Oxy - điều bị bỏ quên trong đại dịch

YÊN LAM 08/05/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Trong đại dịch COVID-19, cả thế giới hướng sự quan tâm đến khẩu trang, máy thở, xét nghiệm, và cuối cùng là vaccine; ít ai để ý đến oxy y tế, thứ rẻ tiền và sẵn có ở các nước giàu, nhưng lại cực kỳ thiếu ở nhiều nơi khác. Tất cả giật mình khi một cuộc khủng hoảng ngạt thở theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng xảy ra ở Ấn Độ.

 
 Một người Ấn Độ đau khổ trước dãy bình oxy rỗng. Ảnh: Reuters

Trong đại dịch COVID-19, cả thế giới hướng sự quan tâm đến khẩu trang, máy thở, xét nghiệm, và cuối cùng là vaccine; ít ai để ý đến oxy y tế, thứ rẻ tiền và sẵn có ở các nước giàu, nhưng lại cực kỳ thiếu ở nhiều nơi khác. Tất cả giật mình khi một cuộc khủng hoảng ngạt thở theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng xảy ra ở Ấn Độ.

Kevin Watkins, giám đốc Tổ chức Save the Children, bức xúc cho rằng cuộc khủng hoảng oxy y tế này lẽ ra đã có thể thấy từ trước vì trẻ em châu Phi bị viêm phổi nhiều năm qua vẫn thiệt mạng vì không có oxy để điều trị. Giờ thì nguồn cung đã ít đó lại còn phải san sẻ với bệnh nhân COVID-19.

Khi không thể nhập viện và dùng máy thở, các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà cần có bình oxy di động để thở được và duy trì sự sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 5 bệnh nhân COVID-19 thì có 1 người cần oxy y tế để giữ nồng độ oxy trong máu không xuống mức nguy hiểm.

“Nếu lượng oxy giảm xuống và ở mức thấp trong thời gian dài mà không được can thiệp... các nội tạng sẽ bắt đầu suy chức năng” - bác sĩ Janet Diaz đến từ WHO nói với trang ABC News (Úc).

Theo Unitaid, sáng kiến toàn cầu giúp các nước thu nhập thấp và trung bình giải quyết các thách thức y tế cộng đồng, nguyên nhân của việc thiếu nguồn cung oxy y tế là do giá cao, hạ tầng hạn chế và các khó khăn trong vận chuyển, bảo quản.

Trong không khí ta hít thở chỉ có 21% là oxy. Oxy dùng cho mục đích y tế được tạo thông qua quá trình hóa lỏng không khí, chưng cất, phân tách và thu lấy oxy tinh khiết. Một cách khác là dùng máy tạo oxy, thiết bị tập trung oxy từ không khí xung quanh, và cuối cùng là phương pháp hấp thụ PSA - dùng vật liệu để hấp thụ oxy từ không khí.

Oxy thu được sẽ được lưu trữ trong các bình và bồn chứa ở thể khí dưới áp suất hoặc ở dạng lỏng trong các bồn đông lạnh ở nhiệt độ rất thấp.

Viết trên The Conversation, tiến sĩ David Fairen-Jimenez (Đại học Cambridge) cho rằng các nước đang phát triển thiếu hạ tầng cho cả việc sản xuất oxy lỏng lẫn vận chuyển chúng đến bệnh viện một cách an toàn và ít tốn kém.

Đây chính xác là vấn đề của Ấn Độ. Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia cho biết quốc gia 1,3 tỉ dân sản xuất được hơn 7.000 tấn oxy mỗi ngày, chủ yếu là cho mục đích công nghiệp nhưng có thể chuyển đổi thành oxy y tế. Nút thắt cổ chai là chuyện vận chuyển và lưu trữ. 

Ấn Độ thiếu các bồn đông lạnh để chuyển oxy lỏng ở nhiệt độ cực thấp (-182oC) đến các điểm phân phối, nơi chúng được chuyển thành khí và nạp vào các bình như bình gas nấu ăn.

Các bình này, khi đã nạp đầy cần được vận chuyển bằng đường bộ để đảm bảo an toàn. Vấn đề là đa số các nhà sản xuất oxy ở Ấn nằm ở miền đông, trong khi nhu cầu oxy y tế cao nhất lại ở các thành phố phía tây (gồm trung tâm tài chính Mumbai) và phía bắc (thủ đô New Delhi).

Trong khi đó, nhiều bệnh viện không có sẵn nhà máy PSA vì hạ tầng kém, thiếu chuyên gia lẫn kinh phí vận hành. Tất cả dẫn đến những cảnh đau lòng ở Ấn Độ khiến cả thế giới chú ý mấy tuần qua: bệnh viện không nhận thêm bệnh nhân vì không bảo đảm được nguồn cung oxy, còn bên ngoài gia đình của những bệnh nhân điều trị tại nhà phải chạy khắp nơi để tìm bình oxy di động.

Nhiều nỗ lực toàn cầu đã khởi động để giải quyết vấn đề, trong đó có lực lượng ứng cứu khẩn cấp về vấn đề oxy, một phần của Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (Act-A) của Liên Hiệp Quốc. 

Cựu thủ tướng Anh Gordon Brown đang dẫn đầu chiến dịch thuyết phục các nước G7 đầu tư 60 tỉ USD vào Act-A để hỗ trợ vaccine, xét nghiệm và các phương pháp điều trị, bao gồm liệu pháp oxy, cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Liên minh này cũng lập công cụ theo dõi nhu cầu oxy y tế ở các nước và ước tính toàn thế giới đang cần tổng cộng 27,4 triệu mét khối oxy, tương đương 3,9 triệu bình lớn mỗi ngày cho các bệnh nhân COVID-19. Để bảo đảm nguồn cung này cần phải có 6,2 tỉ USD.

Trước Ấn Độ, nhiều quốc gia như Brazil, Cộng hòa dân chủ Congo, Peru và Venezuela cũng đã trải qua khủng hoảng tương tự. 

Các chuyên gia cảnh báo thảm cảnh này có thể sẽ lặp lại với Bangladesh, Ethiopia và nhiều nước châu Phi khác nếu không có một nỗ lực tầm quốc tế đủ mạnh để bảo đảm nguồn cung oxy y tế, theo The Guardian.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận