Đại dịch nhìn từ dưới lên

NGUYỄN THU QUỲNH 13/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Từng tấc vỉa hè sẽ cho chúng ta chiếc kính lúp nhìn rõ nhất từng phận người đang lung lay trong đại dịch.

 
 Những người bán cá viên chiên, đều là lao động nhập cư, dừng chân nghỉ ngơi chốc lát gần một khu chung cư ở quận 2, TP.HCM. Ảnh: Cương Trần

 Dọn cơm tối, bật tivi xem thời sự tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, tôi nghe chồng thở dài “cả tháng nay bà Tám, ông bà Năm, ông Hai ăn cơm với mắm rồi”. Con cái của các ông bà này, người bán cá viên chiên, người đánh giày đang nằm chèo queo trong phòng trọ không có tiền gửi về. Riêng vào quận Gò Vấp sống thì dân quê mình đông lắm, anh bảo, lâu nhất chắc là ông Bốn năm nay bảy mươi tuổi bán hủ tiếu gõ hai mươi năm nay, còn ông Hai bán vé số, chị Hai gánh chè đậu ván nuôi thằng cu tai nạn nằm nhà ba năm nay không biết tính sao...

Quê chồng tôi ở Quảng Ngãi, chỉ cái thôn Tư bé tí toàn nhà lúp xúp ven sông Trà của anh đã non nửa con cái đi Sài Gòn, Hà Nội. Yên Bái quê tôi miền núi di cư ít hơn nhưng hầu như nhà nào cũng có con đi Hà Nội, Sài Gòn. Phần lớn cũng chỉ làm thuê làm mướn loanh quanh vỉa hè, chợ dân sinh.

TP.HCM như người anh Hai ốm thì cả gia đình nước Việt lao đao. Vỉa hè thành phố vắng bóng, các miền quê khác cũng lung lay. Thành phố giãn cách, vỉa hè, chợ dân sinh, mạch nguồn nuôi nấng cả triệu người tạm ngưng, vạn bước chân len trong mọi ngõ phố của hàng trăm nghìn những ông Bốn, ông Hai, chị Hai... phải dừng.

Những hồ điều hòa

“Sài Gòn dễ sống”. Người dân quê miền Bắc quen nói với nhau là ngay cả những nơi hang cùng ngõ hẻm, vài tấc vỉa hè cũng đủ nuôi người theo cách “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Mỗi năm, thành phố này mỗi phình to, dung chứa thêm trăm rưỡi, hai trăm nghìn người tụ về. 

Thành phố “bội thu” những người giỏi giang tinh hoa nhất, vỉa hè cũng gồng gánh những phận người nghèo khó nhất từ đủ miền sông nước đồng bằng Cửu Long, khúc lửa miền Trung cho tới những rẻo cao miền núi phía Bắc. Phần lớn những người nhập cư là lao động phi chính thức, không đăng ký kinh doanh, không hợp đồng lao động, hầu hết là thỏa thuận miệng...

Những không gian đặc biệt của thành phố như vỉa hè đã trở thành “mạng lưới an sinh” bền bỉ nuôi nấng nhiều phận người. Vỉa hè hầu như không được thừa nhận trong một quyết định chính sách nào, thậm chí còn kẹt giữa nhiều lần quy hoạch sửa sang, khi thì dọn dẹp, khi thì “đẩy đuổi”, chính quyền thành phố từng không muốn có một không gian “thập cẩm đồng đăng” lộn xộn. Nhưng, dù nhếch nhác và lắm nỗi phiền toái, đây vẫn chính là “hồ điều hòa”, giải tỏa phần quan trọng cho những gì mà thành phố chưa làm được trong tìm kiếm công ăn việc làm.

TP.HCM hay tất cả các đô thị khác, nhất là ở các nước đang phát triển, chưa bao giờ đủ công ăn việc làm chính thức cho người lao động đổ về, và tất nhiên cũng không có cách nào cản dòng di cư chảy đến. Cho nên vỉa hè TP.HCM vẫn mang lại công việc, thức ăn cho khoảng 30% dân cư nơi đây, như GS Annette Kim đã khảo sát trong cuốn sách Sidewalk city.

Khi mọi hoạt động trong TP diễn ra bình thường, không mấy ai để ý các “hồ điều hòa” này. Đại dịch cho thấy những khả năng mà các không gian ấy có thể làm. Trong thống kê tháng 6 vừa qua của Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH) TP.HCM trong đề xuất HĐND TP hỗ trợ khẩn cấp, chỉ riêng những người bán hàng rong, xe ôm, xích lô, bán vé số lưu động... cần nhận hỗ trợ đã lên tới 230.000 người. 

Chúng ta vẫn còn rất ít các nghiên cứu kỹ lưỡng về vai trò kinh tế của không gian sống đặc biệt này, chỉ lác đác khảo sát với số mẫu hạn chế về vỉa hè(1) hoặc lao động phi chính thức trong khoảng mươi năm nay(2) nên chưa hình dung hết được.

Tạm ước lượng con số 30% ở trên của GS Kim cũng như lượng lao động phi chính thức ở TP.HCM khoảng 40 - 50% trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng đủ hình dung việc giãn cách xã hội đang khiến những người lao động mệt mỏi sau một năm rưỡi làm việc cầm chừng giờ đây căng thẳng thế nào. Với cả triệu con người phải ở nhà không lương, không tương tác xã hội, đó là một khối bức bối xã hội chực chờ.

 
 Một lao động nhập cư bán rau dạo trên phố (ảnh chụp tại quận 2, TP.HCM tháng 6-2021). Ảnh: Cương Trần

 Những nhóm dân “vô hình”

Chống dịch chỉ có thể thành công khi đồng thuận nhân tâm, khi những phòng tuyến yếu nhất được đảm bảo. Những nhóm người yếu thế chính là phòng tuyến dễ bị thủng trên diện rộng nhất, bởi sẽ chẳng có nguồn lực khổng lồ nào cản được cả trăm nghìn, hay triệu người đang đói đi tìm miếng cơm manh áo. 

Do đó, để đảm bảo phòng tuyến này vững vàng, chỉ có thể sử dụng tới lưới an sinh cứu trợ. Nếu không có giải pháp an sinh kịp lúc, chúng ta sẽ phải cần tới nhiều triệu mét khối oxy và nhiều máy thở, như bài học ở những nơi từng để vỡ trận như các đô thị của Ấn Độ, Brazil mà đến nay vẫn khủng hoảng, hay châu Phi đang bắt đầu đi vào vết xe đổ này.

Chính vì thế, việc thiết kế chính sách cứu trợ cho tất cả những người lao động phi chính thức “ráo mồ hôi là hết tiền”, những nhóm sống dựa vào hệ sinh thái vỉa hè trở nên đặc biệt quan trọng, nếu không muốn nói là mấu chốt trong công tác giãn cách để chống dịch ở TP.HCM hay bất kỳ đô thị nào khác (cứu trợ ở nông thôn quan trọng nhưng sẽ không khẩn cấp bằng vì phần lớn người dân tự sản tự tiêu). 

Nhưng các gói cứu trợ hiện nay quá chậm, gói 62.000 tỉ hơn một năm mới giải ngân được 22%, theo thông báo của Bộ LĐ,TB&XH. Với TP.HCM, nơi tình hình giãn cách vẫn đang căng thẳng, một tháng trôi qua gói cứu trợ nghìn tỉ phần nhiều vẫn nằm trong nghị quyết.

Chúng ta không biết người lao động tự do mất việc có thể cầm cự để chờ cứu trợ đến bao giờ vì hiện nay, ngay cả Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khi khảo sát tác động của đại dịch tới người lao động cũng thừa nhận không thể khảo sát nhóm này. Song ta có một vài con số để hình dung tình hình chung: một cuộc khảo sát 1.300 người vào tháng 12-2020 cho thấy, trong một năm qua, phần lớn người lao động được hỏi giảm thu nhập và mất việc đã phải cắt giảm chi tiêu, sử dụng tiền tiết kiệm từ trước (42%) hoặc tiêu đến đồng tiền cuối cùng rồi vay mượn (15%), thậm chí có 7% còn phải bán tài sản để sống (3).

Một ước tính trước đó dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê về khả năng cầm cự của các hộ gia đình ở Việt Nam nếu phải nghỉ việc ở nhà cho thấy, trong khi trung bình các hộ gia đình có mức tiết kiệm khoảng 60 triệu đồng/năm có thể cầm cự được khoảng 7 tháng thì hộ nghèo có tiết kiệm ít hơn rất nhiều, chỉ khoảng 7 triệu mỗi năm, sẽ chỉ ăn hà tiện được 3 tháng (4). 

Không có một con số nào riêng về những người vất vưởng nhất trong đại dịch như lao động vỉa hè.

Bộ LĐ,TB&XH lý giải nguyên nhân chậm cứu trợ là vì những thủ tục chặt chẽ mà tựu trung là ở khâu xác minh hồ sơ giấy tờ để đảm bảo an toàn trong chi tiêu công, không bị thất thoát ngân sách. Việc lập danh sách lao động tự do gặp khó khăn; nhiều người dù đi làm trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, không đủ điều kiện xét hỗ trợ.

Chúng ta đã kiên cường chống dịch theo cách chưa từng có tiền lệ. Đại dịch đã khiến Nhà nước đưa ra gói cứu trợ lớn chưa từng có. Nhưng chúng ta cũng cần một cách thức cứu trợ khác với cách thông thường Nhà nước vẫn làm. Nếu vẫn để những người đang đói chờ cứu trợ, bàn thảo thủ tục trên bàn giấy thì hệ quả khôn lường. 

Các nghiên cứu về cách thức phản ứng chính sách của nhóm yếu thế trong xã hội cho thấy người yếu thế thường ít và không có cơ hội ra mặt phản ứng chính sách, nhưng có thể sẽ trốn tránh không tuân thủ hoặc thực hiện nửa vời. Cái đói và sự túng quẫn có thể khiến nhiều người không còn đủ lý trí để mà tuân thủ giãn cách, hoặc “bần cùng sinh đạo tặc” như dân gian đúc kết. Bất ổn xã hội là cận kề.

Một cách tiếp cận chưa có tiền lệ?

Bộ LĐ,TB&XH hứa sẽ giảm các thủ tục để cứu trợ nhanh nhất cho các nhóm lao động chính thức có hồ sơ bảo hiểm xã hội, có hợp đồng lao động, nhưng bộ cũng thừa nhận “lao động tự do là nhóm khó xác định thông tin nhất”. 

Với cách cứu trợ hiện vẫn nặng về hành chính, dựa trên những hệ thống, hiểu biết mà cơ quan quản lý thiết kế đã từ lâu, một lực lượng nhân sự ngành lao động, thương binh và xã hội rất ít ỏi, khả năng cao là nhóm lao động tự do tiếp tục bị bỏ lại bên lề.

Trên thực tế, xưa nay các nhóm lao động tự do luôn nằm ngoài mạng lưới bảo hiểm xã hội, mọi cơ quan tổ chức chính thống. Nhưng họ không phải là những con người đơn độc, họ có mạng lưới của riêng mình, chỉ là cơ quan quản lý không nhìn ra khi thiết kế chính sách. 

Ngay cả với người di cư, dù ở một thành phố xa lạ, họ cũng có mạng lưới riêng để thăm nom hỗ trợ lẫn nhau thông tin công ăn việc làm, chỉ có mạng lưới hỗ trợ của Nhà nước là “lãng quên” họ (5).

Như vậy, vấn đề bây giờ là cơ quan quản lý sẽ sử dụng mạng lưới xã hội của những người lao động tự do như thế nào để cứu trợ nhanh nhất có thể.

Nếu coi cứu trợ COVID-19 là việc khẩn cấp nhất để đảm bảo giãn cách và ổn định xã hội, chính các tổ dân phố, công an khu vực rà soát mạng lưới của người lao động di cư trong địa bàn mình như chủ nhà trọ, các nhóm lao động làm chung thì sẽ nhanh chóng có danh sách đầy đủ. Việt Nam không sợ thiếu kinh nghiệm để tổ chức lấy thông tin kiểu này vì cho đến nay, cách điều tra dân số, phổ cập giáo dục, điều tra tiêm chủng vẫn được thực hiện tốt. 

Cách làm này cũng giúp đảm bảo ít sai sót trong cứu trợ, vì chính mạng lưới người lao động sẽ giúp xác thực thông tin. Tôi từng khảo sát “xóm chạy thận” của những bệnh nhân suy thận ở phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), nhiều năm nay họ nhận tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm, sau đó chia đều lại cho nhau mà không có “điều tiếng” gì nhờ vào cách tự tổ chức có sự giám sát chéo lẫn nhau.

Nếu ta có thể “truy vết” thần tốc nhờ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, thì tại sao cứu trợ COVID-19 lại không thể làm đột phá tương tự?

Mặt khác, việc cứu trợ bằng tiền mặt hoặc lương thực ở quy mô ngàn tỉ khẩn cấp trong một thời gian ngắn một vài tuần sẽ cần nhiều nhân lực mà Nhà nước không thể là một siêu tổ chức đi hết mọi ngõ ngách ngay. Hiện nay, vẫn có nhiều tổ chức, mạng lưới doanh nghiệp đang tự tổ chức cứu trợ, họ hoàn toàn có khả năng hỗ trợ Nhà nước trong việc triển khai hỗ trợ trực tiếp và cấp thời này. 

Bắc Giang là nơi cho ta một ví dụ tốt: trong đỉnh cao giãn cách vì dịch, họ đã bán hết nông sản ngoạn mục nhờ cách làm đột phá, lãnh đạo tỉnh và các sở chức năng, các huyện tổ chức mạng lưới thương nhân thu mua trong tình hình mới, không ngại gửi công văn đi các tỉnh, các cơ quan truyền thông, hiệp hội doanh nghiệp cùng hỗ trợ. ■

Nguồn:

1/ Nguyễn Mai Anh, Nghiên cứu quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP.HCM, tháng 12-2017.

 2/ Ngô Thị Kim Dung, nghiên cứu “Những vấn đề an sinh xã hội của người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức ở TP.HCM”. 

 3/ Do, Huyen Thanh (2021): Citizens’ Opinions of and Experiences with Government Responses to COVID-19 Pandemic in Vietnam, GLO Discussion Paper, No. 776, Global Labor Organization (GLO).

 4/ Nguyễn Việt Cường, Hộ gia đình cầm cự được trong bao lâu? (tính toán trước đợt giãn cách lần một tháng 4-2020), Tia Sáng, 2-4-2020.

 5/ Phạm Văn Quyết, Trần Văn Kham, Hòa nhập xã hội của những người di cư tại các đô thị ở Việt Nam, Xã hội học 2 (130), 2015, 45-58.

6/ Báo cáo Đánh giá nhanh tác động của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp và người lao động trong một số ngành kinh tế chính: Ứng phó, điều chỉnh và khả năng phục hồi (ILO).

Cuối tháng 3 vừa qua, Thái Lan tung gói hỗ trợ lần ba, trong đó khoảng 3 triệu người kinh doanh tự do, lao động tạm thời, lao động hợp đồng, và những người làm việc tự do không thuộc hệ thống an sinh xã hội nào nhận trực tiếp mỗi người 5.000 baht vào tài khoản, nếu không đủ sẽ được vay tiếp 10.000 baht/người với lãi suất 0,10%/tháng. Chính phủ Thái Lan cũng tung 2 tỉ baht phân bổ cho các tiệm cầm đồ do nhà nước quản lý trên toàn quốc, lãi suất cho các khoản vay ở các tiệm này sẽ không quá 0,125%/tháng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận