“Không thể dùng đại bác đấu với tư tưởng”

MINH NHIÊN (THEO DW) 19/01/2016 20:01 GMT+7

TTCT - Toàn cầu hóa đặt ra cho chúng ta những quy luật thị trường. Quảng cáo và tiếp thị hình thành nên hành vi đối ứng của chúng ta. Không còn tự do nữa. Những luật lệ toàn năng và rộng khắp hạn chế tự do công dân.

Nhà văn Sansal và tác phẩm 2084 - Kết thúc thế giới                       arablit.org
Nhà văn Sansal và tác phẩm 2084 - Kết thúc thế giới arablit.org


Năm ngoái ông đã phát hành tiểu thuyết mới của mình 2084 - Kết thúc thế giới, trong đó ông mô tả một kịch bản đáng sợ của chế độ hà khắc, toàn trị tôn giáo của Hồi giáo. Ông cho rằng thật sự một chế độ Hồi giáo như thế sẽ được thiết lập ở châu Âu?

- Trong trường hợp nào thì những người Hồi giáo cũng có mưu toan đó. Thậm chí nền tảng của nó đã được hình thành: đó là những kẻ Hồi giáo cực đoan đang nằm im chờ lệnh, nhưng cũng có những kẻ tích cực và cả một cấu trúc hạ tầng từ những đền thờ, ngân hàng, công ty thương mại, các cơ sở giáo dục.

Họ có một chiến lược và tôi đồ rằng mọi thứ giờ đây sẽ diễn ra nhanh hơn, thể hiện mình mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng quan trọng cách người châu Âu phản ứng thế nào. Ở thời điểm hiện nay, phản ứng đó chưa được hài lòng lắm.

Những hoạt động quân sự ở Syria và Iraq không được xem là một đáp trả xứng đáng sao?

- Đương nhiên là không. Đâu thể dùng đại bác đấu với tư tưởng. Hơn thế nữa, những tư tưởng này sẽ còn nhận được thêm nhiều sức mạnh.

Boualem Sansal sinh năm 1949, là một trong những nhà văn Algeria nổi tiếng nhất. Suốt nhiều năm, Sansal đã cảnh báo về hiểm họa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong các tác phẩm và tiểu luận của mình. Viết bằng tiếng Pháp, tiểu thuyết của ông đã nhận được nhiều giải thưởng ở Pháp, Đức. Tiểu thuyết mới của ông 2084 - Kết thúc thế giới (2084: The end of the world) (Gallimard ed., 2015) đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp.

Với tư tưởng phải đấu bằng tư tưởng, bằng triết học, bằng sự phát triển dân chủ, bằng những cách thức tiếp cận mới với việc thế tục hóa cuộc sống xã hội, tạo điều kiện cho việc hội nhập những cộng đồng Hồi giáo vào các xã hội châu Âu.

Vậy ông cho rằng phương Tây đang phạm sai lầm, thậm chí còn tạo điều kiện cho leo thang bạo lực?

- Đúng thế, tôi cho rằng xã hội phương Tây không đánh giá được vấn đề hội nhập của các cộng đồng Hồi giáo vào châu Âu. Họ ngỡ rằng đó là một quá trình đơn giản, diễn ra tự nhiên bởi họ sống ở phương Tây trong những điều kiện dân chủ và sung túc nhất định.

Người Hồi giáo cũng muốn có sự sung túc đó. Nhưng các cộng đồng Hồi giáo cũng có những yêu cầu đặc biệt không được chú ý đúng mức - những nhu cầu gắn với thế giới Hồi giáo. Đó chính là điều đã bị bỏ qua.

Trong khi đó phương Tây, tôi xin nói thẳng, đã bộc lộ mình không phải ở khía cạnh tốt đẹp nhất khi ủng hộ những nền độc tài của Trung, Cận Đông và ở Bắc Phi. Cho nên ngày nay xã hội phương Tây phải trả giá cho hậu quả chính sách thiển cận của mình.

Có người nói rằng những giá trị châu Âu đang lâm vào khủng hoảng, điều đó cũng có thể dẫn tới sự kích động bạo lực Hồi giáo. Ông nghĩ sao về điều này?

- Vâng, tôi tin là thế. Theo tôi, triết học khai sáng mà châu Âu theo đuổi suốt những thế kỷ qua đã bắt đầu lỗi thời.

Thứ nhất, chính phương Tây đánh mất sự tôn trọng đối với những giá trị và triết học khai sáng của chính mình. Thứ hai, toàn cầu hóa xóa nhòa những đặc điểm của các đất nước khác nhau và thay thế những giá trị chung của nhân loại bằng các quy luật thị trường - thông qua tiêu dùng, công nghiệp giải trí và sự thỏa mãn đơn thuần những nhu cầu vật chất...

Toàn cầu hóa đặt ra cho chúng ta những quy luật thị trường. Quảng cáo và tiếp thị hình thành nên hành vi đối ứng của chúng ta. Không còn tự do nữa. Những luật lệ toàn năng và rộng khắp hạn chế tự do công dân.

Tự do duy nhất mà chúng ta còn là chọn xem nên tuân theo chỉ thị này hay chỉ thị kia. Các tín đồ Hồi giáo trước khả năng đó đã quyết định thay vì tuân thủ luật lệ và thị trường, tốt nhất là chấp hành các chỉ dụ tôn giáo bởi tôn giáo hứa hẹn thiên đường. Ngoài ra, thánh chiến còn được xem như một cuộc phiêu lưu.

Ông có cho rằng có thể phục hồi những giá trị tự do và thế giới quan của phương Tây?

- Chắc chắn rồi. Trong thế giới Hồi giáo có từ mà người Hồi lặp lại hầu như mỗi ngày, mang đến cho họ sức mạnh: nahdha. Nó có nghĩa là phục hưng. Người Hồi giáo muốn tái sinh đế chế Ả Rập vĩ đại, một xã hội Hồi giáo Ả Rập, đạo Hồi và tinh thần tranh đấu.

Tôi nghĩ phương Tây cũng phải bắt đầu tiến trình này, có thể gọi là phục hưng, nhưng khác với những gì đã diễn ra ở châu Âu thế kỷ 15 và 16.

Nền tân phục hưng này có nghĩa là tái cấu trúc, hồi sinh, phục hồi những lý tưởng khai sáng, nghệ thuật và văn hóa. Để thực hiện điều đó, trước nhất cần thoát khỏi ở một mức độ nào đó những quy luật thị trường và toàn cầu hóa. Vấn đề là ở chỗ đó.

Có thể cần phải thành lập một châu Âu liên bang tôn trọng đặc thù mỗi đất nước thay vì chuẩn hóa tất cả. Công việc này cần phải được thực hiện, nhưng dường như chẳng ai làm cả. Ở môi trường đại học đang có những cuộc thảo luận về đề tài này, nhưng chưa có trong giới chính khách.

Trong thế giới Hồi giáo thì việc này đang được tiến hành và dường như họ làm không tệ. Nhưng các tay thánh chiến đã thực hiện điều này một cách kinh tởm. Còn phương Tây cứ ngủ yên, nghỉ ngơi trên vinh quang của mình và thay vì tư duy về tương lai, họ chỉ nghĩ về ở đây và lúc này.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận