Đa sắc

DARRAN ANDERSON 27/07/2020 20:07 GMT+7

Phương Tây không chỉ có đơn sắc. Darran Anderson không hẳn là phản bác David Batchelor, nhưng muốn góp thêm vài ngoại lệ về những ấn tượng đầy màu sắc của di sản châu Âu. Đó là câu chuyện về trào lưu đả phá thánh tượng, về cách mạng và chuyện hoang đường, về màu sắc chói lọi của những bức tượng Hi Lạp - La Mã nguyên bản và cả lời cáo buộc sấm sét của Adolf Loos rằng màu sắc lòe loẹt là tội ác.

Đã chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ khi còn là một cậu bé, điều khiến tôi tò mò không phải là những đám đông hân hoan trèo lên trên đó và đập tan nó bằng búa tạ, mà là những hình vẽ graffiti: hết lớp này tới lớp khác chữ ký, tên người, hình dạng và biểu tượng, chồng chất lên nhau, đến nỗi hình dạng mờ dần, chỉ còn lại màu sắc, những vệt màu ngoằn ngoèo trên những mảng tường bêtông thẳng đứng đơn sắc kéo dài như vô tận, vậy mà nó đã ở lại tâm trí tôi thật sống động suốt gần ba mươi năm.

Bức tường Berlin, tháng 11-1989. Ảnh: History Today

Các cuộc cách mạng đều có màu riêng. Màu lục ở Ireland, màu cẩm chướng ở Bồ Đào Nha, vàng ở Philippines, màu nhung ở Tiệp Khắc, hồng ở Gruzia, cam ở Ukraine, màu hoa tulip ở Kyrgyzstan, màu nghệ tây ở Myanmar. Hơn một trăm năm trước ở Petrograd (nay là Saint Petersburg), cuộc Cách mạng tháng 10 có màu đỏ. Một năm sau khi chính quyền Bolshevik thành lập, các họa sĩ trong tâm trạng tưng bừng đã tô màu đỏ tía và màu tím cho cây cối ở Matxcơva.

Để thiết lập sự chính danh và biện minh cho những tín điều, những người cai trị đều nhìn vào quá khứ. Ở phương Tây, điều này thường có nghĩa bắt chước kiến trúc Hi Lạp và La Mã cổ đại. Nền pháp trị ở các nước dân chủ được nhấn mạnh bằng những mái vòm và cột Hi - La ở các tòa pháp đình, từ châu Âu cho tới Nhà Trắng ở Washington. Hình mẫu đó cũng được các chế độ tàn bạo và tự nhận mình là thuần khiết, ưu việt, tận dụng, như các công trình thời phát xít, cả ở Đức và Ý.

Tuy những ví dụ đó hoàn toàn khác nhau về ý đồ, tất cả đều được xây dựng dựa trên một khái niệm sai lạc: rằng kiến trúc Hi - La là không màu sắc. Các nghiên cứu và công trình phục dựng Acropolis ở Athens đã cho thấy đền Parthenon và nhiều tòa nhà khác thực ra có màu sắc rất sinh động. Các kiến trúc sư và điêu khắc gia bắt chước kiến trúc của những công trình đó nhiều thế kỷ sau này thực ra chỉ còn được thấy phiên bản đã bị tẩy xóa vì thời gian của nó.

Tuy nhiên, trong khi quá khứ không chỉ là một bộ phim trắng đen như nhiều người nghĩ, có được những chất màu khác nhau một thời từng rất khó khăn. Xem lại những ghi chép về hội họa, chúng ta đồng thời đọc được lịch sử màu sắc hữu cơ của nó. Người ta phải tìm và chiết xuất những màu đó, vào thời chưa có công nghiệp hóa phẩm hay bảng màu kỹ thuật số. 

Một số chất liệu màu thì dễ tìm - bồ hóng từ đèn đốt dầu, gỗ cháy, hạt đào, hay xương động vật. Màu đất son từ đất, trộn thêm oxít sắt để điều chỉnh từ sắc vàng cho tới đỏ nâu. Màu chàm là từ cây tùng lam. Màu xanh đất, hay glauconite, là quặng khoáng chất đào được ở các vùng bờ biển châu Âu. Những chất màu khác thì gian lao hiểm trở hơn nhiều, từ những nơi xa xôi, những loài cây hiếm và đá quý. Màu thiên thanh, được sử dụng trong những bức họa có chân dung Đức Mẹ Đồng Trinh, là từ ngọc được nghiền ra ở một thung lũng tại Afghanistan. 

Màu xanh biển sâu (azurite) phải mua từ Trung Đông, màu vàng sẫm từ nhựa cây ở Đông Nam Á, màu nâu đỏ từ mực của con mực, màu vàng Ấn Độ từ nước đái bò được cho ăn khẩu phần xoài đặc biệt. Các họa sư cũng đã quên cách làm ra màu lam Ai Cập sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, nên bầu trời được vẽ bằng màu lam cerulean, làm từ cobalt, cực kỳ đắt đỏ.

Trào lưu kiến trúc De Stijl tin rằng qua màu sắc, người công dân sẽ được nâng tâm hồn lên và mở mang trí tuệ hơn. Trong ảnh là tòa thị chính và thư viện trung tâm ở thành phố The Hague, Hà Lan, được trang trí lại nhân kỷ niệm 100 năm De Stijl vào năm 2017. Ảnh: happyhotelier.com

Còn có những loại màu khác không khó kiếm, nhưng khó sử dụng vì độc hại. Chuyện về các họa sĩ phát điên vì nhiễm độc từ những bức tranh của họ không phải là quá hiếm. Đó là thủy ngân trong màu đỏ son, arsene trong màu ngọc lục bảo và chì trong màu vàng Naples. Có bằng chứng cho thấy màu xanh lục Scheele đã giết chết Napoleon. Họa sĩ Phục hưng người Đức Albrecht Dürer rất thích màu lục ánh thủy ngân, điều có thể đã tiễn đưa nhiều người bảo trợ cho ông sớm hơn khỏi thế giới này.

Rất nhiều màu sắc của thời đó lạ lùng, quý hiếm, đắt đỏ, hay nguy hiểm. Việc sử dụng chúng chỉ dành cho người giàu có, quyền lực, hoặc những kẻ liều lĩnh. Nhiều màu sắc, do đó, cũng từng có nghĩa là xa hoa. Với những người sùng đạo khắc khổ và thanh bạch, sự thần tượng màu sắc trở thành băng hoại và đáng nguyền rủa. 

Chúng ta sẽ không bao giờ thôi hối tiếc vì không biết bao nhiêu báu vật đã bị hủy diệt trong làn sóng đả phá thánh tượng ở Đế quốc Byzantium, cuộc Kháng cách, Cách mạng Pháp, và nhiều biến cố nữa. Dẫu vậy, nhiều mảng màu sắc lộng lẫy cũng đã sống sót ở các nhà thờ và cung điện, để tiếp tục tỏa rạng tới ngày nay.

Sự phát triển của kỹ thuật sơn và nhuộm màu nhân tạo và tổng hợp dần đồng nghĩa các thành phố không chỉ trở nên rực rỡ hơn bởi màu sắc, mà hình ảnh của chúng còn có thể được gửi đi khắp nơi mà không cần tới lao động nhọc nhằn, những hành trình xuyên lục địa, hay mối đe dọa ngộ độc rình rập. 

Với London chẳng hạn, một bên là màu nâu đỏ, bồ hóng và muội đen của những bức ảnh thời Victoria tuyệt diệu của John Thomson, còn bên kia là những tòa nhà lấp lánh đủ màu sắc trên bưu thiếp về một thành phố đã thay da đổi thịt. Còn trong những bức tranh mê hoặc của John Atkinson Grimshaw, chúng ta không chỉ nhìn thấy một thành phố được nhuộm màu hoàng hôn hay ánh trăng, mà tự thân nó đã rực rỡ rồi.

Trái: Keisai Eisen, Kỹ nữ mặc áo thêu rồng, khoảng 1820-1830. Phải: Vincent van Gogh, Kỹ nữ (theo tranh Eisen), 1887. -Ảnh: Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam

Một lần nữa, sự thừa mứa màu sắc lại khiến những kẻ thanh giáo - hay tối giản, bực dọc. Một lần nữa, cuộc bài trừ thánh tượng và màu sắc là về những kẻ tô màu và tôn sùng thánh tượng hơn là về chính những hình ảnh bị lên án. Trong tiểu luận của mình, “Hoa văn và tội ác” (1908), Adolf Loos lên án gay gắt những kẻ ăn thịt người và dâm dục trong khi ca ngợi sự giản đơn của các tòa nhà với một nhiệt tình gần như tôn giáo. 

Mục tiêu của Loos là trào lưu “ly giáo” với hội họa cổ điển ở Vienna, những sợi dây leo màu mè của Art Nouveau (Gustav Klimt và những mảng màu mê hoặc của ông) và phong cách của hiệp hội kiến trúc, hội họa, và thủ công nghiệp Deutscher Werkbund đang nổi lên ở Đức. Một tòa nhà như Majolikahaus ở Vienna thật vô nghĩa lý, chẳng khác gì do một gã làm bánh kẹo hay trồng hoa hạng bét trang trí. Với Loos, đó không chỉ là sự tầm thường, mà còn là điều xúc phạm.

Thật quá dễ dàng khi ca ngợi hoặc lên án Loos với những ví dụ ở hai thái cực của chủ nghĩa tối giản, nhưng sẽ là đáng ngờ nếu khăng khăng cho rằng tối giản sẽ dẫn tới đơn sắc. Với tất cả sự khắc khổ của ông, chính Le Corbusier rất thích thú màu sắc, và chủ nghĩa tối giản của ông có thể được coi là một nỗ lực có tính toán để chỉnh dòng ánh sáng - điều vốn là nền tảng cho mọi màu sắc. “Tính đa sắc là một công cụ mạnh mẽ với nghề kiến trúc không kém bản vẽ thiết kế và sự phân công chức năng”, ông tuyên bố. 

Những bức tranh tường lộng lẫy ông vẽ ở tòa biệt thự E1027 của Eileen Gray là lời ca tụng màu sắc quá trớn tới mức không khác gì một sự phá phách. Khối bêtông ở thành phố do ông quy hoạch, Chandigarh tại Ấn Độ, có những mảng tranh có lẽ đã tạo cảm hứng trực tiếp cho trào lưu kiến trúc De Stijl, một trong những nhóm đầu tiên biến màu sắc khả thi của thời đại công nghiệp thành một nỗ lực xã hội không tưởng. Họ tin rằng qua màu sắc, người công dân sẽ được nâng tâm hồn lên và mở mang trí tuệ hơn. Rồi sau đó là Bauhaus, nơi Kandinsky, Itten và Klee khám phá, sáng tạo và giảng dạy về tác động của màu sắc xung quanh chúng ta qua cảm giác, và cả qua đức tin thần bí.

John Atkinson Grimshaw, Đường Blackman, London, 1885. Ảnh: Wikimedia

Ngày nay, với sự thừa mứa màu sắc nhân tạo khắp nơi, chúng ta thật dễ cho rằng màu sắc chẳng có gì mới mẻ, lý luận về màu sắc đã được hấp thu vào tư duy chủ lưu và khoa học theo nghĩa nó ảnh hưởng ra sao lên tâm trạng ở trường mẫu giáo (những màu tươi vui), bệnh viện (màu trắng, cảm giác sạch sẽ), nhà tù (màu xám, thể hiện sự uy nghiêm và hình phạt), và vân vân.

Trở lại với những bức tường, khi đang vẽ tranh trên tường rào Bờ Tây của Israel, Banksy gặp một ông già người Palestine, người nói nhà họa sĩ đã làm bức tường đẹp hơn. Khi nhà họa sĩ cảm ơn, ông già đáp: “Chúng tôi không muốn bức tường này đẹp, chúng tôi căm thù nó. Anh cút về đi”. Gần đây hơn, Fox News tường thuật rằng bức tường biên giới Mỹ - Mexico “nhìn không tệ từ phía Mỹ”. Cái đẹp, do đó, phụ thuộc vào mắt người nhìn, và màu sắc quan trọng không chỉ về mặt thẩm mỹ hay tâm lý, mà còn vì nó cho thấy ai đang sở hữu, đang được lựa chọn, và ai đang bị gạt ra bên lề, trong không gian xung quanh chúng ta.■

CHIÊU VĂN (lược dịch, theo White Noise)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận