Phương Tây “bó tay” với Facebook

NGUYỄN VŨ 12/11/2020 04:11 GMT+7

TTCT - Những sự kiện gần đây cho thấy bất kể những nỗ lực của chính bản thân Facebook, mạng xã hội này không thể chữa lành các khuyết tật của nó bởi nó là một sản phẩm lỗi của kỷ nguyên số.

Minh họa: Ilan Conrado
Minh họa: Ilan Conrado

Trong một chuyên đề về mạng xã hội đăng hồi tháng 10-2020, tờ The Economist cho biết chỉ 10% người Mỹ nghĩ mạng xã hội như Facebook hay Twitter là có lợi và đến 2/3 nghĩ chúng gây hại cho xã hội. Chẳng hạn từ tháng 2 đến nay, YouTube xác định được hơn 200.000 video “nguy hiểm hay sai lạc” về COVID-19.

Điểm đặc biệt là dù theo khuynh hướng chính trị nào, người ta cũng đang phẫn nộ với Facebook: phe tả nói mạng xã hội này đầy rẫy thuyết âm mưu QAnon, đậm đặc làn sóng kích động chủ nghĩa da trắng thượng đẳng làm người dùng chìm lấp trong một dòng chảy tin giả và xúc cảm hận thù. Phe hữu thì cáo buộc Twitter, Facebook kiểm duyệt thông tin, mà đình đám nhất gần đây là vụ xóa hay nhấn chìm đường dẫn đến những bài báo khui chuyện được cho là tham nhũng trong nhà Joe Biden, ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Khi mạng xã hội đứng ra phân giải đúng sai

Tờ New York Post đăng một bài gây xôn xao dư luận về con trai của ứng cử viên tổng thống Joe Biden. Chưa biết đúng sai, Twitter đã xóa hết mọi đường dẫn mọi người đăng lên để dẫn về bài báo này; Facebook thì dùng thuật toán để các bài viết có dẫn đến bài báo này chìm lấp đâu đó, không hiện lên trên trang của người dùng. Nói cách khác, hai mạng xã hội chính yếu hiện nay bỗng gán cho mình vai trò kiểm duyệt nội dung người dùng đưa lên, tự nhận định nội dung này đúng - cho đăng; nội dung kia nghi ngờ - lột xuống hay ẩn đi.

Trước nay Facebook vẫn luôn tự cho mình là một “nền tảng công nghệ” chứ không phải là nơi xuất bản tin tức, nên họ không chịu trách nhiệm về nội dung người dùng đưa lên; ai nói gì người đó tự chịu trách nhiệm lấy. Chỉ có một số ngoại lệ như hình ảnh dung tục, ngôn ngữ gây hận thù, phân biệt chủng tộc, cổ vũ cho bạo lực... Facebook phải xóa ngay để khỏi bị rắc rối với luật pháp.

Thế nhưng trong vai trò là một mạng xã hội, làm sao Facebook hay Twitter có thể đứng ra tự quyết định đâu là tin đúng, đâu là tin sai? Giao cho trí tuệ nhân tạo của máy tính dẫn tới những quyết định sai lầm như dán nhãn phân biệt chủng tộc cho các bài diễn văn của Tổng thống A. Lincoln. Giao cho người kiểm duyệt thì các quyết định gỡ hay không gỡ tùy thuộc vào thiên kiến của người được giao.

Vụ bài báo New York Post là một minh họa điển hình cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của các mạng xã hội khi muốn kiểm duyệt thông tin. Với một người bình thường, họ sẽ có sẵn một số thiên kiến: New York Post là báo lá cải do trùm báo chí Rupert Murdoch nắm, không đáng tin cậy. Chỉ còn vài tuần là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, nên tin về ông Joe Biden ắt là có chủ đích. Bản tin dựa vào nguồn là đĩa cứng một chiếc laptop bị bỏ quên. Đáng nghi quá. Thế là Twitter gỡ hẳn, còn Facebook dìm sâu.

Dĩ nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Twitter phải thừa nhận đây là quyết định sai lầm: họ không có thẩm quyền quyết định đúng - sai trong trường hợp này; tin trên báo chí, dù có là báo lá cải vẫn là tin do tờ báo đó chịu trách nhiệm. Hằng ngày biết bao tin do báo chí đưa lên, không một mạng xã hội nào đủ năng lực “duyệt” thêm một tầng nấc nữa rồi mới cho người dùng tải lên mạng xã hội của mình.

Thao túng suy nghĩ của cả xã hội

Nhưng đó chỉ là phần nổi của một tảng băng khổng lồ. Facebook đầy rẫy thông tin sai lệch, thông tin cố tình bóp méo, thông tin đặt ngoài bối cảnh dễ gây hiểu nhầm. Mặc dù chúng tác động rất lớn lên các luồng dư luận xã hội thì có bao giờ, có ai đặt vấn đề Facebook cần làm gì với các thông tin như thế?

Hiện nay một phần rất lớn thông tin báo chí đến với người đọc là qua giới thiệu trên Facebook. Một bài được chia sẻ nhiều trên Facebook sẽ có lượng người đọc nhiều gấp trăm lần, ngàn lần một bài khác cũng đăng trên báo đó nhưng chìm lỉm trên mạng xã hội. Từ đó mới thấy một nguy cơ rất lớn Facebook kiểm soát được người dân một nước đọc tin gì nhiều, hay che khuất một tin khác. Nguy cơ này đã hiển hiện ở góc độ Facebook đang làm mọi cách để giữ chân người dùng - tin tức mang tính giật gân, câu khách sẽ được thuật toán Facebook ưu tiên hiển thị.

Trong một tương lai rất gần, các rủi ro khác có thể xuất hiện: giả thử một tổng thống nhiệm kỳ tới của nước Mỹ đe dọa chẻ nhỏ Facebook ra để ngăn chặn tình trạng độc quyền của nó, lấy gì bảo đảm không có chuyện Mark Zuckerberg không ưu ái cho ông này, tin tốt về ông cho lan truyền mạnh, tin xấu dìm sâu. Hay giả thử Zuckerberg làm chính trị, với Facebook trong tay, anh ta dễ dàng tung ra các chiến dịch truyền thông có lợi cho mình. Hay giả dụ Facebook sợ TikTok cạnh tranh bèn xúi báo chí đưa tin bài tiêu cực về TikTok một cách tinh vi. Tất cả giả định này chưa xảy ra, nhưng lấy gì đoan chắc nó không diễn ra trong tương lai?

Nói cách khác, người sử dụng Facebook đều biết đến khái niệm “tạo trend” - tức biến một chuyện nào đó thành một đề tài nóng trên mạng xã hội rồi dùng các luồng ý kiến có ảnh hưởng để “lèo lái” dư luận theo hướng mình muốn. Đây là một “nghệ thuật” với các bậc phù thủy có thể sau một đêm hướng cả dư luận xã hội về một câu chuyện gì đó. Nhưng cứ nghĩ mà xem, phù thủy như thế là rất ít, chi phí cao, có lúc thành công, có lúc chìm lỉm - trong khi đó “thầy” của các phù thủy này chính là Mark Zuckerberg, hoàn toàn vì một lý do gì đó, đưa ra bất kỳ “trend” nào cho mọi người say mê bàn tán, viết lách, bình luận, chia sẻ. Cứ nghĩ Facebook đang dần nắm cái quyền lực vô hạn, cho phép ai được quyền nói gì, đề tài nào là cấm kỵ, bóp nghẽn tiếng nói nào - cái viễn cảnh này thật đáng sợ.

Giải quyết đống bùi nhùi này như thế nào?

Phải nói là những người lãnh đạo các mạng xã hội cũng đang đau đầu giải quyết bài toán “tự do ngôn luận” trên không gian mạng. Vấn đề, như tờ Economist đặt ra, là không thể để một nhúm các tay quản trị doanh nghiệp quyết định các giới hạn của tự do ngôn luận; đây là chuyện của công chúng, của toàn xã hội. Người ta đang lo ngại, dưới áp lực của hai bên cả bảo thủ lẫn cấp tiến, các mạng xã hội sẽ dần siết lại định nghĩa “nội dung có thể chấp nhận được”; họ sẽ đóng vai trò người kiểm duyệt nội dung mà không ai có quyền khiếu nại.

Đồng thời để bán được thêm nhiều quảng cáo, các hãng công nghệ sẽ viết những thuật toán bày mâm bày bát cho người đọc toàn những thông tin những thuật toán này nghĩ sẽ buộc người đọc chú ý. Thế nhưng bọn lừa đảo, những kẻ bán hàng giả, những người chuyên tác động lên luồng dư luận và các chuyên gia truyền thông của đủ các bên lại biết tận dụng những thuật toán đó để gửi thông tin của họ nhờ bắn tới đối tượng họ nhắm đến.

Cách giải quyết, theo tờ Economist, là thay đổi mô hình kinh doanh của các hãng công nghệ đang làm chủ các mạng xã hội, buộc chúng cạnh tranh lẫn nhau. Trong lĩnh vực điện toán đám mây, cạnh tranh đã làm tăng chất lượng, giảm giá dịch vụ. Thay đổi mô hình có thể là thay đổi chuyện ai làm chủ dữ liệu; chủ nhân mạng xã hội nay chỉ được quyền thu một mức phí sử dụng cố định, ngoài ra không được khai thác dữ liệu người dùng để bán quảng cáo. Tiền quảng cáo sẽ về tay cá nhân người dùng hoặc tập thể người dùng. Nếu người dùng có quyền di chuyển dữ liệu đi theo mình khi dời sang một mạng xã hội khác, các mạng sẽ phải cạnh tranh nhau, mạng mới có điều kiện ra đời và môi trường mạng sẽ được làm sạch hơn bây giờ.

Giải pháp này có vô vàn thử thách như giá trị thị trường của các hãng như Facebook sẽ bay mất hàng trăm tỉ đôla, đời nào họ chịu một cách dễ dàng. Người dùng dọn đi qua mạng xã hội khác là chuyện dễ, nhưng mối quan hệ bạn bè đã kết nối mới là chuyện khó dứt bỏ. Làm sao để liên thông các mạng xã hội với nhau như mạng viễn thông thì mới giải quyết được vướng mắc này.

Hoặc giới chức quản lý có thể bắt đầu bằng cách buộc các mạng xã hội trao quyền cho người dùng được chọn thông tin gì sẽ xuất hiện trên trang cá nhân của họ mà không chịu tác động của thuật toán gây tò mò, thuật toán câu view. Giải pháp gì cũng phải làm sạch môi trường của các mạng xã hội, hiện đã đậm đặc sự hận thù, ganh ghét, mắng chửi khắp nơi. ■

Lấy ví dụ đang có một cuộc tranh luận rất nghiêm túc trên báo chí lan qua mạng xã hội, bỗng có người đưa tin giả để cổ vũ cho một bên. Vì là tin giả, nó hấp dẫn, nó lôi cuốn nên được chia sẻ và lan ra như đám cháy rừng. Bên kia phát hiện đây là tin giả, lên án dữ dội bên tung tin và nhân đó họ sổ toẹt mọi lập luận nghiêm túc trước đây. Đây là chuyện xảy ra hằng ngày với bất kỳ đề tài gì vì trong 100 người có ý kiến, cứ cho là 99 người suy xét cẩn thận trước khi nêu ý kiến của mình một cách nghiêm túc, chỉ có 1 người cố tình làm ẩu, bịa ra tin giả. Sẽ luôn có 1% này trên mạng xã hội bất kể nỗ lực ngăn chặn của chính Facebook hay của người dùng khác. Chính 1% này làm mọi cuộc tranh luận trên Facebook dù bắt đầu rất nghiêm túc, hữu ích rồi cũng rơi vào chỗ lăng mạ nhau vì dựa trên thông tin sai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận