Đá của niềm tin

NGÔ LIÊM KHOAN 08/03/2012 05:03 GMT+7

TTCT - Một lần lên Sa Pa, Lào Cai có dịp đến bãi đá cổ. “Đá thì có gì để xem? Đã là đá thì đá nào mà chẳng cổ, vì chúng được hình thành trong lịch sử kiến tạo địa chất”.

Một người bạn cùng đi nói đùa như vậy, không biết có phải mệt vì chuyến đi và đường xa, dù biết đến xem đá cổ không phải là xem những tảng đá trơ lì mà xem những hoa văn, ký tự trên ấy. Xem đá, thật ra là xem người xưa đã ký thác gì trên đá.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Đã có nhiều biện dẫn, lý giải của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, của những người mê lý số - tâm linh... nhưng những nét khắc trên bãi đá vẫn là điều bí ẩn. Khi nhìn những tảng đá chạm khắc ấy, hình ảnh đầu tiên khiến tôi liên tưởng đến là những nét hoa văn trên trống đồng: cũng hình người, bậc thang, rãnh tròn và những đường kẻ rất tương đồng...

Từ những nét khắc trên đá đến hoa văn trên mặt trống, tang trống, hay những hoa văn trên mặt trống tang trống làm nên những nét khắc trên đá? Dù thế nào tôi vẫn cảm nhận những nét khắc trên đá thật thân thiết, gần gũi.

Tình cờ hôm ấy cũng có một đoàn phóng viên truyền hình đến làm phóng sự về bãi đá cổ. Khách mời, hình như là một vị chuyên gia ngành khảo cổ, qua vài câu hỏi, tôi hiểu ra họ không phải làm phóng sự tư liệu bình thường mà làm một cuộc phỏng vấn về việc “xâm hại” đá cổ.

Nhìn lên mặt đá, ngoài những nét khắc cổ xưa có thể thấy trên đó đầy những đường đục phá của “người nay”: tên của một đôi tình nhân, hình mũi tên xuyên tim... Cảm giác nuối tiếc và hơn thế nữa là sự thương tổn; tôi nhận ra điều ấy trong giọng nói của anh phóng viên truyền hình, vị khách mời và trong chính mình.

Nhìn những tảng đá cổ của người xưa bị đục phá, tôi bỗng liên tưởng đến những chiếc trống đồng của tổ tiên đã bị nấu chảy trong lịch sử. Sách Hậu Hán thư, quyển 14 chép rằng: “Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận... Mã Viện, tướng nhà Hán, sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào khoảng năm 40-43, đã tận thu trống đồng của các thủ lĩnh địa phương, một phần đem tặng, phần nấu chảy để đúc ngựa và cột đồng Mã Viện”.

Tận thu và nấu chảy trống đồng là để hủy hoại ý chí, là để dựng cột đồng, “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ không còn). Tương truyền rằng vì sợ cột đồng đổ gãy, người Việt mỗi lần đi qua nơi ấy đều lấy đá đắp lên, mãi thành gò đống cao.

Tất nhiên, những người vô tâm ấy hoàn toàn không có cái tâm ý của Mã Viện. Đó là suy nghĩ mà tôi tự lấy làm điều an ủi cho mình. Nhưng vẫn thấy day dứt.

Một lần khác ghé thăm Cổ Thạch ở Bình Thuận, một bãi đá với những viên đá nhỏ nhiều màu sắc xinh xắn trải dài trên bãi biển khoảng vài trăm mét. Khác với những bãi biển khác là bãi cát, bãi biển Cổ Thạch là bãi đá, đá ngũ sắc, và nhiều hơn cả “ngũ sắc”, mỗi viên đá có hình dạng khác nhau, màu sắc khác nhau...

Điều lạ là trước khi xuống bãi đá, nhiều người cầm sẵn hoặc xin ở các hàng quán xung quanh một bịch nhựa, họ chọn lựa những viên ưng ý nhất, đẹp nhất cho vào đấy. Có những viên đá vĩnh viễn rời bãi đá. Những người đến sau sẽ không còn thấy chúng. Chắc cũng còn lâu, nhưng có bao giờ bãi biển Cổ Thạch không còn là bãi đá lung linh nữa mà là một... bãi cát như muôn vàn bãi biển khác...

Những viên đá rời biển Cổ Thạch hoang sơ về với thành phố, chúng được thả vào bể cá, trải dưới chậu cây kiểng, hoặc bị bỏ quên ở một xó nhà... Có thể nó vẫn đẹp, nhưng nó không còn là nó, không được góp phần làm nên một bãi Cổ Thạch.

Những tảng đá cổ ở Lào Cai, những viên đá nhỏ nhắn ở Cổ Thạch còn là chính nó, chỉ là chính nó, để còn được ngưỡng vọng một khi thoát khỏi những hệ lụy từ sự vô tâm của con người.

Niềm tin lại đến khi ta què chân vì đá / Ta biết trên đời này còn có đá / Là để làm què chân ta. Đó là những câu thơ của Czeslaw Milosz, nhà thơ được trao giải Nobel văn học 1980. Tất nhiên đá mà Czeslaw Milosz nói không phải là những tảng đá cổ ở Lào Cai, hay những viên đá nhỏ ở bãi Cổ Thạch. Mà đá ở đó là đá của tai họa, đá của sự tàn bạo, đá của sự nhẫn tâm, đá gây ra những đớn đau và mất mát cho con người.

Nhưng chúng ta chỉ vô tâm thôi mà. Những tảng đá cổ, những viên đá nhỏ bé ở Cổ Thạch đâu có lý gì để làm què chân ta. Nhưng ta phải tin, như Czeslaw Milosz đã tin, là trên đời này còn có đá. Tin có đá vì đá làm nên di sản, đá làm nên thắng cảnh. Tin có đá còn để làm gì? Đá còn để mỗi người góp một viên đá cho “trụ đồng” thêm bền vững, đá đắp xây chủ quyền, đá làm nên cương vực. Thiếu đá là “đồng trụ chiết”, thiếu đá là “Giao Chỉ diệt”. Đá ấy mới là đá. Đá của niềm tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận