Thân cò trong đại dịch

HOA KIM 09/03/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không chừa một ai, nhưng dường như nữ giới đang phải đánh đổi nhiều hơn trong cơn khủng hoảng.

Ảnh: embl.org

Khảo sát ở nhiều nước cho thấy đè nặng lên vai người phụ nữ - bất chấp nhiều thế kỷ đấu tranh cho bình đẳng và trao quyền - vẫn là bổn phận chăm sóc con cái và chăm lo cho gia đình, nỗi lo mất việc làm, thu nhập và trách nhiệm với quốc gia ở nơi tiền phương chống dịch.

Hơn một năm sống trong đại dịch chỉ càng khiến những khác biệt giới trầm trọng và trần trụi hơn. “Những gì đang xảy ra là mối đe dọa lớn đối với sự tiến bộ mà phụ nữ đã đấu tranh qua nhiều thế hệ để giành lấy” - Natasha Walter, nhà tranh đấu và tác giả nhiều cuốn sách về nữ quyền nói với tờ Evening Standard (Anh).

Ảnh hưởng sâu sắc

Không khó để thấy đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ trên toàn thế giới ra sao. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UN Women), 41% nữ giới làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch: khách sạn, bất động sản, kinh doanh, sản xuất và bán lẻ. Một nghiên cứu gần đây của McKinsey cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu; 1/4 phụ nữ đang cân nhắc chuyển hướng nghề nghiệp hoặc rời bỏ hoàn toàn lực lượng lao động.

Tại Mỹ, trong 10 tháng đầu tiên của đại dịch có khoảng 5,4 triệu phụ nữ mất việc, nhiều hơn 1 triệu trường hợp so với nam giới, theo số liệu từ Cục Thống kê lao động nước này. Nếu như mất việc, giảm thu nhập và thêm trách nhiệm chăm sóc gia đình vốn đã đủ đẩy sức chịu đựng của phụ nữ Mỹ quốc đến giới hạn, thì một đợt triển khai vaccine mỗi nơi một kiểu như đang diễn ra ở Mỹ như giọt nước tràn ly.

Phụ nữ, với vai trò là người săn sóc chính trong gia đình, gần như mặc định phải thu xếp ổn thỏa chuyện đặt lịch tiêm vaccine cho những người thân lớn tuổi. Trong bài viết trên trang Verywell với nhan đề “Không có phụ nữ, nỗ lực tiêm phòng COVID-19 ở Mỹ sẽ thất bại”, nữ tác giả Sarah Simon cho rằng trách nhiệm triển khai vaccine rốt cuộc cũng lại là “việc của Tấm” không phải là một hiện tượng đáng ngạc nhiên khi vai trò chăm sóc trong xã hội vốn đã được đóng khung là do phụ nữ đảm nhận.

Một báo cáo năm 2011 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho thấy gần 1/3 dân số trưởng thành ở Mỹ - phần lớn là phụ nữ - phải chăm sóc cho một người thân bị bệnh hoặc tàn tật. Một nghiên cứu gần đây hơn của Viện Lão hóa Hoa Kỳ (IOA) chỉ ra nữ giới chiếm hơn 75% số người làm công việc chăm sóc chính cho người thân trong gia đình và dành thời gian cho những việc này nhiều hơn nam giới đến 50%.

Nghiên cứu của IOA mô tả một người chăm sóc (caregiver) điển hình ở Mỹ như sau: “là một phụ nữ đã kết hôn, 46 tuổi, có công việc bên ngoài với mức lương 35.000 USD/năm”. Hầu hết những phụ nữ này đều có công việc chính toàn thời gian hoặc bán thời gian bên cạnh việc dành ra trung bình 21,9 tiếng/tuần để chăm sóc người thân (so với chỉ 17,4 tiếng/tuần ở nam giới). Người đảm nhận vai trò chăm sóc chấp nhận mất đi các quyền lợi về lương bổng, chế độ phúc lợi và khả năng thăng tiến trong công việc, theo một nghiên cứu của MetLife và Liên minh chăm sóc quốc gia Mỹ.

Trong khi đó ở châu Á, cụ thể là Nhật, đại dịch cũng đã làm gia tăng những căng thẳng trong một nền văn hóa được xây dựng trên nền tảng gắn kết xã hội và dựa vào áp lực đồng trang lứa để thúc đẩy việc tuân thủ các quy định của chính phủ về việc đeo khẩu trang và thực hành vệ sinh tốt, theo báo The New York Times.

Bài báo cho biết mất việc làm, xa rời các giao tiếp xã hội vì phải cách ly, gánh nặng việc nhà và đặc biệt là nỗi lo sợ bị công luận đánh giá nếu bản thân và gia đình không tuân thủ các biện pháp phòng dịch hoặc chẳng may bị nhiễm bệnh là những áp lực khổng lồ mà COVID-19 đặt lên vai phụ nữ ở Nhật. Năm 2020, gần 7.000 phụ nữ Nhật đã tự tử, tăng gần 15% so với năm trước đó.

Theo kênh 3 News (Ohio, Mỹ), 80% các bà mẹ Mỹ đã phải gánh vác công việc nhà trong thời gian đại dịch và 66% chịu trách nhiệm chăm sóc con cái, dù họ có công việc bên ngoài hay không. Khi nhiều trường chuyển sang hình thức học trực tuyến, 75% các bà mẹ cho biết họ phải dành nhiều thời gian hơn cho việc hỗ trợ con theo kịp bài vở tại nhà. 

Laurel Hoffman, bà mẹ có 2 con đang tuổi học lớp 1 và mẫu giáo, là một trong hàng triệu phụ nữ Mỹ mất việc vì dịch COVID-19. Trước đó, việc vừa đi làm vừa chăm 2 đứa con tuổi ăn tuổi lớn, cùng 1 đứa học trực tuyến, là quá sức đối với chị. “Chúng tôi không có một phút nào thảnh thơi” - cô chia sẻ với 3 News. Tệ nhất là dù từng thuộc hàng top nhân viên mẫn cán, Hoffman bị sa thải hồi tháng 8-2020.

Định kiến giới chưa thể xóa nhòa

Mới đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak gây tranh cãi khi gửi lời tri ân “các bà mẹ” đã chu toàn việc chăm con giữa bộn bề trách nhiệm khác, một ví dụ của định kiến giới vẫn đang tồn tại ở cấp cao nhất trong chính phủ một quốc gia phát triển. Việc nuôi dạy con cái không nên nghiễm nhiên là bổn phận của riêng phụ nữ, nhưng thực tế là có đến 93% phụ nữ đi làm ở Anh nói rằng họ đang phải gồng mình để “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

“Là những người đi làm có con nhỏ, chúng tôi được kỳ vọng làm việc trung bình 8 tiếng mỗi ngày ở công ty, dành 6 tiếng dạy con học ở nhà và thêm 12 tiếng thực hiện thiên chức làm mẹ. Tổng cộng là 26 tiếng cho một ngày chỉ có 24 tiếng; đó là tôi còn may mắn có người bạn đời biết san sẻ trách nhiệm nuôi con” - chị Anna Whitehouse, một blogger người Anh có tiếng trong cộng đồng các bà mẹ trẻ, ta thán trong một bài viết trên trang blog mang tên Mother Pukka, nơi cô vận động nâng cao nhận thức về nhiệm vụ “bất khả thi” mà cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, đang phải đối mặt trong tình hình giãn cách vì dịch bệnh.

Các quan chức chính phủ và hệ thống y tế thường quên đi vai trò quan trọng của phụ nữ với tư cách là nhân viên chăm sóc sức khỏe và là những người phản ứng đầu tiên trong cộng đồng của họ khi dịch bệnh xảy ra. Phụ nữ chiếm tỉ lệ áp đảo trong số lượng nhân viên y tế tuyến đầu trên toàn cầu: 70% nhân viên y tế cộng đồng và nhân viên xã hội là nữ.

Những đóng góp này rất có ý nghĩa, đặc biệt khi các nữ nhân viên y tế là động lực to lớn góp phần thay đổi thói quen sức khỏe của các hộ gia đình trong các vấn đề như kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng, cải thiện điều kiện vệ sinh và chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.

Lấy ví dụ như lực lượng Quân đội phát triển phụ nữ (WDA) ở Ethiopia hay Chương trình nữ tình nguyện viên y tế cộng đồng (FCHV) ở Nepal. Cả hai sáng kiến đều thành lập một mạng lưới phụ nữ tình nguyện cơ sở để lấp đầy khoảng cách giữa hệ thống y tế chính quy và cộng đồng, phổ biến thông tin quan trọng và cải thiện việc chuyển tuyến trong chăm sóc sức khỏe. Từ năm 1991 đến 2001, tỉ lệ tử vong sản khoa ở Nepal đã giảm 80% sau khi chương trình FCHV đi vào thực tiễn.

Tương tự, những phụ nữ lãnh đạo WDA ở Ethiopia đã đạt được thành công đáng kể, giúp giảm 69% tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi của Ethiopia vào năm 2013, trước thời hạn hai năm của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc khởi xướng.

Bất chấp sự đại diện của họ trên tuyến đầu của các nhóm phản ứng y tế toàn cầu và sự lệ thuộc của các chính phủ quốc gia vào những đóng góp của nữ giới để đảm bảo hệ thống y tế hoạt động trơn tru, phụ nữ vẫn bị đánh giá thấp.

Bằng chứng là trong số 3.000 tỉ USD mà nữ nhân viên chăm sóc sức khỏe đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu hằng năm, ước tính khoảng 50% là lao động không được trả công, theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới.■

Thấu cảm để sống bền vững

Bà Silvia Federici, học giả mang hai quốc tịch Ý và Mỹ, là một trong số các nhà tư tưởng suốt nhiều thập kỷ đã chỉ trích cách các xã hội tư bản không thừa nhận hoặc ủng hộ cái mà bà gọi là “lao động tái sản xuất”.

Bà sử dụng thuật ngữ này không chỉ đơn giản để chỉ việc sinh con và nuôi dạy chúng, mà còn bao hàm tất cả công việc giúp duy trì sự sống có ý nghĩa - giữ cho bản thân và những người xung quanh khỏe mạnh, no đủ, an toàn, sạch sẽ, được chăm sóc và phát triển.

Những công việc đó có thể nhổ cỏ dại trong khu vườn của bạn, chuẩn bị bữa sáng hoặc giúp người bà già yếu tắm rửa - những công việc không tên và cũng không được trả công, nhưng lại hoàn toàn thiết yếu dù không được thừa nhận xứng đáng trong các mô hình kinh tế phổ biến ngày nay.

Theo Federici, việc coi thường lao động tái sản xuất này vừa không công bằng vừa không bền vững. Năm 2020 có thể đã khác như thế nào nếu những việc chúng ta làm để chăm sóc lẫn nhau, chăm sóc bản thân và chăm sóc thế giới xung quanh được đánh giá cao hơn và trả công xứng đáng? Tương lai sẽ khác ra sao nếu, như Federici gợi ý, “chúng ta từ chối xây dựng cuộc sống và sự tái tạo của bản thân trên nỗi thống khổ của người khác,” nếu “chúng ta từ chối coi mình tách biệt với họ”?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận