Đại học Dong Hwa - Một áng văn thiên nhiên của Đài Loan

TRẦN MINH HỢP 18/07/2023 11:04 GMT+7

Khuôn viên Đại học Dong Hwa được bao bọc bởi những cánh rừng và dãy núi, có các tòa kiến trúc đẹp in bóng xuống hồ nước giữa đồng cỏ xanh, đàn chim bay ngang bầu trời xanh biếc nhìn như đàn cá bơi qua rặng san hô dưới đáy biển.


Hồ Đông - thước cảnh đẹp nhất trong không gian Đại học Dong Hwa. Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Hồ Đông - thước cảnh đẹp nhất trong không gian Đại học Dong Hwa. Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Bước trong một "câu văn" thiên nhiên

Trong những chuyến đi sang phía Đông, nhiều người Đài Loan thích thưởng ngoạn phong cảnh Trường đại học Quốc Lập Đông Hoa (National Dong Hwa University) ở làng Chí Học, huyện Thọ Phong, tỉnh Hoa Liên. Dong Hwa là một trong những trường đại học nổi tiếng về khuôn viên rộng lớn và cảnh sắc trên bán đảo này. Ngôi trường độc đáo này được bao quanh bởi những rừng nhỏ và các rặng núi.

Trang web của trường miêu tả không gian Đại học Dong Hwa với những câu từ đậm chất văn chương: "Địa điểm chính của Đại học Dong Hwa, khu học đường Thọ Phong và phần đất khuôn viên rộng hơn 250ha là không gian đại học lớn nhất Đài Loan. Náu mình giữa hai rặng núi Duyên Hải, Trung Phần và vùng châu thổ sông Đu Đủ nguyên sơ, Dong Hwa hiện diện trong một cảnh quan thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng".

Được xây dựng trong chuỗi phong cảnh miền đông Đài Loan thôn dã yên ắng, Dong Hwa không chỉ là trường đại học với hương vị nhân văn mà còn là một khung cảnh thiên nhiên đẹp, hiền lành và nguyên sơ. Bước đi trong ngôi trường, như trôi trong văn cảnh, từ cửa sổ căng tin bên hồ nhìn ra tòa hành chính có kiến trúc cổ điển trong cơn mưa đầu mùa lất phất xiên ngang nhánh phượng khô. 

Mưa rơi nghiêng trên mặt hồ, thấm ướt trảng cỏ xanh như một bức màn vắt ngang dãy núi phía xa. Mùa đông, lá phong nhuộm nâu đỏ con đường trước cửa chính Học viện Nhân văn và Khoa học xã hội. Những đàn bồ câu chao liệng trên không trung xanh mịn của tòa nhà Học viện Khoa học và Công nghệ giống đàn cá đang nối đuôi bơi ngang qua rặng san hô dưới đáy đại dương trong vắt.

Tòa nhà Học viện Nhân văn và Khoa học xã hội của Đại học Dong Hwa. Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Tòa nhà Học viện Nhân văn và Khoa học xã hội của Đại học Dong Hwa. Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Mùa hoa trẩu nở trắng, một bác tài xế chở vật liệu xây dựng dừng lại chụp ảnh những cánh hoa đang rơi. Khi mùa đông về, lá của những hàng loan thụ chuyển đỏ, chuyển vàng như những bó hoa khổng lồ giữa không trung.

Tháng 3, hoa gạo nở đỏ con đường ngang Học viện Giáo dục, xác hoa đỏ rụng tạo ra chút âm thanh cho những ngày tĩnh lặng. Những con cò trắng ung dung nhảy nhót trên trảng cỏ xanh đuổi theo xe cắt cỏ đang nổ máy. Thỉnh thoảng, vài con gà lôi (linh vật của Đại học Dong Hwa) thong dong chạy trên mảng cỏ xanh, và tiếng chim hót từ những lùm cây rừng. Cuộc sống thiên nhiên thản nhiên diễn ra trong khuôn viên Dong Hwa.

Sân vận động Dong Hwa nằm giữa các mảnh rừng nhỏ nên bước chân của vận động viên trên sân như bay qua khoảng không màu xanh ngắt, giữa tiếng chim kêu và ánh nắng rọi qua những vòm cây.  

Vào ngày rằm, trăng tròn rạng ánh vàng nhú lên sau rặng cây như một tuyệt tác hoàng hôn. Dong Hwa vẫn còn những cánh rừng nhỏ im lặng, hoang vắng góp phần kể nên câu chuyện của một 'cuộc khai hoang' tri thức tại vùng đất phía đông Đài Loan.

Cầu hồ Đông - một dấu ấn kiến trúc ở Dong Hwa. Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Cầu hồ Đông - một dấu ấn kiến trúc ở Dong Hwa. Ảnh: TRẦN MINH HỢP

Cánh đồng mía Chí Học

Vùng đất Chí Học (Thọ Phong), nơi xây Đại học Dong Hwa tọa lạc, nguyên là một vùng nông thôn hẻo lánh với những cánh rừng được bao bọc giữa các dãy núi. Đây là vùng cư trú lâu đời của người bản địa Đài Loan mà triều đình Đại Thanh (Trung Quốc) không thể thiết lập bộ máy cai trị trong thời kỳ phong kiến. 

Thời kỳ Đài Loan công nghiệp hóa, trong chính sách phát triển công nghiệp mía đường của chính phủ Quốc Dân Đảng, làng Chí Học là những cánh đồng mía bạt ngàn xen lẫn cánh rừng hoang. Giai đoạn 1990, Đài Loan tiến hành các chính sách phát triển giáo dục đại học về mạn Đông của đảo để cân bằng với vùng Bắc Đài (trung tâm là Đài Bắc), Nam Đài (trung tâm là Đài Nam, Cao Hùng), Tây Đài (trung tâm là Đài Trung) và vùng Hoa Đông (Hoa Liên, Đài Loan). 

Thọ Phong có nắng ráo, khí hậu mát mẻ, mưa nắng hài hòa và là vùng bình nguyên đẹp với cỏ cây xanh tươi nên được chọn xây dựng Đại học Dong Hwa. Lịch sử Dong Hwa chép lại: có 106 gia đình đã hiến đất để xây trường.

Công trình đầu tiên của Dong Hwa không phải giảng đường mà là ký túc xá giảng viên và nhà trẻ. Các giáo sư sáng lập ngôi trường muốn tạo tinh thần an cư cho giảng viên trẻ từ các đô thị lớn về vùng Hoa Liên giảng dạy. Trường đại học Dong Hwa được xây dựng là một niềm vui và hạnh phúc lớn của người dân Thọ Phong khi dòng chảy tri thức đang chảy về quê hương của mình.

Nhiều giảng đường Dong Hwa được xây dựng theo phong cách kiến trúc của Âu Mỹ, là điểm độc đáo của không gian đại học ở Đài Loan. Màu sắc của các tòa nhà, học viện và ký túc xá được phối riêng biệt với màu của núi, cây cỏ và màu trời tạo ra một "bức tranh Dong Hwa" hài hòa, một "câu văn" trọn vẹn ở mạn đông Đài Loan.

Hương vị nhân văn, tri thức

Quang cảnh Dong Hwa trong những ngày cuối kỳ học thu. Ảnh: Website Trường đại học Dong Hwa

Quang cảnh Dong Hwa trong những ngày cuối kỳ học thu. Ảnh: Website Trường đại học Dong Hwa

Thăm thú không gian Đại học Đông Hoa còn là bước chân vào không khí nhân văn của học đường. Thư viện Dong Hwa có đỉnh tháp cao nhất vùng tựa một kiến trúc điển hình (landmark) của vùng Thọ Phong. Thư viện mở cửa cho cả người dân địa phương để họ được thụ hưởng giá trị của sách vở và giáo dục trên quê hương mình. 

Bước trong thế giới của những kệ sách dài tăm tắp, những chiếc đèn học và những gương mặt đang say sưa với sách vở như bước qua một lạch nước nhỏ cắt ngang dòng chảy cuộc sống căng cứng và ồn ào.

Hương vị nhân văn của giảng đường biệt lập với hương vị cuộc sống bên ngoài khiến cho những vẻ đẹp tinh thần trong mỗi người 'thức dậy'. Những gợn sóng tri thức xoa dịu cái áp lực đương thời, sống lại những hoài niệm thời đi học và làm ấm lại hoài bão tri thức trong tâm hồn của mỗi người.

Tỉnh Hoa Liên còn được xem là "khu vườn" của Đài Loan bởi thiên nhiên, không khí trong lành mang vẻ đẹp thanh khiết nguyên bản của vùng địa lý biển đảo. Đại học Dong Hwa - trong sắc dáng của một khu vườn đẹp - không đơn thuần là một trường đại học mà còn là một cảnh đẹp trong vùng cảnh đẹp Hoa Liên, kết nối với các thắng cảnh khác của địa phương như hồ Lý Ngư (Liyu Tan), vách Đá Thanh Thủy (Qingshui Duan Ya), thung lũng Taroko (Tailuge). ■

Du lịch không gian đại học

Theo các nhà nghiên cứu du lịch, du lịch không gian đại học (Campus tourism) là chiến lược tiềm năng. Khuôn viên đại học có thể là một điểm đến góp phần phát triển du lịch địa phương. Sự độc đáo của du lịch không gian đại học là sự hòa hợp của khung cảnh thiên nhiên và không khí nhân văn.

Học giả Simon Woodward (Đại học Leeds Beckett, Anh quốc) liệt kê ra các sản phẩm du lịch liên quan có thể tận dụng giá trị sinh thái - nhân văn của không gian đại học. Đó là sự kiện giáo dục, khóa đào tạo, khám phá phong cảnh trường, trải nghiệm không gian tri thức... hoặc tận dụng ký túc xá cho dịch vụ lưu trú và trải nghiệm.

Nhóm nghiên cứu của học giả Deqiang Cheng trong "Nghiên cứu cảnh quan Đại học Tứ Xuyên từ góc nhìn du lịch không gian đại học" chia sẻ: Sự khác lạ về phong cảnh, màu sắc, bầu không khí và các bối cảnh đặc trưng là những điểm căn bản để thu hút khách thưởng ngoạn không gian đại học. Những điểm đến như bảo tàng phòng trưng bày nghệ thuật, không gian văn hóa, kiến trúc và di sản của trường đều có thể trở thành điểm nhấn để tạo nên bản sắc không gian đại học.

Các học giả nghiên cứu về đại học cũng chỉ ra nhiều dạng khách du lịch có cảm hứng với du lịch không gian đại học. Đó là những bạn trẻ muốn thi vào đại học, người thân của sinh viên và giảng viên của trường, hoặc cha mẹ muốn nâng cao nhận thức về giá trị giáo dục cho con cái thông qua các di sản văn hóa giáo dục.

Bên cạnh đó còn có nhóm du khách có khuynh hướng trải nghiệm văn hóa, muốn hòa mình vào đời sống học thuật. Du lịch không gian đại học vừa có trải nghiệm giáo dục (khuyến khích du khách chú trọng việc học, đề cao tri thức) và trải nghiệm "trốn thoát" bằng cách ngập chìm trong cảnh sắc thiên nhiên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận