Da cam - thảm kịch lớn nhất trong lịch sử đương đại

TTCT - Bên lề Phiên tòa Công luận quốc tế tổ chức ở Paris, pháp trong bốn ngày từ 15 đến 18-5, Luật sư người Pháp William Bourdon đã trả lời phỏng vấn riêng của Tuổi Trẻ Cuối tuần.


Luật sư William Bourdon (bìa trái) - Ảnh: V.T.D.
Cần tìm hướng tố tụng khác

* Ông tham gia phiên tòa công luận quốc tế vì các nạn nhân chất độc da cam VN với tư cách một luật sư hay một người tranh đấu vì nhân quyền?

- Luật sư WILLIAM BOURDON: Cả hai. Trước hết với tư cách của một luật sư lâu nay tham gia vào cuộc chiến chống lại thái độ vô trách nhiệm và chống lại sự “miễn dịch trách nhiệm” của những kẻ mạnh. Tôi hiểu rất rõ lĩnh vực này. Đó là lý do vì sao tôi có mặt ở đây hôm nay, vì sao tôi đã sang VN để tận mắt chứng kiến cuộc sống của các nạn nhân. Tôi cũng tham gia bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân da cam trong vai trò một công dân chống bất công. Bởi vấn đề chất độc da cam - được sử dụng như một vũ khí hóa học - vượt quá tầm mức của tiến trình kiện tụng bình thường. Nó mang sức nặng của đạo đức, chính trị và cả lịch sử. 

Đó là thảm kịch lớn nhất trong lịch sử đương đại do nhiều hậu quả gộp lại cùng lúc: về kinh tế, y tế, tâm thần, môi trường... Trong khi đó những kẻ chịu trách nhiệm về thảm kịch này tiếp tục chối bỏ trách nhiệm của mình. Những đôi mắt lồi ra của các nạn nhân mà tôi đã gặp, cả người lớn lẫn trẻ con, dường như luôn muốn hỏi tôi rằng vì sao lại có sự chối bỏ công lý trước sự thật hiển nhiên như thế.

* Các cựu binh Mỹ đã đạt được thỏa thuận đền bồi tài chính với các công ty hóa chất sản xuất chất dioxin, các cựu binh Hàn Quốc cũng đã giành thắng lợi trong vụ kiện trước Tòa án tối cao Seoul. Liệu những tiền lệ đó có thể giúp gì cho các nạn nhân da cam VN?

- Tôi từng tiếp xúc với các luật sư người Mỹ bảo vệ cho các nạn nhân da cam VN trong tiến trình xin xét đơn khởi kiện tại New York. Tiếc là kết quả đáng thất vọng. Vấn đề hiện nay là có nên tiếp tục cuộc chiến pháp lý trên đất Mỹ hay không? Hay ta thử các đường hướng khác? Câu trả lời của tôi thuận theo cách tìm kiếm đường hướng khác.

* Xin ông nói rõ đường hướng nào?

- Tôi không thể đưa ra chi tiết vào lúc này nhưng nếu ta muốn đạt được việc đền bồi thì tốt hơn là nên chọn những đường hướng tố tụng khác. Bởi vì hiện nay giữa các quốc gia trên thế giới có một kiểu đồng thuận cấp quốc tế về việc xem xét, ở nước ngoài, những trách nhiệm dựa theo hành vi của các bị đơn, dù là nhà nước hay tư nhân. Tức là bất kỳ ai đã vi phạm các quyền quốc tế sẽ có ngày phải trả lời về các hành vi của mình, theo kiểu tự nguyện hoặc bị trát buộc phải làm. 

Để giành chiến thắng, chúng ta phải chứng tỏ sự kiên định và sáng tạo để tìm ra những con đường tố tụng mới, khác với những gì đã làm cho đến nay và không đạt được kết quả như mong muốn. Ở Mỹ đã thất bại rồi, vậy nên phải nghĩ đến những cách khác.

Nhà nước VN cũng gánh chịu tổn hại

* Tòa án công luận quốc tế mà chúng ta đang tiến hành hiện nay là phiên tòa khiếm diện vì chính quyền Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ vắng mặt. Vậy liệu những kết luận của tòa sẽ có giá trị và hiệu ứng như thế nào đối với công luận và đối với bị đơn phía Mỹ?

- Các bị đơn phía Mỹ đã được gửi trát mời. Họ đã không đến để biện hộ. Đó là vấn đề của họ, lựa chọn của họ. Còn tác động như thế nào ư? Có một mối liên hệ giữa cuộc chiến pháp lý với cuộc chiến trong công luận. Cần phải giành được chiến thắng trong cuộc chiến công luận trước đã. Nếu chúng ta làm cho công luận không lãng quên các nạn nhân thì đã là một thắng lợi.

* Các nhà quan sát quốc tế trong vấn đề chất độc da cam cho rằng có sự khó khăn từ phía chính quyền VN trong cuộc chiến pháp lý chống lại bị đơn phía Mỹ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Quả là đối với chính quyền VN thì có sự phức tạp trong việc giải quyết vấn đề này. Nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến việc chính quyền VN có sự trợ giúp rất lớn đối với các nạn nhân chất độc da cam. Và tôi thấy cũng dễ hiểu khi có những cân nhắc chính trị và kinh tế mà phía chính quyền phải suy nghĩ trong vấn đề này. 

VN là đất nước đang phát triển vừa bước vào cuộc chơi toàn thế giới, do đó cũng phải hành xử với những nhu cầu ngoại giao. Tuy vậy, cần hiểu rằng việc bồi hoàn để sửa chữa sai lầm còn quan trọng hơn. Nó không chỉ dành cho các nạn nhân của chất độc da cam mà cả Chính phủ VN cũng phải nhận được tiền bồi hoàn. 

Bởi vì Nhà nước VN cũng bị những tổn hại. Suốt thời gian qua, Nhà nước VN đã phải gánh chịu tổn hại kinh tế hăng ngày do bệnh tật của các nạn nhân như chi phí cho trợ giúp xã hội, y tế... dành cho các nạn nhân, chưa kể nguồn nhân lực lao động hao tổn do phải chăm sóc người tàn tật. Như vậy Nhà nước VN cũng chính là một nạn nhân của chất độc da cam. Vì vậy chính Nhà nước VN phải lựa chọn thái độ tham gia đến cùng hay không trong cuộc chiến pháp lý này, với chính danh của mình.

Người thích đi tiên phong

Luật sư William Bourdon, 53 tuổi, là một luật sư chuyên về lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, bảo vệ nạn nhân của toàn cầu hóa và của các tội ác chống nhân loại. Từ năm 1995-2000, ông là tổng thư ký của Liên đoàn Nhân quyền quốc tế. Ông cũng là thành viên của Ủy ban quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam VN trong tiến trình khởi kiện ở New York (Mỹ). Năm 2005, ông đứng ra khởi kiện, trong một vụ khá khó khăn và phức tạp, cho các nạn nhân người Myanmar chống lại Tập đoàn dầu khí Total của Pháp, dẫn đến việc tập đoàn này phải thương lượng đền bồi 5,2 triệu euro để tránh phải ra hầu tòa.

Là thành viên của Hội đoàn luật sư Paris, ông là người khởi xướng các thủ tục pháp lý đầu tiên tại Pháp chống lại một số kẻ phạm tội ác chống nhân loại ở Serbia và Rwanda. Ông cũng đóng vai trò luật sư bảo vệ quyền lợi cho các gia đình người Pháp gốc Chile là nạn nhân của Augusto Pinochet, và bảo vệ một số tù nhân người Pháp bị xem là nghi can khủng bố bị giam cầm tại nhà tù khét tiếng Guantanamo của Mỹ.

Mái tóc trắng dài lượn sóng kiểu thời sinh viên nổi loạn 1968, William Bourdon vẫn hừng hực khí thế như thời xuống đường phản đối chính phủ năm nào. Ông luôn hành xử mạnh mẽ và quyết liệt, dù ở Paris, Kigali (Rwanda) hay Buenos Aires (Argentina) trong các phiên tòa đại diện cho những người thấp cổ bé miệng. William Bourdon là thế, luôn đi tiên phong như người lĩnh xướng của hội đoàn luật sư. Chất giọng bào chữa trầm đục, mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết, mà người ta thường mô tả là “đầy giai điệu” của ông, thường thuyết phục cử tọa. Khi trả lời phỏng vấn ông nhìn thẳng vào mắt nhà báo, tự tin, thuyết phục với những câu trả lời chính xác, ngắn gọn.

Hãy buộc các công ty Mỹ trả tiền nghiên cứu

“...Trong 30 năm hành nghề luật sư, tôi đã thực hiện công việc định danh và truy tố những kẻ phạm tội ác trước các tòa án ở Pháp và quốc tế. Những tội ác chiến tranh, diệt chủng, những thảm kịch môi trường và y tế. Thế mà ở VN, tôi đã gặp những nạn nhân của chất độc da cam ngơ ngác trước việc công lý không được thực thi. Đó là những nạn nhân của thứ tội ác vẫn chưa chịu bồi thường và đó là những con người vẫn chưa được thừa nhận là nạn nhân.

Trong luật quốc tế, kẻ gây tội ác, gây thiệt hại phải bồi thường. Đó là trách nhiệm đương nhiên, không cần bàn cãi. Tôi còn nhớ một câu nói của công tố viên Robert Jackson trong phiên tòa ở Nuremberg xử các lãnh đạo Đức quốc xã: “Chúng ta không thể truy cứu những trách nhiệm nhẹ nhất đối với (các bị đơn) có quyền lực cao nhất!”. Gần đây, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã thừa nhận sự yếu kém của họ trong vụ diệt chủng ở Rwanda. Đã có những chính trị gia khác thừa nhận sai lầm của họ. Tại sao ngày hôm nay lại không thể có chuyện đó? Vụ kiện chống lại Augusto Pinochet những 40 năm sau đã cho thấy những kẻ gây tội ác không thể ngủ yên!

...Tại tầng bốn của Bệnh viện Từ Dũ, tôi đã đi dọc các hành lang, đi thăm từng phòng đang đón nhận và chăm sóc trẻ em là nạn nhân của chất dioxin. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt của những đứa trẻ ấy và của các hộ lý chăm sóc chúng. Các vị cần phải tận mắt chứng kiến để hiểu về thảm kịch này, để không thể chấp nhận được thái độ chối bỏ trách nhiệm đối với tội ác từ chất dioxin.

Các công ty hóa chất Mỹ có dính líu đã phủi tay với tội ác này bằng lời lẽ đơn giản mà tôi xin dẫn ra là “thiếu nghiên cứu khoa học nghiêm túc”. Vậy thì tôi yêu cầu các công ty ấy phải tài trợ cho các nghiên cứu dịch tễ về tác hại đối với con người, tài trợ cho các nghiên cứu về tác hại đối với môi trường tự nhiên. Nếu các công ty Mỹ nghi ngờ về mối liên hệ đó thì họ phải trả tiền để nghiên cứu!

...Chi phí cho một xét nghiệm y tế để xác định một người có bị nhiễm dioxin hay không là 1.000USD. Con số đó chẳng thấm tháp gì với lợi nhuận mà các công ty hóa chất Mỹ bị cáo buộc đã thu được trong thời gian qua. Tại sao lại không buộc họ chi trả?”.

(Trích phần trình bày của luật sư William Bourdon tại phiên tòa công luận quốc tế trong vai trò nhân chứng - chuyên gia).


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận