Y tế: Những vấn đề thị dân

LOAN PHƯƠNG 29/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Hơn một nửa dân số thế giới giờ đã sống ở các thành phố, nhưng sự tiện lợi của đời sống đô thị đã không bù đắp được những tổn thất về sức khỏe, cả thể chất và tinh thần, của các thị dân.

Cuộc sống ở thành phố không bao giờ dễ dàng, nhất là cho sức khỏe của bạn-Huffington Post
Cuộc sống ở thành phố không bao giờ dễ dàng, nhất là cho sức khỏe của bạn-Huffington Post

Tới năm 2050, các chuyên gia ước tính tới 70% nhân loại sẽ sống ở các thành phố, những nơi đông đúc, ồn ào và ngày càng trở nên ô nhiễm. Tác động của đời sống đô thị lên con người đã không chỉ dừng lại ở những nhận định mang tính “trà dư tửu hậu”, mà được các nhà khoa học định lượng rõ ràng.

Từ tâm thần tới dị ứng

Sức hút của các thành phố lớn là điều không thể phủ nhận. Những tòa nhà chọc trời hào nhoáng, những đường phố ẩn giấu hàng triệu câu chuyện và cuộc đời chờ khám phá. Các siêu đô thị thật sự là những nơi sinh sống tuyệt diệu. Nhưng các thành phố, về bản chất, là sự tập trung cao độ gần như tất cả mọi thứ vào một không gian rất hẹp. Sự tập trung như thế sẽ tác động thế nào lên sức khỏe của bạn?

Năm 1950, chỉ khoảng 30% dân số thế giới sống ở các thành phố. Tới năm 2014, con số đó đã là 54% và ước tính tới năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ là những thị dân. Con số càng tăng, các vấn đề y tế đi theo cuộc sống ở thành phố cũng tăng theo.

Lo lắng lớn nhất ở hầu hết các đô thị hiện giờ có lẽ là vấn đề tội phạm, vốn không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà đôi khi cả tính mạng của người dân nữa. Tuy nhiên, một số lo lắng này có thể không có cơ sở, ít ra ở Mỹ.

Báo Time chẳng hạn từng dẫn lại các thống kê chi tiết trong một bài báo chứng minh rằng sống tại một thành phố an toàn hơn ở nông thôn. Rủi ro tử vong vì thương tật bất ngờ, bao gồm tội phạm và tai nạn giao thông, thấp hơn 20% ở thành phố so với ở nông thôn. Và trong khi đúng là tỉ lệ giết người tại các thành phố cao hơn hẳn, tỉ lệ đó đang có xu hướng giảm. Một vấn đề thú vị khác là mối quan hệ giữa việc gia tăng dân số và tỉ lệ tự sát giảm xuống. Trong khi mức độ tai nạn giao thông thường tăng theo quy mô dân số, tỉ lệ tự sát lại không tăng nhanh tương ứng, có nghĩa là một thành phố càng đông người thì khả năng người ta tự kết liễu mạng sống của mình càng ít đi. Điều này có thể khiến chúng ta phải nghĩ lại về định kiến cho rằng dân thành phố sống cô đơn lạnh lùng.

Nhưng ngoài việc an toàn và tiện lợi hơn, khi nhắc tới các vấn đề y tế cụ thể, sống ở thành phố nhìn chung là không tốt cho sức khỏe. Theo báo Anh The Guardian trong loạt bài của họ về đời sống đô thị ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao, bộ não của thị dân khác rất cơ bản với những người sống ở vùng nông thôn. Nghiên cứu của tiến sĩ Andreas Meyer-Lindenberg, thuộc Viện Thần kinh trung ương ở Mannheim (Đức), cho thấy bộ não của dân thành thị xử lý căng thẳng kém hơn nhiều so với dân nông thôn, có thể vì họ phải đối mặt với những tình huống “stress” thường xuyên hơn nhiều trong cuộc sống.

Nghiên cứu cho thấy rằng hai vùng liên hệ nhiều nhất với căng thẳng là hạch hạnh nhân và lưng vỏ não vành trước đặc biệt hoạt động mạnh ở dân thành phố khi họ đứng trước một tình huống căng thẳng. Điều này có nghĩa là khi thấy “stress”, các thị dân thật sự rất khó chịu. Họ dễ phản ứng thái quá hơn, dễ rơi vào trầm cảm hơn và có khả năng bị các bệnh thần kinh cao hơn.

Cũng theo Guardian, cư dân thành phố “có tỉ lệ các chứng rối loạn tâm lý do lo lắng cao hơn 21% và rối loạn tâm lý do tâm trạng xấu cao hơn 39%”. Những người sinh ra và lớn lên ở các đô thị cũng có khả năng cao hơn gấp hai lần mắc chứng tâm thần phân liệt so với dân nông thôn.

Một yếu tố đóng góp lớn vào chứng rối loạn tâm lý do lo lắng là cảm nhận về sự đông đúc của đô thị. “Sống trong những khu vực đông đúc liên quan tới căng thẳng xã hội gia tăng do môi trường trở nên ít kiểm soát hơn với các cá nhân” - nghiên cứu nói về đời sống đô thị. Chỉ riêng việc bị vây quanh bởi quá nhiều người cũng khiến bộ não diễn dịch là nó thiếu kiểm soát, dù là ý thức hay tiềm thức, điều khiến sự lo lắng gia tăng. Điều này khởi động một hiệu ứng domino khi sự lo lắng dẫn tới mất ngủ và mệt mỏi kinh niên, khiến hệ miễn dịch cơ thể yếu đi và lại càng làm sức khỏe sút kém.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Proceedings Of The Royal Society B, đời sống thành phố làm nhịp tim đập nhanh hơn ở người. Những siêu đô thị như New York hay Thượng Hải - vốn không bao giờ ngủ, không bao giờ tắt ánh sáng và âm thanh - còn có thể làm tăng rủi ro bệnh ung thư vú do thay đổi về nhịp tim. Chuyên gia dịch tễ học Richard Stevens của Đại học Connecticut lập luận rằng phụ nữ làm việc ca đêm, điều chỉ diễn ra ở thành phố, có khả năng mắc ung thư vú cao gấp đôi so với người bình thường.

Và không chỉ chứng thiếu ngủ hay áp lực công việc, những căn nhà chật hẹp cũng tác động tiêu cực lên sức khỏe. Tạp chí The Atlantic cho biết “một cư dân với công việc nhiều áp lực có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong một căn hộ chật hẹp không có khoảng không vào buổi tối, bị ép giữa hai chọn lựa tồi tệ cho tâm lý như nhau: sống với đám đông ngoài đường hoặc không gian ít ỏi ở nhà”.

Những bệnh tật phổ thông khác ở thành phố là hen suyễn, hô hấp, dị ứng hay khô mắt. Thị dân, nhất là trẻ em, có khả năng cao hơn hẳn mắc các bệnh dị ứng và hen suyễn. Nghiên cứu của Đại học Wisconsin - Madison cho thấy trẻ em, nhất là ở những khu vực thu nhập thấp của đô thị, dễ bị dị ứng hơn vì tiếp xúc nhiều với các chất độc hơn, ở độ tuổi nhỏ hơn. Chẳng hạn gần một nửa trong 4,4 triệu trẻ em ở thành phố Delhi (Ấn Độ) mắc các bệnh về phổi do ô nhiễm. Một nghiên cứu quy mô lớn của Sở Y tế New York thực hiện cho chính quyền Ấn Độ theo dõi 11.000 trẻ em ở đây trong ba năm đi tới kết luận gây sốc rằng: “Trẻ em độ tuổi 4-17 ở Delhi có tình trạng sức khỏe tệ hơn so với các trẻ em nông thôn, với các chỉ số tệ hơn từ 2 - 4 lần”.

Cuộc sống ở thành phố không bao giờ dễ dàng, nhất là cho sức khỏe của bạn
Cuộc sống ở thành phố không bao giờ dễ dàng, nhất là cho sức khỏe của bạn

Sức khỏe trước, kinh tế sau

Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 1 tỉ người trên thế giới hiện sống trong những khu vực đô thị với tình trạng của khu ổ chuột, không đủ vệ sinh về nguồn nước, ít được tiếp cận với chăm sóc y tế và nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao. Trong khi đó ở các nước giàu, đời sống đô thị cũng đầy thách thức với những vấn đề về béo phì, tiểu đường, trầm cảm và các bệnh tâm thần. Tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn cũng đang tệ hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ tám ca tử vong trên toàn cầu thì một ca liên quan tới ô nhiễm không khí.

Nhưng đời sống đô thị không nhất thiết luôn đồng nghĩa với sức khỏe kém. Các thành phố với mật độ cực đông như Hong Kong, Osaka, Tokyo và Singapore đều đứng đầu danh sách về chăm sóc y tế toàn cầu, nhờ vào nhiều yếu tố như việc đi lại thuận tiện và sự tiếp cận dễ dàng với dịch vụ sức khỏe.

Ở một số thành phố lớn nhất thế giới, người dân nhìn chung có tuổi thọ cao hơn so với mức trung bình toàn quốc và khắp nơi, những nỗ lực xây dựng các đô thị khỏe mạnh hơn đang được thực hiện qua hạ tầng tốt hơn, các lựa chọn giao thông xanh hơn và thiết kế thành phố có lợi hơn cho sức khỏe. Tiến sĩ Laurence Carmichael, giảng viên cấp cao ở Đại học West of England và là người đứng đầu Trung tâm hợp tác y tế đô thị của WHO, nói cải thiện sức khỏe cho thị dân đòi hỏi tính tới các vấn đề địa phương. “Những thành phố ở các vùng kém phát triển hơn trên thế giới phải bắt đầu với những vấn đề như vệ sinh, chất lượng nguồn nước và vấn đề nước thải. Rồi khi hệ thống bắt đầu thông minh hơn, họ có thể bắt đầu nghĩ về những thứ như mạng lưới thực phẩm, hạ tầng xanh và thích nghi thành phố cho mọi độ tuổi” - tiến sĩ Carmichael phân tích trên Guardian.

Cách nhà chức trách tổ chức và quy hoạch thành phố đang ngày càng là yếu tố then chốt với sức khỏe của người dân sống ở đó. Tiến sĩ Carmichael dẫn ví dụ của Freiburg, một đô thị chỉ 230.000 dân ở Đức, nơi các yếu tố như mạng lưới xe đạp, phương tiện công cộng và khu phố được quy hoạch theo thứ tự ưu tiên: sức khỏe của người dân, môi trường bền vững rồi mới tới sự tiện lợi và các yếu tố kinh tế. Và không chỉ có châu Âu hay Mỹ làm được. WHO cũng dẫn ra Curitiba, thành phố gần 2 triệu dân ở miền nam Brazil, là một ví dụ khác về việc tổ chức đời sống đô thị ưu tiên cho y tế ở một nước đang phát triển.

Tại Anh, mạng lưới các thành phố y tế, một phần trong phong trào vì sức khỏe thị dân toàn cầu của WHO, có 27 thành viên chia sẻ với nhau những kinh nghiệm giúp cải thiện y tế công cộng và mang tới các dịch vụ chăm sóc tốt hơn cho người dân. “Mạng lưới tạo ra bầu không khí xây dựng trong trao đổi về những chức năng khác nhau của một chính quyền địa phương với sức khỏe người dân thành phố - Helen Wilding, người điều phối của mạng lưới, nói - Rất nhiều chính quyền quan tâm tới việc xây dựng các mảng xanh và không gian công cộng được cho là rất quan trọng với sức khỏe người dân”.

Ở Newcastle, thành phố miền bắc Anh mà Wilding đang sống, hội đồng thành phố muốn mọi công việc của họ từ giờ trở đi phải tính tới các vấn đề y tế công.

Tuy nhiên, một thách thức lớn với việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe đại trà ở thành phố là khoảng cách thu nhập. Báo cáo UN-Habitat cho biết 75% các đô thị trên thế giới đã gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập trong hai thập niên qua. Ở Nairobi (Kenya) chẳng hạn, một đứa trẻ sinh ra ở khu ổ chuột có khả năng tử vong cao gấp 4 lần so với một trẻ sinh tại khu vực khác của thành phố.

Những nghiên cứu mới chỉ ra rằng “sự kết hợp độc hại” của quy hoạch kém cỏi và những quyết định chính trị tồi tại thành phố gắn với tình trạng nghèo đói và bị tước đoạt kinh niên sẽ là thảm họa y tế với người dân thành phố. Tác giả một trong những nghiên cứu đó, tiến sĩ David Walsh ở Trung tâm Y tế công Glasgow, nói các yếu tố kinh tế có vai trò quan trọng, nhưng các chính trị gia đã không học được thất bại quá khứ. “Sự bất công là đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế - ông nói - Và các chính sách ở thành phố hiện giờ không cho thấy dấu hiệu thay đổi điều đó”.

“Chúng tôi không chỉ tập trung vào hành vi như việc hút thuốc, thói quen ăn uống có lợi hơn, tập thể dục nhiều hơn, mà cả môi trường và quy hoạch thành phố sao cho ảnh hưởng lên lựa chọn của người dân một cách tinh tế” - Jane Streather, ủy viên hội đồng phụ trách y tế công cộng và nhà ở của Newcastle, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận