Cuộc xoay trục không suôn sẻ

TTCT - Hội nghị APEC tại Indonesia (từ ngày 1 đến 8-10-2013) đã diễn ra thiếu vắng đối tác quan trọng nhất: Hoa Kỳ.

Chuyến công du lẽ ra đã diễn ra của Tổng thống Obama có ý nghĩa đặc biệt khi Hoa Kỳ đang công bố những điều chỉnh chính sách ngoại giao và chiến lược quốc phòng theo hướng tái cơ cấu lực lượng, đặt trọng tâm về vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Các nước ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC 2017
Đăng cai APEC 2017 "thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam"

Phóng to
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (trái) trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc gặp song phương bên lề Diễn đàn APEC ở Bali ngày 8-10 - Ảnh: Reuters

Ông Obama xoay trục

Những điều chỉnh chính sách này đã được hoạch định trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, được chính ông cùng Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton công bố cùng những biện pháp cụ thể như việc đưa lực lượng thủy quân lục chiến tới đồn trú ở Úc, hay tàu chiến thế hệ mới nhất tới Singapore. Đây có lẽ là bước chuyển chiến lược đáng kể nhất trong chính sách của Hoa Kỳ thời hậu Chiến tranh lạnh.

Khi các nguy cơ từ Liên Xô và khối XHCN Đông Âu không còn nữa, các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Âu nay đã hết vai trò tiền tiêu để đối phó với những nguy cơ chiến tranh đến từ phía đông mà chỉ còn là các trạm trung chuyển hỗ trợ cho chiến trường Afghanistan hay Iraq.

Khi Tổng thống Obama lên nắm quyền năm 2008, việc ông bày tỏ quyết tâm rút quân khỏi hai chiến trường hao tài tốn của này càng làm giảm bớt tầm quan trọng sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ tại châu Âu. Cùng lúc, Trung Quốc sau hơn 30 năm cải cách và phát triển kinh tế đã dần lộ rõ là một siêu cường đang lên, bộc lộ những tham vọng chính trị, lãnh thổ và ảnh hưởng ngay cả trong những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Hoa Kỳ, đặc biệt ở Đông và Đông Nam Á.

Trong tình hình này, sự xoay trục hay tái cân đối quân lực Mỹ xoay quanh châu Á - Thái Bình Dương là một nước cờ chiến lược mang tính ngăn ngừa, giúp Mỹ giữ thế thượng phong trong một cuộc chiến giành ảnh hưởng khu vực rất cam go.

Mặc dù lâu nay Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Đông Á, trọng tâm của họ vẫn chỉ nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng, bảo vệ hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau khi chiến tranh Việt Nam và Campuchia kết thúc đầu thập kỷ 1990, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á cũng giảm bớt đi nhiều cùng việc rút quân khỏi Thái Lan và các căn cứ quân sự ở Philippines.

Hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á thường hạn chế trong khuôn khổ các hiệp ước song phương với Singapore, Thái Lan, Philippines hoặc các cuộc tập trận đa phương thường niên. Những sự hợp tác này phần nào mang nặng tính hình thức, dễ hiểu là do sự ổn định về cả kinh tế và chính trị trong khu vực làm thiếu vắng kẻ thù chung làm tiền đề cho các kế hoạch hợp tác quân sự.

Như vậy, để đối phó hiệu quả với một Trung Quốc bắt đầu bày tỏ các tham vọng kiểm soát biển đảo và giao thương hàng hải ở đây, Hoa Kỳ dĩ nhiên cần tái khởi động những mối quan hệ đồng minh truyền thống trong khu vực.

Có thể nhìn thấy trong việc Hoa Kỳ xúc tiến đàm phán với Philippines để mở cửa lại các căn cứ quân sự ở nước này, đặt quân đồn trú ở Úc, hay tăng cường cho hạm đội bảy tàu chiến thế hệ mới nhất cho thấy Hoa Kỳ đang định hình thành công một vành đai lửa để kiềm chế sự trỗi dậy của siêu cường Trung Quốc.

Gót chân Achilles của một nền ngoại giao

Tuy thế, để nhận được sự đồng thuận của các quốc gia trong khu vực, Hoa Kỳ chắc chắn cần chứng tỏ cam kết ở mức cao nhất trong việc (tái) thiết lập các mối quan hệ đồng minh lâu dài. Cam kết này cần tái khẳng định liên tục.

Lãnh đạo nhiều quốc gia khu vực khi biết tin Tổng thống Obama hủy bỏ chuyến thăm tháng 10 này đã bày tỏ sự thất vọng vì Tổng thống Obama đã đánh mất cơ hội bày tỏ cam kết của Hoa Kỳ với khu vực thông qua hai diễn đàn quan trọng bậc nhất trong khu vực là APEC và ASEAN.

Mặc dù Tổng thống Nga V. Putin khẳng định lý do vắng mặt của ông Obama lần này là “chính đáng” và nếu đặt ông vào vị trí ông Obama, ông cũng sẽ làm như vậy (1). Tuy nhiên, việc Tổng thống Obama lần này không thể bỏ “việc nhà” để đi lo “việc làng” một lần nữa cho thấy gót chân Achilles của nền ngoại giao Hoa Kỳ chính là hoàn cảnh chính trị nội bộ của nước này.

Trong khi Tổng thống Obama bận giải quyết những vấn đề đối nội “trói chân trói tay” chính quyền của ông thực hiện những chiến lược như chuyển trọng tâm về châu Á thì Trung Quốc không ngồi yên. Trung Quốc thủ lợi từ hệ thống chính trị một đảng có thể đưa ra các quyết sách đối ngoại nhất quán không bị ảnh hưởng bởi những lịch trình chính trị nội bộ. Họ cũng có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào mà họ sẵn sàng cho vay với điều kiện dễ dàng.

Mục đích của họ trong cuộc chạy đua giành ảnh hưởng này cho đến giờ vẫn chỉ hạn chế ở việc giữ cho các quốc gia lân bang thân thiện và hữu hảo với họ để không cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ đến sát sườn họ. Hiểu điều này sẽ có thể giúp một vài quốc gia lân bang có được công cụ mặc cả với Trung Quốc để hạn chế tham vọng của nước này trong các tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải.

Việc chính phủ của Tổng thống Obama đóng cửa do những tranh chấp không thể hàn gắn giữa hai đảng chính trị của Hoa Kỳ khiến nước này không thể đưa ra cam kết ở mức cao nhất về tương lai của những mối quan hệ đồng minh và sự hiện diện quân sự tăng cường ở châu Á - Thái Bình Dương vào khúc quanh quan trọng.

Liệu điều này là chỉ dấu chắc chắn cho thấy chiến lược của Hoa Kỳ về tái cân đối lực lượng sang châu Á - Thái Bình Dương sẽ sớm phá sản như một vài quan sát viên khu vực đã nghi ngờ? Câu trả lời có lẽ là không. Việc Tổng thống Obama có mặt hay không tại các hội nghị vùng dù rất quan trọng cũng chỉ mang nặng tính biểu tượng.

Thay mặt ông Obama tại các hội nghị này vẫn có các ông Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel - những người trong thời gian gần đây đã có mặt tại khu vực thường xuyên với thời gian dài để gặp gỡ các đối tác và đưa ra những cam kết phù hợp với chiến lược ngoại giao mới của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, sự đe dọa Trung Quốc đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực là một mối nguy hiển nhiên mà lãnh đạo cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều ý thức được. Để kiềm chế mối nguy đó, Hoa Kỳ cần tạo thế đứng vững chãi cùng các đồng minh tin cẩn trong khu vực.

Ngoại trưởng Kerry đã “gỡ gạc” khi trong một phát biểu ở Bali nhấn mạnh: “Tôi không chỉ ở đây bốn tiếng, tôi ở đây tới năm ngày... và cả thảy sẽ lưu lại vùng này trong gần hai tuần” (2), ám chỉ những cuộc làm việc tiếp theo của đại diện Chính phủ Hoa Kỳ ở Philippines, Malaysia và Brunei.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của Mỹ trong khu vực: “Không ai có thể thay thế sự can dự của Mỹ với khu vực này, không Trung Quốc, không Nhật hay cường quốc nào khác. Đó là điều chúng ta cần tiếp tục và thúc đẩy trong mỗi cơ hội”.

(1): http://www.huffingtonpost.com/2013/10/07/putin-obama-apec-no-show-justified_n_4056725.html

(2): http://swampland.time.com/2013/10/05/in-obamas-absence-kerry-rails-against-shutdown-at-indonesia-summit/#ixzz2h7Lu6PT2

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận