Nhân chứng sống cho sự thay đổi của hành tinh

HIẾU THẢO 03/11/2020 05:20 GMT+7

TTCT - Trong giới hạn trăm năm sinh tồn, một con người liệu có thể kinh qua bao nhiêu trải nghiệm, bao nhiêu cuộc hành trình để tạm gọi là hiểu về hành tinh mình sinh sống cả đời ở đó? Nếu chỉ chú trọng vào việc sinh tồn sao cho chất lượng, liệu con người có ý thức được sự tồn tại của mình đang ảnh hưởng như thế nào đến các giống loài khác đang cùng tồn tại trên Trái đất này? David Attenborough đã dành phần lớn cuộc đời gần một thế kỷ của mình để say mê tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Cách thể hiện gần gũi với thiên nhiên đặc trưng trong các phim tài liệu của David Attenborough.

Sir David Attenborough (ông được Nữ hoàng Anh Elizabeth ll phong tước Hiệp sĩ năm 1985) là một nhà tự nhiên học và nhân vật truyền thông danh giá người Anh chuyên nghiên cứu và trình bày các chương trình phim tài liệu về thiên nhiên. Ông vừa đón sinh nhật tuổi 94 hồi tháng 5-2020.

Gần 100 năm tuổi đời, Attenborough đã có sự nghiệp trải dài 60 năm kết nối mọi người với những điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên, đưa con người, động vật và môi trường sống ở những vùng đất xa xôi vào phòng khách của các gia đình trên khắp hành tinh thông qua những bộ phim của mình.

Đam mê mạnh mẽ

Cậu bé Attenborough đã dành cả thời thơ ấu của mình để thu thập hóa thạch, đá, các mẫu vật tự nhiên và tự hào khoe với bạn bè “bảo tàng” của mình. Attenborough giành được học bổng đến Cao đẳng Clare, Cambridge vào năm 1945 để học về nghiên cứu địa chất, động vật học sau đó lấy bằng khoa học tự nhiên và có thời gian phục vụ trong Hải quân Hoàng gia.

Vào những năm 1940, Attenborough làm biên tập viên cho một nhà xuất bản giáo dục cho trẻ em rồi nộp đơn xin vào vị trí phát thanh viên cho Hãng thông tấn BBC nhưng không thành công. Tuy nhiên, sau đó ông được mời làm nhà sản xuất cho đơn vị phát thanh truyền hình thực tế trong mạng lưới truyền hình mới nổi của BBC.

Một trong những chương trình đầu tiên mà ông phụ trách là Zoo Quest - một show truyền hình khám phá những loài động vật mới kỳ lạ trong môi trường sống của chúng và đưa chúng trở lại Sở thú London. Attenborough đảm nhận vai trò dẫn chương trình vào năm 1954 khi người phụ trách khu nuôi bò sát của vườn thú bất ngờ bị ốm.

Mong muốn mạnh mẽ của nhà tự nhiên học này là có thể giới thiệu đến khán giả các loài động vật trong trạng thái và môi trường sống tự nhiên của chúng; chính điều này đã tạo nên xu hướng trình bày tả thực trong các chương trình truyền hình của BBC từ thuở ban sơ và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Trong vòng mười năm sau đó, có giai đoạn Attenborough từ chức để theo học nhân loại học xã hội nhưng rồi cũng bỏ dở để quay trở lại BBC đảm trách vai trò quản lý. Ông thực hiện một loạt chương trình đa dạng bao gồm các phim hài như Monty Python's Flying Circus và một chương trình khảo cổ có tên Chronicle. Hợp đồng lúc đó cho phép ông có thời gian riêng để sản xuất và trình bày các dự án cá nhân của mình.

Vào năm 1969, ông được thăng chức làm giám đốc chương trình cho cả hai kênh BBC mà ông phụ trách, tuy nhiên vị trí mới khiến ông không thể tiếp tục trực tiếp sáng tạo nội dung được nữa. Trong vòng vài năm sau, Attenborough quyết định rời khỏi Đài BBC và tập trung làm phim tài liệu.

David Attenborough đã dành cả đời theo đúng nghĩa đen cho thế giới tự nhiên. Ảnh: radiotimes.com

60 năm gắn với thiên nhiên

Attenborough bắt đầu làm phim tài liệu về thiên nhiên vào đầu những năm 1950. David Attenborough đã sản xuất, viết, tường thuật và trình bày trước công chúng hơn 100 bộ phim tài liệu trong suốt cuộc đời mình. Mỗi tác phẩm hoàn thiện nối tiếp nhau đều đẩy ranh giới của nhiếp ảnh động vật hoang dã và quay phim lên một nấc thang mới.

Khi sự nghiệp của ông thăng hoa và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng hơn thì trớ trêu thay, thế giới hoang dã bắt đầu biến mất và khí nhà kính bắt đầu ngập ngụa khắp hành tinh. Những khu rừng nhiệt đới bị san bằng, những đám san hô trắng toát lan rộng, các thềm sông băng thu nhỏ lại và những đống đổ nát do tác động của nông nghiệp và công nghiệp xuất hiện khắp nơi trên thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC năm 1997, Attenborough được hỏi liệu con người có đang hành động đủ vì môi trường chưa? Ông trả lời: “Không, tất nhiên là chưa đủ. Làm sao có nhà tự nhiên học nào có thể ngồi đây và nói rằng chúng tôi đã làm đủ rồi. Những gì loài người chúng ta đang làm chỉ là tiếp tục gây ra thêm nhiều tổn thất hơn cho môi trường mà thôi”.

Sáu thập kỷ gắn bó với nghề và mang thiên nhiên hoang dã đến gần với con người hơn giúp ông có được tiếng nói trên nhiều lĩnh vực có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng những bộ phim về mẹ thiên nhiên của Attenborough quá tươi sáng và không thể tạo được hiệu ứng thay đổi đáng kể lên nhận thức của dư luận, công chúng có thể học được rất nhiều điều về tự nhiên nhưng lại rất ít về những gì đang thực sự xảy ra với nó.

Phải đến bộ phim mới nhất A Life On Our Planet (Một cuộc sống trên hành tinh của chúng ta), khi đã ở tuổi 94, Attenborough mới hồi tưởng về quãng thời gian của mình trên Trái đất và chuyển trọng tâm, từ bày ra vẻ đẹp của thiên nhiên sang sự tàn phá thiên nhiên. Bộ phim (bắt đầu chiếu trên Netflix vào tháng 9) mở đầu và kết thúc đều với cảnh Attenborough ở Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tàn khốc cách đây 34 năm, và đề cập các vấn đề như biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường trầm trọng.

Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao mãi đến năm 2020 một bộ phim đáng giá như A Life On Our Planet mới được trình làng? Nếu nó xuất hiện sớm hơn từ những năm đầu thế kỷ 20 liệu có phải nhân loại đã có thể nhanh tay hành động sớm hơn không?

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, Attenborough từng chia sẻ ông tin rằng quá nhiều thông điệp nghiệt ngã kiểu “báo động” về hành tinh này sẽ chỉ khiến người xem “tắt đài” nhanh hơn thôi. A Life On Our Planet cho thấy ông đã nghĩ khác và cố gắng “sửa sai” bằng cách đi sâu vào ngày tận thế và đề xuất một số giải pháp.

Attenborough kỳ vọng sau bộ phim này, nhân loại có thể bắt đầu nghiêm túc nghĩ về chuyện làm hồi sinh lại hành tinh xinh đẹp mà chúng ta đang phá hủy và tận diệt trong nhiều thế kỷ qua.■               

Ảnh cắt từ một bộ phim của David Attenborough

Những loạt phim nổi bật của David Attenborough

Life on Earth (Cuộc sống trên Trái đất) được thực hiện trong 3 năm và đưa David Attenborough trở thành một cái tên quen thuộc với công chúng sau khi phát hành vào năm 1979. Series được khán giả đánh giá cao về cách kể chuyện đầy chất điện ảnh. Bảy tập phim tài liệu tương tự được tiếp tục thực hiện trong những năm sau đó.

The Private life of Plants (Cuộc sống riêng tư của cây cỏ) được phát hành vào năm 1995 với 6 tập giới thiệu vòng đời của nhiều loài thực vật khác nhau trên khắp thế giới. Loạt phim này nổi bật với việc khéo léo vận dụng tính năng chụp ảnh chuyển động chậm, cho phép người xem chứng kiến những thay đổi dần dần trong quá trình sinh trưởng của thực vật, một điều mà khán giả màn ảnh nhỏ chưa từng được trải nghiệm trước đây.

Planet Earth (Hành tinh Trái đất), phát hành với chất lượng hình ảnh có độ sắc nét cao vào năm 2006, là bộ phim tài liệu về thiên nhiên đắt giá nhất của BBC tính đến thời điểm nó được thực hiện.

Ảnh: Netflix

Chat với David Attenborough

(trích phỏng vấn của The Guardian năm 2010)

Ông hi vọng các nhà khoa học sẽ giải quyết được vấn đề gì vào cuối thế kỷ này?

- Sản xuất năng lượng mà không gây ra bất kỳ tác động có hại nào. Vấn đề là có thể sau đó loài người chúng ta lại ý thức được rằng mình quá quyền lực, sẽ lại không có sự kiềm chế và chúng ta sẽ lại tiếp tục phá hủy mọi thứ. Năng lượng mặt trời sẽ tốt hơn năng lượng hạt nhân. Nếu bạn có thể khai thác nó để khử muối, bạn có thể làm cho sa mạc Sahara nở hoa.

Ông có nhớ khoảnh khắc ông quyết định trở thành một nhà khoa học không?

- Tôi là một nhà tự nhiên học hơn là một nhà khoa học. Đối với tôi, chỉ đơn giản là nhìn vào một bông hoa hoặc một con ếch thì tôi thấy thú vị. Người khác cho rằng con người khá thú vị, nhưng khi còn nhỏ bạn sẽ tò mò cách một ấu trùng chuồn chuồn biến thành chuồn chuồn hơn chứ.

Khoảnh khắc thú vị nhất trong sự nghiệp của ông là gì?

- Đó là lần đầu tiên tôi lặn trên một rặng san hô, di chuyển giữa một thế giới phức tạp chưa được khám phá.

Ông có tin rằng có sự sống ở hành tinh khác?

- Không, không hẳn. Đó là một giả thuyết thú vị. Nhưng tại sao tôi lại muốn đến sống trên Mặt trăng khi tôi có Trái đất này nơi có những con lửng, những con xô, sứa và san hô? Đâu có gì khác ở trên kia ngoài cát bụi. Chà, cảm ơn rất nhiều, nhưng tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở và ngắm chim ruồi thôi.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận