Truy tầm ung thư tuyến tiền liệt: thiếu hiệu quả

GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN 02/11/2011 04:11 GMT+7

TTCT - Cơ quan đặc nhiệm chuyên về dịch vụ phòng bệnh của Mỹ (USPSTF) vừa công bố không ủng hộ việc truy tìm ung thư tuyến tiền liệt bằng xét nghiệm PSA (Protein Specific Antigen). USPSTF nhận định truy tầm ung thư tuyến tiền liệt qua xét nghiệm PSA không đem lại lợi ích so với tiềm năng gây tác hại.

Tuyên bố này gây sốc nhiều người bởi người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường có nồng độ PSA trong máu tăng cao bất thường. Do đó xét nghiệm PSA được xem là giải pháp đơn giản và phát hiện bệnh sớm.

Thảm họa y tế

Vấn đề khó khăn là trong số 67% được xem là “có thể chữa trị” thì sau khi phẫu thuật bác sĩ sẽ phát hiện đến phân nửa không thể chữa trị được, vì ung thư đã gây di căn hay lan rộng đến các tế bào khác. Do đó, PSA phát hiện ung thư nhóm 1 xem như vô dụng (vì đã quá trễ), còn phát hiện ung thư nhóm 2 vẫn còn một số không thể chữa trị kịp và một số không cần điều trị.

Truy tầm ung thư tuyến tiền liệt qua xét nghiệm PSA có thật sự kéo dài tuổi thọ cho cộng đồng? Để trả lời câu hỏi đó, một loạt nghiên cứu quy mô được tiến hành nhưng kết quả nói chung không nhất quán.

Hai nghiên cứu quan trọng nhất trên 150.000 người từ châu Âu và Mỹ cho thấy sau thời gian theo dõi gần 10 năm, người tham gia chương trình truy tầm ung thư qua xét nghiệm PSA có tỉ lệ tử vong không khác mấy so với người không tham gia chương trình. Nói cách khác, phát hiện ung thư sớm qua xét nghiệm PSA không có hiệu quả giảm tử vong cho đàn ông.

Những người ủng hộ xét nghiệm PSA lý giải tuyên bố đó không xem xét đến lợi ích của xét nghiệm PSA. Họ chỉ ra phần lớn ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện qua PSA. Một số người cung cấp bằng chứng và kinh nghiệm cá nhân đã được cứu sống nhờ vào xét nghiệm PSA.

Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng bằng chứng qua các trường hợp cá nhân không có ý nghĩa khoa học. Họ trình bày bằng chứng từ nghiên cứu khoa học cho thấy lợi ích của xét nghiệm PSA hoặc không đáng kể, hoặc tác hại từ xét nghiệm có thể còn cao hơn so với lợi ích. Số liệu thực tế có vẻ nghiêng về giả thuyết PSA không đem lại lợi ích cho bệnh nhân.

Trong thời gian 20 năm (tính từ 1986-2005), có khoảng 1 triệu đàn ông Mỹ tham gia chương trình xét nghiệm PSA trải qua phẫu thuật hoặc xạ trị (1 triệu người này nếu không có xét nghiệm PSA đã không trải qua hai liệu pháp này). Trong số này có 5.000 người tử vong sau phẫu thuật, 10.000-70.000 người bị biến chứng nghiêm trọng sau khi phẫu thuật, 200.000-300.000 người (20-30%) bị liệt dương hoặc không kiểm soát được tiêu tiểu.

Giáo sư Richard Ablin (người khám phá PSA) viết một bài bình luận rằng các chương trình xét nghiệm PSA là một thảm họa y tế công cộng!

Xét nghiệm PSA không chính xác

Tại sao truy tầm ung thư tuyến tiền liệt không có hiệu quả giảm tử vong? Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Thứ nhất, độ chính xác của xét nghiệm PSA không được cao như mong muốn. Điều này có nghĩa một người có thể bị ung thư tuyến tiền liệt - thậm chí trong giai đoạn nghiêm trọng - mà vẫn có mức độ PSA bình thường. Ngược lại, dù kích thước tuyến tiền liệt bị lớn ra - nhưng không phải ung thư - vẫn có thể tiết ra và làm tăng hàm lượng PSA.

Thứ hai là sự phát triển của bướu. Cứ 100 người được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, một phần ba sẽ được phân loại vào nhóm không chữa trị được vì ung thư đã lan rộng ra các tế bào khác, hai phần ba còn lại được xem có thể chữa trị được với giả định rằng bệnh chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt và phương pháp chữa trị thường là phẫu thuật cắt bỏ ung thư tuyến tiền liệt hoặc xạ trị.

Thực tế một kết quả PSA dương tính dẫn đến một vòng tròn xét nghiệm khác. Và có khi chính những xét nghiệm này không đem lại lợi ích cho bệnh nhân.

Ở đây chúng ta phải đương đầu với một tình thế khó xử và không có một sự đồng thuận nào trong các chuyên gia về ung thư tuyến tiền liệt. Điều công chúng cần không phải tăng cường thử nghiệm PSA một cách bừa bãi, mà là những phương pháp xác định loại ung thư nào là “thật”, phẫu thuật có thể chữa trị khỏi, loại ung thư nào nên để nguyên không cần phẫu thuật. Hơn nữa, công chúng cần những phương tiện để xác định ung thư chính xác hơn.

Với những hạn chế hiện nay của y học, chữa trị bằng phẫu thuật không phải là một phương án tối ưu cho đàn ông mà có thể gây cho họ thêm nhiều vấn đề về sức khỏe. Thành ra dù con số ung thư ngầm khá cao, thử nghiệm PSA trở nên là một bài toán khó có đáp số tối ưu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận