Thiếu niên tăng cơ kích nạc: Bất thường của thời đại mạng xã hội

MAI MAI HƯƠNG 21/05/2022 16:05 GMT+7

Việc các cậu thiếu niên chăm chỉ luyện tập cơ bắp và miệt mài nạp những bữa ăn ngập protein không phải là điều đáng mừng. Và càng không phải là điều hay ho khi họ thi nhau đăng đầy mạng xã hội hình ảnh cơ bắp cuồn cuộn của mình.

Đó là những bất thường được các bác sĩ và các nhà khoa học xem là dấu hiệu của hội chứng mặc cảm cơ bắp, một dạng rối loạn tâm thần ám ảnh đang có xu hướng phổ biến hơn do tác động của mạng xã hội. 

Khoe thân trai tráng trên mạng xã hội

Xuất hiện trong bài viết “What Is ‘Bigorexia’?” đăng trên The New York Times tháng 3-2022 là những thiếu niên cường tráng. Bobby, ở Long Island, mới 16 tuổi mà đã có vài năm luyện tập để có một thân hình săn chắc... Giữa những quãng chơi trò chơi điện tử và làm bài tập về nhà, cậu lên mạng học hỏi các vận động viên thể hình như Greg Doucette, 46 tuổi, người đang có kênh YouTube với 1,3 triệu lượt đăng ký, rồi tìm đến phòng thể hình của Greg tập 6 ngày/tuần.… 

Sau một thời gian rèn cơ luyện bắp chăm chỉ và kiêng khem nghiêm ngặt, Bobby giờ đăng hình ảnh của mình trên TikTok và Instagram với các chủ đề như “cơ ngực Gorilla”, “bắp tay Popeye”, “cơ bụng Lil Uzi”. Khối lượng cơ thể của Bobby tăng thì người hâm mộ cậu cũng tăng; hiện đã đạt 400.000 người theo dõi trên TikTok. “Bọn trai nhỏ xem tôi như thần tượng. Chúng muốn giống tôi, một người từ tuổi thiếu niên đã có cơ bắp” - Bobby kể với The New York Times. Trong số “môn đồ” của Bobby có Tanner, 16 tuổi. Cậu học sinh trung học ở Arkansas đã tiếp cận Bobby qua Instagram và để lại lời nhắn: “Cảm ơn đã truyền cảm hứng cho tớ”.

Những trường hợp khác được The New York Times kể đến là Eliot, một học sinh trung học 17 tuổi ở Colorado, đã tập thể hình và bắt đầu đăng các video luyện tập lên TikTok từ năm 15 tuổi với hashtag #teenbodybuilding. Bryan Phlamm, 18 tuổi, tân sinh viên đại học ở Illinois, đăng lên TikTok đoạn video đầu tiên quay thân thể cơ bắp của mình khi mới 16 tuổi. Đến nay, kênh của cậu đã có 25.400 người theo dõi với một số clip đạt mức triệu view.

John Edwin, 22 tuổi, một thợ giàn giáo ở British Columbia (Canada) bắt đầu theo dõi một “bậc thầy thể hình” trên YouTube và rèn cơ luyện bắp từ thời niên thiếu. Đăng những video tự tập gym lên TikTok dưới cái tên Big Boy Yonny từ khi 19 tuổi, cậu hiện có khoảng 12.400 người theo dõi với nhiều clip “đỉnh” thu hút từ 10.000 đến 400.000 view.

 
 Đến ngày 9-5, Instagram có hơn 386.000 bài đăng gắn hashtag #teenbodybuilding (thiếu niên tập thể hình) với rất nhiều hình ảnh thiếu niên khoe cơ bắp cuồn cuộn. Ảnh chụp màn hình

Đằng sau những hình ảnh lực lưỡng

Để có nhiều cơ, các thiếu niên lực lưỡng ép mình vào chế độ ăn khắc nghiệt. Có ba thứ họ phải ăn: thứ nhất là protein, thứ hai là protein, và thứ ba là… protein! Rudy, một thiếu niên cơ bắp 17 tuổi ở Los Angeles cho biết có những trẻ mới 10 tuổi đã tìm đến kênh YouTube và Instagram của cậu để hỏi cách nuôi cơ. “Tôi cứ chỉ chúng rằng: 'nói ba mẹ mua ức gà hay thịt nạc cùng với gạo và rau’” - Rudy kể.

Cũng ưa lườn gà, cậu thiếu niên Bobby từng khiến bạn bè sửng sốt khi xơi một lúc tám suất cơm gà ở trường. Bobby còn nạp protein từ nhiều món khác như bánh giàu protein hiệu Kodiak Cakes và sinh tố Oreo - thức uống chỉ chứa kem tươi và bánh Oreo xay - nhưng thịt gà luôn được các tay luyện thể hình như cậu ưu tiên vì ít mỡ, giúp hình thể có tỉ lệ nạc cao. Chế độ ăn ngập protein này lại rất mất cân bằng về chất và không hề lành mạnh. Đó là lý do Bobby vai u thịt bắp không đủ sức bền để tham gia các đợt tuyển cầu thủ cho các đội thể thao đại học.

Sự đam mê cơ bắp khiến các cậu trai chăm luyện thể hình mù quáng và sử dụng vô tội vạ cả bột protein, một chất bổ sung dành cho người gầy và người bị suy nhược sút giảm cân. Trong khi có các khuyến cáo khoa học từ Phần Lan rằng lạm dụng bột protein có thể gây ra các vấn đề về chuyển hóa và tiêu hóa, năm ngoái giới luyện cơ lại phổ biến trên TikTok một trò điên rồ là thách nhau xúc cả muỗng bột protein ăn khô thay vì pha nước uống theo chỉ định.

Trò nguy hiểm này chỉ giảm khi các chuyên gia sức khỏe cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến việc khó thở. Nhưng đáng ngại hơn cả là việc sử dụng các chất tăng cơ như creatine hay một loại hormone nhân tạo có tên là anabolic steroids (còn gọi là steroids đồng hóa). Nghiên cứu về mối quan tâm thể hình/thể trọng và rối loạn ăn uống của thanh thiếu niên nam công bố vào năm 2021 trên tạp chí The Journal of Adolescent Health của Mỹ cho thấy trong 4.489 nam thanh thiếu niên độ tuổi 16-25 tham gia khảo sát, có 11% cho biết đã sử dụng hai chất này để lên cơ cho nhanh.

Hội chứng mặc cảm cơ bắp Bigorexia

Lạm dụng creatine làm tổn thương tim, gan, thận. Lạm dụng steroid gây biến đổi tâm tính, cao huyết áp, tổn thương tim gan, rối loạn phát triển dậy thì, rối loạn chức năng sinh dục và sinh sản, gây nghiện steroid… Những tác hại này lâu nay đã được cảnh báo, nhưng tại sao các tay cơ bắp vẫn nạp hàng đống chất tăng cơ, tạo nạc? Câu trả lời là một từ đơn giản: Bigorexia (chứng mặc cảm thiếu cơ bắp).

Bigorexia là một thể của chứng mặc cảm ngoại hình chỉ thường thấy ở đàn ông, một thể đối lập của bệnh chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) thường gặp ở phụ nữ. Dạng rối loạn sức khỏe tâm thần này có đặc trưng là chủ thể thường tập nâng tạ quá nhiều, luôn lo bị thiếu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt mọi chế độ ăn giúp tăng cơ. Rối loạn này có thể dẫn đến việc nghiện ngoại hình bản thân, soi gương thường xuyên để xem ngoại hình có ổn không, hay tránh soi gương để không nhìn thấy ngoại hình của mình vì nghĩ nó không ổn.

 
 Một video thiếu niên khoe cơ bắp được hơn 1 triệu view trên TikTok. -Ảnh chụp màn hình

Câu chuyện của các thanh thiếu niên như Bobby và Edwin còn cho thấy nhiều tác hại khác. Bobby nói rằng có khi cậu học hành giảm sút vì dành quá nhiều thời gian cho tập tạ và làm bữa ăn giàu protein. Cậu bị hình thể chi phối tới mức tâm trạng và thái độ học tập ở trường cũng tùy thuộc vào việc lúc sáng soi gương trông “ngầu” thế nào. Trong khi đó, Edwin cho biết: “Tôi hoàn toàn mất kỹ năng giao tiếp. Có nhiều dịp đáng nhớ tôi đã bỏ lỡ vì cứ ở phòng tập suốt”. Các buổi tiệc sinh nhật và các buổi gặp gỡ bạn bè đã bị Edwin cho qua vì sợ “bỏ tập vào ngày hôm sau và ảnh hưởng đến sự tăng cơ”.

Các thanh thiếu niên quan tâm như họ có phải là thiểu số? Nghiên cứu về mối quan tâm thể hình/thể trọng và ăn uống cho thấy có đến ¼ số người tham gia khảo sát nói rằng họ thấy lo lắng về việc thiếu cơ. Một khảo sát nhỏ công bố trên tạp chí Californian Journal of Health Promotion năm 2019 đưa ra con số đáng ngại hơn: có đến ⅓ thiếu niên (11-18 tuổi) không hài lòng với hình thể của mình. Nhóm có tập thể dục thể thao lại thường không hài lòng với cơ thể mình hơn so với nhóm không tập luyện và hầu hết đều mong muốn tăng cơ, đặc biệt là ở ngực, tay, và bụng.

Bigorexia là điều bất thường thời mạng xã hội, nó cũng “lây lan” qua mạng xã hội. Ai chưa tập luyện sẽ tập luyện, ai đã tập luyện sẽ tập luyện thêm, cơ bắp cứ thế cuồn cuộn lên trên thân thể thiếu niên. Veya Seekis - giảng viên khoa tâm lý ứng dụng của Trường đại học Griffith ở bang Queensland, Úc - phân tích: “Những người đàn ông càng xem thân thể họ như thứ trưng bày trước công chúng thì càng sợ bị đánh giá tiêu cực, điều này thường gây ra áp lực luyện tập”. Đó là điều mà Eliot từng gặp phải và trong khoảnh khắc phản tỉnh, cậu nói: “Tôi thấy hình như mình đang cố trở thành nhân vật nào đó chỉ để có thêm view, hơn là để trở thành người mình muốn”.

Các tác động xấu lên thiếu niên của mạng Instagram đã được Công ty Meta (trước đây là Facebook) ghi nhận trong một khảo sát nội bộ nhưng lại che giấu suốt hai năm. Sự thật bị phơi bày vào tháng 11-2021 cho thấy mạng này đã lôi kéo trẻ em tham gia và khiến thiếu niên - chủ yếu là nữ - so bì hình ảnh cơ thể. Sức ép của dư luận và các nhà lập pháp Mỹ đã khiến Meta vào ngày 16-3 phải đưa ra những công cụ mới giúp phụ huynh theo dõi và giới hạn việc con em xem và chia sẻ hình ảnh trên Instagram.

TikTok cũng sẽ không thoát khỏi sự phán xét, vì đầu tháng 3 đã có 8 bang của Mỹ tuyên bố sẽ điều tra tác động của TikTok với thiếu niên, trước các lo ngại việc mạng này khuyến khích tiêu chuẩn nhan sắc và hình thể phi thực tế.■

Bác sĩ Jason Nagata - chuyên khoa tâm sinh lý thiếu niên ở Đại học California, San Francisco - phân tích: “Nếu một cậu thiếu niên tương tác với một bài đăng mô tả một tay cơ bắp hay các thứ về tập thể hình, thì mọi dạng nội dung tương tự khác sẽ kéo đến, nhờ vào thuật toán. Chúng tấn công bằng hàng tấn quảng cáo về thức uống protein, chẳng hạn, và những thiết bị tập luyện, rồi điều đó làm thực tại (của thiếu niên) bị bóp méo”.

Bên cạnh đó là những hình ảnh so sánh kiểu “ngày trước - bây giờ”, những hình ảnh lợi dụng góc máy và ánh sáng... Tất cả làm thanh thiếu niên so bì và tự ti với thể hình của mình, rồi lao vào tập luyện cho bằng anh bằng em. Hai phụ huynh ở thành phố Burlington, bang Vermont của Mỹ đã chia sẻ với The New York Times chuyện con trai họ: Khi tròn 13 tuổi, cậu bé được dùng mạng xã hội. Từ đó, cậu bắt đầu nói về mấy tay đô con trên Instagram và YouTube. Vài tháng sau, cậu nói đến chuyện thiếu cơ, than phiền bản thân “không được đúng size”. Chứng Bigorexia đã “lây lan” qua mạng xã hội như vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận