TTCT - Trong năm 2013 có hai nghiên cứu “dễ thương” của y học tiếng cười được công bố mà kết quả có thể khiến mọi người thêm yêu tiếng cười hơn. Phóng to Cười để trị bệnh Nghiên cứu đầu tiên được tiến hành tại Nhật, trong đó 27 người tuổi từ 60 trở lên được phân ngẫu nhiên thành hai nhóm, nhóm được tiến hành ngay và nhóm tiến hành muộn (sau ba tháng). Mỗi tuần, người được tiến hành sẽ tham gia vào một chương trình kéo dài 120 phút, gồm 10 phút nghe trình bày chuyên đề về sức khỏe, 50 phút xem một chương trình hài và 60 phút vận động nhẹ. Người tham gia được theo dõi trong sáu tháng. Kết quả cho thấy mật độ xương tăng có ý nghĩa thống kê ở nhóm tiến hành ngay so với nhóm tiến hành muộn. Ngoài ra, HbA1C (một thông số của sự kiểm soát đường huyết) và chất lượng sức khỏe do người tham gia tự đánh giá cũng đều cải thiện có ý nghĩa. Tác giả kết luận rằng chương trình phối hợp tiếng cười và vận động có thể có hiệu quả tốt về sức khỏe sinh lý và tâm lý cho người lớn tuổi. Tiếng cười có thể là một chiến lược hiệu quả thúc đẩy người lớn tuổi tham gia vào các hoạt động thể lực. Nghiên cứu thứ hai cũng ở Nhật nhưng lần này ở 41 bệnh nhân ung thư dạ dày hoặc đại trực tràng, tuổi trung bình là 69. Tiếng cười trị liệu theo phương pháp Smile-Sun đã được áp dụng cho 12 trong số 25 bệnh nhân được phẫu thuật và 12 trong số 19 bệnh nhân được hóa trị. Kết quả là trong khi nhóm chứng đều suy giảm về miễn dịch thì nhóm theo đuổi tiếng cười trị liệu có miễn dịch giảm hoặc không thay đổi trong nhóm phẫu thuật, và tăng trong nhóm hóa trị, đặc biệt ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Tác giả kết luận rằng ở nhóm bệnh nhân này, một chương trình hậu thuẫn về tâm lý trị liệu bằng tiếng cười trong thời gian nhập viện có thể giúp cải thiện được hệ miễn dịch. Tất nhiên, sự tăng miễn dịch này có làm bệnh nhân sống lâu hơn không thì vẫn còn phải theo dõi thêm. Khởi nguồn “y học tiếng cười” Vào năm 1976, Norman Cousins công bố bài báo “Giải phẫu một căn bệnh” trên tạp chí The New England Journal of Medicine, kể lại 10 phút “cười đã đời” sau khi xem một bộ phim hài đã có tác dụng giảm đau đáng kể và giúp ông ngủ được hai giờ mà không bị cơn đau của căn bệnh viêm cột sống dính khớp hành hạ. Chẳng ai biết rõ sự giảm đau đó là do tiếng cười hay do liều cao vitamin C mà ông dùng đồng thời. Tuy nhiên, báo cáo này trở nên nổi tiếng và khích lệ các nhà khoa học nghiên cứu và xác định bằng cách nào tiếng cười có thể giúp lành bệnh, qua đó xây dựng nên nền tảng của “y học tiếng cười” (laughter medicine) ngày nay. Vào năm 2010, tiến sĩ Ramon Mora-Ripoll, giám đốc y khoa của Viện Tiếng cười quốc tế (Organización Mundial de la Risa) tại Barcelona, cùng với các cộng sự đã làm một tìm kiếm toàn diện tất cả những nghiên cứu về tác dụng của tiếng cười và sự hài hước trong y khoa, và tìm ra những nghiên cứu về hiệu quả của tiếng cười trong cả 30 chuyên khoa, từ tim mạch, hô hấp đến ung thư. Công trình có mục tiêu thú vị này đã tìm ra kết luận thú vị không kém về hiệu quả của tiếng cười và sự hài hước trên sức khỏe. Kết luận cho thấy tiếng cười có những lợi ích về sinh lý, tâm lý xã hội, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Tác dụng phụ của tiếng cười rất hạn chế và thực tế không có chống chỉ định (!). Cười tự nhiên (do kích thích từ bên ngoài hay cảm xúc vui vẻ) hoặc tự cố ý gây cười đều có hiệu quả vì não không có khả năng phân biệt tiếng cười do hay không do hài hước, vì thế các nhà nghiên cứu cho rằng “cứ phá lên cười” là tốt cho sức khỏe rồi! Điều này quả tình rất hợp với tính cách hay cười của người Nam bộ. Công trình này ghi nhận hiệu quả tích cực của tiếng cười bao gồm làm tăng cung lượng tim, giảm đề kháng ở thành mạch máu, có khuynh hướng làm giảm bệnh mạch vành và loạn nhịp tim, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát trong quá trình phục hồi tái vận động. Đáng chú ý là tiếng cười vui vẻ gắn liền với giảm tần suất xuất hiện nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường nguy cơ cao. Cuộc sống bộn bề có thể khiến bạn ít cười hơn, song một khi bạn biết được, cũng như phương pháp thở của BS Nguyễn Khắc Viện, tiếng cười là một liệu pháp hết sức đơn giản mà lại “trị bá bệnh”, thì chắc rằng bạn sẽ không chỉ cười nhiều hơn vào năm mới mà còn suốt cả năm, và giúp cho mọi người xung quanh bạn cùng tận hưởng được lợi ích của “liều thuốc” này. Tiếng cười còn làm giảm các hormone của stress, tăng cường hoạt động hệ miễn dịch, giảm đau, giảm viêm trong bệnh viêm khớp dạng thấp, giảm tăng đường huyết sau ăn và các biến chứng thần kinh mạch máu của bệnh đái tháo đường! Quả thật hấp dẫn cho một phương thuốc có “giá thành” như tiếng cười! Tags: BS NGUYỄN THÀNH TÂMNụ cườiY học tiếng cười
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất Chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.