Từ chuyện con heo đến chuyện đa canh

PHA LÊ 01/06/2017 22:06 GMT+7

TTCT - Cách tốt nhất để nông dân tự cứu mình chính là nuôi trồng đa canh, đa dạng sinh học...

Đại gia đình Salatin

 

Một trong những nạn nhân của việc ê hề một loại thực phẩm “ăn không hết bán không xong” chính là Mỹ, phải tội ít ai biết hay hiểu được việc này do Mỹ họ... giàu.

Mỹ may mắn là một nước rộng rãi, đất đai mênh mông. Đặc biệt Mỹ có vành đất màu rộng lớn, với lớp đất đen giàu khoáng chất quý giá mà nông dân ví là “vàng đen”, trải dài từ bang Iowa, Illinois, Indiana đến Michigan, Nebraska, Kansas...

Nông dân Mỹ trước khi “độc canh hóa” đã có một thời gian chăn nuôi trồng trọt tốt đẹp, đa dạng sinh học. Họ trồng luân canh và đa canh, chăn nuôi nhiều con.

Nguồn lương thực chính - và thứ đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho họ - chính là bắp. Tuy nhiên họ trồng xen kẽ bắp với các loại rau khác, xen kẽ giữa các vụ trồng bắp với vụ trồng yến mạch, cây phủ đất, cây cố định đạm để tránh xói mòn.

Đa dạng sinh học còn giúp đất tốt, cây khỏe, cây này hỗ trợ cây kia, nông dân không cần quá lo về sâu bệnh nên họ không dùng thuốc gì xịt, chất gì bón.

Heo bò dê gà mang nhiệm vụ ăn nông sản thừa, thức ăn thừa, các phần không bán được như ngọn, rễ của rau củ, giúp giảm thiểu rác thải.

Về lâu dài, chúng cung cấp thịt sữa trứng, tăng thu nhập cho nông dân. Quan trọng hơn, chúng cung cấp phân bón, phân của chúng bồi lại cho đất màu bị hao hụt sau các vụ trồng rau trồng bắp và giữ lớp “vàng đen” luôn giàu “vàng”.

Cái thời suýt hoàng kim ấy ở Mỹ chỉ nằm ở mức suýt chứ không thành hiện thực với đa số người nông dân. Bởi lạm dụng công nghệ và suy nghĩ quẩn về lợi nhuận luôn là điểm yếu của con người.

Chuyện gì đến sẽ đến khi người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung bắt đầu nắm trong tay một loạt “công nghệ”: thuốc xịt trừ sâu, phân bón hóa chất, giống biến gen.

Công nghệ này hứa hẹn rằng nông dân muốn trồng bao nhiêu bắp thì trồng, bất kể vụ mùa, chẳng cần nuôi con gì lấy phân hay trồng đa dạng các cây hỗ trợ nữa. Nông dân Mỹ đổ xô đi trồng bắp. Hậu quả tất yếu: bắp đầy ứ!

Ông Joel Salatin

Bài học từ cấu tạo cơ thể con người

Con người là loài ăn tạp. Chúng ta cần một nguồn thực phẩm đa dạng. Bò có thể nhai mỗi cỏ, sói có thể ăn mỗi thịt mà sống nhưng hệ tiêu hóa của con người từ thuở khai thiên đến giờ là hệ tiêu hóa của loài ăn tạp.

Đã ăn tạp thì không thể ăn một món. Yêu gạo đến mấy, người Việt Nam lớn sao nổi nếu chỉ ăn toàn cơm? Dân Mỹ không thể nhai toàn bắp từ ngày này sang ngày khác. Dân châu Âu ăn mãi bánh mì cũng sẽ chết. Nên vừa rồi, thương cảm “heo ế” bao nhiêu, cũng chẳng ai ăn nổi toàn thịt heo.

Điều gì sẽ xảy đến khi nông dân trồng mỗi một thứ và rồi thứ đó thừa? Dân ăn không hết và nó... sụt giá. Lúc Mỹ bùng nổ sản lượng bắp là lúc bắp bắt đầu rớt giá thê thảm, từ món quý nó biến thành món rẻ mạt, vứt chỏng chơ dưới đất không ai thèm nhặt.

Theo báo cáo, Chính phủ Mỹ mỗi năm phải bỏ hơn 20 tỉ đôla để trợ cấp cho nông dân - một điều mà chính người Mỹ không thấy vui, nên kêu gọi đất nước quay về với nông nghiệp đa dạng để khỏi tốn kém đi “thu mua giùm” hay “giải cứu”.

Cách tốt nhất để nông dân tự cứu mình chính là nuôi trồng đa canh, đa dạng sinh học.

 

Không bán thứ này thì bán thứ kia

Cách tốt nhất để nông dân tự cứu mình chính là nuôi trồng đa canh, đa dạng sinh học. Nghe có vẻ lý thuyết nhưng nhiều người đã thực hiện được việc đa canh này, hoặc được một phần.

Những người làm nông theo hướng đa dạng sinh học, chăm chỉ nghiên cứu các phương pháp nuôi trồng không hóa chất luôn biết những cái tên của các nhà tiên phong như Allan Nation, ông Masanobu Fukuoka.

Cái tên Salatin ít người biết tới hơn nhưng câu chuyện của họ - một nếp nhà là nông dân từ bao đời, đang có một trang trại lợi nhuận rất khá - đáng để kể lại.

Ban đầu, vì không có vốn liếng, gia đình Salatin phải mua một mảnh đất xấu tệ hại ở bang Virginia (Mỹ). Đất lúc ấy bạc màu, bị xói mòn trơ cả đá.

Cách đây mấy chục năm, khi dân Mỹ còn cuồng bắp với đậu nành, bạn bè bằng hữu kêu gọi nhà Salatin, đặc biệt là ông bố Bill Salatin, trồng bắp với trồng đậu đi cho lời. Tuy nhiên họ đã không làm, vì thấy trước được rằng nếu phải bỏ tiền mua phân hóa học với thuốc trừ sâu chỉ để trồng độc canh bắp hay đậu, trang trại sẽ không bền được.

Gia đình Salatin ra sức trồng cây để gầy một khoảng rừng. Họ đào ao để trữ nước, sau đó thả bò và gà cho chúng ăn chút cỏ loe hoe mọc trên đất đá. Do cỏ “miễn phí”, bò ăn hết cỏ lại mọc cho chúng ăn nữa nên gia đình Salatin không tốn mấy tiền mua thức ăn chăn nuôi.

Đến khi bố Bill giao trang trại cho con trai là bác Joel Salatin, mảnh đất của cả nhà đã không còn xấu nữa. Đất nhờ phân của đủ loại con mà đã dày dặn, đen nhánh, lấp hết phần đá lởm chởm. Cỏ mọc ngày càng tốt hơn, thế là gia đình Salatin nuôi được nhiều con ăn cỏ hơn nữa. Và đất tốt rồi thì bác Joel bắt đầu trồng được đa dạng rau, củ, ngũ cốc.

Do trồng xen canh, đa canh nên cây này hỗ trợ cây kia. Đất còn giàu dinh dưỡng giúp cây khỏe, không bị sâu bệnh. Gia đình Salatin chẳng phải dùng một giọt thuốc xịt côn trùng hay phân bón hóa học nào.

Bác Joel Salatin kể rằng vào thời bố Bill, trang trại chỉ nuôi được bò, gà. Thời bác Joel có nuôi thêm heo và trồng rau. Đến thời con trai và con gái bác, trang trại có thêm thỏ; tương lai các cháu của bác có thể thả thêm dê, thêm vịt. Trang trại ngày một giàu có, đa dạng muôn cây muôn loài.

Trong các ghi chép của mình, bác Joel thuật lại rằng có người của các hệ thống siêu thị lớn đến nhà bác, ngỏ lời sẽ làm ăn với bác nếu bác chuyển sang nuôi toàn gà lấy trứng và lấy thịt cho họ. Bác từ chối ngay, lý do rằng nuôi một thứ thì bấp bênh và gây mất cân bằng sinh thái.

Trang trại nhà Salatin là một tổng thể: bò ăn cỏ, phân bò kích thích cỏ cũng như làm giàu cho đất và dẫn dụ côn trùng, sâu bọ.

Gà nhà bác vừa có cỏ, có rau thừa, vừa có côn trùng giun dế phát sinh từ đất tốt để ăn nên chúng đẻ ra trứng cực kỳ bổ dưỡng, bác lại chẳng tốn mấy tiền đi mua thức ăn chăn nuôi.

Bây giờ bỏ con bò, bỏ luống rau ra, đất sẽ mất dinh dưỡng, lượng côn trùng giun dế bị hao hụt, nghĩa là bác lại phải tốn tiền đi mua nhiều thức ăn chăn nuôi cho gà hơn. Như vậy có cung cấp cho siêu thị lớn cũng bằng thừa.

Quan trọng nhất, nuôi một thứ để bán cũng không bền. Một khi nuôi đa dạng, gia đình Salatin không bán thứ này thì bán thứ khác. Bò sụt giá thì họ bán heo. Heo bị ế vẫn còn gà, còn trứng.

Trứng, gà sụt giá vẫn có đủ loại rau cũng như ngũ cốc. Rau mà ế, gia đình vẫn còn sản phẩm từ rừng. Qua một đời gầy rừng, giờ đây bác Joel cùng con trai con gái đã có thể khai khác một phần gỗ, mở xưởng cưa, thậm chí thu hoạch được một số tài nguyên khác như mật ong, dâu dại. Rừng còn cung cấp hạt sồi để nuôi heo miễn phí.

Các bạn nông dân nuôi trồng đa canh ở Việt Nam cũng có kết luận y như bác Joel. Nếu trồng cây ăn trái kết hợp nuôi dê, sau đó trồng rau thơm và một số loại rau khác dưới gốc cây thì vườn nhà bền hơn hẳn.

Dê ăn cỏ ăn lá cây, chẳng tốn tiền mua thức ăn chăn nuôi, đồng thời giải quyết giùm rau hư, trái giập trái thừa nhằm giảm rác. Sau đó dê cung cấp phân bón bồi lại cho cây. Cây có đa dạng rau thơm trồng ngay gốc thì đỡ bệnh hơn hẳn, khỏi cần xịt thuốc. Như vậy nhà nông không bán được dê thì vẫn còn rau, còn trái cây để bán.

Đoạn kết vui cho món phở Việt

Đa dạng sinh học, đa canh vừa giúp được chính mình mà còn giúp được nhiều người lẫn môi trường, biến nghề nông thành nghề vô cùng đáng kính trọng. Cách đây vài hôm, khi tôi ghé trang Facebook của gia đình Salatin, thấy bác Joel đang quảng cáo cho một... tiệm phở.

Chả là có một gia đình Việt Nam vừa mở quán ngay gần trang trại của bác, bác có đầy đủ thịt, rau, trứng các loại nên cung cấp cho quán ăn Việt ấy luôn. Dân Mỹ biết uy tín của bác nên rủ nhau đi ăn phở Việt cho biết, nhất là khi quán dùng thực phẩm sạch sẽ của nông trại Salatin nổi danh này.

Cuối cùng, một gia đình nông dân xa tít mù ở xứ khác cũng phần nào giúp ẩm thực Việt lan tỏa, tạo thêm tiếng thơm cho phở.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận