Vùng núi bí hiểm Tu Mơ Rông không còn xa...

HUỲNH VĂN MỸ 28/05/2013 21:05 GMT+7

TTCT - Khuất xa, cách trở, và cũng có tên gọi có âm hưởng ấn tượng, Tu Mơ Rông gợi lên hình ảnh một vùng rừng núi ẩn chứa nhiều bí hiểm ở Kon Tum, tỉnh cực bắc của Tây nguyên.

Những con đường mở “cổng trời” mới được khai mở, Tu Mơ Rông đang trở nên gần hơn cho những bước chân khám phá.


Đoạn đường dài 4km với đường hai chiều đang được hoàn thiện ở xã Đăk Hà, vốn là trung tâm hành chính huyện dự kiến sẽ trở thành thị trấn của huyện Tu Mơ Rông vào năm 2015 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Mùa này Tây nguyên đang rộ nắng, sắc trời xanh vời vợi. Thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) trên quốc lộ 14 - nay còn được gọi là đường Hồ Chí Minh - phô ra sự phồn thịnh của một phố huyện vùng cao làm ngỡ ngàng người mới đến. 

Đây là trạm dừng chân lý tưởng trước khi vào Tu Mơ Rông cho bất kỳ ai muốn đến đây từ các TP Kon Tum, Pleiku ở phía nam hay từ TP Đà Nẵng ở phía bắc. 

Ngay ở ngã ba thị trấn, bên con đường dẫn vào Tu Mơ Rông về hướng đông bắc, đã hiện lên ngôi nhà rông, biểu trưng văn hóa của vùng bắc Tây nguyên.

Một thị trấn tương lai

Bữa cơm ở Đăk Tô thật ấn tượng khi chủ quán mời khách thưởng thức cốc nhỏ rượu màu hồng được ngâm với củ hồng đảng sâm bản địa. Rượu không mấy nồng nhưng đượm, vị sâm thơm nhẹ, uống vào nghe người tỉnh ra và sảng khoái. Đường vào Tu Mơ Rông chính là tỉnh lộ 672, dù đã xuống cấp nhưng vẫn không đến nỗi cực với người cưỡi xe máy. “Hãy để ý xem Đăk Tô khác Tu Mơ Rông những gì nhé!” - một người bên đường nhắn nhủ tôi.

Đăk Tô là vành đai cuối cùng của địa hình Tây nguyên ở phía bắc với những thung lũng rộng, đồi núi thấp, xen những lũng ruộng khá bằng phẳng. Những rẫy cao su, cà phê, bời lời trải sắc xanh đậm nhạt trên những đồi nương đất bazan thoai thoải. Chỉ vượt hơn mươi lăm cây số, vừa chạm đèo Măng Rơi, diện mạo của một cõi Trường Sơn giao tiếp với Tây nguyên hiện ra: những dãy núi cao dựng đứng nối nhau bao bọc vô số thung lũng hẹp, địa hình hiểm trở, xanh thẳm cây rừng.

Những bản làng có nhà cửa xếp theo kiểu bậc thang bên những đồng ruộng bậc thang của người Xơ Đăng ở vùng Măng Xăng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Đỉnh Măng Rơi, dài 7km, như một vọng đài nhìn thấy được phần lớn đại thung lũng Tu Mơ Rông từ bốn hướng: một vùng rừng núi ngút ngàn ở hai hướng tây, nam chầu vào đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m ở phía bắc. Những vòng đai núi cao như chỗ nương náu của mây trời: mây viền trên đỉnh núi, mây trải giữa sườn non. Nằm bên dưới đỉnh Măng Rơi, Đăk Hà là trung tâm hành chính của huyện.

Vẫn chưa lập được thị tứ sau gần tám năm huyện Tu Mơ Rông được tái lập, nhưng Đăk Hà hút mắt người mới đến ở cảnh thiên nhiên và các công trình xây dựng. Những dãy núi nối nhau với rừng nguyên sinh bên đường tạo nên sự tươi mát, bù lại cho những quả đồi chạy dọc dài bị san bạt để hàng loạt công sở quy mô, hiện đại mọc lên.

Thêm nữa, bên cạnh những “đồi công sở” đỏ màu ngói mới là những đồi thông caribê sóng sánh xanh dưới nắng tạo nên cảnh quan đẹp giữa Trường Sơn. Gần 4km đường hai chiều đang được trải nhựa, lắp hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng cho dự tính xây dựng thị trấn Tu Mơ Rông trong vài năm tới đã phần nào đánh thức một vùng rừng núi thẳm sâu, cách trở.

Làng Tu Mơ Rông với tấm bảng viết tên rõ to được dựng bên đường 672 gợi sự chú ý của nhiều người. “Gọi cho đủ phải là Đăk Tu Mơ Rông, nghĩa là con nước Tu Mơ Rông. Cái con suối lớn chảy qua vùng đất này có tên là Tu Mơ Rông, cái làng mình ở khoảng giữa con suối, hồi ông cha mình đã gọi là làng Tu Mơ Rông rồi.

Thời Pháp thuộc, huyện Tu Mơ Rông được gọi là tổng, có hai cái đồn Pháp, một ở Đăk Hà, một ở xã Ngọc Lây - gọi là đồn Gờ Xia, có cái sân bay ở đó. Hồi chiến tranh Tu Mơ Rông mình được gọi là huyện H80, sau hòa bình nhập vào huyện Đăk Tô, rồi đến năm 2005 lại tách ra. Mà đúng là phải tách ra, phải gọi lại theo cái tên cũ là huyện Tu Mơ Rông mới phải chứ” - lão làng A Néa, 82 tuổi, giải thích.

Đường vẫn quanh co đèo dốc, núi cao vẫn lớp lớp chắn dừng. Những bản làng của cư dân Xơ Đăng nằm sâu trong lũng núi, chỉ dăm ba bản làng nằm trên đỉnh hay lưng chừng núi. Sức sống mạnh mẽ của họ dễ được nhận ra khi nhìn những mái làng cao gần chạm mây. Đi tiếp theo hướng bắc, tiến gần hơn vào những dãy núi cao phía Ngọc Linh, thật lý thú khi giữa trưa vẫn nghe gờn lạnh trên những cung đường rừng khuất nắng. Vùng tiểu khí hậu Ngọc Linh khá dễ nhận ra.

Cư dân vùng Măng Xăng phơi củ sâm dây (hồng đảng sâm) có được từ ươm trồng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Kỳ vọng vào cây dược liệu

Bên những rừng thông caribê - thông ba lá - tơ trẻ trồng rải rác dọc theo đường, ở địa phận xã Tê Xăng đã thấy những chòm thông caribê cổ thụ đứng bên sườn núi. Những người Xơ Đăng lớn tuổi cho hay thời trước người Pháp đã đưa giống thông này đến đây bằng cách rải hạt từ trên máy bay.

Thông già chết, cây con mọc lên nối tiếp, khi mở rừng làm đường, nhiều vùng thông cổ thụ đã bị ủi trốc. Từ “thử nghiệm” nhân trồng có kết quả của người Pháp, một số vùng ở Đăk Tô, Tu Mơ Rông đã được ngành lâm nghiệp địa phương chọn trồng thông caribê hơn vài chục năm nay.

Núi cao dần, tỉnh lộ 672 cũng trườn lên cao dần về phía Tê Xăng, Măng Ri - hai xã được gọi chung là vùng Măng Xăng. Một sinh cảnh nổi bật của hai xã ở vùng đông bắc Tu Mơ Rông và cuối tỉnh lộ 672 này là những đồng ruộng bậc thang phản ánh tài kiến tạo ruộng nước của người Xơ Đăng - tộc người chiếm đến 98% dân số ở huyện Tu Mơ Rông - trong số các dân tộc ở vùng Trường Sơn. Những bản làng ánh bạc màu tôn mới với nhà cửa dày ken cũng đứng theo kiểu bậc thang trên những quả đồi có độ dốc cao được chọn dựng làng.

Theo lời người chủ quán ăn ở Đắk Tô, tôi lội sâu vào các làng bản ở Măng Xăng - nơi có nhiều vườn rẫy trồng hồng đảng sâm. Những cư dân ở đây cho rằng Măng Xăng những năm 1980 là vùng có nhiều cây sâm Ngọc Linh đến mức đào một ngày được một bao tải, nhưng cũng rẻ đến mức có khi đổi một vài ký sâm lấy một cái quần đùi.

Nhưng đào mãi, chỉ dăm bảy năm là hết sâm Ngọc Linh, thế là họ chuyển qua đào củ hồng đảng sâm (còn gọi là củ sâm dây) bán. Khi củ hồng đảng sâm ở rừng cạn kiệt, vài ba năm nay cư dân Măng Xăng đã tìm cách trồng giống sâm này vào vườn rẫy, đạt kết quả bước đầu.

Nhiều người nói niềm kỳ vọng về một vùng Măng Xăng cận Ngọc Linh sẽ sớm thoát khó nghèo được đặt vào việc trồng các loại cây dược liệu bản địa quý, từ sâm Ngọc Linh, hồng đảng sâm đến cây sơn tra, ngũ vị tử...

Cư dân Xơ Đăng bên con đường Nam Quảng Nam mới được hoàn thành, giúp họ vươn ra bên ngoài thuận lợi hơn - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Hành trình Tu Mơ Rông thêm hứng khởi với con đường Nam Quảng Nam được khai thông hơn nửa năm nay. Từ “cổng trời” Măng Ri, quay trở lại đường 672 chừng 10km, tôi đã đứng trên cầu Ngọc Lây bắc qua dòng Pô Xy. Hướng về đông, từ cây cầu nối đường Nam Quảng Nam với đường 672 này, vượt chỉ mươi lăm cây số xuyên suốt xã Ngọc Lây của Tu Mơ Rông là đến địa phận đất Trà Nam - một trong những “cổng trời” trong hệ Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Cũng là vùng cận Ngọc Linh nhưng Ngọc Lây núi cao hơn và rừng nguyên sinh rậm hơn vùng Măng Xăng nhiều. Nắng chiều xuyên qua những quãng đường không bị vách núi che chắn vẫn không ngăn được cái lạnh từ đại ngàn ở vùng đai cao Ngọc Linh tỏa ra. Sương mù xế chiều che trắng những đỉnh núi cao trùng điệp. Hun hút con đường vắng. Vài toán người gùi củi lấy từ nương rẫy trong núi sâu ra, đi trên con đường nhựa về làng.

Rừng núi Ngọc Lây luôn mát lạnh cũng là nơi giàu sâm Ngọc Linh, sâm dây. Đây chính là nơi dược sĩ Đào Kim Long phát hiện cây sâm Ngọc Linh năm 1974 để chúng dần lên ngôi vị sâm Việt Nam, có giá hàng chục triệu đồng một ký.

Tu Mơ Rông không xa nữa! Dong xe qua các xã vùng tây bắc, đông nam của Tu Mơ Rông - những Đăk Na, Đăk Tờ Kang, Văn Xuôi, Ngọc Yêu... trên những con đường đã, đang được mở ra giữa núi thẳm, tôi lại lặp lại câu nói này của nhiều người. Và Tu Mơ Rông càng gần lại hơn với đồng bằng, duyên hải, với những đô thị, vùng hậu cần cho phát triển kinh tế khi có được đường Nam Quảng Nam.

Một số cán bộ trẻ ở Tu Mơ Rông nói chiều cuối tuần nếu thích họ chỉ chạy xe máy vượt 170km là đã đến được biển Tam Thanh của TP Tam Kỳ, Quảng Nam để tắm biển. Đường Nam Quảng Nam cũng giúp Tu Mơ Rông còn cách TP Đà Nẵng 220km, còn các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất chỉ từ 170-200km.

Cơ hội đánh thức vùng rừng núi còn giàu tài nguyên, không gian văn hóa còn khá nguyên lành này đang ngày một đến gần hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận