Xuân vận mùa dịch

CẢNH CHÁNH 03/02/2021 02:00 GMT+7

TTCT - Cuộc Đại xuân vận - tức hành trình về quê nghỉ Tết Nguyên đán của người dân Trung Quốc, cũng là “cuộc di cư lớn nhất” thế giới hằng năm. Năm 2021, cuộc xuân vận này chính thức bắt đầu từ ngày 28-1 và sẽ kéo dài 40 ngày, nhưng trong một hoàn cảnh khác thường…

Cái tết đầu tiên sau một năm đại dịch COVID-19 hoành hành, người dân Trung Quốc những tưởng sẽ được đón năm mới đoàn viên, nhưng những ca lây nhiễm xuất hiện ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc vào đầu tháng 1 này lại cảnh báo về nguy cơ dịch bùng phát. 

Vậy nên, năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm, dân chúng Trung Quốc muốn về quê ăn tết không gặp cảnh chen vai thích cánh.

Hàng không - đường sắt thiệt hại nặng

Xuân vận mọi năm, người dân cực khổ săn vé trên mạng, xếp hàng dài để mua vé tàu; vé máy bay thì luôn cao ngất ngưởng, những ngày cao điểm thường hết vé từ rất sớm. 

Cảnh tượng khá vắng vẻ trước nhà ga xe lửa Bắc Kinh vào cuối tháng 1-2021. Ảnh: Global Times

“Ngay từ Tết dương lịch tôi đã bắt đầu theo dõi thông tin vé tàu xe. Nhưng đến cuối tháng 1, đột nhiên phát hiện có thể dễ dàng đặt được vé tàu, còn vé máy bay thì giảm giá thấp nhất trong năm, giảm đến 15%” - anh Trương chia sẻ trên tờ Đệ Nhất Tài Kinh.

Ngày 20-1, Bộ Giao thông Trung Quốc dự báo xuân vận 2021 chỉ phục vụ 1,7 tỉ lượt hành khách; giảm tới 40% so với năm 2019 (2,98 tỉ). Nhưng đây là mức tăng 10% so với năm 2020 (1,4 tỉ) hồi Tết Nguyên đán 2020 - khi dịch đã bùng phát ở Trung Quốc. 

Theo ngành đường sắt nước này, lượng khách đặt vé tàu giảm 60% so với cùng kỳ - còn khoảng 296 triệu. Ngành hàng không cũng không khá hơn khi dự kiến lượng khách sẽ giảm 6 triệu lượt.

Ngày 5-1, chuyến tàu mang số hiệu K350 khởi hành từ thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đến Bắc Kinh theo thường lệ, dừng chân tại 20 trạm với hành trình 27 giờ. Nhưng đến ngày 13-1, phát hiện có 5 ca nhiễm virus corona không triệu chứng trên tàu. 

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, cơ quan phòng chống dịch mở cuộc truy vết hành khách. Vụ việc khiến dịch bệnh trở thành nỗi ám ảnh của người dân muốn đi tàu về quê. Ngay sau đó, hàng loạt tỉnh thành khuyến cáo người dân không rời thành phố, ai ở đâu ở yên đó trong đợt xuân vận 2021.

Kèm theo đó, chính quyền nhiều tỉnh thành ban hành các chính sách giúp đỡ người ở lại ăn tết, bao gồm hỗ trợ tiền mặt có thể lên đến 5.000 tệ/người (17,8 triệu), phiếu mua quà, vé tham quan, vé xem phim... 

Một công ty ở thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang cho công nhân hưởng lương 300% và tăng ca nếu không về quê. Một doanh nghiệp thành phố Ninh Ba, cũng ở Chiết Giang, chuẩn bị 197 phòng phu thê cho công nhân lao động nhập cư.

Thống kê sơ bộ ở tỉnh Chiết Giang vốn có nhiều lao động nhập cư cho thấy 55% lao động ở lại đón tết, so với khoảng 10% các năm trước.

Việc đi lại cũng khó khăn hơn sau khi ngày 20-1, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Phương án phòng chống dịch nông thôn mùa đông xuân, yêu cầu trong giai đoạn xuân vận, những người về quê phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày, về quê phải theo dõi y tế tại nhà 14 ngày, không tụ tập, không ra ngoài, 7 ngày xét nghiệm một lần.

Đủ lý do về hay ở

Ngay sau khi phương án phòng chống dịch mới được ban hành, ngày 21-1 số người đăng ký xét nghiệm tăng vọt, chẳng hạn đơn vị xét nghiệm tư nhân Kim Vực Y học ghi nhận mức tăng 40%. 

Xuân vận mỗi năm luôn là cuộc di cư lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

10h ngày 21-1, Bệnh viện Bắc Đại có hơn 100 người xếp hàng lấy số đăng ký, có người phải đợi gần 2 tiếng mới lấy được số. Đăng ký qua mạng cũng chẳng nhanh hơn, có bệnh viện hẹn đến 1 tuần sau mới được xét nghiệm. 

Người về quê đổ xô đi xét nghiệm, mặc dù theo chính quyền Bắc Kinh, năng lực xét nghiệm hiện nay của Trung Quốc là hơn 6,6 triệu mẫu bệnh phẩm/ngày, theo Chứng Khoán nhật báo. Hiện giá xét nghiệm ở bệnh viện công là 120 tệ/lần; ở cơ sở tư là 178 tệ/lần (427.000 và 634.000 đồng).

Vừa nghe thông báo phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, anh Chu Bổn vội đổi vé về quê Tứ Xuyên từ ngày 27 sang 25-1. Mặc dù chưa biết quy định phòng dịch ở Tứ Xuyên thế nào, anh vẫn cảm thấy về quê trước đợt “xuân vận” là lựa chọn sáng suốt với một người làm việc xa nhà cả năm như anh.

Cũng có người phản đối thông báo của chính quyền. Họ đặt câu hỏi tại sao người đến từ vùng dịch nguy cơ thấp cũng phải làm xét nghiệm, khiến người lao động phải chờ mỏi mòn, nhất là khi vùng nông thôn có năng lực xét nghiệm thấp hơn ở thành phố.

Nhưng những ai ủng hộ “ở đâu yên đó” lại cũng đầy lý lẽ: rằng người thực sự hiếu thảo vốn luôn thương nhớ bố mẹ, thời đại công nghệ thông tin, về nhà ăn tết có mấy ngày chẳng làm được gì, nói thẳng ra là về ăn chơi. 

Rằng thời kỳ dịch bệnh sao không biết thông cảm, tính mạng quan trọng hay 7 ngày về nhà quan trọng? Rằng những người về quê là người ích kỷ, sợ cô đơn. Rằng nhớ quê thì về ngày thường cũng được.

Nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi, chấp nhận đón tết xa nhà, trong buồn rầu. Diêm Tài, người Sơn Đông chia sẻ với trang Chinanews: “Nếu tết không về, tôi phải đợi đến lễ 1-5 mới được về thăm bố mẹ. Bà nội mất được 3 năm, tôi định về đoàn tụ rồi cúng giỗ, giờ kế hoạch tiêu tan. Năm nay Nội Mông Cổ rất lạnh, lại phải một mình tự chuẩn bị cơm tất niên. Đúng là cái tết lạnh nhất tôi từng đón”. 

Còn cô Tiêu làm việc tại Thượng Hải thì quyết định ở lại, vì ở quê phòng chống dịch nghiêm ngặt, bố mẹ không cho về, sợ rủi ro, gây phiền phức cho cả làng.

Sắm tết, chúc tết online

Những người ở lại đều chọn chúc tết qua Taobao (trang thương mại điện tử lớn của nước này), mua quà tết gửi về nhà từ sớm. Nhiều người vẫn đang do dự, nên mua quà gửi về trước, lỡ không về được cũng có quà biếu bố mẹ.

Theo trang taobao.com, dịch bệnh khiến các mặt hàng giải trí tiêu thụ mạnh. Máy chơi mạt chược có lượng đặt hàng gấp 2 lần ngày thường, lọt vào top 3 hàng tiêu thụ nhiều nhất. Cư dân mạng cho rằng mua máy mạt chược là lựa chọn số 1, bố mẹ có thể ở nhà chơi mạt chược không phải ra ngoài tụ tập, theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh.

Thành phố Tú Thiên, tỉnh Giang Tô còn đề nghị người dân không đi chúc tết mà chuyển sang chúc tết qua điện thoại, WeChat; không mời bạn bè người thân từ vùng dịch rủi ro cao đến chơi; tụ họp gia đình phải dưới 10 người. 

Chính quyền thành phố này còn yêu cầu người dân không mua thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc; khi nhận hàng chuyển phát nhanh phải tiệt trùng trước khi mở, đeo bao tay khi sơ chế thực phẩm đông lạnh.

Giang Tô là tỉnh đầu tiên quy định các cơ quan nhà nước không chúc tết nhau dịp Tết Tân Sửu, yêu cầu hủy tất cả các hoạt động chúc tết, liên hoan, họp mặt quy mô lớn. 

Người Trung Quốc có truyền thống cả gia đình quây quần ăn cơm tất niên, bữa cơm đoàn tụ vào đêm giao thừa. Năm nay, tiệc tất niên cũng thay đổi. 

Nhiều nhà hàng đã cung cấp dịch vụ tiệc tất niên mang đi hay tiệc tất niên được sơ chế sẵn, hoặc cung cấp đầu bếp về nấu tiệc tất niên tại nhà (đầu bếp phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính). Để phục vụ đối tượng lao động nhập cư, nhiều nhà hàng còn tung ra combo tiệc tất niên dành cho 1 người, 2 người.

Doanh nghiệp tư nhân thưởng tết giảm

Theo điều tra thưởng tết đầu tháng 1 của Công ty Ciichr, khối doanh nghiệp nhà nước có kết quả kinh doanh ổn định nhất, 30% cho biết kết quả kinh doanh khả quan; khối doanh nghiệp tư nhân là khối chịu ảnh hưởng nhất, hơn 40% có tình hình kinh doanh kém hơn dự kiến, nên thưởng tết cũng thấp hơn.

73% doanh nghiệp cho biết sẽ thưởng tết; có 5% doanh nghiệp không thưởng tết và 22% chưa quyết định. Mức thưởng bình quân là 21.000 tệ (74 triệu đồng). 

Mức thưởng kỷ lục là ở Công ty Alibaba: 340.000 tệ (1,2 tỉ đồng). Nhiều doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn cũng chuyển sang thưởng hiện vật. 

Có người nhận được một cuốn lịch in hình giám đốc, có người nhận mì gói, màn thầu, nước suối, khiến không ít ta thán ầm lên, rằng chẳng khác gì đi nhận quà cứu trợ.

Nhiều công nhân may, công ty thương mại được cho nghỉ tết sớm từ cuối tháng 12, đầu tháng 1 vì nhà máy không có đơn hàng. Một số đã về quê sớm. Theo tờ Kinh Tế nhật báo, đã có 30% hành khách trở về nhà trước đợt xuân vận. ■

Tính đến ngày 23-1, Trung Quốc xác định cả nước có 6 khu vực rủi ro cao và 67 khu vực rủi ro trung bình. 6 khu vực rủi ro cao là: Thạch Gia Trang, Hà Bắc (2 khu vực); Tuy Hóa, Hắc Long Giang; Hình Đài, Hà Bắc; Thông Hóa, Cát Lâm; và Bắc Kinh (mỗi nơi 1 khu vực).

Năm nay Nội Mông Cổ rất lạnh, lại phải một mình tự chuẩn bị cơm tất niên. Đúng là cái tết lạnh nhất tôi từng đón”.

Diêm Tài (người Sơn Đông, phải ở lại đất khách đón tết)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận