Cười không bổ

TRẦN NHÃ THỤY 13/12/2011 21:12 GMT+7

TTCT - Cười là đặc tính chỉ có ở con người. Triết gia Aristotle từng bày tỏ quan điểm như thế. Sau này người ta chứng minh quả thực vậy, chỉ có con người mới có cơ cười, còn các con vật khác, như khỉ chẳng hạn, có khi nhe răng (như cười) nhưng thực chất là… đang ngáp!

Cố nhiên, việc nói các con vật không biết cười cũng chỉ là võ đoán. Và việc con người luôn củng cố đặc tính, đặc ân cái cười chỉ có riêng ở loài mình không có gì lạ. Đằng nào đôi bên cũng chả thể nói/đối thoại gì với nhau để tranh luận điểm này.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Nhưng con khỉ khi bị… thọc lét, nó cũng nhe răng (như) cười!

Vậy là nghe đâu sau khi thọc lét con khỉ, người ta lần lượt thọc lét các con khác. Thọc lét (thí nghiệm) lần lượt thì thấy chỉ có loài linh trưởng, có nguồn gốc gần con người, mới có kiểu phản xạ như cười. Thôi thì cứ cho cười là đặc tính chỉ có ở con người đi, cho nó xong chuyện, cái gì cũng trước sau suy tư nghiêm trọng, hóa ra là người không biết cười.

Làm người mà không biết cười là xoàng lắm. Làm một nhà văn mà không viết về cái cười càng xoàng hơn. Đánh giá một nhà văn lớn, bao giờ thước đo tác phẩm cũng là cái cười. Nếu không đủ tài viết về cái cười thì ít ra cũng phấn đấu giễu nhại gây cười, mà thao tác này có khi cũng tương tự như lấy tay cù nách vậy. Nhưng phương cách nào cũng được, miễn có kết quả là cười. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, các cụ chẳng đã tổng kết vậy sao?

Nghe thuốc bổ ai mà không khoái. Nhưng cười, đâu có dễ cười!

Dù cứ tin rằng cười là đặc tính chỉ có ở con người, nhưng con người thường là không thể tự cười (tự cười hóa ra là tự cười mình, hoặc là… thần kinh chập mạch chăng?). Ngay cả tự thọc lét mình thì cũng không cười được. Nhà văn - triết gia người Pháp Henri Bergson xác nhận rằng: “Cái cười của ta phụ thuộc vào kẻ khác”.

Mà không cần viện triết gia ta cũng thấy vậy. Ai muốn cười thì mở sách/báo đọc truyện cười, hoặc mở tivi dò kênh hài, hoặc đi sân khấu kịch coi tấu hài... Vậy là bởi cười rất khoái, mà không thể tự cười, nên con người bày trò cười cho nhau. Dễ nhất là ném một cái vỏ chuối ra đường, mỗi khi có người trượt vỏ chuối, té chỏng gọng thì được một phen vỡ bụng. Nhưng cười như thế xem ra độc ác và tầm thường. Nên cười sang trọng và cao cấp hơn, nói nôm na là cười có tính nghệ thuật.

Phim hài chiếu tết, kịch hài diễn bốn mùa. Lại bày thêm một mớ “sô” có tính chất hài khác, gọi là nghĩ thêm chiêu mua vui. Nhưng nghĩ đâu phải dễ (cái gì thuộc về nghĩ cũng khó cả), nên phần nhiều là đi mua/đi mượn của người ta.

Truyền hình bây giờ nhiều chương trình phiên bản gốc bên Tây bên Tàu cũng là đi mua để rồi mua vui. Nghệ sĩ nào có khiếu chọc cười thì coi như sống khỏe. Cho nên không khó hiểu khi thấy ở những chương trình gọi là thi thố, xuất hiện một ban giám khảo chẳng có chuyên môn gì, kiến văn thì nhạt nhòa, nhưng được cái rất bạo miệng và có khả năng châm ngòi tiếng cười.

Cái cười có tính chất lây lan, hình như lại là một triết gia nào đã nói thế. Cứ thấy cười là cười theo, bởi vậy nên mới có kiểu “cười mồi” như trong kịch hài tivi, hay phim hài sitcom. Có khi cười rất đã mà chẳng hiểu mình cười vì cái gì. Ừ, cười là được rồi, còn băn khoăn nỗi gì. Cười không bổ chiều dọc cũng bổ bề ngang. Cười lại rất bình đẳng. Người giàu cười, mà người nghèo cũng cười. Bộ trưởng cười được thì xe ôm cũng cười láng.

Nhưng có phải bao giờ cười cũng đồng nghĩa với vui? Hay là cười xong lại thấy nhạt, thấy nhảm, có khi lại thấy đắng, thấy đau? Cười mà không vui thì có bổ? Thế đấy, lại băn khoăn, lại tự làm khổ mình, rồi tự cười mình. Mà tự cười thì chắc ăn là không bổ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận