Tết cũ với người trẻ

LAN HƯƠNG 28/01/2016 04:01 GMT+7

TTCT - Sự háo hức, hồn nhiên thuở “Cu kêu ba tiếng cu kêu, trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè” dường như đang lần hồi biến mất tại các đô thị lớn, ít nhất là ở thành phố tôi đang sống.

Nhiều gia đình vẫn giữ được truyền thống Tết sum vầy nhiều thế hệ

Mùa Tết, biểu trưng của sự đủ đầy không còn là nỗi khát thèm của đám thị dân lớn lên đúng giai đoạn đất nước chuyển mình, dư dật vật chất. Sự dư thừa vật chất ấy dường như đã thẳng tay tước đoạt thú vui thưởng Tết của người thành phố. Để thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống, người ta quên đi những cảm xúc hồn nhiên của giống loài mình.

Tết của đại gia đình tôi ở một làng quê phía Bắc hay của người bạn ở miền Trung, miền Tây vẫn còn nét rộn ràng của làng xóm và không khí hân hoan của những đứa bé con ngồi quanh nồi bánh chưng, bánh tét; vẫn còn nỗi mừng tủi của người thân khi đón con cái ở xa về và cả sự tự hào không giấu giếm của người trở về được sống lại trong không gian đậm màu ký ức.

Còn nhớ năm trước bạn tôi về quê ăn Tết, miệng than thở mệt lắm nhưng mặt thì ngời ngời hạnh phúc. Năm ngày Tết là thời gian bạn đi thăm họ hàng và các nhà trong làng. Sự quan tâm được thể hiện qua những câu hỏi cá nhân về cuộc sống, về người yêu, về thu nhập từ những gương mặt chất phác.

Đến cả cô gái năm ngoái về cùng, năm nay chẳng thấy xuất hiện cũng có người nhớ ra hỏi đến. Tò mò vậy mà vẫn vui!

Chỉ có Tết của thị dân là hững hờ. Thị dân thừa mứa hàng hóa. Ngày nào của thị dân cũng có áo mới. Ngày nào thị dân cũng có thịt thà, bánh trái cung cấp tận cửa, với dịch vụ vận chuyển phải chăng, do hàng gia truyền ba đời đem đến.

Sự xa cách của thị dân đếm bằng phút di chuyển. Ngày nào thị dân cũng nhìn thấy nhau. Không cà phê, ăn nhậu bù khú mỗi tối thì cũng cập nhật tin tức từng giờ trên mạng xã hội. Thậm chí nhiều lúc phải len lén ẩn đi các cập nhật liên tục khi người ta cứ nửa tiếng lại loan báo cho cả thế giới biết mình đang đến tiệm uốn tóc, nửa tiếng sau là cái đầu đang được anh thợ cắt xoèn xoẹt, và nửa tiếng nữa thì có tóc mới, ngắn hơn tóc trước chừng... năm phân.

Cập nhật nhiều quá nên khi gặp nhau ngoài đời cũng ngại ngùng chẳng biết nói gì. Chụp tấm ảnh, đăng lên mạng rồi lại lặng im... gõ phím. Tết của thị dân lần hồi lạnh nhạt. Sự thừa mứa (thông tin) một lần nữa là nguyên cớ thu bớt những cảm xúc ấm áp của mùa xuân.

Có gì để chờ đợi trong dịp Tết khi các lễ bộ quần áo, thực phẩm mua được quanh năm? Cái tinh thần đoàn viên của mùa xuân đã từ lâu bị biến tướng thành cơ hội để lễ lạt, biếu xén, trả nợ nhau. Thang đo vật chất ngự trị trong mọi giá trị của cuộc sống, dễ chèn ép những giá trị tinh thần nhân bản.

Tôi nhớ đến ngày bé, Tết là dịp cả gia đình quây quần. Điều này cũng khiến mỗi lần tôi muốn nhân dịp Tết đi chơi xa với lũ bạn là lại ngần ngại không dám mở lời. Vậy mà giờ đây đã có thể nói với bố mẹ rằng: Tết này con đi điểm A, điểm B. Bố mẹ cũng chỉ hỏi đi bao lâu rồi về.

Điều ta lo lắng, mong muốn những đứa trẻ sinh ra trong những năm 2000 cảm nhận được không khí mùa xuân đoàn viên mà ta đã từng trải qua thật ra cũng giống như nhiệm vụ bất khả thi. Bởi bọn chúng lớn lên trong xã hội hiện đại, Tết của chúng chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ dài...

Có thể là quyền lực khi người ta lớn khiến cung cách đối xử của bố mẹ với tôi khác đi. Nhưng cũng có thể hai người đã “tiêm nhiễm” chút “văn hóa hiện đại”, tuyệt đối tôn trọng cuộc sống của cá nhân khác. Vậy mà đôi khi tôi lại thèm trở về nét nghiêm khắc lề lối để thấy mối ràng buộc của gia đình trong ba ngày Tết. Cái tự do cá nhân tưởng giải phóng con người thật ra lại khiến người ta hờ hững và cô đơn nhiều hơn.

Song, có lúc tôi lại tự nghĩ nỗi hoài cổ về mùa xuân với thú thưởng Tết của cha mẹ và tôi phải chăng là nỗi hoài mong về vẻ đẹp của một thời thiếu thốn? Khi đó, những hình ảnh rực rỡ, mơ mộng nhất dồn cho ngày xuân.

“Đói muốn chết ba ngày tết cũng no” lại trở thành ký ức đẹp đẽ nhất. Vẫn là đồng bánh chưng, là cành hoa Tết nhưng đã không còn đúng thời điểm và đúng con người nữa rồi. Đó là quy luật tất yếu trong xã hội. Sự vô cảm dần với Tết của người thành thị là hệ quả tất yếu của môi trường sống và sự phát triển. Điều ta lo lắng, mong muốn những đứa trẻ sinh ra trong những năm 2000 cảm nhận được không khí mùa xuân đoàn viên mà ta từng trải qua cũng giống như nhiệm vụ bất khả thi.

Bởi chúng lớn lên trong xã hội hiện đại, Tết của chúng chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ dài. Thôi thì cứ chấp nhận sự vận động của cuộc sống. Vì biết đâu 20 năm sau, ký ức của chúng với đám con cháu đang - bị - robot - hóa [1], Tết là một thời điểm đẹp trẻ con được chơi điện tử xuyên đêm cùng đứa bạn thân mà chẳng ai buồn nhắc nhở!

Ở đó, những ông, những bà thuở 7X, 8X đang ngồi gõ lọc cọc những cuốn hồi ký điện tử kể lại rằng: “Ngày xưa Tết đến, ông bà dành một ngày để ngủ, rồi hôm sau phải gọi điện thoại đặt hàng siêu - thị - gia - truyền...”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận