​Cuốn giáo khoa từ một bài ca dao (*)

DUYÊN TRƯỜNG 01/01/2015 09:12 GMT+7

TTCT - Một cuốn sách gây bất ngờ, độc đáo, thú vị, bổ ích, bàn về nghề thương thuyết, người đi thương thuyết, do một nhà thương thuyết một đời viết ra...

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

Bất ngờ vì Thằng Bờm, dân ta ai mà không thuộc, ai mà không biết. Và vì đã quá quen với nó, chúng ta sẽ “ngạc nhiên chưa” khi tác giả bỗng chốc biến bài ca dao vốn chỉ mười câu lục bát, với vỏn vẹn hai nhân vật là Bờm và phú ông, qua năm món hàng được đem ra ngã giá (ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi và nắm xôi) để trở thành một hệ thống lý thuyết, hơn nữa, thành triết lý của nghệ thuật thương thuyết! 

Và “hai nhà thương thuyết có tay nghề” này sẽ cùng đi suốt cuốn sách để làm rõ chuyện bán mua của thời đại toàn cầu hôm nay, với đầy ắp những câu chuyện thực tế độc đáo và thú vị. 

Từ chuyện người Âu Tây uống bia, ăn tối để tiếp khách như thế nào, chuyện bạn có thể bị người ta “ướp lạnh” giữa mùa đông Bắc Kinh ra làm sao, chuyện vì sao đi tìm người môi giới ở Nam Dương gian khó hơn bạn nghĩ, đến chuyện những luật sư Anh Mỹ vốn rất giỏi về pháp lý có thể đưa ta đến lằn ranh “bất hợp pháp” một cách khó lường, hoặc giả, chuyện đàm phán tưởng như đã kết thúc thì lại có thể xuất hiện phần “nói thêm” như đề nghị xây dựng sân bóng đá tại một làng quê châu Phi...

Rồi là chuyện “khách quan mà nói... tất cả chúng ta đều rất chủ quan”, chuyện về những cái bẫy chữ nghĩa của bất đồng ngôn ngữ, chuyện về các  cuộc “nội chiến” khiến phe ta thất bại ngay từ khi chưa xuất quân, và cả chuyện tham nhũng ở những... “đất nước không tham nhũng”!

So với rất nhiều sách vở hiện có bàn về đàm phán, thương lượng, thương thuyết, đây là một cuốn giáo khoa dễ hiểu, dễ nhớ, không khái niệm trừu tượng, không thuật ngữ phức tạp, toàn những điều cụ thể. Nhưng không sa vào lý thuyết suông, kỹ năng thuần túy, sách lại là một cuộc luận bàn để truyền bá một nghệ thuật “đi tìm sự đồng thuận, sự thỏa hiệp”, “vẽ ra một mô hình trao đổi và đôi khi là cộng tác lâu dài”, “là đem tình người đi tìm cái lợi cho nhau”.

Sách không bày cho chúng ta những công thức sẵn có, những giải pháp “mì ăn liền”... mà trao cho nhau “thái độ phải có, văn hóa phải học, nhân sinh quan phải hấp thụ” để có thể đưa các cuộc đàm phán đến thành công vì lợi ích của tất cả các bên.

Có những điều rất thiết thực và sâu sắc, có hệ thống và toàn diện cho nghề và cho người làm nghề thương thuyết: từ công tác chuẩn bị, tìm hiểu đối tác, chiến lược đàm phán, tâm lý cá nhân, vấn đề pháp lý, câu chuyện luật sư, ngân hàng, người môi giới và những người có thể tác động bất ngờ đến mọi cuộc thương lượng, cho đến những khác biệt về văn hóa của các quốc gia; từ những nguyên tắc của người thương thuyết và cuộc thương thuyết, những trường hợp thương thảo thất bại, những bất ngờ luôn có trong qua trình đàm phán, cho đến cả chuyện ăn uống, đi lại, hành lý, thuốc men của người hành nghề...

Kèm theo là những ghi nhớ, những câu hỏi kiểm tra, những lời khuyên cụ thể, cùng chín bài học có tính triết lý, tổng kết “một đời thực hành”.

Thật ra không cần bạn phải kinh doanh, mua bán gì cả, nếu bạn muốn sắm xe hơi, tậu nhà đất, hay bạn đi hỏi vợ, gả con, bắt rể, hay bạn làm việc tại các công ty đa quốc gia, hay bạn thường xuyên làm việc với người nước ngoài, thậm chí chỉ cần bạn là người thích đi du lịch, thích khám phá thế giới, cuốn sách này là một cẩm nang đáng đọc, đáng học, đáng áp dụng và hữu ích cho mọi người. Bởi vì “cuộc đời này, cái gì cũng là thương thuyết, lúc nào cũng là thương thuyết!”.

Tất cả được viết nên từ bao nhiêu dồn nén, chất chứa của trải nghiệm, suy tư, thấu cảm bên trong một con người đặc biệt, một “công dân quốc tế”, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, từng bôn ba 40 năm, qua lại 80 nước, sử dụng 18 cuốn hộ chiếu, ba lần thoát chết vì tai nạn máy bay, gặp gỡ bao nhiêu người mà danh thiếp chứa đến năm thùng giấy lớn, lãnh đạo những đoàn đàm phán có khi đến 200 người, chuyên đi chào bán những nhà máy điện, nhà máy hóa dầu, nhà máy lọc nước hay những dự án xây dựng khách sạn năm sao, hệ thống métro, hệ thống đường sắt, với giá cả tính bằng triệu đôla, thậm chí tỉ đôla: giáo sư Phan Văn Trường, kỹ sư cầu đường, cố vấn Chính phủ Pháp, hai lần được tổng thống Pháp tấn phong Hiệp sĩ, nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam! 

_______

(*) Một đời thương thuyết - Đừng để Bờm và phú ông thất vọng, Phan Văn Trường, NXB Trẻ, 2014. Tái bản chỉ sau hai tháng ra mắt thị trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận