WiFi máy bay: Bao giờ nhanh như ở nhà?

TRƯỜNG SƠN 21/10/2019 21:10 GMT+7

TTCT - Hành khách đi máy bay thoải mái bày thiết bị điện tử ra rồi vào mạng, xem phim “phà phà” như đang ở nhà, dù đang di chuyển giữa chín tầng mây. Bao giờ mới đạt được tương lai đó, khi WiFi trên máy bay hiện như một thứ xa xỉ phẩm đúng nghĩa: chậm, đắt, không phải lúc nào cũng có?

Sẽ đến lúc trải nghiệm Wi-Fi trên máy bay “sướng” như ở nhà. Ảnh: iStock
Sẽ đến lúc trải nghiệm Wi-Fi trên máy bay “sướng” như ở nhà. Ảnh: iStock

Việc ngồi trên máy bay lẽ ra phải là khoảnh khắc hiếm hoi khi con người tạm lánh xa hoàn toàn khỏi thế giới mạng và cần được trân trọng, nhất là trong thời đại “luôn luôn kết nối” ngày nay. Song mọi thứ diễn ra theo chiều ngược lại: bởi đã quen kết nối liên tục, người ta ngày càng có nhu cầu lên Internet ngay cả khi đi máy bay.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vừa gia nhập cuộc chơi cung cấp WiFi trên một số chuyến bay từ ngày 10-10, theo thông báo trên trang web của hãng này. Cuộc chơi mang Internet lên máy bay chỉ mới bắt đầu trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, tính từ khi Boeing bắt đầu trang bị hệ thống WiFi cho máy bay của hãng hồi năm 2001, theo trang Insider. Airbus tham gia thị trường này năm 2005, còn Gogo - một trong những nhà cung cấp WiFi trên máy bay lớn nhất thế giới - chỉ mới được thành lập cách đây 11 năm.

Đang ở giữa trời, Internet từ đâu ra?

Bỏ tiền ra mua gói cước WiFi trên các máy bay có phục vụ và ung dung lướt web hay làm việc khi đang lơ lửng giữa không trung thật dễ, nhưng bạn có bao giờ thắc mắc làm sao để cung cấp mạng Internet cho một phương tiện lao vun vút với vận tốc hàng trăm kilômet trên giờ, ở độ cao khoảng 10 ngàn mét? Hiện nay có hai cách để cung cấp WiFi cho máy bay: dựa vào các cột tín hiệu trên mặt đất và vệ tinh trong không gian, theo báo Telegraph.

Trong trường hợp đầu tiên, gọi là phương thức “không đối đất” (A2G, air to ground), các ăngten (thường đặt ở bụng máy bay) sẽ liên tục kết nối với cột tín hiệu Internet băng thông rộng di động (đặt trên mặt đất) gần nhất trong khi đang di chuyển.

Lợi thế của phương thức A2G là kết nối ổn định vì khoảng cách giữa máy bay và các cột phát sóng gần hơn so với vệ tinh. Tuy nhiên, dễ thấy điểm bất lợi là khi đến khu vực không có cột tín hiệu, chẳng hạn băng qua đại dương, núi non hay vùng hẻo lánh, thì xem như “mất mạng”.

Trong khi đó, với phương pháp kết nối bằng vệ tinh (được VN Airlines áp dụng), máy bay sẽ kết nối với các vệ tinh đang trong quỹ đạo cách Trái đất khoảng 35.786km, giống như các vệ tinh hiện đang cung cấp tín hiệu truyền hình, dự báo thời tiết hay hoạt động quân sự, theo Telegraph. Ăngten nhận tín hiệu Internet từ vệ tinh được lắp trên phần trên của khoang hành khách.

Thua xa trên mặt đất

Dù đã được phát triển suốt gần 20 năm qua, chất lượng và tốc độ của WiFi trên máy bay đến nay vẫn được cho là chưa đủ làm hài lòng hành khách. Mạng Internet ngày càng nhanh, thông suốt là chuyện... trên mặt đất, còn bên trong “con chim sắt” bay cách mặt đất cả chục cây số thì lại là chuyện khác.

Khi Gogo triển khai dịch vụ WiFi trên máy bay lần đầu tiên trên một máy bay của Hãng Virgin America hồi năm 2008, tốc độ kết nối chỉ là 3 Mbps (megabit/giây), vừa đủ để một vài laptop sử dụng. Ngày nay, khi hành khách nào cũng có ít nhất một thiết bị điện tử có kết nối Internet, dịch vụ Wi-Fi trên máy bay buộc phải cải thiện tốc độ kết nối mới đáp ứng được nhu cầu.

Theo trang Stuff (New Zealand), tốc độ WiFi kết nối vệ tinh hiện là 12 Mbps, song chi phí vận hành và nâng cấp vẫn còn rất cao, khiến dịch vụ khó mở rộng. Đó là chưa kể nếu so với tốc độ Internet trung bình ở hộ gia đình tại Anh là 28,9 Mbps thì con số 12 Mpbs cũng chưa là gì.

Tốc độ thấp, mà giá cũng không phải rẻ. Gogo có các gói cước giá 7 USD/giờ, 19 USD/cả ngày cho các chuyến bay nội địa ở Mỹ hoặc giữa Mỹ và Canada và Mexico, và gói 28 USD/ngày cho các chuyến bay quốc tế.

Dĩ nhiên, dịch vụ chỉ áp dụng cho máy bay có hỗ trợ WiFi của Gogo và do hãng bay là đối tác của nhà cung cấp này vận hành. Giá WiFi trên máy bay rất đa dạng, tùy thuộc vào hãng hàng không, hành trình bay. Một số hãng như Emirates và JetBlue Airways miễn phí luôn dịch vụ này.

Giá cước WiFi trên máy bay cao vì công nghệ kết nối bằng vệ tinh và các thiết bị liên quan còn đắt đỏ, chính vì thế mà nhiều hãng vẫn quyết định chưa tham gia cuộc chơi cho khách “lướt mạng khi đang bay” này.

Ngay cả khi một hãng bay muốn tham gia cuộc chơi, họ cũng phải nhìn lại đội máy bay của mình xem đã sẵn sàng chưa. Một chiếc Boeing 738 của American Airlines có thể hỗ trợ WiFi từ vệ tinh, song dòng máy bay Boeing 757 của cùng hãng lại không có công nghệ này.

Hai phương pháp cung cấp WiFi cho máy bay. Nguồn: Honeywell. Đồ họa: Business Insider
Hai phương pháp cung cấp WiFi cho máy bay. Nguồn: Honeywell. Đồ họa: Business Insider

Khi nào lên mạng trên trời sướng như ở nhà?

Bài “Vì sao WiFi trên máy bay vẫn tệ đến thế” trên The Washington Post hồi tháng 6 lý giải vào mạng trên máy bay vẫn còn tệ và đắt đỏ vì cung không đủ cầu, và nhiều rào cản kỹ thuật chưa thể vượt qua.

Tuy nhiên, bài báo cho biết người trong cuộc rất lạc quan về tương lai mạng trong khoang hành khách lại “phà phà” như ở nhà. Điểm sáng nổi bật nhất là các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay đã dần chuyển từ A2G sang kết nối bằng vệ tinh. Chẳng hạn, American Airlines tính đến tháng 6 năm nay đã trang bị hệ thống WiFi vệ tinh cho hơn 700 máy bay trong đội bay của hãng.

Trong khi đó, John Wade - chủ tịch phụ trách hàng không thương mại tại Gogo, cho rằng WiFi trên máy bay đã “mang tiếng” là “chậm và đắt” quá lâu, trong khi “thời thế ngày nay đã khác”. Theo Wade, ngay cả công nghệ A2G được cho là lạc hậu cũng đang được nâng cấp và chỉ đôi ba năm nữa là sẽ sẵn sàng.

Cụ thể, Gogo kên kế hoạch cung cấp cả mạng 5G cho các máy bay cỡ nhỏ, sử dụng hệ thống A2G, bắt đầu từ năm 2021. Chia sẻ quan điểm này, Seth Miller - chuyên gia phân tích chất lượng Internet trên máy bay cho trang PaxEx.aero, cho rằng người dùng nên lạc quan vào tương lai chất lượng WiFi trên tàu bay sẽ được cải thiện vượt trội.

Các hệ thống sử dụng vệ tinh cho kết nối nhanh hơn hệ thống A2G, và bản thân các hệ thống dưới đất này cũng đang được nâng cấp để nhanh hơn” - Miller nói với The Washington Post.

John Peterson, giám đốc cấp cao phụ trách dịch vụ kết nối Internet của Hãng Honeywell, nói với Business Insider hồi tháng 9-2018, với các thế hệ WiFi trên máy bay trong tương lai, “hành khách sẽ có trải nghiệm (lên mạng) giống như đang ngồi trong phòng khách nhà mình”.

Tuy nhiên, việc có được trải nghiệm tuyệt vời đó hay không còn tùy hành khách sẽ làm gì nếu được vào mạng khi đang bay. “Khách có thể xem phim trực tuyến, kiểm tra thư điện tử, lướt mạng và dùng mạng xã hội khá ổn, nhưng ngay cả khi dịch vụ chạy hoàn hảo, đừng mong đợi rằng có thể download hàng trăm gigabyte dữ liệu bằng WiFi trên máy bay” - Miller nói.■

Tham vọng miễn phí hoàn toàn

Tháng 3-2019, giám đốc điều hành Delta Air Lines (Mỹ) Ed Bastian công bố tham vọng sẽ cung cấp WiFi tốc độ cao và hoàn toàn miễn phí trên mọi chuyến bay của hãng, và dự kiến sẽ mất 1 hoặc 2 năm để hoàn thành mục tiêu.

Delta Air Lines thử nghiệm dịch vụ WiFi miễn phí trên 55 chuyến bay nội địa hằng ngày trong vòng 2 tuần với đối tác Gogo hồi tháng 5 vừa qua, và sớm nhận ra mọi thứ chưa sẵn sàng, theo tạp chí Skift Airline Weekly ngày 18-9. Hạ tầng của Gogo chưa đủ đáp ứng lượng truy cập lớn cùng một lúc.

Delta Air Lines có thể học bài học kinh nghiệm của JetBlue - hãng này cũng cung cấp miễn phí WiFi và việc một hành khách dùng nhiều thiết bị để vào mạng cùng một lúc không phải là hiếm. Bastian cho biết rào cản duy nhất để đạt tham vọng là vấn đề kỹ thuật chứ không phải chuyện tiền nong.

Trước mắt, hãng đang tính đến việc khách hàng có trả phí dùng WiFi thì sẽ được trải nghiệm tốt hơn, song Bastian nhấn mạnh WiFi miễn phí trên máy bay “vẫn là mục tiêu của tôi và tôi không hề muốn từ bỏ nó”.

Theo Business Insider, nhiều hãng bay xem WiFi trên máy bay là tiện ích cần có để giữ chân hành khách, và ngành công nghiệp này dự báo sẽ đạt trị giá 130 tỉ USD vào năm 2035. Thăm dò của trang này cho thấy 67% hành khách sẽ tiếp tục đặt vé với hãng hàng không nếu chuyến bay trước đó cung cấp WiFi chất lượng tốt.

Sự phát triển của WiFi trên máy bay đang góp phần biến một phương tiện giải trí trên máy bay trở thành dĩ vãng: những màn hình gắn sau lưng ghế để hành khách giết thời giờ trong những chuyến bay dài. Forbes ngày 13-10 giật tít “Các hãng hàng không đang gióng hồi chuông báo tử cho màn hình trên lưng ghế”, phân tích rằng hành khách ngày nay ai cũng có thiết bị di động để vừa làm việc vừa giải trí, thành ra màn hình đặt trước mặt họ trên các chuyến bay không còn cần thiết nữa. Điều này là không tránh khỏi, nhưng cũng là tin vui: các hãng bay không cần tốn tiền bảo trì hệ thống màn hình này, máy bay có thể được thiết kế lại, nhẹ hơn - ít tốn nhiên liệu hơn, ghế ngồi có thể gọn gàng, tạo nhiều không gian trên máy bay hơn. “Hành khách nào tiếc nhớ màn hình trên lưng ghế có thể thấy được “an ủi” với mạng WiFi nhanh và ổ cắm điện ngay bên cạnh ghế ngồi” - Forbes viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận