Đại dịch và đại dịch ảo

GS.TS NGUYỄN VĂN TUẤN (ÚC) 17/01/2010 21:01 GMT+7

TTCT - Ngày 11-6-2009, sau nhiều tuần xem xét và cân nhắc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố cúm A/H1N1 là một đại dịch. Nhưng bà tổng giám đốc WHO Margaret Chan cũng thêm một nhận xét rằng đại dịch này chỉ ở mức độ nghiêm trọng trung bình (moderate severity). Nói cách khác, không có gì phải cuống cuồng lên cả!


Ngay khi thông tin cúm A/H1N1 được nâng lên thành đại dịch vào tháng 6-2009, nhiều quốc gia đã tăng cường đặt hàng một lượng lớn thuốc Tamiflu - Ảnh: Reuters

Trước đây, khi dịch SARS và H5N1 bùng phát, trong khi giới truyền thông và một số chuyên gia trong các tổ chức y tế thế giới đưa ra những tiên đoán “rùng rợn”, người viết bài này có nhận xét rằng những xu hướng bùng phát như thế khó có thể trở thành đại dịch. 

Dịch cúm A/H1N1 tuy có diễn biến phức tạp, nhưng nếu khách quan nhìn vào những dữ liệu khoa học (có thể chưa đầy đủ), cũng khó nói rằng đây là một đại dịch nguy hiểm. 

Mỗi năm, kỹ nghệ dược chi 50 tỉ USD tiếp thị!

Sở dĩ thế giới, mà đặc biệt là phương Tây, quan tâm đến đại dịch là vì tiềm năng ảnh hưởng đến kinh tế. Năm 2006, Vụ Ngân sách thuộc Quốc hội Mỹ phân tích về tác động của một đại dịch đến nền kinh tế nước Mỹ.

Theo phân tích này, nếu một đại dịch xảy ra như đại dịch năm 1918 ở Tây Ban Nha có thể làm tổng sản lượng quốc dân giảm 4%, hay một đại dịch nhẹ hơn (như dịch cúm năm 1957 và 1968) cũng có thể làm giảm tổng sản lượng quốc dân khoảng 1%.

Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nếu một đại dịch xảy ra trên quy mô toàn cầu sẽ có thể tốn 3.000 tỉ USD và làm mất 5% tổng sản lượng thế giới, khoảng 70 triệu người có thể tử vong. Một số ước tính khác cho rằng con số thiệt hại kinh tế có thể hơn 4.400 tỉ USD. Cho đến nay, chúng ta biết rằng những tính toán và tiên đoán đó không xảy ra.

Vài tháng trước đây, trong khi tình hình dịch cúm A/H1N1 lan rộng ở nước ta và trên thế giới, Tamiflu trở nên một thương hiệu thuốc nổi tiếng. Giá thuốc đột ngột tăng nhanh chóng, gây nên tình trạng “cháy thuốc”. 

Trong thực tế có hai thuốc chống virus được sử dụng: đó là zanamivir (Relenza do Công ty Glaxo Wellcome bào chế) và oseltamivir (Tamiflu do Hoffman La Roche bào chế). Tuy nhiên, qua hệ thống truyền thông toàn cầu, công chúng chỉ nghe đến Tamiflu và rất ít ai biết đến thuốc Relenza!

Nhưng hai loại thuốc này có hiệu quả như nhau và rất khiêm tốn. Tổng hợp kết quả từ 44 nghiên cứu hiệu quả của Relenza và 18 nghiên cứu Tamiflu cho thấy hai thuốc này có hiệu quả giảm thời gian triệu chứng tương đương nhau.

Đối với bệnh nhân lớn tuổi, Relenza giảm thời gian triệu chứng khoảng 0,8 ngày so với nhóm không sử dụng thuốc; còn Tamiflu giảm 0,4 ngày. Đối với trẻ em, cả Relenza và Tamiflu giảm thời gian triệu chứng khoảng một ngày.

Ngay khi nhu cầu thuốc Tamiflu lên cao và bị “cháy” hàng, đã có nhiều người quan sát đặt câu hỏi về sự thật của đại dịch cúm A/H1N1. Những câu hỏi đặt ra là: tình trạng bùng phát và tỉ lệ tử vong như quan sát được có thật sự đủ bằng chứng để tuyên bố đây là một đại dịch, những thuốc như Tamiflu và Relenza có thật sự hiệu quả như giới truyền thông chuyển tải đến công chúng, và vai trò của các nhà sản xuất thuốc này trong việc nâng cao thang cấp đến một đại dịch?

Những lem nhem về vai trò của kỹ nghệ dược trong “đại dịch” cúm A/H1N1 mà báo chí đang phanh phui có lẽ không mới đối với những ai từng theo dõi vai trò của kỹ nghệ dược trong việc “sáng tạo” những bệnh mới. 

Thật vậy, trong quá khứ đã có nhiều nhà khoa học cáo buộc kỹ nghệ dược "sáng tạo" những bệnh mới mà trong thực tế chưa có cơ sở khoa học để định nghĩa đó là bệnh. Để quảng bá những bệnh mới, các công ty dược thường tạo nên những “bệnh danh” với những thuật ngữ mang tính nghiêm trọng và kèm theo những chữ viết tắt.

Chẳng hạn như triệu chứng tim nóng bừng (heartburn) trở thành “gastro - esophageal reflux disease” hay GERD; bất lực trở thành “erectile dysfunction” hay ED; các triệu chứng tiền mãn kinh trở thành “premenstrual dysphoric disorder” hay PMMD; thậm chí mắc cỡ, thẹn thùng (shyness) trở thành một bệnh danh rất nghiêm trọng là “social anxiety disorder” (tạm dịch là “rối loạn lo lắng xã hội”). Chú ý rằng những “bệnh” này ảnh hưởng đến rất nhiều người bình thường, và do đó thị trường cực kỳ lớn.

Theo một nghiên cứu công bố trên tập san PLoS Medicine, mỗi năm kỹ nghệ dược chi trên 50 tỉ USD cho các hoạt động tiếp thị, và trong số này 70% nhắm vào giới y khoa, kể cả các chiến lược tiếp thị dưới danh nghĩa khoa học. 

Tất nhiên, các công ty dược không phải là những nhà từ thiện, nhiệm vụ của họ là kinh doanh lấy lời và chiếm thị trường. Chính bệnh nhân là những người phải chi trả khoản chi tiêu khổng lồ này. Đó cũng là một giải thích tại sao giá thuốc ngày càng tăng cao.

Chẳng hạn như trên thế giới ngày nay, có ước tính cho rằng chỉ duy trì đủ một số thuốc phổ biến, căn bản và văcxin thì có thể cứu sống 10 triệu người mỗi năm. Nhưng nhiều công ty dược không thích những thuốc căn bản đó, vì họ muốn bán những thuốc mới và đắt tiền hơn (đồng nghĩa với lợi nhuận nhiều hơn).

Ngày 3-8-2009, một công ty văcxin của Trung Quốc (Sinovac) tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công văcxin ngừa cúm A/H1N1 đầu tiên trên thế giới. Mặc dù thông cáo báo chí của công ty đề cập đến “thành công”, nhưng trong thực tế không hẳn như thế. Ngay sau khi tuyên bố, giá thị trường chứng khoán của công ty này tăng một cách đáng kể. Do đó, đằng sau những thông tin mang tính khoa học cũng có yếu tố kinh tế và tài chính. 

Y học thực chứng

Các tập đoàn dược phẩm quốc tế có thị trường rất lớn, và họ cũng phải có trách nhiệm quan tâm đến thị trường. Đối với thị trường chứng khoán, thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Dịch cúm A/H1N1 có thể là một đại nạn cho thế giới, nhưng nhìn từ quan điểm kinh tế thì lại là một thị trường rất tốt! Người ta có thể phê phán kỹ nghệ dược tìm cách thổi phồng đại dịch cúm A/H1N1, nhưng nhìn từ quan điểm kinh tế và tiếp thị thì không có gì ngăn cản họ làm như thế, nhất là dưới danh nghĩa phòng ngừa dịch cúm.

Nếu có một thành phần đáng phê phán, đó chính là giới khoa học và y tế, vì lý do nào đó đã chạy theo những thổi phồng của kỹ nghệ dược mà không dựa vào bằng chứng khoa học.

Có lẽ kinh nghiệm và cũng là bài học lớn nhất đằng sau “đại dịch” cúm A/H1N1 là ngay cả những nhóm có uy tín lớn như WHO vẫn có thể sai lầm, và vẫn chịu sự chi phối của các thế lực kinh tế phía ngoài. 

Trong môi trường ảo và thật, và trong bối cảnh nhiễu thông tin như thế, phương tiện tốt nhất để đánh giá đúng tình hình là y học thực chứng. Chỉ có bằng chứng khoa học từ những nghiên cứu nghiêm chỉnh là những phát biểu trung thực nhất về quy mô và ảnh hưởng của một đại dịch. Các thông tin, tuyên bố, cho dù xuất phát từ các tổ chức thế giới, vẫn chỉ mang tính tham khảo chứ không thể nào thay thế phán đoán dựa vào lý trí.

Các chuyên gia chiến lược trong kỹ nghệ dược muốn thuyết phục công chúng rằng trên thế giới này chỉ có hai nhóm người: những người với bệnh cần điều trị bằng thuốc và những người chưa cần thuốc. Mặc dù chiến lược này xuất phát từ kỹ nghệ dược, nhưng nó không thể thành hiện thực nếu không có sự tiếp tay của giới khoa học, nhất là giới y khoa. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận