Những câu hỏi 36 giờ sau khủng bố

NGUYỄN VŨ PHÚC THỤ 
 25/11/2015 22:11 GMT+7

TTCT - LTS: Được sự cho phép của các tác giả, “Câu chuyện cuộc sống” số này giới thiệu bài viết từ trang Facebook của bạn Nguyễn Vũ Phúc Thụ, sinh viên ngành hóa sinh (Đại học Duke, Hoa Kỳ), về những ứng xử trên mạng xã hội của các bạn trẻ sau vụ tấn công khủng bố vào nước Pháp.

Một trong những hình ảnh được cư dân mạng sử dụng làm avatar -AP
Một trong những hình ảnh được cư dân mạng sử dụng làm avatar -AP

Cuộc tranh luận sự kiện khủng bố gây chấn động tại Paris vào ngày 13-11-2015 bắt đầu chậm lại. Sự khủng khiếp, thương tâm của sự kiện thì ai cũng đã biết. Tôi xin tóm tắt lại một số câu hỏi lớn mà chúng ta đã đặt cho nhau trong 36 giờ sau cuộc tấn công.

Trách nhiệm giáo dục chính mình

Câu hỏi đầu tiên: Ai chịu trách nhiệm hành động khủng bố này? Đương nhiên là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS), nhưng cụ thể hơn, những người nhập cư từ Syria và tương tự có chịu phần lỗi trong đó không? Chính sách nhập cư của các nước khối châu Âu có phải là căn cơ không và có cần thay đổi không?

Theo tôi, cụm chủ đề này mang tính toàn cầu và vĩ mô, và xuất hiện rất nhiều ở các trang báo nước ngoài. Trên trang Facebook, các bạn Việt Nam chúng ta bàn về vấn đề này rất ít, hoặc có bàn thì có bạn đổ trách nhiệm cho phía người nhập cư và Hồi giáo.

Cá nhân tôi từng sống chung với người đạo Hồi và có nhiều người bạn đến từ những vùng đất này. Thật khó cho những bạn chưa bao giờ tiếp xúc với người có đạo Hồi hoặc đến từ Trung Đông để có một cái nhìn đúng đắn, toàn vẹn về họ. Bạn có nhớ cảm giác tức giận của bản thân khi biết nhiều người Mỹ nghĩ về Việt Nam hiện nay vẫn là một vùng đất hoang tàn sau chiến tranh, và tất cả những gì chúng ta có là đồng lúa và đồi núi? Nếu bạn nhớ cảm giác ấy thì hãy nhớ rằng những gì các bạn biết về Hồi giáo và Trung Đông cũng là chỉ thông qua những lớp kính chắt lọc không trọn vẹn của truyền thông như vậy.

Về chủ đề này, bạn Hoàng Phong, sinh viên Trường Cornell University, viết:

“Khủng bố mục đích chính không phải là để giết người. 160 người chết là một thảm kịch, nhưng ăn thua gì so với chiến tranh thật sự? Không, khủng bố mục đích chính là để gieo rắc sợ hãi và hận thù. Chiến tranh gây ra sợ hãi và thù hận, những khủng bố được - thiết - kế để khiến những người không trực tiếp tham chiến cũng sợ và cũng hận thù.

Hàng triệu người đạo Hồi đang sống trong hòa bình trên khắp thế giới. Họ cũng như bạn, như tôi, như bố mẹ anh chị em các bạn. Đa số họ không cực đoan. Ở mỗi nước họ lại có những cách theo đạo Hồi riêng, và trên đó là những phong tục tập quán riêng... Tôi có những người bạn theo đạo Hồi, một số họ là những người tử tế và tốt bụng nhất tôi từng gặp. Thiếu hiểu biết dẫn đến sợ hãi, sợ hãi dẫn đến thù hằn, thù hằn dẫn đến bạo lực. Thù ghét đạo Hồi một cách thiếu hiểu biết chính là chịu thua bọn khủng bố và tiếp tay cho chúng.

Nhưng tệ hại nhất là những người đang đổ tội lên những người tị nạn Syria. Họ đang CHẠY TRỐN khỏi ISIS, những kẻ khủng bố hôm qua. Hôm qua, các bạn được chứng kiến những điều họ phải thấy hằng ngày, hoặc thậm chí nhiều lần trong ngày.

Các bạn đang để #prayforparis, thật là một nghĩa cử đẹp. Nhưng hãy lên Humans of New York mà đọc câu chuyện của những người tị nạn Syria và hãy cầu nguyện cả cho họ nữa” (www.facebook.com/hoang.phong.94/posts/10201056593653941).

Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bạn Phạm Anh Thư, hiện đang làm việc tại TP.HCM. Nếu bạn chưa biết Anh Thư thì cũng có thể Google để đọc vài bài báo để biết Anh Thư đã đi xa, đi nhiều thế nào, nên những gì Thư nói về con người Trung Đông là đáng suy nghĩ (www.facebook.com/athu.pham/posts/10153448978819475).

Câu hỏi số 2: Về lòng nhân đạo có chọn lọc (tạm dịch từ: Selective humanity) và các vấn đề tương tự. Tức là tại sao truyền thông thế giới và xã hội đại chúng lại thương cảm hơn cho Paris, trong khi có Beirut, Baghdad, máy bay Nga... và hàng ngàn người khác ngã xuống ngày hôm qua và mỗi ngày lại không có được sự chú ý và đồng cảm như vậy? Tại sao chúng ta thương cảm với sự kiện này mà vô cảm với sự kiện khác? Ở đây có bạn nói về vai trò của truyền thông khi định hướng chúng ta hướng về lương tri hay sinh mạng của những người ở nước này hơn nước khác.

Theo tôi, việc truyền thông bị thiên vị và có tính chính trị hóa là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa”, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đồng tình với nó và cho qua. Nhưng bạn có biết có điều gì cũng “bình thường như cân đường hộp sữa” nữa không? Là sự thiên vị và cảm xúc hóa trong mối quan tâm của con người. Và tương tự, chỉ vì nó bình thường không có nghĩa là nó không đáng để thảo luận và suy nghĩ.

Tôi chân thành nghĩ: Mạng sống nào cũng vô giá như nhau, hẳn là vậy. Một con người nằm xuống là một gia đình đau thương, là một cuộc đời chưa được đi hết cho trọn vẹn. Là con người bị cảm xúc chi phối, chúng ta đều có quyền được yêu thương và đồng cảm với một sự kiện này hơn là sự kiện khác, cho người này hơn người khác. Bạn không thể hỏi tại sao tôi khóc cho người thân của tôi mất vì ung thư mà không khóc cho người dưng. Tuy nhiên, vì cũng là những người có lòng tự trọng và có học, chúng ta có trách nhiệm phải giáo dục chính mình về những vấn đề của địa phương, đất nước, khu vực và thế giới.

- Khủng bố có mục đích căn cơ là gì?

- Tại sao một hành động khủng bố diễn ra giữa một rạp hát hay nhà hàng thì lại bất an hơn là một quả bom cũng giết nhiêu đó người ở vùng chiến tranh?

- Tại sao khủng bố một đất nước có ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và văn hóa như Mỹ (2001), Tây Ban Nha (2004), Anh (2005) hay Pháp (2015) thì lại có sức trọng?

- Ai có tội, ai vô tội, hay hỏi đúng hơn là ai có tội gì và ai vô tội gì về sự tồn tại và bành trướng của tổ chức ISIS? Tại sao các cường quốc thế giới vẫn chưa làm gì triệt để?

Trào lưu hay chân thành?

Sau cùng, chính là chủ đề có sức nóng nhất trên mạng xã hội trong 36 giờ qua, câu hỏi thứ ba: Đăng hashtag #prayforParis, đổi profile photo, bày tỏ tình cảm và chia sẻ thông tin là những sự quan tâm, tình cảm chính đáng của chúng ta, hay đó là sự giả tạo, mưu cầu nổi tiếng ảo, là thiếu suy nghĩ và chín chắn?

Cá nhân tôi nghĩ có hai cách dùng Facebook:

(1) Facebook như một nơi để bộc lộ cảm xúc và ghi lại buồn vui mỗi ngày.

(2) Facebook như một cơ quan ngôn luận cá nhân, nơi chia sẻ quan điểm sâu sắc.

Với một người chuyên dùng ngôn luận, họ có thể không hiểu rằng những người phía kia đăng tấm hình đứng trước tháp Eiffel chỉ là vì họ từng đến Paris, từng yêu thành phố ấy, và giờ đây khi Paris có chuyện, họ nhớ lại những giây phút bình yên năm nào và thương cảm chốc lát.

Chỉ là họ không nghĩ họ có nghĩa vụ phải tìm hiểu và tham luận thời sự trên trang Facebook này - đối với họ, đây không phải là nơi để làm như vậy. Và ngược lại, những người dùng Facebook rất nhẹ nhàng ấy cũng đôi khi khó hiểu tại sao người phía kia lại triết lý hóa mọi việc, quan trọng hóa mọi chủ đề? Tại sao tôi dù không ở Paris nhưng buồn cho Paris thì không được nói ra? Facebook tôi mà, tôi muốn nói gì thì tôi nói chứ?

Và tôi nghĩ cách dùng Facebook nào cũng hợp lý cả. Họ chỉ đăng hình và hashtag, không có nghĩa là họ không vừa gọi điện cho người thân và bạn bè ở Paris để hỏi thăm và chia sẻ. Họ không nói gì trên timeline, không có nghĩa họ không im lặng đọc báo chí và suy ngẫm về thời sự thế giới. Nếu chúng ta giữ được điều này trong lý trí khi lướt newsfeed Facebook, chúng ta sẽ tránh được sự đánh giá, phán xét nhiều lắm!

Quay trở lại vấn đề trào lưu hay chân thành, mời các bạn cùng suy nghĩ về hai bài viết sau.

Đầu tiên là bài viết của bạn Nguyễn Siêu, hiện đang học tại Vassar College. Người ta nên làm điều đúng với một động cơ sai, hay không làm điều đúng nếu không có động cơ đúng?

“Đây là thời khắc khủng hoảng, và cái lõi hiện tượng nằm ở thời khắc hiện tại. Cuộc sống có hai trục không gian - thời gian. Mặc dù bạn không ở Paris, không có nhiều bạn bè, người thân ở Paris, không “kết nối” với Paris ở trục KHÔNG GIAN, thì tất cả chúng ta, những người đã sống trong ngày 13-11-2015 đều kết nối với Paris ở trục THỜI GIAN.

Vì thế, việc chia sẻ và cảm thông trong thời điểm này, kể cả một người không có mối liên hệ nào với Paris, là điều hiểu được. Việc share hashtag PrayForParis là điều hiểu được. Việc đổi profile picture là điều hiểu được.

Thứ hai, cũng khó có thể đổ lỗi cho sự phụ thuộc thái quá vào mạng xã hội. Facebook đang trở thành thế giới thứ hai, nơi mà các mối liên hệ còn nhiều tương tác hơn ngoài đời thật... Mà Facebook đâu có chức năng ĐỌC VỊ LƯƠNG TÂM để mà nói bạn quan tâm thật hay không. Thế nên việc phán xét mọi người trong thời điểm khủng hoảng là hơi phiến diện.

Chiều hôm qua, chị phụ trách thực tập dặn về sớm vì thành phố đang hoảng sợ sau những gì đã xảy ra ở Paris. Ra đường mới thấy Lafayette Street không có một bóng người, subway số 6 vắng tanh. Chiều một ngày thứ sáu, chưa bao giờ New York chết lặng như thế này. Cảm giác kinh hoàng lan từ châu Âu sang cả ở đây, mặc dù có phải ai ở New York cũng có mối liên hệ với Paris?

Sống trong một thời khắc thật sự phức tạp như thế này, hãy để nó qua đi đã rồi hãy phân tích một cách bác học” (www.facebook.com/sieu.nguyen/posts/1079318388744978).

Cuối cùng là bài viết của bạn Trần Khánh Linh (đang học tại Oberlin College - Ohio, Hoa Kỳ).

“...Phản ứng của nhiều người trong vụ thảm sát này cũng nhắc mình nhớ tới vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1, hay việc Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính mùa hè này.

Mình nhớ đọc ở đâu đó, có bạn viết status với hashtag # JesuisCharlie, nhưng ở dưới lại comment là “thôi chết bớt đi cũng được, mấy năm nữa đông quá lại chả có đất sống”... Hay vô số bạn để ảnh màu cầu vồng, đại diện cho màu cờ của người đồng tính để ủng hộ đạo luật mới của Mỹ, nhưng khi có người hỏi cái này có ý nghĩa gì thì câu trả lời của bạn ý là “thấy hay thì để”.

...Vụ khủng bố này trở thành tâm điểm vì nó là sự tấn công trên diện rộng tại bảy địa điểm trên cả thành phố, thiệt hại nặng nề về tính mạng, và đặc biệt vì nó xảy ra ở Paris - điểm đến mơ ước của cả triệu người.

Hãy thương tiếc cho cơn ác mộng của họ, nhưng cũng đừng quên rằng mới cuối tháng trước, Isis đánh bom giết hại 224 hành khách Nga trên chuyến bay từ Ai Cập, hay vừa ngày hôm qua, 43 người thiệt mạng, 200 người bị thương trong trận đánh bom của Isis tại Beirut, Libăng.

Bên cạnh đó là vô vàn, vô vàn thảm họa khác đang xảy ra bên thềm tâm điểm của truyền thông. Nếu bạn thật sự muốn nắm bắt tình hình và sau nữa là tạo ra sự thay đổi, đừng đợi đến khi tất cả mọi người đều post một cái hashtag trên Facebook thì mới quan tâm nó là gì. Hãy tự chủ động tìm hiểu và đào sâu để cung cấp tin tức cho bản thân mình và trở thành một công dân toàn cầu” (daylalinh.wordpress.com/2015/11/14/long-nhan-ai-hay-trao-luu-nhat-thoi/).

Mong các bạn có đủ chất liệu suy nghĩ trước khi bước vào... cơn bão mạng xã hội tiếp theo!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận