Đại học tư: Vẫn nhức nhối chuyện quyền sở hữu và minh bạch thông tin 

PHẠM THỊ LY 30/01/2018 23:01 GMT+7

TTCT - Làm sao để người học, những người bỏ tiền ra mua dịch vụ ở các ĐH tư, có quyền được thông tin đầy đủ và hiểu rõ chất lượng, giá trị của thứ mà mình sẽ mua?

mh

Đầu tuần này, một hội thảo chuyên đề về vấn đề đại học (ĐH) tư đã được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Tầm quan trọng và những đóng góp của khu vực ĐH tư đã được ghi nhận, song những vật lộn và bất ổn của khu vực này cũng đang đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách có những can thiệp sớm nhằm tạo điều kiện cho các trường ĐH tư phát triển lành mạnh, đóng góp tích cực cho cả hệ thống giáo dục ĐH.

Đóng góp của ĐH tư cho sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH không chỉ ở chỗ chia sẻ gánh nặng của ngân sách, mà còn làm cho hệ thống trở nên đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của người học.

Phục vụ nhu cầu thị trường - Có gì sai?

Vì hướng tới thị trường và phục vụ nhu cầu thị trường nên ĐH tư nhanh nhạy hơn, linh hoạt và đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi thay đổi thường xuyên của thị trường, nhất là khi các trường ĐH trong nước không phải chỉ cạnh tranh với nhau mà còn với các trường trong khu vực và trên thế giới, với bối cảnh toàn cầu hóa.

Thêm nữa, khi tiến bộ công nghệ diễn ra rất nhanh, tương lai trở nên khó dự đoán hơn, bản chất linh hoạt của ĐH tư càng là một ưu điểm quan trọng.

Các ĐH tư đã nhanh chóng cải thiện cơ sở vật chất, chương trình đào tạo để thu hút người học. Động lực thị trường là động lực mạnh mẽ nhất đã khiến các trường đa dạng hóa ngành học, tìm kiếm người giỏi, tăng cường quốc tế hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu của người học.

Tuy nhiên, thực tế là chất lượng của các ĐH tư không đồng đều. Có những trường có tầm nhìn xa, có vốn liếng và có khả năng đầu tư dài hạn, có thể vươn xa và đạt được những thành tựu đáng kể.

Nhưng cũng có những trường không kịp chuyển mình, trở thành yếu thế, không thu hút được người học, cạnh tranh bằng mức học phí thấp, không thể đảm bảo chất lượng, và vì chất lượng có vấn đề nên uy tín càng thêm giảm sút.

Gót chân Achillies của sở hữu 

Một trong những nguyên nhân quan trọng đã làm xói mòn năng lực của một số trường tư trong thời gian qua là tranh chấp nội bộ. Nguồn gốc sâu xa của các tranh chấp nội bộ này là vấn đề sở hữu.

Vấn đề sở hữu trở nên phức tạp là do hai nguyên nhân. Một là, lý do mà lịch sử hình thành giáo dục ĐH tư ở Việt Nam sau năm 1975 đã để lại: do các trường ngoài công lập đầu tiên ra đời đều là các trường dân lập và bán công, nguồn vốn vật chất ban đầu của các cá nhân sáng lập thường không lớn. Đóng góp chính của họ thời kỳ đầu là những thứ phi vật chất: chất xám, quan hệ, uy tín.

Các trường lớn dần nhờ tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động. Thêm vào đó, cơ cấu tổ chức thời đó khiến những người không đóng góp tài sản vật chất cũng có thể giữ những vị trí có tiếng nói quyết định. Vì thế, khi chuyển sang tư thục, tức là từ sở hữu tập thể chuyển thành sở hữu cá nhân, và cả khi đã chuyển thành tư thục, mâu thuẫn quyền lợi giữa các thành viên là khó tránh.

Lý do thứ hai là do bản chất phức tạp của trường ĐH tư với tư cách là điểm giao nhau giữa lợi ích công của xã hội và lợi ích tư của cá nhân, giữa trách nhiệm xã hội của nhà trường và động lực tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư, giữa những lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

Đó là chưa nói tới bối cảnh đặc biệt của Việt Nam, nơi mà chỉ cách đây một hai thập kỷ, giáo dục vẫn là độc quyền của Nhà nước, và tư nhân hóa giáo dục có thể gây ra ít nhiều lo ngại về vấn đề ý thức hệ. Chính sách của Việt Nam đối với giáo dục ĐH tư trong gần ba thập kỷ qua không ngừng bị giằng xé giữa những động lực mâu thuẫn ấy.

Sở dĩ vấn đề sở hữu có ý nghĩa cốt lõi đối với giáo dục ĐH tư bởi vì nó sẽ có ảnh hưởng tối hậu lên cơ chế ra quyết định của trường, vì thế quyết định cả hướng đi, mục tiêu lẫn cách thức nhà trường đạt được mục tiêu. Hơn thế nữa, nó liên quan trực tiếp đến vấn đề trường vì lợi nhuận (VLN) hay không vì lợi nhuận (KVLN), tức là liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn xã hội cho mục tiêu công lợi như thế nào.

Dự thảo sửa đổi Luật giáo dục ĐH đang được lấy ý kiến đến nay đã là phiên bản thứ ba (gọi tắt là Dự thảo 3). Cách xử lý của Dự thảo 3 là xem các trường ĐH tư thục VLN hoàn toàn như các doanh nghiệp, thể hiện qua việc coi đại hội đồng cổ đông (chỉ bao gồm tất cả thành viên góp vốn) là cơ quan quyền lực cao nhất của trường ĐH tư thục (điều 16a).

HĐQT của trường ĐH tư thục VLN, mặc dù được định nghĩa là “tổ chức đại diện cho thành viên góp vốn và các bên liên quan” (điều 17, khoản 2) nhưng thành viên của HĐQT lại chỉ bao gồm thành viên góp vốn (khoản 4). Khoản 6 lại quy định những thành viên không góp vốn thì không biểu quyết những vấn đề tài chính, tài sản. Như vậy, khoản 2, khoản 4 và khoản 6 mâu thuẫn nhau.

Dù vậy, Dự thảo 3 vẫn cho thấy một tinh thần chung là xem các trường VLN hoàn toàn như các doanh nghiệp, nghĩa là người góp vốn được xem là chủ sở hữu và có quyền quyết định cao nhất đối với nhà trường, giống như với các doanh nghiệp.

Đối với ĐH tư KVLN, việc đối xử với nó như một doanh nghiệp được xem là không ổn, theo quan niệm truyền thống về ĐH ở phương Tây, vì về bản chất ĐH tư KVLN gần với ĐH công. Dự thảo 3 đã có một số xử lý hợp lý trong việc phân biệt thiết chế tổ chức của trường ĐH tư thục VLN và ĐH tư thục KVLN. Ví dụ, khác với HĐQT của trường VLN chỉ gồm thành viên góp vốn, HĐQT của trường KVLN thể hiện rõ tính chất “đại diện của các bên liên quan”, vì thành phần bao gồm cả những người góp vốn, đại diện cho cộng đồng nhà trường, và đại diện cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, không có chỗ nào trong Dự thảo 3 định nghĩa thế nào là ĐH tư thục KVLN, và đặc biệt là không đề cập gì đến vấn đề sở hữu của loại trường này, cũng như những chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước.

Vấn đề sở hữu có ý nghĩa cốt lõi trong việc phân biệt ĐH tư VLN và KVLN. Sở dĩ cần phân biệt trường VLN và KVLN chính là vì nó nhằm vào mục đích xây dựng những chính sách khác nhau phù hợp với sứ mạng của các loại trường khác nhau.

Nếu chính sách đối với các trường KVLN không có ưu đãi gì đặc biệt, thì sự phân biệt VLN/KVLN thực sự không có ý nghĩa gì, ngoài việc xây dựng hình ảnh. Có nhiều nước không chính thức phân biệt trường VLN/KVLN là do trong thực tế rất khó kiểm soát việc các trường KVLN có thực sự KVLN hay không. 

Tuy nhiên, đã có sự phân biệt về mặt pháp lý giữa VLN/KVLN thì không thể không đề cập đến một đặc điểm cốt lõi: trường KVLN là thuộc sở hữu cộng đồng (không phải sở hữu tập thể), còn trường VLN là thuộc sở hữu tư nhân.

Phân biệt như vậy là để nguồn vốn xã hội đổ vào các trường KVLN qua hiến tặng, và nguồn ngân sách đổ vào qua các ưu đãi về thuế và đất đai không rơi vào tay của một nhóm cá nhân dưới danh nghĩa phục vụ cộng đồng xã hội.

Nếu phải mua thì phải biết rõ giá trị thứ mình mua 

Trường ĐH là một doanh nghiệp đặc biệt, vì dù được xác lập quyền sở hữu tư nhân, trong thực tế nó vẫn là một tổ chức của nhiều bên liên quan, hình thành và phát triển nhờ sự đóng góp của nhiều bên. Khả năng đóng góp hoặc gây tác hại của nó cũng ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài tới cả xã hội.

Vì thế, nếu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về minh bạch thông tin, thì trường ĐH tư VLN càng phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch hơn thế nữa.

Những nhà làm chính sách đã đưa ra khá nhiều thay đổi trong khung pháp lý cho ĐH tư theo hướng nới lỏng các quy định về quản trị nội bộ. Rất nhiều vấn đề trước đây được quy định cụ thể trong luật, nay được trao quyền quyết định cho nhà trường, như cho phép quy chế tổ chức và hoạt động của trường được quyết định nhiệm vụ và quyền hạn của ban kiểm soát; số lượng, cơ cấu và tiêu chuẩn thành viên HĐQT; tỉ lệ tài sản mà HĐQT có quyền quyết định không cần thông qua đại hội cổ đông...

Xu hướng nới lỏng kiểm soát đó nhằm bảo toàn sự linh hoạt của ĐH tư. Tuy nhiên, trong thực tế ĐH tư cũng gây ra nhiều lo ngại về chất lượng, là vì dịch vụ giáo dục ở bậc ĐH có tính chất bất đối xứng thông tin. Thêm vào đó, động cơ tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, tâm lý người học muốn nhanh, nhiều, tốt, rẻ... đã tạo ra chất lượng giáo dục thấp, làm xói mòn giá trị của tấm bằng ĐH.

Chính vì thế, các nhà làm chính sách cũng phải hứng chịu áp lực là siết chặt kiểm soát về chất lượng của các trường tư nhằm bảo vệ lợi ích của người học và của xã hội. Nhưng nếu siết chặt bằng các quy định ngặt nghèo thì khả năng linh hoạt của các trường sẽ bị tổn hại.

Nhiều nước trong khu vực để cho các trường tư tự quyết định những vấn đề quản trị nội bộ, nhà nước chỉ nắm chặt việc bảo vệ chất lượng học thuật thông qua hoạt động kiểm định hoặc các tổ chức/hiệp hội chuyên ngành.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là lĩnh vực Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ nhất trong những năm qua. Bộ tiêu chuẩn kiểm định được xây dựng dựa trên học hỏi kinh nghiệm quốc tế và lực lượng kiểm định viên, chuyên viên đảm bảo chất lượng đã được đào tạo là những điểm son đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, chất lượng của hoạt động kiểm định đáng tin cậy tới mức độ nào, những khuyến nghị của các đoàn kiểm định có thực sự được dùng để cải thiện hoạt động của các trường hay không vẫn là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Cái có thể cân bằng với việc giảm nhẹ những quy định ngặt nghèo của nhà nước nhằm tăng sự linh hoạt và khả năng đáp ứng của các trường chính là sự minh bạch về thông tin.

Thay cho việc rào chắn những hành vi không được hoan nghênh của các trường, nhà nước chỉ cần tạo ra một cơ chế minh bạch thông tin. Cũng cần chấp nhận rằng trường ĐH tư sẽ phục vụ cho nhu cầu của các tầng lớp khác nhau, với mức thu học phí khác nhau và chất lượng tất nhiên là cũng sẽ khác. Đó là điều bình thường.

Nhưng quan trọng là người học, những người bỏ tiền ra mua dịch vụ ở các ĐH tư, có quyền được thông tin đầy đủ và hiểu rõ chất lượng, giá trị của thứ mà mình sẽ mua. ■

Do tầm quan trọng của giáo dục ĐH tư và từ thực tế Việt Nam những năm qua, cần có một chương riêng trong Luật giáo dục ĐH để xử lý những vấn đề liên quan với ĐH tư, trong đó hai vấn đề cốt lõi là sở hữu và cơ chế minh bạch thông tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận