Ma cau và vua sòng bài Stanley Ho: Khép lại một thời đại

ĐẶNG THÁI 10/06/2020 17:06 GMT+7

TTCT - Macau đã thay đổi ra sao với Stanley Ho?

Đúng 12h đêm 19-12-1999, quốc kỳ Bồ Đào Nha được kéo xuống tại khoảnh vườn phía bắc Trung tâm văn hóa Macau.

Trên lễ đài có mặt Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Thủ tướng Chu Dung Cơ, Tổng thống Bồ Đào Nha Jorge Sampaio, Thủ tướng António Guterres (nay là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc).

Tòa nhà hiện đại mới được khánh thành không đủ chỗ để tổ chức buổi lễ bàn giao chủ quyền của Macau; người ta phải dựng rạp trong sân vườn để có chỗ cho 2.500 khách mời chính thức, không kể truyền thông.

Vài phút sau, lá quốc kỳ Trung Quốc được kéo lên bay phấp phới, chính thức chấm dứt 442 năm cai trị của người Bồ Đào Nha trên mảnh đất này, khoảng thời gian mà so với các triều đại Trung Quốc thì chỉ ngắn hơn hai thời kỳ truyền thuyết Thương - Chu.

Quang cảnh buổi lễ trao trả Macau về Trung Quốc năm 1999.(Ảnh: SCMP)

Người Bồ Đào Nha đến Macau đây từ khi hải quân Anh hay Pháp mới có hơn chục chiếc thuyền buồm. Chỉ còn 11 ngày nữa là bước sang thế kỷ 21, Macau trở thành thuộc địa đầu tiên và cuối cùng của thực dân châu Âu tại châu Á. Cả hội trường phía dưới vang tiếng vỗ tay, nhất là từ phái đoàn Trung Quốc.

Ở hàng ghế đầu, một người đàn ông dong dỏng cao đứng trang nghiêm chào cờ, không vỗ tay. Ông là Stanley Ho, một người Hong Kong nắm vai trò quyết định trong cuộc chuyển giao lịch sử này.

Ngành dịch vụ chiếm đến hơn 90% cơ cấu kinh tế của Macau, gần như hoàn toàn phụ thuộc vào kinh doanh sòng bạc. Sau khi Hong Kong được người Anh xây dựng thành một trung tâm kinh tế, tài chính, cảng nước sâu trung chuyển người và hàng hóa, vị trí của Macau dần lu mờ.

Macau 1942 và Macau 2020. Ảnh: SCMP
Macau 1942 . Ảnh: SCMP

Người Bồ Đào Nha loay hoay và nghĩ ra phương án hợp pháp hóa việc đánh bạc để tạo nguồn thu. Đầu thế kỷ 20, đã có khoảng 200 sòng bài Fan Tan ở Macau, nhưng nhìn chung đấy vẫn chỉ là một “làng chài” với 70% dân số sống bằng nghề đánh cá.

Ngành kinh doanh casino chỉ thực sự khởi sắc khi Công ty Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau (STDM) của Stanley Ho thắng thầu giấy phép độc quyền kinh doanh mọi hình thức bài bạc tại Macau vào năm 1962.

STDM đã chuyên nghiệp hóa việc kinh doanh casino theo mô hình phương Tây, xây nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí sang trọng đi kèm casino, nâng cấp tuyến phà Macau - Hong Kong, kéo được hàng triệu người Hong Kong, từ tỉ phú đến người lao động, ngày ngày vượt biển sang Macau đánh bạc.

Doanh thu của STDM lớn đến mức hơn một nửa tổng thu ngân sách của chính quyền Macau là từ tiền thuế của họ và công ty được gọi là “tập đoàn nhà nước”.

Stanley Ho (hay Stanley Hà) tên thật là Hà Hồng Sân, người Ma Cao gọi thân mật là “Anh Sân”, người phương Tây gọi là “Vua sòng bài”, Chính quyền Hồng Kông và Ma Cao gọi là “Tiến sĩ Stanley Hà”, còn giang hồ thì đồn đại ông là “Vua Ma Cao” hay “Toàn Quyền ngầm của Ma Cao”.

Năm 2001, chính quyền Ma Cao (lúc này đã “một nước, hai chế độ” nhưng vẫn duy trì cá cược hợp pháp) chính thức mở cửa ngành kinh doanh cá cược cho các nhà đầu tư quốc tế sau gần 40 năm Stanley Ho nắm thế độc quyền.

Stanley Ho trả lời phỏng vấn báo chí về sự kiện ấy đã có nói: “Ma Cao đã cho tôi quá nhiều. Khi đặt chân đến đây tôi có 10 đô-la Hồng Kông trong túi, vậy mà đã trở thành một triệu phú khi mới 20 tuổi đầu”.

Đây là ông đang nhắc lại câu chuyện chàng trai trẻ Stanley chân ướt chân ráo đến Ma Cao lánh nạn vì Quân đội đế quốc Nhật đã tấn công Hồng Kông vào ngày 8/12/1941 cùng buổi sáng Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ bị oanh tạc.

Anh sinh viên năm ba 20 tuổi mới nhận được học bổng của Đại học Hồng Kông, tưởng đã tìm thấy một lối thoát cho cảnh nghèo túng thì nay việc học lại đứt gánh. Bố anh bị vỡ nợ đã bỏ của chạy lấy người từ nhiều năm trước. Khi xưa, ông nội anh đã sang tận Hải Phòng, bên Đông Dương khởi nghiệp với chân thư ký và phiên dịch của hãng vận tải, anh biết rằng mình cũng phải đi Ma Cao để tìm đường sống, có điều ông nội khi ấy may hơn anh: đã tốt nghiệp đại học.

Chàng Stanley lai Tây đẹp trai cao ráo nhưng mỗi khi có một cô gái Ma Cao bắt chuyện là anh phải lảng tránh vì mặc cảm và cả thực tế là không có một xu mời người ta uống nước.

Nhưng sự đời là chuyện “tái ông thất mã”, Stanley vào làm nhân viên cho một công ty xuất nhập khẩu của người Nhật và nhanh chóng tham gia vào đường dây đánh quả hàng xa xỉ vào Trung Hoa Dân Quốc từ Ma Cao trung lập, thời chiến mà, buôn gì cũng lãi, mà lãi gấp năm gấp mười, chỉ cần liều. Sang năm 1943, Stanley đã thành ông chủ trẻ của công ty buôn dầu hỏa và một công ty xây dựng.

Người kinh doanh hơn nhau ở chỗ nắm bắt cơ hội, Stanley đã nhanh chóng thành tỉ phú đôla nhờ kinh doanh ở những nơi người khác chần chừ: buôn bán với Trung Quốc khi nước này bị Liên Hiệp Quốc cấm vận vì chiến tranh Triều Tiên, cung cấp hàng trong chiến tranh liên Triều, bỏ thầu 410.000 đôla cho việc phát triển casino ở Macau từ một vùng hoang vu, mở casino đầu tiên ở Việt Nam (tại Đồ Sơn năm 1994), mở casino ở Triều Tiên, Đông Timor và Philippines, đón đầu dòng khách đại lục khổng lồ sang Macau...

Xuất thân của ông cũng quan trọng. Họ Hà là một trong tứ đại gia tộc ở Hong Kong. Để cả một dòng họ thành đạt, không thể trông chờ vào một cá nhân hay một bộ gen trác tuyệt, mà là do việc trao truyền những kiến thức và của cải qua nhiều thế hệ. Với Stanley, mô hình Trung Hoa truyền thống là lý tưởng để quản lý một gia sản khổng lồ, càng nhiều giỏ để bỏ trứng càng yên tâm.

Forbes ước lượng tài sản của “Stanley Ho và gia đình” vào khoảng 2,5 tỉ đôla, nhưng “của ngon, nhà đông con cũng hết”, những chuyện kiện tụng tranh giành tài sản của nhà họ Hà cũng ầm ĩ và phức tạp chẳng khác gì phim truyền hình dài tập TVB.

Chuyện tề gia của Stanley chỉ tạm ngưng khi ông bị tai biến năm 2009, tài sản lớn chuyển hết cho các con bà hai. Nhưng đàm tiếu về họ Hà chẳng bao giờ hết sôi nổi khi các con ông tham gia tích cực trong giới nghệ thuật và giải trí, rồi lại kết hôn với chính những người nổi tiếng.

Bản thân Stanley cũng là người mê nghệ thuật, nhưng đam mê được khéo léo lồng vào các quan hệ chính trị, như việc ông hiến tặng Nhà nước Trung Quốc bức tranh giá 1 triệu bảng Anh vẽ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương ký hiệp ước về Hong Kong, hay hai trong 12 đầu con giáp bằng đồng trị giá 9 triệu đôla bị lính Anh - Pháp cướp đi từ Viên Minh Viên.

Bức tượng đầu ngựa bằng đồng đỏ đã được Stanley Ho mua lại từ một phiên đấu giá trên sàn Sotheby's năm 2007 và tặng lại cho nhà nước Trung Quốc (Ảnh:  China News Service)

Những món quà đó góp phần quan trọng khiến giờ Stanley được Bắc Kinh gọi là người Hoa yêu nước.

Nhưng dù Stanley yêu ai, hay yêu cái gì, thì cái chết của ông cũng đã đánh dấu chấm hết cho một thế hệ đã làm giàu “bạt mạng”, “không biết đến ngày mai”, và cả một thời đại, ở Macau.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận