trạng của tổ lái.

Ta vừa nhắc đến lý thuyết, vì thực tế sẽ khác hẳn: Đức đánh mất vị trí dẫn đầu về bảo vệ môi trường ở châu Âu, và chắc chắn không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu đến năm 2020. Cố gắng hạn chế 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với 1990 sẽ chỉ là lời hứa suông với cử tri, may ra thì được 32%.

Kế hoạch về bước ngoặt năng lượng với việc đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện nguyên tử và cấm đốt than nghe chừng cũng không sáng sủa gì hơn, vì than vẫn được trọng dụng lắm, và ngân quỹ quốc gia không đủ để bồi thường cho các nhà đầu tư vào điện hạt nhân, vốn tin vào chính sách mà đổ ra cả đống tiền rồi than van chưa biết bao giờ có lãi.

Ta vẫn nên tin rằng các chính trị gia chân thành thì đưa ra viễn cảnh tươi đẹp về một thế giới trong lành, song hình như một số lớn trong họ không hỏi ý kiến các nhà khoa học và kinh tế khi bước lên bục tranh cử. Khi nước Đức đề nghị cấm ôtô chạy dầu diesel và xe chạy xăng đời cũ, họ chưa thăm dò ý kiến chủ sở hữu của 15 triệu xe chạy dầu (ở một đất nước ngót 83 triệu dân!).

Thủ tướng trẻ Emmanuel Macron của Pháp cũng hăng hái đề nghị đánh thuế xăng máy bay và biết chắc sẽ mất khối phiếu bầu của các cử tri đã coi chuyện bay đi bay lại với giá rẻ như một phần chất lượng sống.

Và không chỉ chuyện chi phí dịch chuyển trong một xã hội đòi hỏi con người năng động.

CUỘC CHIẾN DÂY PHƠI

Chuyện lỗ thủng ozon to chừng nào hoặc khí thải từ động cơ diesel có gây ung thư không, nghe chừng phức tạp và xa vời lắm; ta hãy tiếp cận cuộc sống thường nhật như một bà nội trợ.

Ở Mỹ có chừng 60 triệu người sinh sống trong các khu dân cư được tư nhân quản lý, do chủ đầu tư trực tiếp hay gián tiếp điều hành. Và đại đa số có quy định cấm phơi quần áo trên dây để người ngoài nhìn thấy.

Phơi quần áo ở nước Mỹ hiện đại có ý nghĩa rộng hơn là đơn thuần thẩm mỹ. Người Mỹ đi du lịch rất khoái chụp ảnh dây phơi quần áo, vì nó thể hiện sự lạc hậu chỉ có thể tồn tại ở tận cùng Nam Âu hay các vùng nghèo khó khác, và nó đi ngược với giấc mơ Mỹ về cuộc sống nhàn tản.

Dây phơi đồ sặc sỡ đủ màu làm người Mỹ nghĩ đến dân nhập cư, song không phải tổ tiên nhập cư của chính họ, mà là dân từ Mexico hay Honduras hay từ phần còn lại của quả đất mà họ đang hi vọng ông Trump cản bớt.

Bởi vậy rất nhiều nơi trên đất Mỹ cấm căng dây phơi. Không, nước Mỹ không có luật cấm phơi đồ, song các địa phương trong nhà nước liên bang có quyền hạn rất rộng. Ai mua nhà trong một “khu dân cư cao cấp” (gated community) thường phải ký vào một “bản hương ước” chứa điều cấm phơi quần áo ở nơi nào bị hàng xóm hoặc người qua đường nhìn thấy, vì hình ảnh đó sẽ làm kinh sợ mọi khách hàng tiềm năng. 80% gia đình Mỹ có máy sấy quần áo (ở Ý: 3%), một phát minh vô cùng tiện lợi, trừ một điểm tiêu cực là nó ngốn khá nhiều điện và mỗi cái tống ra khí quyển 1 tấn thán khí mỗi năm.

Bà Carin Froehlich phơi đồ bên ngoài nhà, bất chấp phản đối của chính quyền Perkasie (đông nam Pennsylvania, Mỹ). Bà là một trong số ngày càng nhiều người đang đòi "quyền được phơi quần áo” ở Mỹ.

Đây là xuất phát điểm cho cuộc chiến văn hóa từ nhiều năm. Không biết bao nhiêu vụ kiện tụng xảy ra giữa các láng giềng, giữa các nhà hoạt động môi trường và chủ thuê nhà. Ít nhất thì một số bang đã phải cấm chủ đầu tư ra quy định cấm phơi đồ công khai, trong năm qua có thêm Colorado, Hawaii, Maine và Vermont. Thậm chí đã có một phong trào “Project Laundry List” kêu gọi phơi đồ trong thiên nhiên cũng như giặt bằng nước lạnh để tiết kiệm điện.

CUỘC CHIẾN LOBBY

Song lobby máy sấy và bán điện vẫn mạnh áp đảo. Ai từng đến thăm Bắc Mỹ, ắt sẽ ngạc nhiên về giá xăng và điện rất bèo. Người Mỹ sống trong sự phụ thuộc hầu như tuyệt đối vào điện. Năm 2003, có một cái cây quẹt vào đường điện cao thế cả vùng đông bắc Mỹ và đông nam Canada mất điện, 50 triệu dân chịu cảnh tối om, không thang máy, không đèn giao thông và dĩ nhiên không máy sấy đồ, nhất là ở các đại đô thị như New York, Detroit, Cleveland, Toronto và Ottawa.

Chẳng dễ mà thuyết phục nhà máy điện tham gia tuyên truyền về phơi đồ ngoài nắng. Họ sẽ nói là Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) hay mấy thứ giấy má tương tự là chuyện bịa.

Sau vụ tai nạn đó, người ta mới giật mình nhận ra công nghệ môi trường của Mỹ không chỉ thua Đức, Nhật mà nay còn bị Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí Brazil vượt mặt, vì chủ đầu tư nhà máy điện chi nhiều cho lobby hơn cho hiện đại hóa, mặc cho Luật môi trường Mỹ thuộc loại tiến bộ nhất thế giới.

Biến đổi khí hậu là việc của trời, thanh toán hóa đơn điện mỗi tháng là việc của khách hàng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận