Ta sẽ nhớ gì về thập kỷ vừa qua?

TRÚC ANH 31/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Có thể nói 2010 là thập kỷ của sự đứt gãy - những công nghệ, thành tựu khoa học mới xuất hiện, định nghĩa lại mọi mặt của cuộc sống và các lĩnh vực khác, từ y tế, kinh tế đến chính trị, môi trường. Chúng ta sẽ nhớ gì về 10 năm đã qua, tức thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 20? Bức tranh khoa học - công nghệ và môi trường trong thập kỷ 2010 có gì nổi bật?

Đã đến lúc xếp lại thập kỷ 2010. Ảnh: The Times
Đã đến lúc xếp lại thập kỷ 2010. Ảnh: The Times

Nếu sáng nay bạn đến chỗ làm bằng một ứng dụng đặt xe nào đó, nghe Spotify trên đường di chuyển, tan sở thì đăng bức ảnh chụp bữa tối lên Instagram “#cuốituầnrồi ” và kết thúc một ngày bằng việc xem Netflix, bạn đã làm tất cả những gì mà mình không thể làm được vào năm 2010.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Còn nhiều nữa những thứ đã làm nên thập kỷ này: trò chuyện với trợ lý ảo trên smartphone hay loa thông minh, sử dụng các ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ, hẹn hò qua app…

Cách tốt nhất để hiểu những năm 2010 đã mang đến cho ta những gì là thử sống một ngày bằng các công nghệ “tiền 2010”. Joanna Stern, cây bút công nghệ của The Wall Street Journal, đã thực sự làm thế, và mô tả lại trải nghiệm của mình trong bài viết ngày 17-12. Đó là 24 giờ sống bằng cách tự gạt bỏ các tiện ích mà một chiếc smartphone ngày nay mang lại.

Tác giả rút ra ngoài việc thấy như “mất tay mất chân” vì không còn các tiện ích của smartphone (vốn đã trở thành một chiếc computer thực thụ mà ta có thể bỏ vào túi quần sau 10 năm phát triển), khác biệt lớn nhất còn nằm ở cảm giác.

Thập kỷ 2010 mang đến cho ta Instgram và kèm theo đó là thôi thúc ta muốn chụp ảnh mọi lúc và share lên mạng, cả tính năng video call cho ta thoải mái kết nối với người ở xa mà dễ dàng nhìn thấy nhau (bạn có còn nhớ thời chat Yahoo và dùng webcam?).

Và cuối cùng, thập kỷ qua có lẽ là lúc ta “luyện” cơ bắp ngón tay nhiều nhất vì những lần cuộn trang news feed bất tận trên mạng xã hội. Bởi Facebook ra đời năm 2004, nhưng từ năm 2010 mới thực sự “trưởng thành” khi thế giới bước vào kỷ nguyên bùng nổ thông tin, mỗi cá nhân là một người tạo ra nội dung, tự mình kết nối với cả thế giới.

Những từ định nghĩa thập kỷ

Trong chuỗi bài “tổng kết thập kỷ”, trang Mashable đã tham vấn ý kiến các chuyên gia để lập nên danh sách 10 từ định nghĩa những năm 2010, những từ “không nhất thiết phải là từ mới xuất hiện, song chúng đã rất phổ biến và được chấp nhận trong giai đoạn 2010-2019”. Một trong những từ đó là hashtag, content emoji; mỗi từ lần lượt đại diện cho những thứ ta có thể nhớ về 10 năm đã qua: những trào lưu, những màu sắc mới của Internet, những nghề nghiệp mới…

Với hashtag, từ khóa để nhóm các nội dung trên mạng theo chủ đề, không khó để kể tên những từ ngữ đặt sau ký tự # trên không gian ảo đã gắn liền với những phong trào nào trong 10 năm qua: từ chính trị như #ArabSpring (Mùa xuân Ả Rập, 2010) và #BlackLivesMatter (đòi quyền lợi cho người da màu, 2013) hay kinh tế tài chính như #OccupyWallStreet (Chiếm lấy Phố Wall, 2011) đến các phong trào trong ngành giải trí như #MeToo (nạn nhân xâm hại tình dục lên tiếng, 2017)…

Hashtag tạo tiếng vang trên mạng, đồng nghĩa với phong trào được khuếch trương, được nhiều người biết đến hơn, và vì thế thông điệp nó muốn truyền tải cũng có sức nặng hơn. Hashtag còn thay đổi vĩnh viễn cách ta chia sẻ trải nghiệm và thông tin trực tuyến, bởi nó tạo ra những loại hình cập nhật thông tin mới: live blog, tức cập nhật liên tục một sự kiện nóng vừa diễn ra trên Twitter hay các mạng xã hội khác, kèm theo hashtag.

Hashtag cũng đại diện cho một xu hướng nổi bật của những năm 2010: trào lưu thử thách trên mạng (Internet challenge). Sự phát triển của mạng xã hội và độ cải tiến vượt trội về tính năng quay phim chụp ảnh của smartphone đã giúp việc tự ghi hình hoặc ghi hình người khác tham gia các thử thách, đôi khi quái gở, rồi đăng lên mạng, tiếp tục “thách” người khác làm theo, dễ hơn bao giờ hết.

Tiêu biểu cho Internet challenge với ý nghĩa tốt là #bucketchallenge (năm 2014) - kêu gọi sự chú ý đến bệnh ALS (xơ cứng teo cơ một bên), còn đại diện của những trào lưu vui là chính có thể kể #MannequinChallenge (làm manơcanh, năm 2016), hay mới nhất là trào lưu đá nắp chai #BottleCapChallenge.

Một từ khóa khác đại diện cho thập kỷ 2010 là content - mà hiểu đơn giản nhất là nội dung. Giờ đây, ai cũng có thể là người tạo ra nội dung (content creator) - bài viết, ảnh chụp, video clip, phát sóng trực tiếp - và chia sẻ chúng cho “khán giả” ở khắp thế giới. Nhiều trong số có được hào quang của sự nổi tiếng, và được gọi là influencer (những người gây ảnh hưởng), thay đổi hoàn toàn cách các nhãn hàng tiếp cận người tiêu dùng.

Trong danh sách của Mashable còn có emoji - những ký tự thay ngàn lời nói, một sự tiếp nối của những biểu tượng cảm xúc (emoticon) mà người dùng Internet đã quen trước đó. Emoji thống trị các tin nhắn SMS, thư điện tử, đoạn chat trên mạng xã hội. Các hệ điều hành có thiết kế emoji riêng, và người ta thậm chí đã chuyển thể các tác phẩm văn học sang ký tự của thời đại mới này.

Smiley balls going to a party
 

Những gương mặt

Sẽ thật thiếu sót khi nhìn lại cả một quá trình 10 năm mà thiếu đi gương mặt con người. Những cái tên nào đại diện cho thập kỷ vừa qua? CNET lập nên danh sách đến 30 người, trong đó có những gương mặt dễ đoán như Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Tim Cook, Sundar Pichai, Satya Nadella - lãnh đạo 5 gã khổng lồ công nghệ Facebook, Amazon, Apple, Google và Microsoft.

Zuckerberg đã có 10 năm “đi tàu lượn siêu tốc” cùng Facebook, khi mạng xã hội này trong nửa đầu năm 2010 bắt đầu bành trướng và có lợi nhuận sau khi thâu tóm Instagram (2012) và WhatsApp (2014), trước khi dính hàng loạt bê bối vào nửa còn lại của thập kỷ, từ cáo buộc bị lợi dụng can thiệp bầu cử Mỹ 2016 đến bê bối Cambridge Analytica một năm sau đó.

Trong khi đó, 4 lãnh đạo công nghệ còn lại đã lần lượt củng cố vị thế đế chế mà họ quản lý để đưa tất cả vào nhóm võ lâm ngũ bá.

Danh sách còn có Elon Musk với những ý tưởng táo bạo xe điện, pin mặt trời, đưa người lên sao Hỏa sống và kết nối máy tính với não người và các câu chuyện về đời tư, và Satoshi Nakamoto - nhân vật bí ẩn được cho là cha đẻ của Bitcoin, đồng tiền mã hóa vốn cũng là một đặc trưng của thập kỷ 2010.

Những lời chia tay

Chúng ta đã tạm biệt ai trong thập kỷ này? Tháng 4-2010, Steve Jobs có bài thuyết trình cuối cùng tại Apple khi giới thiệu phiên bản iPad đầu tiên, một sản phẩm đột phá đậm chất “táo” và “Jobs”, để rồi chỉ chưa đầy 2 năm sau, ngày 5-10-2011, CEO của Apple từ giã cõi đời ở tuổi 56 vì ung thư.

CNET mô tả Steve Jobs đã để lại di sản khó ai sánh bằng: “giúp châm ngòi cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân, phổ biến việc sử dụng chuột máy tính, đặt máy nghe nhạc di động vào túi hàng triệu người dùng và khiến smartphone trở thành sản phẩm chủ lưu”.

Một lãnh đạo công nghệ khác cùng thời với Jobs là Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft cùng với Bill Gates, cũng qua đời trong thập kỷ này, ngày 15-10-2018, ở tuổi 65 vì bệnh. Một mất mát khác của giới công nghệ: Ray Tomlinson - cha đẻ của thư điện tử vì sáng tạo ra hệ thống gửi tin nhắn qua mạng và nghĩ ra cách dùng ký tự @ trong địa chỉ email - qua đời vì bệnh tim vào tháng 3-2016, hưởng thọ 74 tuổi.

Ngành vũ trụ ở Mỹ và Nga nói riêng và thế giới nói chung trong thập kỷ qua cũng tiễn biệt hai nhà du hành vũ trụ lừng danh về cõi vĩnh hằng. Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, qua đời ở tuổi 82 vào tháng 8-2012, sáu năm trước khi Mỹ kịp kỷ niệm 50 năm lên Mặt trăng, trong khi Alexei Leonov - anh hùng vũ trụ Liên Xô, người đầu tiên “đi bộ” trong không gian - cũng tạ thế hồi tháng 10 năm nay, một trong những cuộc chia tay lớn cuối cùng của thập kỷ.

Khi nhìn lại những năm 2010, nhân loại sẽ còn nhớ đến Stephen Hawking - nhà khoa học lừng danh dù 2/3 phần đời phải ngồi xe lăn nhưng đã để lại cho đời nhiều công trình vĩ đại về vật lý lý thuyết và vũ trụ học - qua đời ở tuổi 76 vào tháng 3-2018, sau 50 năm sống với căn bệnh ALS. Ở mảng giải trí, Stan Lee - huyền thoại truyện tranh Mỹ và người sáng tạo ra những siêu anh hùng Marvel đình đám, tạm biệt nhân gian vì trụy tim hồi tháng 12-2018, thọ 95 tuổi.

***

2010 cũng là thập kỷ chứng kiến nhiều thành tựu đột phá của khoa học trong nhiều lĩnh vực. Thập kỷ này cũng được nhắc đến như là thập kỷ của những đứt gãy - các công nghệ mới làm thay đổi mọi mặt của đời sống, những hình thái kinh tế mới, cùng với những biến động về môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận