Vô danh và vô phương nhận dạng

NICHOLAS THOMPSON (WIRED) 27/11/2020 22:11 GMT+7

TTCT - Anh lên đường với biệt danh Hầu Như Vô Hại. Anh thân thiện và nói rằng mình làm trong ngành công nghệ. Khi anh chết, không ai biết anh là ai. Hành trình tìm kiếm nhân thân của anh, với sự lùng sục từ mọi ngả, mọi phương tiện công nghệ, đến nay vẫn bế tắc.

Hầu Như Vô Hại - hiker bí ẩn. Ảnh: Văn phòng cảnh sát hạt Collier

Tháng 4-2017, một người đàn ông bắt đầu chuyến hiking (đi bộ đường dài) từ một công viên ở phía bắc thành phố New York. Anh muốn chạy trốn, có thể là từ thứ gì đó, hoặc mọi thứ. Anh không mang theo điện thoại, thẻ tín dụng cũng không. Anh thậm chí còn không mang cả một cái tên. Hay ít ra là anh không nói cho mọi người anh gặp tên anh là gì.

Anh đeo một cái balô khổng lồ. Và anh mang một cuốn sổ tay, nơi anh nguệch ngoạc các ghi chú về Screeps, một trò chơi lập trình trực tuyến. Chọn đường mòn đi bộ Appalachian Trail, anh khởi đầu bằng cách nhắm hướng nam, đi xuyên qua Pennsylvania và Maryland. Anh nói với những người gặp trên đường rằng mình từng làm trong ngành công nghệ và muốn thải độc kỹ thuật số. Những người đi bộ đường dài thường lấy biệt danh khi lên đường. Đầu tiên anh lấy tên “Denim”, vì khởi hành khi mặc chiếc quần jeans. Sau đó, anh đổi thành “Hầu Như Vô Hại” (Mostly Harmless), cũng là cách anh tự nói về mình trong một đêm lửa trại. Mà cũng có thể anh đã tham khảo cách Trái đất được mô tả là “hầu như vô hại” trong loạt tiểu thuyết Bí kíp quá giang vào ngân hà của Douglas Adams.

Đến mùa hè, anh đã ở Virginia. Rồi ngày 1-12-2017, Hầu Như Vô Hại đã đến miền bắc Georgia, dừng chân ở một cửa hàng mang tên Mountain Crosings, gặp một hiker dày dặn kinh nghiệm tên Matt Mason đang làm việc ở đó. Hầu Như Vô Hại nói anh muốn biết đường đi Florida Keys. Mason chỉ anh lộ trình và một bản đồ có thể tải về điện thoại. “Tôi không có điện thoại” - Hầu Như Vô Hại đáp. Trong khoảnh khắc đó, Mason đã nghĩ, “tay này ngầu”. Ai vào rừng cũng là để tránh xa thứ gì đó. Nhưng ít ai dám cắt đứt thứ có ý nghĩa sống còn với đời sống kỹ thuật số của họ khi xỏ chân vào giày.

Mason in 60 trang của tấm bản đồ và bán cho Hầu Như Vô Hại với giá 5 USD. Anh trả bằng tiền mặt, lôi trong túi ra một xấp giấy bạc dày vài phân. Mason mê những hiker dị thường. Ông hỏi Hầu Như Vô Hại chụp một pô hình được không. Hầu Như Vô Hại hơi chần chừ, nhưng rồi cũng đồng ý. Anh rời cửa hàng và tiếp tục đi. Hai tuần sau, Mason nghe một người bạn ở Alabama kể đã thấy Hầu Như Vô Hại đi trong bão tuyết. “Anh ta ở ngoài trời tuyết, miệng mỉm cười, chân nhắm hướng nam” - Mason thuật lại.

Cho đến tuần cuối của tháng 1-2018, anh đã đến miền bắc Florida, đang đi bộ dọc xa lộ Route 90 thì một người phụ nữ tên Kelly Fairbanks dừng xe lại bắt chuyện. Cô hỏi anh có dùng ứng dụng Florida Trail không, và anh trả lời mình không có điện thoại.

Fairbanks để ý đồ lề của anh - một mớ những thứ đồ cao cấp lẫn phổ thông, bao gồm gậy leo núi bằng đồng màu đen. Cô cũng giật mình bởi vẻ ngoài thô ráp, cô độc của anh. “Anh ấy có đôi mắt rất hiền. Tôi thấy bộ râu rậm trước tiên, và nghĩ, ‘có lẽ là một ông già’. Nhưng đôi mắt anh ta rất trẻ, và chưa có vết chân chim. Tôi mới vỡ lẽ ra anh ta trẻ hơn nhiều”. Nhưng cô thấy lo, theo cái cách cô vẫn lo cho hai em trai của mình. Đường đi khá trắc trở, và không lâu nữa mọi thứ sẽ trở nên nóng và ngộp không chịu nổi.

Sáu tháng sau, và cách đó 600 dặm về phía nam, ngày 23-7-2018, hai hiker nghỉ chân tại trại Nobles Camp. Ở đó, họ thấy một cái lều vàng và một đôi ủng để bên ngoài. Có thứ gì đó tỏa mùi hôi, và có gì đó không ổn. Họ cất tiếng gọi, rồi vạch lều chui vào. Một cái xác gầy đét ngước lên nhìn họ. Họ gọi 911. “Alô, chúng tôi vừa thấy một cái xác”.

Tranh Decalcomania vẽ năm 1966 của Rene Magritte.

Thường thì rất dễ xác định danh tính một xác chết. Có căn cước hay thẻ tín dụng. Trong vùng đã có thông báo người mất tích. Xét nghiệm ADN cho kết quả trùng khớp với ai đó. Nhưng các điều tra viên ở hạt Collier chẳng tìm thấy gì. Vân tay của Hầu Như Vô Hại không có trong bất kỳ cơ sở dữ liệu nào của cơ quan thực thi pháp luật. Anh chưa từng đi lính, dấu tay cũng không trùng với ai có trong hồ sơ quân ngũ. ADN của anh cũng không khớp với dữ liệu người mất tích của Bộ Tư pháp, hay CODIS - cơ sở dữ liệu quốc gia do FBI quản lý. Chân dung anh không có trong bất kỳ cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt nào. Cơ thể anh không có hình xăm nào nổi bật.

Và các điều tra viên cũng không hiểu vì sao anh chết, chết như thế nào. Không có dấu hiệu bị hại, và anh có hơn 3.500 USD tiền mặt trong lều. Anh có thực phẩm gần đó, nhưng xác anh rỗng tuếch; cơ thể cao 1m72 giờ nặng chỉ 37kg. Các điều tra viên ước tuổi anh vào khoảng 35-50, họ không chỉ ra được điều gì bất thường. Nguyên nhân tử vong, theo báo cáo khám nghiệm tử thi, là “chưa xác định”. Theo cách nào đó, có lẽ anh đơn giản là suy kiệt mà chết. Nhưng tại sao anh đã không cố cầu cứu?

Gần như lập tức, người ta so sánh Hầu Như Vô Hại với Chris McCandless, nguyên mẫu của tiểu thuyết Vào trong hoang dã (Into the wild). Có điều McCandless bị mắc kẹt trong rừng cây bụi Alaska, giữa con sông chảy xiết và hết thức ăn. Anh ta qua đời trên một chiếc xe bus trường học, chết đói và tuyệt vọng tìm sự cứu giúp, ở một vùng hoang vu cách đường lớn 22 dặm. Hầu Như Vô Hại chỉ cách một xa lộ có 5 dặm. Anh chẳng để lại lời nhắn gì, và không có bằng chứng nào cho thấy anh đã cố cầu cứu trong những ngày cuối đời.

Các điều tra viên bế tắc. Để biết được chuyện gì đã xảy ra, họ cần phải biết anh là ai. Vì thế Cơ quan thực thi pháp luật Florida cho vẽ chân dung Hầu Như Vô Hại, và các nhà điều tra ở hạt Collier chuyển cho công chúng xem. Bức tranh được chia sẻ trên mạng, cùng với những tấm ảnh thu được từ khu trại của anh, gồm ảnh cái lều và những cây gậy leo núi của anh.

Kelly Fairbanks làm việc tại cửa hàng trao đổi của Quân đội và Không quân Hoa Kỳ tại một căn cứ quân sự ở Florida. Khi lướt Facebook, Fairbanks đột nhiên thấy một bức ảnh và thảng thốt nhận ra chính là người đàn ông hiền lành cô đã gặp. Văn phòng cảnh sát trưởng cũng đăng kèm hình ảnh gậy leo núi của anh. Fairbanks biết cô cũng có một tấm ảnh của cùng người đàn ông đó với chính những dụng cụ đó.

Cô vào trang Facebook của cảnh sát trưởng hạt Collier và gửi hai bức ảnh mình đã chụp Hầu Như Vô Hại. Cảnh sát liên lạc, cô kể cho họ mọi điều mình biết. Cô cũng chia sẻ hình ảnh và câu chuyện của anh lên khắp cõi Facebook. Hàng chục người nhanh chóng tham gia câu chuyện. Họ cũng đã từng thấy anh, đã đi cùng anh vài giờ hoặc vài ngày, đã cắm trại với anh. Người ta nhớ anh đã nói về một người chị em ở Sarasota hay Saratoga. Họ nghĩ anh đã từng nói anh đến từ đâu đó gần Baton Rouge. Một người còn nhớ anh ăn rất nhiều bánh cuộn quế; một người khác nói anh mê xốt cà chua. Nhưng không ai biết tên anh.

Khi thi thể Chris McCandless được tìm thấy ở miền hoang dã Alaska vào mùa hè năm 1992 mà không có giấy tờ tùy thân, chỉ mất hai tuần để xác định nhân thân của anh. Một người bạn nghe chuyện của McCandless trên đài AM và gọi điện cho chính quyền. Các manh mối nhanh chóng được phát hiện, gia đình McCandless cũng sớm được tìm thấy.

Bây giờ là năm 2020, và chúng ta có Internet. Facebook biết bạn có bầu gần như trước cả bạn. Amazon biết đèn nhà bạn sắp hư ngay trước khi nó thực sự đứt bóng. Đăng chi tiết một cái laptop vừa bị ăn cắp lên Twitter và người ta sẽ lần được kẻ cắp trong một quán bar ở Manhattan. Ca này có vẻ dễ.

Một nhóm Facebook quyết tâm tìm kiếm tông tích Hầu Như Vô Hại nhanh chóng được lập. Các thám tử nghiệp dư lần theo các dấu vết và cố gắng tra khớp các bức ảnh với dữ liệu người mất tích. Trên trang chuyên về các vụ mất tích và án mạng Websleuths.com, người ta vạch ra một dòng thời gian khả dĩ có liên quan, kéo dài hàng chục năm. Liệu có khả năng Hầu Như Vô Hại chính là cậu bé mất tích năm 1982, hay nghi phạm đã sát hại bạn gái năm 2017 ở Arkansas? Không có tấm ảnh nào trùng khớp.

Câu chuyện kéo thêm nhiều người vào cuộc. Chúng ta ai cũng có lúc muốn quẳng điện thoại vào thùng rác và ra đi với một cái tên giả và một mớ tiền. Ở đây một người đã làm chính điều đó, dù anh là người có nhiều ưu thế: anh tử tế, duyên dáng, có học, biết lập trình. Vậy mà anh lại chết một mình trong căn lều vàng. Có lẽ anh bị quỷ dữ truy đuổi và đã tự tìm cho mình kết cục như thế. Hay có thể anh đơn giản là bị sự hoang vu và cái nóng của Florida quật ngã.

Hầu Như Vô Hại có lẽ đã tuân thủ, đến mức gần hoàn hảo, triết lý “không để lại dấu vết” của giới hiker. Chẳng có manh mối nào dẫn đến đâu. Chẳng có gì đưa người ta đến gần với việc giải được bí ẩn. Một nhà văn mẫn cán tên Jason Nark dành hơn một năm miệt mài lần theo các đầu mối, rồi viết một bản ai điếu cho kẻ độc hành quá cố, mở đầu bằng câu “Đôi lúc tôi hình dung anh rơi vào vũ trụ, trôi dạt như bụi từ những ngôi sao chết, trong cái không gian vô hạn trên cao kia”.

Natasha Teasley quản lý một công ty canô và kayak ở North Carolina. Khi việc kinh doanh chậm lại vì virus corona, cô bắt đầu lấp đầy thời gian trống bằng cách săn tìm Hầu Như Vô Hại. Cô lần theo chi tiết từng chiếc xe được kéo khỏi công viên Harriman, nơi anh có thể đã bắt đầu hành trình của mình. Cô đào bới các cơ sở dữ liệu người mất tích. Động lực nào khiến cô bỏ thời gian tìm kiếm một người chưa từng gặp? Câu trả lời thật nhức nhối: “Sẽ có ai đó đang nhớ người đàn ông này”.

Hầu Như Vô Hại - hiker bí ẩn. Ảnh: Văn phòng cảnh sát hạt Collier

Khi nhắc đến xét nghiệm ADN, ta thường nghĩ đến khả năng kỳ diệu của nó khi cho ta biết câu trả lời đúng hay không. Ta thu thập thông tin di truyền tìm được tại hiện trường án mạng, trong nước bọt trên một tách cà phê, hay trên tay của một hiker đã chết. Sau đó lọc lấy thứ mà các nhà di truyền học gọi là chỉ dấu gene, rồi soi nó trong một cơ sở dữ liệu gồm các mẫu gene đã thu thập được trước đó, xem có sự trùng khớp nào không. Thử tưởng tượng nhặt được một quyển sách một triệu trang, chọn lấy một trang, rồi tra trong hằng hà sa số những quyển sách khác, xem có quyển nào có đúng trang đó không. Đó là xét nghiệm ADN thông thường.

Nhưng ADN cũng có thể kể chuyện về gốc gác một con người. Bằng cách tiến hành một xét nghiệm kiểu khác, ta biết được nhiều hơn. Chỉ dấu gene trong cơ thể bạn gần với người họ hàng cùng thế hệ hơn là người ở đời thứ ba. Và chúng gần với những người đời thứ ba hơn đời thứ sáu. Có một chút dấu vết của từng thế hệ trong mỗi chúng ta, từ cha mẹ đến cụ cố đến những con vượn thuở hồng hoang trong rừng ở châu Phi. Và vì thế, đầu hè 2020, những người quản lý trang Facebook tìm kiếm tông tích Hầu Như Vô Hại gửi thông tin vụ việc đến Othram, một công ty ở Houston mới thành lập được 2 năm và tự quảng bá là địa chỉ tin cậy cho các vụ án mãi chưa có lời giải. Hồi cuối tháng 10-2020, Othram giúp cảnh sát nhận dạng được kẻ đã giết em bé 5 tuổi ở Missoula (Montana), kết thúc vụ án 46 năm không có lời giải.

Nhà sáng lập Othram, David Mittelman, là một nhà di truyền học từng làm việc cho dự án lập bản đồ gene người, bị cuốn hút bởi vụ kỳ lạ này. Nếu Mittelman có thể lùng ra tung tích của chàng hiker, anh có thể gây tiếng vang với công nghệ của mình. Nhưng vẫn còn một thứ khác khiến anh muốn tham gia vụ này; nó như một câu đố mà Mittelman khát khao được giải.

Othram gọi cho Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Collier và đề nghị được giúp. Tuy vậy, phân tích ADN rất đắt đỏ, công ty áng chừng cả dự án có thể tốn 5.000 USD. Văn phòng cảnh sát trưởng sẽ không chi ngần ấy tiền cho một vụ không có yếu tố hình sự. Nhưng họ vẫn muốn Othram giúp, nếu có cách khác để lo chuyện tiền nong. Và 3 trong số các xu hướng lớn nhất của thế giới công nghệ đã được kết hợp: gọi vốn đám đông (crowdfunding), thám tử nghiệp dư (amateur sleuthing) và công nghệ gene tân tiến. Trong vòng 8 ngày, nhóm Facebook truy tìm tung tích Hầu Như Vô Hại đã quyên đủ tiền để làm phân tích ADN. Một mảnh xương nhỏ của chàng hiker được chuyển từ hạt Collier đến phòng thí nghiệm của Othram.

Việc đầu tiên đội ngũ ở Othram làm là trích xuất ADN từ mảnh xương, chọn mẫu và đưa vào máy thiết lập trình tự gene, một cỗ máy trị giá triệu đô trông như một cái máy giặt khổng lồ do Apple sản xuất. Rủi thay, đó là một cái máy giặt có quy trình hoạt động rất lâu và không phải lúc nào cũng thành công. Khi máy đang chạy, những “thợ săn tung tích” trên Facebook lo rằng một lần nữa sẽ chẳng có manh mối đáng kể nào tòi ra. Nhưng đến giữa tháng 8, Othram đã có thể đọc được chỗ ADN: họ đã biết chính xác trình tự gene của hiker bí ẩn. Một người phát ngôn của công ty phát biểu trực tiếp trên trang Facebook của nhóm, những thành viên khác bày tỏ lòng biết ơn và sung sướng.

Nhưng có được trình tự gene chỉ mới là khởi đầu. Để có thể nhận dạng Hầu Như Vô Hại, nhóm ở Othram phải so sánh thông tin di truyền của anh với những người khác. Họ sẽ phải bắt đầu với dịch vụ GEDMatch - một kho mẫu di truyền do người dùng tự nguyện cung cấp để tìm anh chị em người cùng cha khác mẹ hay thông tin về ông bà mình. Nhờ kho dữ liệu này mà các điều tra viên ở hạt Contra Costa (California) tìm ra kẻ sát nhân Golden State vào mùa xuân 2018, nhờ kết nối mẫu ADN của kẻ giết người hàng loạt với mẫu của họ hàng hắn trong GEDMatch.

Đã nhiều tháng kể từ khi Othram bắt đầu tìm kiếm trong dữ liệu GEDmatch. Công ty sẽ không hé lộ bất kỳ phát hiện nào, Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Collier cũng im tiếng. Nhưng một nguồn ngoài công ty có am hiểu quá trình tìm kiếm cho biết mặc dù Othram không biết tên thật của Hầu Như Vô Hại, họ đã tìm đủ dấu hiệu để xác định khu vực trong đất nước mà tổ tiên anh xuất thân.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Biết chắc người thân anh đến từ Baton Rouge không có nghĩa Hầu Như Vô Hại cũng đến từ Baton Rouge. Cha mẹ anh có thể được sinh ra ở đó rồi chuyển đến sống ở Montreal. Anh có thể đẻ ở Louisiana rồi được đặt trước bậu cửa một ngôi nhà ở Maine. Nhưng, ngay lúc này, các nhà khoa học dữ liệu ở Othram vẫn đang lục tìm tất cả các mẫu ADN có trong GEDMatch, tìm kiếm các điểm chung và cố gắng thu hẹp khoanh vùng nhân thân khả dĩ của anh. Họ gần như đang lập một cây gia phả.

Giả thử họ tìm thấy ai đó trong dữ liệu của GEDMatch có thể là họ hàng đời thứ tư của Hầu Như Vô Hại, và một người khác có thể là họ hàng đời thứ ba. Hai người này liên hệ với nhau thế nào? Bằng cách phân tích chậm và nhọc nhằn này, họ có thể đến gần hơn với câu trả lời. Rồi họ sẽ sớm tìm thấy gia đình nhiều thế hệ của anh, và có lẽ là tên của cha mẹ anh. Khi đó, lực lượng thực thi pháp luật sẽ có thể giải vụ án đã khiến họ bó tay suốt hơn 2 năm.

Họ có thể làm được, hoặc không. Sẽ đến lúc anh không còn là Hầu Như Vô Hại nữa; anh sẽ có một cái tên thật sự. Và rồi, khi bức màn được vén, một bí ẩn khác lại xuất hiện. Tại sao Hầu Như Vô Hại lại đi vào rừng? Và tại sao, khi mọi thứ bắt đầu không ổn, anh không ra khỏi đó?■

Trường Sơn dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận