"Cuốn sách mở" của Lévai Balázs

THỤY ANH 03/01/2010 19:01 GMT+7

TTCT - "Có lần ông đã nói: một người thợ sửa ống nước còn có ích cho xã hội hơn một nhà văn. Ông định ám chỉ gì vậy?"

 
 

 Đó là Salman Rushdie, nhà văn Anh gốc Ấn, tác giả Những vần thơ của quỷ Satan từng nhiều năm bị thế giới Hồi giáo kết án tử hình. Đó là nhà văn Anh Vidiadhar Surajprasad Naipaul, người viết Khúc quanh của một dòng sông. Đó là tác giả của những tiểu thuyết tình báo về chiến tranh lạnh nổi tiếng, nhà văn Anh John Le Carré. Đó là Paul Auster với Trần trụi với văn chương, là Orhan Pamuk với Pháo đài trắng...

1. Một cuốn sách tập trung những bài phỏng vấn các nhà văn nổi tiếng, ý tưởng này có lẽ không phải là lạ và thoạt đầu ta có thể nghĩ Lévai Balázs cũng chỉ là người chịu khó tìm hiểu về các nhà văn cho những chân dung truyền hình của mình rồi chịu khó tập hợp chúng lại trong một cuốn sách.

Nếu chỉ vậy thôi thì Thế giới là một cuốn sách mở (*) cũng đã rất đáng tìm đọc và công sức của người viết thật đáng trân trọng vì hầu hết các nhà văn mà Lévai Balázs giới thiệu đều là những tác gia thu hút sự quan tâm của độc giả đương đại. Những tác phẩm của họ gần như đều là best-seller của các quốc gia trong những thập niên vừa qua. 

 * Có lần ông đã nói: một người thợ sửa ống nước còn có ích cho xã hội hơn một nhà văn. Ông định ám chỉ gì vậy?

- Tôi muốn nói rằng không một ai yêu cầu tôi viết. Không một ai yêu cầu bất cứ một nhà văn nào phải viết cả. Sở dĩ chúng tôi viết vì chúng tôi muốn làm điều này, vậy thôi. Trong khi đó, chúng ta sống trong một thế giới vật chất, giữa những bồn tắm, vòi nước và những thứ đại loại như thế. Chúng có thể hư hỏng và người ta cần đến người sửa chữa. Người thợ vì thế làm một việc hữu ích cho xã hội, khi anh ta sửa xong một cái bồn rửa bát. Công việc của chúng tôi, các nhà văn, gai góc hơn thế nhiều.

2. Thế nhưng, nội dung của cuốn sách thật ra đã vượt quá khuôn khổ những cuộc phỏng vấn kiểu báo chí đơn thuần, đây là cuộc đàm đạo văn chương thế giới thông qua lăng kính một con người tinh tế và nhạy cảm với văn chương. Thế giới là một cuốn sách mở cho chúng ta tất cả những thông tin ta muốn có.

Chỉ có điều tiếp cận với những thông tin ấy cũng phải có phương pháp với phông văn hóa, tri thức nền vững vàng. Lévai Balázs đã có được điều đó. Ông nắm vững lịch sử văn học, am hiểu các thuật ngữ, tìm hiểu kỹ cuộc đời, tác phẩm, thậm chí cả thói quen của nhà văn ông hỏi chuyện. Ông cũng là người rất tham lam.

Câu hỏi của ông khiến nhà văn không được kể chuyện mình một cách đơn giản mà phải so sánh, liên hệ, khẳng định hay phủ nhận những đánh giá của Lévai Balázs về mình hay về một tác phẩm, từ đó bạn đọc sẽ nhận được một lượng thông tin lớn, hấp dẫn mà dễ hiểu, không bị bao bọc bởi những con chữ bí ẩn, những thuật ngữ bác học.

3. Không chỉ bạn đọc Hungary - những người Lévai Balázs trân trọng hướng tới khi phỏng vấn các tác giả, bạn đọc Việt Nam cũng sẽ tìm được ở đây lời đáp cho nhiều thắc mắc của mình. Chẳng hạn, ta sẽ biết được nhà văn Kazuo Ishiguro (nhà văn Anh gốc Nhật) nghĩ thế nào về trường dạy viết văn.

Ta sẽ biết nhà văn người Ý Alessandro Baricco mở trường viết văn và dạy những gì ở đó. Hoặc sẽ hiểu để một cuốn sách có thể trở thành best-seller thì xìcăngđan cần thiết tới đâu và những hệ lụy xung quanh chuyện ấy đối với nhà văn - qua câu chuyện với tác gia người Mỹ Philip Milton Roth.

Sau mỗi cuộc phỏng vấn được ghi lại, Lévai Balázs đều có một bài viết thể loại bút ký, ghi chép kể lại quá trình ông tìm đến với nhà văn. Đôi khi đó là một câu chuyện ngoài lề hấp dẫn, phác thảo hình ảnh nhà văn với vài nét tả chân, với những tiêu đề độc đáo, gợi mở. 

undefined

 

Cũng phải thôi, vì Lévai Balázs là chuyên gia về báo hình. Ông biết cách gây tò mò cho độc giả. Có một điều chắc chắn rằng Thế giới là một cuốn sách mở không phải là tác phẩm báo chí, mà là một tác phẩm văn chương đích thực.

______________

(*) Thế giới là một cuốn sách mở, bản dịch của dịch giả Giáp Văn Chung do Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn Học ấn hành tháng 12-2009.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận