LÁ RỪNG LÊN NGÔI

LÊ ĐỨC DỤC 24/08/2015 19:08 GMT+7

Từ nhiều năm nay, Quảng Trị là miền đất hành hương của nhiều người Việt đến thăm viếng, tưởng niệm bởi đây là vùng đất “cả những liệt sĩ Trường Sơn/cũng chọn nơi này làm đất sống”. Và trong hành trang quà cáp đặc sản mang về từ xứ này luôn có những gói cao thuốc nam giản dị nấu từ lá rừng, vừa là thức uống dân dã mà chữa bệnh, vừa là chút nghĩa tình gợi nhớ từ miền gió cát.

Lò nấu cao lá với những thùng chứa dung tích hàng trăm lít, phải mất vài ngày liên tục mới cô đặc được thành vài lít cao. Ảnh (Lê Đức Dục)

Vừa đưa thêm củi vào lò, bên trên là cái nồi với dung tích lên đến... 300 lít, chị Bảy (cơ sở sản xuất cao lá vằng Phú Hải) cho biết để có những gói cao cô đặc từ nồi nước lá này, chị phải thức... ba ngày đêm, hôm nay là ngày thứ ba, hai đêm rồi thức canh lửa nên hơi oải. Lá vằng nguyên liệu được mua từ những hộ dân làm nghề hái lá từ các vùng đồi Cam Lộ, Khe Sanh, Hải Lăng...

Mấy năm gần đây, do nguồn nguyên liệu cạn kiệt, lá vằng phải đặt mua từ tận Quảng Ngãi, Bình Định... Sau khi phơi khô, lá vằng được vận chuyển tới các hộ nấu cao lá trên địa bàn.

Thương hiệu... cao lá rừng

Theo anh Trần Phú Hải - chủ cơ sở nấu cao lá Phú Hải, trước đây khi nguồn nguyên liệu còn dồi dào, mỗi cân lá vằng khô anh mua với giá chỉ 15.000 đồng/kg, mấy năm trở lại đây lá vằng phải mua từ các tỉnh về, có khi giá lên 30.000 đồng/kg. Mỗi nồi cao dung tích 300 lít như thế này phải nấu chừng 35kg lá để được 5kg cao.

Nhưng để có được nồi cao lá vằng không đơn thuần chỉ đun cho cạn nồi nước là được. Sau khi đun nồi nước lá 300 lít cô lại còn chừng nửa nồi (150 lít) là phải xả nồi để hứng lấy 150 lít nước rồi dùng vải màn lọc hết tạp chất, lại nấu tiếp 150 lít nước lá kia để cô lại cho đến khi còn chừng 70 lít, lại lọc và nấu tiếp. Sau vài lần “sang nồi” như thế thì 300 lít nước lá vằng sẽ cô thành một khối đặc sánh chừng 5kg.

Giữa bát quái “trận đồ” thực phẩm chức năng, “hàng hiệu” cao lá rừng từ mảnh đất Quảng Trị giờ đây lại được thị trường ưa chuộng bởi nó xa lạ với hóa chất và đang thâm nhập thị trường đồ uống theo phương pháp “du kích”, bất chấp những thức uống khác được quảng cáo rầm rộ trên truyền thông. 

Cao được cho vào các túi chừng 50gram/túi, rồi đóng thành hộp 20 túi/kg, dán nhãn mác. Từ đây cao lá vằng không chỉ tiêu thụ trên thị trường miền Trung mà còn vào Nam ra Bắc với thương hiệu “cao lá vằng Quảng Trị” với các đại lý ở tận Hà Nội, Sài Gòn.

Trước đây, cao lá vằng chỉ được dùng như một loại thức uống dành cho sản phụ, nay trước nỗi âu lo về các căn bệnh thời đại như gout, mỡ máu... thì chè vằng với công dụng giảm béo, tiêu độc, kích thích tiêu hóa đang là thức uống bình dân, hiệu quả và được ưa chuộng.

Không chỉ nấu cao lá vằng, các hộ nấu cao từ lá đã bắt đầu “cao hóa” hàng chục loại lá rừng khác theo nguyên tắc “nam dược trị nam nhân” mà đại y sư Tuệ Tĩnh từng đề ra. Lò nấu cao lá vằng của anh Hải nay nấu thêm gần chục loại cao lá khác, mỗi loại có một công dụng khác.

Hiện sản phẩm được anh nấu có sản lượng cao nhất là cao “Diệp hạ châu”, dân gian hay gọi bằng cái tên nôm na là... cây chó đẻ. Gọi tên chữ là “diệp hạ châu” vì loài cây này có chuỗi trái (châu) nấp ở mặt dưới lá (diệp hạ).

Dân gian lâu nay chỉ dùng loại cây này nấu nước uống, nhưng không phải khi nào cũng có sẵn lá, chưa kể còn sơ chế, phơi phóng, đóng gói vất vả, trong khi với “thời đại bia rượu” đang hành hạ lá gan của hàng triệu người thì thay vì dùng những thực phẩm chức năng bổ gan, mát gan của Âu, Mỹ... cái cây mang tên diệp hạ châu này lại có công dụng khá rõ với việc bổ gan, hạ men gan.

Và cũng như lá vằng, thay vì dùng lá khô đun nấu cồng kềnh, những nồi lá này được nấu thành cao, đóng hộp với giá khá cao: 100.000 đồng/hộp 100gram. Để chữa bệnh dạ dày, có cao nấu từ lá “đung”, một loại lá rừng khá đắng, cao nấu từ cây lạc tiên (mắm nêm) chữa bệnh mất ngủ, an thần, cao lá rau má dùng để giải nhiệt, cao nấu từ lá kim tiền thảo chữa sỏi thận, cao nấu từ dây thìa canh chữa tiểu đường, để chữa xương khớp có cao nấu từ lá cỏ xước, cây vòi voi, lá lốt, cao hù thủ chữa tóc bạc sớm...

Hóa ra những cây cỏ quanh ta đều là những thuốc nam đúng tinh thần “nam dược trị nam nhân”, có thể chưa phải là thần dược, lại không công hiệu tức thời như thuốc tây, nhưng nguyên lý của nó chính là nguyên lý của ông bà để lại từ ngàn xưa: phòng bệnh hơn chữa bệnh!

Bà Ngô Thị Nam 75 tuổi, với thâm niên nấu cao lá gần 30 năm, đóng cao vào các lọ nhựa . Ảnh Lê Đức Dục

Lá rừng về phố

Quảng Trị giờ đây đang hình thành những vùng nấu cao lá thuốc như vùng Tân Lâm, thuộc km20 trên tuyến quốc lộ 9, vùng Cùa (gồm các xã Cam Nghĩa, Cam Chính, huyện Cam Lộ), vùng Hải Phú (huyện Hải Lăng, khu vực nhà thờ La Vang).

Và cùng với sự “ăn nên làm ra” của nghề này, việc phát triển nguồn nguyên liệu bắt đầu được lưu tâm. Chỉ riêng thôn Định Sơn (xã Cam Nghĩa), thủ phủ của nghề nấu cao lá vằng, toàn thôn có 150 hộ thì có đến 80 hộ có nghề nấu cao lá như thế này. Từ thôn Định Sơn, thấy nghề mới có triển vọng, thôn Nghĩa Phong bên cạnh cũng xuất hiện thêm nhiều hộ gia đình nấu cao lá, đến nay cả hai thôn có chừng hơn 100 hộ theo nghề. Số lò nấu nhiều, nhu cầu thị trường lớn nên nguồn nguyên liệu đầu vào đang là bài toán khó.

Thạc sĩ Lê Thái Hùng (Trường ĐH Nông lâm Huế) - người đang cùng cộng sự cộng tác với Hạt kiểm lâm Cam Lộ để nghiên cứu “Xây dựng mô hình phục hồi và phát triển cây chè vằng (Jasminum suptriplinerve Blume) trên một số dạng lập địa tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị” - cho biết địa bàn này có đặc trưng của vùng đồi rừng, giá trị kinh tế không cao, vì thế có thể nghiên cứu để thay thế nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất và chế biến cao lá vằng.

Trên địa bàn vốn là gốc của giống cây chè vằng tự nhiên, nếu có các nghiên cứu khoa học để tạo điều kiện phát triển giống cây bản địa trên diện tích rừng nghèo kiệt sẽ tăng thêm giá trị cho rừng, đồng thời chủ rừng có thêm thu nhập từ nguồn nguyên liệu này.

Ở vùng Cùa, nhiều hộ nấu cao lá rừng đã bắt đầu tự gầy dựng nguồn nguyên liệu cho mình như hộ bà Lê Thị Mịch (thôn Định Sơn, Cam Nghĩa, Cam Lộ) tự trồng cây chè vằng trong vườn nhà, thay vào những choái (trụ, nọc) hồ tiêu bị chết. Mỗi “choái vằng” thu hoạch 100kg/năm, tương đương 1 triệu/năm/choái. Với chừng 100 choái, chỉ riêng nguồn thu từ nguyên liệu tươi cũng đã đạt 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, đó mới là những tính toán trên giấy. Cùng với nhu cầu của thị trường, nhiều hộ nấu cao đã bắt đầu đặt mua nguồn nguyên liệu ở những vùng có khả năng cung cấp khối lượng lớn trong khi chờ đợi sự phát triển vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương.

Như nguyên liệu lá cây diệp hạ châu, nhiều hộ nấu loại cao này phải mua từ Diễn Châu, Nghệ An. Ở đó, cây diệp hạ châu được trồng thành ruộng, với giá bán 50.000 đồng/kg lá khô. Với công suất cỡ trung bình như lò cao của anh Hải thì mỗi tháng cũng có thể tiêu thụ gần 1 tấn lá khô nguyên liệu.

Sự quê mùa giản dị của những thức uống từ cao lá rừng vừa là một thứ thuốc nam nhưng cũng trĩu nặng một ký ức khó nghèo khi nhớ về cố xứ, nhiều Việt kiều ở Âu, Mỹ, khi về đây đều không quên mang theo những gói cao lá vằng sang xứ người, nhấp vị đắng đầu lưỡi và cái hậu ngòn ngọt là thấy cả một miền quê gió cát hiện về.

Cây lá vằng ở Cùa đang được nhân giống trong vườn để để đảm bảo nguồn nguyên liệu thay vì thu hái từ thiên nhiên. Ảnh Lê Đức Dục.

Trước khi nổi danh trên thị trường với hàng chục loại cao lá như hiện nay, khởi thủy lại từ cây lá vằng vốn mọc rất nhiều trên vùng đồi núi bán sơn địa của đất Quảng Trị. Và không như những loại lá khác, lá vằng lại gắn với một huyền tích tôn giáo: Thánh địa La Vang, một trung tâm hành hương ở cách thành cổ Quảng Trị chừng 4km về phía tây nam. La Vang vốn là một vùng đất được các con chiên trong vùng lánh nạn vào cuối thế kỷ 18, thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo. Các giáo dân khi lên vùng đồi này bị lam sơn chướng khí bệnh tật triền miên. Chính thời điểm ấy (năm 1798) Đức Mẹ hiển linh và bày cho họ loại lá rừng có nhiều ở đây nấu nước uống, quả nhiên bệnh khỏi, tật lui. Mang ơn Đức Mẹ, những người dân lấy tranh tre nứa lá dựng lên một nhà nguyện nhỏ trên miền đồi Lá Vằng, để rồi về sau, Lá Vằng được người Pháp ghi lại địa danh không có dấu nên Lá Vằng thành La Vang. Những giáo dân khi hành hương về La Vang luôn mang về những bó lá vằng để nấu nước uống, sau này để tiện cho việc vận chuyển, lá vằng được nhiều hộ dân vùng này chưng cất thành từng gói nhỏ gọi là “cao”, khi dùng chỉ cần cắt một miếng nhỏ hòa vào nước sôi để dùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận