Đài Loan: Những thông điệp trước bầu cử

NGUYỄN THÀNH TRUNG 08/01/2024 08:57 GMT+7

TTCT - Cuộc bầu cử hâm nóng cục diện chính trị khu vực ngay đầu năm 2024 sẽ diễn ra vào thứ bảy ngày 13-1 tại Đài Loan, nơi dân số chỉ khoảng 23 triệu người nhưng lại có những lợi ích chiến lược quan trọng không chỉ với Trung Quốc và Mỹ.

Từ trái sang: các ông Hầu Hữu Nghi, Lại Thanh Đức, và Kha Văn Triết. Ảnh: Reuters

Từ trái sang: các ông Hầu Hữu Nghi, Lại Thanh Đức, và Kha Văn Triết. Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc bầu cử sắp tới sẽ có ý nghĩa trọng đại với quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan và quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai.

Năm 2023, tôi có gần một tháng nghiên cứu ở một trường đại học miền trung Đài Loan, và có cơ hội trò chuyện với nhiều người dân thuộc các tầng lớp khác nhau về mối quan hệ giữa hai bờ eo biển. Hầu hết họ đều nói muốn duy trì nguyên trạng mối quan hệ với Bắc Kinh và quan tâm nhiều hơn về tình trạng kinh tế của hòn đảo.

Quan hệ với Trung Quốc

Dù gì thì chính sách với Trung Quốc luôn là vấn đề trọng yếu trong các chiến dịch tranh cử ở Đài Loan, nhất là khi sức mạnh tương quan ngày càng lệch về phía đại lục. Bà Thái Anh Văn đã lãnh đạo Đài Loan hai nhiệm kỳ liên tiếp 8 năm qua và lần này không thể ra tranh cử. 

Hiện giờ thì ứng viên Lại Thanh Đức, người phó của bà Thái và đại diện của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền, đang có ưu thế.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất đăng tải trên cổng thông tin My Formosa ngày 21-12 cho thấy ông Lại đang dẫn đầu với 35,2%, ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân Đảng (KMT) đứng thứ hai với 32,1%, và ông Kha Văn Triết của Đảng Dân chúng (TPP) thứ ba với 19,7%. 

Giống như bà Thái, ông Lại được coi là nhân vật có đầu óc "ly khai" mà nếu thắng cử có thể làm quan hệ với Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Kể từ chiến thắng của bà Thái và DPP năm 2016, Trung Quốc đã đóng băng liên lạc chính thức với đảng này và gia tăng các biện pháp áp lực ngoại giao lẫn hoạt động quân sự.

Trong phát biểu trên truyền hình vào đêm giao thừa 31-12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói "sự nghiệp thống nhất Đài Loan" là vấn đề "tất yếu lịch sử". Ông nói thêm rằng "đồng bào" ở cả hai bờ eo biển sẽ chia sẻ vinh quang "phục hưng dân tộc" Trung Hoa. 

Đây cũng được coi là thông điệp ông Tập gửi đến cử tri Đài Loan trước cuộc bầu cử. Ngôn ngữ trong bài phát biểu năm nay được cho là mạnh mẽ hơn nhiều so với bài phát biểu năm ngoái của ông Tập khi ông chỉ nói về Đài Loan như "người một nhà" và vì thế cần hướng tới "sự thịnh vượng lâu dài".

Trong 5 cuộc bầu cử gần đây nhất, lãnh đạo của hai đảng lớn ở Đài Loan là KMT và DPP đối đầu trực tiếp và người chiến thắng là người giành được đa số phiếu. Năm nay, cuộc đua có hơi khác khi có thêm ông Kha Văn Triết của TPP, đảng mới thành lập năm 2019. 

Ông Kha hiện đang đóng vai trò "phá bĩnh" hơn là người thách thức thực sự, với lo ngại chính là từ phía KMT, bởi lập trường của ông gần với họ hơn, đồng nghĩa ông có thể lấy mất nhiều phiếu của họ hơn. Cần nhắc, bầu cử ở Đài Loan chỉ cần giành đa số tương đối, tức nhiều phiếu nhất (plurality) là thắng cử, chứ không cần đa số tuyệt đối (majority).

Hiện chiến dịch bầu cử của các đảng "bôi nhọ" lẫn nhau bằng cách mô tả KMT thân Trung Quốc và DPP ủng hộ độc lập đã khắc họa sai một thực tế phức tạp hơn nhiều. Quan điểm chung của cả ba ứng viên về quan hệ giữa hai bờ eo biển thật ra có nhiều điểm tương đồng: Tất cả đều ủng hộ "nguyên trạng", bác bỏ các tuyên bố độc lập chính thức, duy trì quan hệ với Mỹ và bác bỏ đề xuất "một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc.

Chỉ khi đi vào chi tiết thì mới có những khác biệt. KMT ủng hộ việc lôi kéo Trung Quốc và cố gắng không gây thêm căng thẳng, ít nhất là về mặt kinh tế. DPP thì nhấn mạnh mối đe dọa và cố gắng hạn chế lệ thuộc vào Trung Quốc. TPP trong khi đó đã lớn mạnh nhanh chóng nhờ lập trường thực dụng trong quan hệ với Trung Quốc và sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới trẻ.

Mỗi đảng đều cố gắng trấn an cử tri rằng chính sách với Trung Quốc của họ mới là đúng đắn. Ông Lại Thanh Đức đã khẳng định sẽ không theo đuổi độc lập như KMT cáo buộc, mà tiếp tục chính sách cân bằng của bà Thái Anh Văn. 

Ông Hầu Hữu Nghi tuyên bố ông có thể tối đa hóa lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc mà vẫn bảo vệ được lợi ích của Đài Loan. Còn ông Kha Văn Triết cho rằng ông là người tốt nhất có thể cân bằng mối quan hệ của Đài Loan với cả Mỹ và Trung Quốc.

Ông Lại Thanh Đức và bà Thái Anh Văn. Ảnh: Nikkei Asia

Ông Lại Thanh Đức và bà Thái Anh Văn. Ảnh: Nikkei Asia

Trong buổi tranh luận được truyền hình trực tiếp ngày 30-12, ông Lại Thanh Đức đã nhiều lần bị đối thủ "tấn công", cho rằng ngôn luận ủng hộ Đài Loan độc lập của ông, sẽ làm "tổn hại đến an ninh của Đài Loan". 

Ông Hầu Hữu Nghi cho rằng cuộc bầu cử này là sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh, và KMT là đảng của hòa bình, còn chính sách đối với Trung Quốc của DPP là quá liều lĩnh. Trong khi đó, DPP khẳng định Trung Quốc mới là quốc gia nguy hiểm nên Đài Loan cần tăng cường cải thiện quan hệ với Mỹ.

Vấn đề giới trẻ và phúc lợi

Ngoài vấn đề quan hệ với đại lục, mỗi ứng cử viên cũng đang thu hút cử tri theo cách riêng qua những hứa hẹn chính sách cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhưng cử tri Đài Loan xem ra vẫn còn rất nhiều nỗi lo. 

Người trẻ Đài Loan không làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay STEM lo lắng rằng họ sẽ không bao giờ có được việc làm tốt. Những người đóng thuế thì lo chính sách phúc lợi cho dân số đang già đi nhanh chóng của hòn đảo gây nhiều căng thẳng cho ngân sách. Nam thanh niên ưu tư về việc khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự kéo dài do căng thẳng giữa hai bên bờ eo biển.

Nhận thức được rằng cử tri đang ngày càng hoài nghi với giới tinh hoa chính trị salon, và cho rằng giới chính trị gia chóp bu không hiểu được nỗi lòng của cử tri bình thường, các ứng viên đều cố gắng tạo dựng hình ảnh xuất thân khiêm tốn. 

Ông Hầu Hữu Nghi, cựu cảnh sát và thị trưởng thành phố Tân Bắc, rất hay nói về xuất thân của ông: một gia đình kiếm sống bằng nghề buôn bán ở chợ thực phẩm. Còn ông Lại Thanh Đức ít khoe ông là bác sĩ và nghị sĩ, mà kể chuyện lớn lên với một bà mẹ góa bụa sau khi cha ông qua đời trong một vụ tai nạn khai thác mỏ.

Sau 8 năm, thành tích cầm quyền của DPP cũng có nhiều điểm đáng thất vọng, từ hiệu quả kinh tế, bê bối tham nhũng cho đến việc lạm dụng quyền lực của các nghị sĩ, dù về mặt chính sách đối ngoại họ xích lại gần hơn với Mỹ. ■

Nỗi lo xa rời quần chúng của cử tri là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào lý lịch hào nhoáng của các ứng viên liên danh. Bà Tiêu Mỹ Cầm, liên danh của ông Lại, học ở Mỹ và từng là đại diện của chính quyền Đài Loan tại Washington, là người yêu thú cưng và tự nhận mình là "chiến binh mèo" (để nhấn mạnh với đường lối "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc).


Còn người liên danh với ông Hầu là ông Triệu Thiếu Khang, cựu chủ tịch Tập đoàn Phát thanh truyền hình Đài Loan, và là nhân vật truyền hình nổi tiếng. Trong khi đó, bà Ngô Hân Doanh, phó của ông Kha, đã nổi tiếng từ lâu với biệt danh "công chúa của tập đoàn Tân Quang" thuộc gia tộc họ Ngô lừng lẫy Đài Loan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận